Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

https://tinhdoanqnam.vn


VĂN HÓA LÀ HỒN CỐT CỦA DÂN TỘC

VĂN HÓA LÀ HỒN CỐT CỦA DÂN TỘC
Trong bài “Quyết tâm chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc… Văn hóa còn thì Dân tộc còn”.
Tư tưởng này đã khái quát bài học kinh nghiệm lịch sử của dân tộc trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước và được tiếp tục kế thừa, phát huy trong thời đại Hồ Chí Minh để thực hiện khát vọng xây dựng một nước Việt Nam Độc lập - Tự do - Hạnh phúc, sánh vai với các cường quốc năm châu. Những giá trị đó phản ánh “lòng yêu nước nồng nàn, ý chí tự cường dân tộc, tinh thần đoàn kết, ý thức cộng đồng gắn kết cá nhân-gia đình-làng xã-Tổ quốc; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống”.
Có thể nói nền văn hóa Việt Nam là nền văn hóa “Vệ quốc vĩ đại”. Bảo vệ Tổ quốc, gắn với vận mệnh của Tổ quốc là lý tưởng, là lối sống của văn hóa Việt Nam. Nguyễn Trãi đã khẳng định một chân lý bất biến của văn hóa dân tộc là “Đem đại nghĩa để thắng hung tàn, Lấy chí nhân mà thay cường bạo”.
Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam đã trở thành giá trị văn hóa chủ đạo xuyên suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thông quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước.
Ý thức về độc lập dân tộc và chủ quyền của đất nước gắn liền với tình yêu, ý thức bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Từ hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, các thế hệ tiền nhân đã có ý thức rất rõ về bảo vệ và xây dựng nền văn hóa của một quốc gia độc lập, tự chủ. Các triều đại phong kiến Việt Nam đã luôn có ý thức về xây dựng nền văn hóa độc lập, tự chủ của dân tộc. Chính sách phát triển văn hóa dân tộc luôn luôn được quan tâm trong các giai đoạn lịch sử của thời kỳ độc lập, tự chủ, ngay cả trong những giai đoạn khó khăn nhất.
Tự hào về văn hóa dân tộc, luôn luôn chăm lo, vun đắp để kế thừa và phát triển văn hóa dân tộc trở thành một yêu cầu khách quan để bảo vệ và xây dựng đất nước. Mối quan hệ giữa văn hóa với dân tộc trở thành mối quan hệ gắn bó hữu cơ, mật thiết không thể tách rời. Chính sức mạnh văn hóa kết tinh ở chủ nghĩa yêu nước và tinh thần nhân đạo đã giúp dân tộc ta vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong chiến tranh chống xâm lược suốt trường kỳ lịch sử để khẳng định sự tồn tại của mình. Sức mạnh của dân tộc Việt Nam trước hết được thể hiện ở sức mạnh của văn hóa, sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tạo nên sự thống nhất về lý trí và tình cảm trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà không có thế lực nào, dù mạnh đến đâu cũng không thể khuất phục.
Trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, các giá trị văn hóa Việt Nam đã được khơi dậy và phát huy cao độ, góp phần tạo động lực tinh thần để nhân dân ta giành thắng lợi trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập nên nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Với đường lối văn hóa đúng đắn của Đảng, văn hóa dân tộc đã tham gia tích cực vào các cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc, giành lại độc lập tự do cho dân tộc, thống nhất đất nước. Tư tưởng của Hồ Chí Minh: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận” đã chiếu sáng và dẫn đường cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa mới.
Bước vào thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay), kế thừa và phát huy tư tưởng đề cao văn hóa, coi trọng văn hóa của dân tộc trong lịch sử và những kinh nghiệm trong lãnh đạo văn hóa thời kỳ cách mạng dân tộc, dân chủ, Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta đã xác định: “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển”.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng không chỉ xác định mục tiêu cụ thể trong nhiệm kỳ Khóa XIII mà còn hướng tới những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta trong những thập niên sắp tới. Trong 12 định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030, có định hướng: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.
Tư tưởng chỉ đạo “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc… Văn hóa còn thì Dân tộc còn” đã được thể hiện toàn diện và sâu sắc trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, bao quát từ chủ đề Đại hội tới các quan điểm, định hướng, nhiệm vụ phát triển và các đột phá để phát triển kinh tế-xã hội trong những năm tới.
Trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh đến vai trò, sứ mệnh của sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trong bối cảnh có những cơ hội và thách thức mới.
Tổng Bí thư yêu cầu: Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”; phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.
Để tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và quán triệt tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, nhất là tư tưởng “Văn hóa là hồn cốt của Dân tộc… Văn hóa còn thì Dân tộc còn”, toàn đảng, toàn dân và toàn quân ở các cấp, các ngành cần đẩy mạnh việc cụ thể hóa các giải pháp mà Văn kiện Đại hội XIII và Bài phát biểu của Tổng Bí thư nêu ra, tạo nên sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động để tạo động lực tinh thần mạnh mẽ và toàn diện cho sự nghiệp phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây