Lan tỏa “Bình dân học vụ số”
Hưởng ứng phong trào “Bình dân học vụ số”, tuổi trẻ Quảng Nam đã triển khai nhiều mô hình sáng tạo nhằm phổ cập kiến thức số đến cộng đồng.
Anh Nguyễn Văn Thuận - Bí thư Đoàn xã Duy Vinh (Duy Xuyên) cho biết, Tháng thanh niên năm nay, bên cạnh thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát thì việc triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” được Đoàn xã đặc biệt quan tâm. Đơn vị xác định phong trào “Bình dân học vụ số” không chỉ là hoạt động hỗ trợ người dân mà còn là cơ hội để chính thanh niên được học tập, làm quen và làm chủ công nghệ.
“Các lớp tập huấn kỹ năng số được thiết kế đơn giản, dễ hiểu, sát với nhu cầu thực tế của bạn trẻ ở nông thôn. Từ chỗ e ngại, thiếu tự tin khi tiếp xúc với công nghệ, nhiều bạn nay đã trở thành những “trợ lý công nghệ” trong cộng đồng - biết khai thác công nghệ phục vụ học tập, truyền thông, thậm chí bước đầu ứng dụng vào khởi nghiệp và phát triển kinh tế cá nhân” - anh Thuận nhấn mạnh.
Là lực lượng nòng cốt của hơn 1.200 tổ công nghệ số cộng đồng, thanh niên Quảng Nam đã đẩy mạnh phong trào “Bình dân học vụ số” với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số phục vụ đời sống.
Cụ thể như hướng dẫn cài đặt và sử dụng ứng dụng định danh điện tử VNeID, tích hợp thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội số VssID, thanh toán không dùng tiền mặt, thực hiện các thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tra cứu thông tin y tế, giáo dục và phòng tránh lừa đảo trên không gian mạng…
Không dừng lại ở việc hỗ trợ kỹ thuật đơn thuần, các bạn trẻ còn kiên trì giải thích cho người dân hiểu về lợi ích, tính tiện lợi và an toàn của việc sử dụng công nghệ số trong đời sống hằng ngày. Nhiều buổi truyền thông, hướng dẫn tập trung hoặc cá nhân hóa tại từng hộ gia đình đã được tổ chức vào buổi tối - thời điểm người dân rảnh rỗi sau giờ lao động.
Chị Bùi Thị Ánh Tuyết - Bí thư Đoàn xã Tam Đại (Phú Ninh) cho biết: “Do người dân trên địa bàn chủ yếu sản xuất nông nghiệp, ban ngày đi làm nên các đội hình thanh niên tình nguyện lựa chọn buổi tối đến từng xóm, đi từng ngõ, gõ từng nhà để gặp từng người dân tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ. Chúng tôi vừa phải hướng dẫn cài đặt các ứng dụng, vừa trang bị kỹ năng, kiến thức để người dân tự tin bảo vệ mình trước các thông tin xấu, độc lừa đảo trên mạng”.
Chị Tuyết cho biết thêm, qua quá trình tiếp xúc, hướng dẫn, chị nhận thấy có những trường hợp người dân bị lừa đảo trực tuyến. Sau khi bị lừa xong, họ sinh ra tâm lý lo sợ sử dụng công nghệ, e ngại sử dụng cái mới, đặc biệt là giao dịch trực tuyến. Các đội hình phải kiên trì gặp gỡ tuyên truyền, hỗ trợ vài lần họ mới dần vượt qua tâm lý ngại khó để mở lòng học hỏi.
Công nghệ số - Hơi thở mới của công tác Đoàn
Tháng thanh niên năm nay cũng là dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng quê hương Quảng Nam và 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ tỉnh. Trong các hội trại chào mừng kỷ niệm, tuổi trẻ Quảng Nam để lại ấn tượng với sự đổi mới, sáng tạo hòa vào dòng chảy chuyển đổi số.
Cuối tháng 3 vừa qua, Hội trại “Thanh niên Quảng Nam tự tin bước vào kỷ nguyên phát triển mới” đã để lại dấu ấn tốt đẹp trong xã hội với khí thế sôi nổi và nhiều nội dung mới lạ, hấp dẫn. Đây là dịp để tuổi trẻ Quảng Nam thể hiện tinh thần sáng tạo, đổi mới và khả năng thích nghi trong thời đại công nghệ số.
Hội trại đã ứng dụng hàng loạt giải pháp công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm cho trại sinh và người dân. Từ việc tích hợp mã QR trên cổng trại để thuyết minh thiết kế thông qua hình thức multimedia, đến việc phát động các phần thi ứng dụng AI, sử dụng các nền tảng số phổ biến hiện nay.
Điển hình là phần thi “Thử thách thanh niên thời đại số” - một nội dung hoàn toàn mới được đưa vào hội trại, đã thu hút đông đảo sự tham gia của các bạn trẻ. Nhiều đội thi đã chứng tỏ khả năng làm chủ công nghệ khi sử dụng kết hợp ChatGPT, Gemini AI, Suno AI… để lên ý tưởng, viết lời, sáng tác nhạc, tạo hình ảnh và dựng video ca sĩ ảo. Những sản phẩm truyền thông do chính thanh niên thực hiện không chỉ mang tính giải trí mà còn có nội dung giáo dục, truyền cảm hứng mạnh mẽ.
Bạn Đặng Tấn Cường - trại sinh đơn vị Hội An chia sẻ: “Tôi rất ấn tượng với phần thi “Thử thách thanh niên thời đại số”, việc sử dụng AI và các công cụ công nghệ để tạo ra một sản phẩm hoàn chỉnh vừa sáng tạo, vừa mang lại giá trị thực tiễn rất rõ ràng. Chúng tôi học được cách phối hợp, tìm tòi, khai thác công nghệ phục vụ cho hoạt động Đoàn và truyền thông”.
Không chỉ dừng lại ở sân chơi, hội trại còn là dịp để các tổ chức đoàn cơ sở nhìn nhận lại vai trò của chuyển đổi số trong công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Việc khuyến khích thanh niên sử dụng công nghệ một cách có định hướng không chỉ góp phần nâng cao kỹ năng số cho giới trẻ mà còn mở ra những hướng đi mới trong tuyên truyền, giáo dục, hỗ trợ thanh niên học tập, lao động và khởi nghiệp.
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn