Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

https://tinhdoanqnam.vn


Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện đảng viên hiện nay

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện đảng viên hiện nay
(HCM.VN) - Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến giáo dục, rèn luyện và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên. Bởi hơn bao giờ hết: “Đảng viên tốt thì chi bộ mới tốt. Muốn đảng viên tốt thì chi bộ phải thường xuyên giáo dục mỗi đồng chí”(1). Vì vậy, giáo dục, rèn luyện đảng viên có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong “cải tạo con người cũ, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa”.
 

 

 Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các giáo sư, cán bộ giảng dạy 
các trường ĐH và THCN (12/1958). Ảnh tư liệu

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thiện, ác vốn chẳng phải là bản tính cố hữu, phần lớn đều do giáo dục mà nên”(2). Nếu đảng viên không được giáo dục, rèn luyện tốt, khi đã có quyền lực trong tay, rất dễ bị chủ nghĩa cá nhân lấn át, họ sẽ lợi dụng chức quyền để tư lợi cá nhân. Do đó, Người yêu cầu mỗi đảng viên dù ở cương vị gì, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cũng phải luôn luôn ra sức phấn đấu, ra sức làm việc, cố gắng học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, trình độ lý luận, trình độ văn hóa, tri thức của mình. Đảng viên phải biết đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết, trước hết; kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, bởi chủ nghĩa cá nhân là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội, là nguồn gốc sinh ra các bệnh quan liêu, cửa quyền, công thần, kiêu ngạo, tham ô, lãng phí và bao điều xấu xa khác; phải bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện, phát huy những mặt tốt, những nhân tố tích cực, đồng thời khắc phục những mặt chưa tốt trong mỗi người đảng viên. Theo Người: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa Xuân và phần xấu bị mất dần đi, đó là thái độ của người cách mạng”(3). Người yêu cầu đảng viên phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ, bởi “đảng viên tốt thì chi bộ tốt, chi bộ tốt thì Đảng vững mạnh và lãnh đạo cách mạng thắng lợi”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở việc giáo dục, rèn luyện đảng viên của một số cấp ủy, tổ chức đảng còn làm theo mùa vụ, thiếu tích cực, thiếu chủ động, thường xuyên, chưa có chương trình, kế hoạch toàn diện và lâu dài. Một số cấp ủy chưa quan tâm đến việc giáo dục đảng viên, có nơi đã khoán trắng việc giáo dục đảng viên cho cán bộ tuyên giáo. Từ thực tiễn công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ta hiện nay, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII chỉ rõ: “Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của không ít tổ chức đảng còn thấp, thậm chí có nơi mất sức chiến đấu; công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên ở một số nơi chưa được quan tâm thường xuyên”(4). Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa được đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp, nguy hiểm khôn lường. Vì thế, các cấp ủy, tổ chức đảng phải quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong giáo dục, rèn luyện nâng cao phẩm chất, năng lực, trình độ lý luận và năng lực hoạt động thực tiễn; tăng cường tính tổ chức và tính kỷ luật của đảng viên. Giáo dục, rèn luyện đảng viên, giúp họ rửa sạch những “thói hẹp hòi, phô diễn, tự đại, ỷ lại, lười biếng, nhút nhát, hủ hóa”. Giáo dục, rèn luyện đảng viên phải kiên trì, bền bỉ, thường xuyên, liên tục. Hồ Chí Minh khẳng định: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”(5). Vì vậy, giáo dục, rèn luyện đảng viên phải là quá trình “luyện vàng”. Đảng viên phải vì Đảng, vì dân mà phấn đấu rèn luyện nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Nghiên cứu, học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong nâng cao chất lượng giáo dục, rèn luyện đảng viên hiện nay, là công việc rất quan trọng và cấp thiết, theo đó cần thực hiện tốt những biện pháp cơ bản sau:

Một là, tuyên truyền, phổ biến, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục, rèn luyện đảng viên.

Tổ chức nghiên cứu một cách cơ bản, hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Đảng, về vị trí, vai trò, tiêu chuẩn, nhiệm vụ, yêu cầu phẩm chất, năng lực, đức và tài của người đảng viên cộng sản; về vị trí, vai trò, ý nghĩa, tác dụng, sự cần thiết phải giáo dục, rèn luyện đảng viên. Tuyên truyền, phổ biến sâu rộng tư tưởng Hồ Chí Minh về vị trí, vai trò, vinh dự, trách nhiệm của người đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, làm cho đội ngũ đảng viên thấy rõ niềm vinh dự, tự hào được đứng trong hàng ngũ của Đảng, nâng cao trách nhiệm giữ vững danh hiệu đảng viên, quyết tâm học tập, rèn luyện, phấn đấu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về tiêu chuẩn, quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của người đảng viên, đặc biệt là tư tưởng Hồ Chí Minh về đảng viên vừa là người lãnh đạo vừa là “người đầy tớ”, “công bộc” trung thành của nhân dân; “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, “cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, cái gì có hại cho dân thì hết sức tránh”. Truyên truyền, phổ biến làm cho đội ngũ đảng viên nắm chắc, vận dụng linh hoạt, sáng tạo, học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức chăm lo bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên trước hết là về đạo đức cách mạng, “Cũng như sông thì phải có nguồn mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân”(6). Tư tưởng Hồ Chí Minh về chuẩn mực đạo đức cách mạng của đảng viên là trung với nước, hiếu với dân; dũng cảm, không sợ khó khăn, gian khổ, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ; chiến thắng chủ nghĩa cá nhân, biết hy sinh vì lợi ích cá nhân để phục tùng lợi ích tập thể, lợi ích của Tổ quốc, cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; khiêm tốn, không tự cho mình là tài giỏi, không khoe công, tự phụ; có tinh thần đoàn kết hữu nghị, tương thân, tương ái với quần chúng nhân dân lao động, với các dân tộc bị áp bức và bạn bè bốn biển, năm châu. Việc bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của đảng viên phải thường xuyên, liên tục, kiên trì, bền bỉ, suốt đời. Phải bồi dưỡng, giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên theo những chuẩn mực đạo đức cách mạng, đồng thời phải  loại bỏ cái xấu, cái sai, vô đạo đức. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quét sạch chủ nghĩa cá nhân và các phong trào chống tham ô, lãng phí, quan liêu, thực hành tiết kiệm (1952); phong trào “Ba xây, ba chống” (1963) do Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động đã thể hiện rõ phương pháp giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ đảng viên.        

Hai là, phát huy vai trò trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng và các lực lượng tiến hành công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh 

Chất lượng, hiệu quả giáo dục, rèn luyện đảng viên là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, của nhiều tổ chức, lực lượng, trong đó vai trò của cấp ủy, tổ chức đảng luôn là nhân tố quyết định. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Các cấp ủy phải quan tâm hơn nữa đến việc giáo dục đảng viên. Từ nay trở đi công tác giáo dục đảng viên phải là một điều quan trọng trong chương trình công tác của cấp ủy”(7). Do đó, các cấp ủy, tổ chức đảng và các lực lượng phải có nhận thức đúng đắn và quyết tâm hành động, hiểu rõ được tầm quan trọng, tính cấp thiết của nhiệm vụ giáo dục, rèn luyện đảng viên hiện nay theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chặt chẽ các nội dung, hình thức, biện pháp quy trình giáo dục, rèn luyện đảng viên. Các cấp ủy, chi bộ với tư cách là chủ thể trực tiếp quản lý, giáo dục, rèn luyện và phân công công tác cho đảng viên. Vì vậy, chi ủy, chi bộ phải chủ động xây dựng và tổ chức thực hiện các kế hoạch, nội dung, chương trình giáo dục, rèn luyện cụ thể đối với từng đảng viên; vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp giáo dục, rèn luyện đảng viên. Thường xuyên quản lý chặt chẽ toàn diện đội ngũ đảng viên, chú trọng quản lý, nắm vững các mối quan hệ xã hội nơi đảng viên công tác và cư trú. Mặt khác, từng đảng viên phải tích cực, chủ động, sáng tạo trong tự giáo dục, tự rèn luyện. Khắc phục kịp thời những biểu hiện buông lỏng sự lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu trách nhiệm trong công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên.                

Ba là, tăng cường công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ động ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ đảng viên.

Đây là nội dung trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất trong công tác xây dựng Đảng hiện nay. Để đội ngũ đảng viên xứng đáng là “người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”, các cấp ủy, tổ chức đảng phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ công tác tuyên truyền, giáo dục cho mọi đảng viên nhận thức sâu sắc về mục đích, lý tưởng của Đảng, về phẩm chất đạo đức, tư cách người đảng viên cộng sản gắn liền với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Thường xuyên tuyên truyền, cung cấp thông tin kịp thời, có tính định hướng đúng đắn về tình hình quốc tế, trong nước, âm mưu và hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch để nâng cao cảnh giác cách mạng, sức “đề kháng”, khả năng “miễn dịch” cho đảng viên. Kịp thời thông tin về những biểu hiện và mức độ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống để đảng viên chủ động phòng ngừa, phát hiện, phê phán, đấu tranh. Mặt khác, phải làm tốt công tác quản lý đảng viên nơi công tác và quản lý đảng viên ở nơi cư trú; quản lý các mối quan hệ xã hội của đảng viên để chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong đội ngũ đảng viên. Kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi mọi biểu hiện tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ đảng viên.

Bốn là, phát huy tính tích cực tự giáo dục, tự rèn luyện của đảng viên theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Đây là biện pháp quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên hiện nay. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: Muốn giáo dục nhân dân, làm cho mọi người đều tốt cả thì cán bộ, đảng viên phải tự giáo dục và rèn luyện hằng ngày. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, một số đảng viên do không tích cực, chủ động tự giáo dục, tự rèn luyện để nâng cao phẩm chất, năng lực nên đã rơi vào “cạm bẫy” của tiền tài, vật chất, danh lợi, địa vị. Quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện của mỗi đảng viên phải kiên trì, bền bỉ như “chèo thuyền ngược nước”, nếu lơi lỏng, “buông chèo” thuyền sẽ bị “đẩy trôi” thụt lùi,  thậm chí bị “lật thuyền”. Mỗi đảng viên phải tích cực, tự giác học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chủ động xây dựng và thực hiện kế hoạch phấn đấu cụ thể, tỉ mỉ, thiết thực; biến quá trình giáo dục, rèn luyện của tổ chức thành quá trình tự giáo dục, rèn luyện, tự hoàn thiện bản thân ở mọi lúc, mọi nơi. Từng đảng viên phải tích cực, chủ động, kiên trì tự tổ chức, tự kiểm tra, tự kiểm điểm, tự soi, tự sửa lại mình, cái gì tốt thì phát huy, cái gì hạn chế, khuyết điểm thì khắc phục, sửa chữa, cái gì xấu, sai thì tự gột rửa, tự sửa mình; tuyệt đối không được xem nhẹ, hoặc trông chờ, ỉ lại. Kiên quyết khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, loại trừ những thói hư, tật xấu, những hành vi phi đạo đức ra khỏi bản thân, hình thành nên những thói quen, hành vi có đạo đức, có văn hoá và ứng xử tốt đẹp. Phải “Phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị”(8). Các cấp uỷ, tổ chức đảng phải thường xuyên động viên, khuyến khích, tạo mọi điều kiện để cán bộ, đảng viên phát huy tính tích cực, tự giáo dục, tự rèn luyện, để thực sự là những tấm gương sáng về “cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư”, ở mọi nơi, mọi lúc, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Kiên quyết đấu tranh quét sạch chủ nghĩa cá nhân, lối sống cơ hội, thực dụng, bè phái, “lợi ích nhóm”, nói không đi đôi với làm, gây mất đoàn kết trong Đảng.

Năm là, thường xuyên làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên

Thực hiện tốt quan điểm chỉ đạo của Đại hội Đảng lần thứ XII về “đổi mới cách thức quán triệt, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Đảng, bảo đảm tính hiệu quả” trong công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên, các cấp ủy, chi bộ, cán bộ chủ trì cơ quan, đơn vị phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, đánh giá khách quan, toàn diện và khoa học từng khâu, từng bước của quá trình giáo dục, rèn luyện đảng viên. Phát huy dân chủ, tự phê bình và phê bình, xác định đúng những ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân; trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân có liên quan; làm tốt công tác biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc. Sau mỗi đợt sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, các cấp ủy, chỉ huy, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục định hướng tư tưởng, giáo dục đảng viên tiếp tục phấn đấu rèn luyện theo gương người tốt, việc tốt, tập thể điển hình tiên tiến; động viên; cổ vũ, giúp đỡ những đảng viên vi phạm phấn đấu sửa chữa khuyết điểm để tiến bộ. Khắc phục mọi biểu hiện hình thức, giấy tờ, hội họp quá nhiều hoặc chiếu lệ làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, rèn luyện đảng viên.

Thực hiện đồng bộ các biện pháp trên là khâu “đột phá” tạo nên sự chuyển biến vững chắc về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, phong cách của đội ngũ đảng viên hiện nay, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân như lời căn dặn trong Di chúc thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

 

(1) Hồ Chí Minh (1966), Bài nói tại Hội nghị tổng kết ba năm xây dựng chi bộ và đảng bộ cơ sở “Bốn tốt” , Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.101.

(2) Hồ Chí Minh, Nửa đêm , Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.143.

(3) Hồ Chí Minh (1968), Ý kiến về việc làm và xuất bản loại sách “Người tốt, việc tốt” , Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.672.

(4), (8) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII , Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.192; tr.203.

(5) Hồ Chí Minh (1958), Đạo đức cách mạng , Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.612.

(6) Hồ Chí Minh (1947), Sửa đổi lối làm việc , Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, t.292.

(7) Hồ Chí Minh (1966), Bài nói ở lớp huấn luyện đảng viên mới , Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.117.

Thượng tá, Th.S Nguyễn Xuân Quang

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây