Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

https://tinhdoanqnam.vn


Xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng chính thức được nhấn mạnh như một nhiệm vụ kinh tế nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển của Việt Nam trở thành quốc gia giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.
Xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế

 

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn bó mật thiết với giữ vững các cân đối lớn đi đôi với bảo đảm an ninh kinh tế. Các cân đối lớn trở thành một trong những biện pháp để bảo đảm tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế. Điều này là phù hợp với chuẩn mực của một nền kinh tế thị trường hiện đại. Các cân đối lớn phản ánh trình độ, tiềm lực của nền kinh tế. Điều đó có nghĩa rằng, khi các cân đối lớn không được bảo đảm, nguy cơ lệ thuộc hoặc bị tác động bởi nhân tố từ bên ngoài có thể sẽ xảy ra. Cho nên, cần phải coi các cân đối lớn là một nội hàm của biện pháp xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ được thể hiện trong việc nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là mối quan hệ biện chứng, có ý nghĩa bổ sung tạo tiền đề thúc đẩy lẫn nhau. Nền kinh tế có nội lực mạnh sẽ thúc đẩy nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế. Đến lượt mình, khi hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế được nâng cao sẽ tạo tiền đề để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Điều đó thể hiện sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, phát huy tối đa nội lực với tranh thủ ngoại lực để xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh mới.

Lễ ký kết Hiệp định CPTPP tại TP. Santiago, Chile, ngày 8/3/2018. Ảnh: Internet.

Xây dựng hệ thống phòng vệ để bảo vệ nền kinh tế, doanh nghiệp trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế. Mở rộng hội nhập, tăng cường chiều sâu của hội nhập, đồng thời đòi hỏi có các biện pháp phòng vệ, bảo vệ doanh nghiệp và thị trường là hai mặt của cùng một vấn đề. Thực tiễn cho thấy, không có quốc gia nào thực hiện hội nhập một cách chủ động mà thiếu cân nhắc hợp lý về một hệ thống phòng vệ thỏa đáng để bảo vệ sản xuất và thị trường trong nước. Vì vậy, việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế đi đôi với xây dựng hệ thống phòng vệ để bảo vệ chính đáng cộng đồng doanh nghiệp, thị trường trong nước là phù hợp với xu thế chung của thế giới, phù hợp với một nền kinh tế ở trình độ phát triển còn thấp như của Việt Nam.

Xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ nhằm nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ lãnh đạo,quản lý, năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị quốc gia. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ hoạt động trong môi trường quốc tế và tham gia giải quyết các tranh chấp quốc tế nhằm bảo vệ lợi ích của Việt Nam ngày càng được đặt ra cấp thiết.

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011-2020) đã góp phần quan trọng tô đậm thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của 35 năm đổi mới, làm cho đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đặc biệt, qua 2 năm (2020 -2021) thực hiện mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi kinh tế” đã minh chứng những kết quả quan trọng về các cân đối lớn của nền kinh tế; nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế; về thể chế phát triển và môi trường kinh doanh; về phát triển con người, phát triển nguồn nhân lực và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam còn một số hạn chế, yếu kém như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra; cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm; chưa phát huy được đầy đủ, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế phát triển; hoạt động sản xuất kinh doanh trong nhiều lĩnh vực vẫn chủ yếu đang ở phân khúc thấp trong chuỗi giá trị; tỷ lệ tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu chưa cao. Trình độ khoa học, công nghệ quốc gia nhìn chung còn khoảng cách so với nhóm đầu khu vực…

Độc lập, tự chủ của quốc gia đòi hỏi Việt Nam phải có một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Ảnh minh hoạ.

Từ hiện trạng đó,để xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần phải tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện thể chế nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn để doanh nghiệp Việt Nam nhanh chóng lớn mạnh, trở thành nòng cốt của nền kinh tế đất nước. Doanh nghiệp Việt Nam là lực lượng xung kích tạo ra của cải, vật chất, việc làm, đóng góp nguồn lực cho ngân sách, cũng là lực lượng chủ lực tham gia hội nhập kinh tế quốc tế trong điều kiện mới. Việc tháo gỡ những điểm nghẽn về thể chế cần được thực hiện khẩn trương, tích cực nhằm thúc đẩy sự gia tăng số lượng doanh nghiệp, đồng thời từng bước nâng cao trình độ, quy mô các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ; ngày càng có nhiều hơn những doanh nghiệp vừa, doanh nghiệp lớn, những doanh nghiệp có khả năng dẫn dắt ngành, lĩnh vực, đủ sức tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Phấn đấu đến năm 2030, môi trường kinh doanh của Việt Nam được xếp vào nhóm 30 quốc gia hàng đầu.

Thứ hai, từng bước hoàn thiện các thể chế phòng vệ phù hợp với thể chế quốc tế để bảo vệ lợi ích doanh nghiệp, người dân Việt Nam và thị trường trong nước. Việc am hiểu một cách thấu đáo những khía cạnh của các quy định đa phương, song phương, từ đó điều chỉnh hệ thống thể chế phòng vệ trong nước phù hợp là thách thức lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp cũng như bản thân các cơ quan quản lý. Vì vậy, tích cực triển khai xây dựng các thể chế phòng vệ phù hợp là việc làm vừa có ý nghĩa trước mắt, vừa có ý nghĩa lâu dài đối với xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ. Do đó, vai trò “bà đỡ” của Nhà nước đối với cộng đồng doanh nghiệp không thể thực hiện được một cách đơn giản theo ý muốn chủ quan, mà cần thông qua một hệ thống thể chế phòng vệ mạnh, có chất lượng, phù hợp thông lệ thế giới để xây dựng nền kinh tế độc lập.

Thứ ba, xây dựng nền quản trị hiện đại, phục vụ doanh nghiệp, phục vụ nhân dân. Đổi mới tư duy quản lý, quản trị quốc gia từ kiểm soát, cho phép (tiền kiểm) sang phục vụ thúc đẩy phát triển (hậu kiểm). Trong quản lý, điều hành những gì vướng mắc về mặt quy định của văn bản quy phạm pháp luật, được phép xử lý linh hoạt, năng động vì lợi ích chung, hoặc là có cơ chế thử nghiệm. Đẩy nhanh xây dựng chính quyền điện tử, tiến tới Chính phủ số. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, thúc đẩy phát triển mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, xã hội số. Cho phép thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới, thúc đẩy triển khai và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới. Phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh hội nhập và hợp tác quốc tế về khoa học, công nghệ; phát triển mạng lưới kết nối nhân tài người Việt.

Thứ tư, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ am hiểu sâu về môi trường quốc tế. Sự khó khăn nhiều mặt trong việc am hiểu môi trường quốc tế có thể khắc phục được khi chúng ta có được đội ngũ nhân lực tham gia hoạt động trong môi trường quốc tế đủ mạnh, đủ đức, đủ tài. Muốn vậy, cần xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đặc biệt chú trọng đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế. Đổi mới chế độ tuyển dụng, sử dụng, trọng dụng nhân tài trong quản lý, quản trị nhà nước, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, đãi ngộ, thu hút nhân tài cho hội nhập quốc tế.

Việt Nam được đánh giá là đang ở thời điểm rất quan trọng để hoàn thành “mục tiêu kép”, chuyển mình phát triển nhanh và bền vững; xây dựng được nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế sẽ đạt được mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đề ra.

Anh Nguyễn

Nguồn tin: Việt Nam thịnh vượng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây