Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

https://tinhdoanqnam.vn


Mở rộng nẻo về

Không có con đường cùng. Cánh cửa sẽ mở, cho những người thực sự hối lỗi và sửa chữa sai lầm trong quá khứ để làm lại cuộc đời. Hơn nữa, trong hành trình đó, luôn có những cánh tay chìa ra để nẻo về của họ rộng mở hơn…


Tìm lại lối thiện

Một chiều ở trại giam An Điềm (xã Đại Hưng, Đại Lộc), Ngô Đức L., phạm nhân đang chấp hành án phạt trầm giọng kể về quãng đời tuổi trẻ lầm lỗi của mình trước hơn 200 đoàn viên thanh niên lên đây tổ chức hoạt động và phạm nhân trại giam. Từng có một tương lai xán lạn, nhưng rồi từ những xốc nổi của tuổi trẻ, lại quá tự tin vào khả năng của mình trong kinh doanh, L. dần mất kiểm soát, lâm vào nợ nần. Sai lầm nghiêm trọng của L. là không dừng lại để giải quyết vấn đề mà tiếp tục vay mượn để trả nợ với hy vọng sẽ vượt qua được bằng khả năng của mình. Nhưng kết quả là số nợ càng tăng và không thể trả được, L. bị kết tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, chấp nhận bản án tại trại giam An Điềm. Ở đó, L. có dịp nhìn nhận những điều mà thời gian trước mình đã bỏ qua, dành thời gian để suy nghĩ về lỗi lầm quá khứ. “Tôi cũng như anh em phạm nhân ở đây, ai cũng mắc sai lầm và phải trả giá. Quan trọng là biết cách đối diện với lỗi lầm của mình. Cải tạo là cách tốt nhất để mỗi chúng tôi học được bài học cuộc đời, đứng lên sau lần vấp ngã, nhận ra và biết tự tha thứ cho chính mình” - L. xúc động nói.

Những lời trò chuyện của L. nhẹ nhàng đến mức chúng tôi có cảm giác anh đang tự độc thoại với chính mình. Hết năm 2018 này L. chấp hành xong bản án. Cuộc sống không có “giá như”, nên với những lỗi lầm đã qua, L. tự dặn lòng đó cũng là bài học kinh nghiệm để mình không bao giờ mắc sai lầm thêm một lần nữa.

Phạm nhân trại giam An Điềm tham gia trò chơi cùng các bạn đoàn viên thanh niên. Ảnh: L.C
Phạm nhân trại giam An Điềm tham gia trò chơi cùng các bạn đoàn viên thanh niên. Ảnh: L.C

Phía dưới kia, hàng trăm thanh niên ngồi lắng nghe L. kể câu chuyện phần đời mình, một phần đời đã có bước đi lầm lỡ, và chắc không ít người đang tự nhìn ngẫm lại câu chuyện cuộc đời mình.

Thời gian trong trại là bản án khá nghiêm khắc, để đủ sức răn đe, giáo dục không chỉ L., mà nhiều phạm nhân khác biết nhìn lại cái sai của chính mình, tự mình rèn luyện chờ ngày trở lại với cuộc đời, với tương lai đang chờ phía trước. “Những ngày trong trại, chúng tôi, nhiều anh em phạm nhân ở đây đã nhận được sự quan tâm, động viên rất lớn từ cán bộ quản giáo. Sự nghiêm khắc nhưng đầy tình cảm của cán bộ trại giam giúp chúng tôi vượt qua được mặc cảm, chán nản, tự dặn mình phải cố gắng từng ngày để sớm trở về với gia đình, cộng đồng” - L. xúc động chia sẻ.

“Tôi mong rằng thanh niên chúng ta và toàn xã hội hãy dang tay đón những người lầm lỗi quay về để họ có cơ hội làm lại cuộc đời, được ở bên gia đình, ở lại địa phương, đóng góp cho xã hội và được xã hội ghi nhận”.
(Anh Nguyễn Xuân Đức - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh)

Không gian mà L. chia sẻ chuyện của mình giữa trại giam An Điềm là một phần trong chương trình “Thắp sáng ước mơ hoàn lương năm 2018” do Tỉnh đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh phối hợp với trại giam An Điềm tổ chức cho các phạm nhân vào giữa tháng 9 vừa qua. Câu chuyện của L. được tiếp nối bằng những lời sẻ chia của N.V., một thanh niên hoàn lương ở xã Quế Lâm (Nông Sơn). Từng chấp hành án phạt tù trở về, N.V. cho biết anh cũng đã tự có một quãng thời gian ngại ngùng, mặc cảm với bà con chòm xóm. Nhưng từ chính vòng tay ấm áp của gia đình, người thân, cùng với sự đồng hành của Đoàn thanh niên xã, anh đã dần hòa mình vào các hoạt động của địa phương, tham gia hoạt động đoàn..., từ đó tự tin, chín chắn hơn. Sau đó anh N.V. được giúp đỡ đăng ký đi làm việc có thời hạn ở Nhật Bản với mức thu nhập khá ổn định, để bây giờ hết hạn trở về anh đã có cho mình số vốn kha khá làm ăn. “Khi mới trở về từ trại giam, tôi đã từng nghĩ mình sẽ bị coi thường, bị xa lánh. Nhưng thực tế không phải vậy. Chính sự rộng lượng, ân cần của gia đình, xã hội đã giúp tôi vượt qua những suy nghĩ tiêu cực, biết trân trọng và nỗ lực hơn để hòa nhập với cuộc sống. Tôi như người vừa đi một chuyến đi dài của cuộc đời và bắt đầu lại. Mọi cố gắng đều sẽ được đền đáp, tôi nghĩ không chỉ riêng mình, mà bất kỳ anh em phạm nhân nào ở đây, đều đang được đón chờ, tạo điều kiện để quay về nẻo thiện” - anh N.V. tâm sự.

Hỗ trợ hoàn lương

Trong hành trình hoàn lương của các phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, có dấu ấn rất lớn của Đoàn thanh niên Công an tỉnh, trại giam An Điềm cùng các chi đoàn cơ sở. Như tên gọi của mình, những câu lạc bộ (CLB)  “Thắp sáng niềm tin” - một trong nhiều mô hình hỗ trợ người hoàn lương của Tỉnh đoàn, dần tạo được sức lan tỏa, sát cánh cùng nhiều thanh niên từng lầm lỗi, hướng họ về con đường làm ăn lương thiện, vươn lên trong cuộc sống. Ở xã Bình Lâm (Hiệp Đức), CLB “Thắp sáng niềm tin” tại địa phương thường xuyên kèm cặp, giúp đỡ, chia sẻ với thanh niên chậm tiến, thanh niên hoàn lương. Mỗi người một hoàn cảnh, đằng sau những lỗi lầm mà họ gây ra có cả câu chuyện dài về cuộc đời, về những bất hạnh mà họ đối diện. Vì thế, khi được lắng nghe, động viên, nhiều thanh niên hoàn lương vượt qua được cả sự tự ti lẫn cám dỗ của bạn bè xấu, biết dứt khoát rời bỏ với tệ nạn, thay đổi tích cực. Trong số họ, nhiều người trở thành thành viên năng nổ của CLB, tham gia công tác đoàn, hội, tự thân vươn lên phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Trần Hữu Ch. thuyết minh bức tranh chủ đề “Con đường hoàn lương” của mình. Ảnh: L.C
Trần Hữu Ch. thuyết minh bức tranh chủ đề “Con đường hoàn lương” của mình. Ảnh: L.C

Anh Nguyễn Xuân Đức - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam tỉnh chia sẻ, sau những lỗi lầm, nhiều thanh niên đã được pháp luật, các tổ chức xã hội giáo dục, cảm hóa và trở thành những thanh niên tiêu biểu, vươn lên trong cuộc sống. Nhiều người tiếp tục tham gia cùng địa phương trong các hoạt động phòng chống, ngăn ngừa tội phạm và tích cực tham gia tuần tra canh gác giữ gìn an ninh trật tự tại địa phương. “Ước mơ làm lại cuộc đời, trở thành người có ích cho gia đình, cho xã hội vẫn cháy bỏng trong lòng mỗi người. Tôi mong rằng thanh niên chúng ta và toàn xã hội hãy dang tay đón những người lầm lỗi quay về để họ có cơ hội được làm lại cuộc đời, được ở bên gia đình, ở lại địa phương, được đóng góp cho xã hội và được xã hội ghi nhận” - anh Đức nói.

Khá đông phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại giam An Điềm là người trẻ. Những xốc nổi thanh xuân trở thành sai lầm của cuộc đời họ. Nhưng ở trong trại giam vẫn có nhiều bàn tay chìa ra với họ. Đại tá Trần Ngọc - Phó giám thị trại giam An Điềm tâm sự, trong công tác quản lý, giáo dục phạm nhân, nhất là đối với phạm nhân trong độ tuổi thanh niên, Ban giám thị thường xuyên thông tin về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; giáo dục đạo đức lối sống, tác phong sinh hoạt hàng ngày, giúp phạm nhân hiểu được giá trị lao động chân chính do bản thân và người khác làm ra. “Chúng tôi đã phối hợp mở nhiều lớp nghề nề hoàn thiện, điện dân dụng, nông lâm cho phạm nhân. Nhiều công trình ở trại giam do bàn tay các phạm nhân xây nên, như đường bê tông, công trình thể thao. Chế độ chính sách, vui chơi giải trí, khám chữa bệnh được thực hiện tốt, tạo điều kiện cho phạm nhân yên tâm chấp hành án, sớm trở về hoàn lương, sum họp gia đình” - Đại tá Trần Ngọc thông tin.

Chúng tôi như lắng lại trước bức tranh của Trần Hữu Ch., một phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại trại giam An Điềm với chủ đề “Con đường hoàn lương”. Trong bức tranh, qua những nét vẽ thô mộc, là ước mơ cháy bỏng của Ch. và nhiều phạm nhân khác, khi chấp hành xong án, bước ra khỏi cổng trại trở về với gia đình. Phía bên kia cánh cổng, chắc chắn Ch. và nhiều phạm nhân khác sẽ không đơn độc. Luôn có rất nhiều bàn tay chìa ra chờ đón họ trở về…

Ghi chép của THÀNH CÔNG - MỸ LINH

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây