Đóng cửa sổ tư vấn [X]
Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

Thủ tướng Chính phủ đối thoại với 1.000 đại biểu thanh niên

Thứ năm - 12/12/2019 10:40

Thủ tướng Chính phủ đối thoại với 1.000 đại biểu thanh niên

Sáng 12/12, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã tới tham dự Đại hội và đối thoại với 1.000 đại biểu thanh niên.
 

Cùng tham dự có đồng chí Vũ Đức Đam - Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nguyên Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông; đồng chí Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; đồng chí Chu Ngọc Anh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ; đồng chí Lê Vĩnh Tân - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ; cùng đại diện các ban Trung ương Đảng, các Bộ, Ngành.

 

 

Bắt đầu buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi: "Thanh niên có câu "Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta mà cần hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc". Tuy nhiên, chúng tôi đến đây với lãnh đạo của các bộ, ngành để lắng nghe thanh niên, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho thanh niên, tạo môi trường cần thiết cho thanh niên.

Giống như bóng đá Việt Nam chiến thắng nhờ ý chí của đội bóng, nỗ lực của từng VĐV, tài năng của HLV và cũng là ý chí, nguyện vọng của hàng triệu người Việt Nam hun đúc nên.

Hôm nay tôi cùng Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng các thành viên Chính phủ sẵn sàng trả lời các câu hỏi mà các bạn đưa ra. Có gì cần nói các bạn cứ nói, trao đổi thẳng thắn trong không khí cởi mở, thân thiết, thân mật, chân thành để tạo điều kiện cho thanh niên tốt hơn".

 

 

Đại biểu Ngô Thế Hoàn - Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội LHTN tỉnh Thái Nguyên: Kính thưa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, kính thưa lãnh đạo các Bộ ngành, tôi rất vinh dự đại diện cho tuổi trẻ Thái Nguyên và tuổi trẻ cả nước muốn đặt câu hỏi với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, trong chiến lược phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011- 2020 có mục tiêu xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, giàu lòng yêu nước, có đạo đức cách mạng, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Những năm qua, tổ chức Đoàn- Hội được sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cũng còn gặp nhiều khó khăn trong tổ chức các hoạt động, đất nước đang phát triển nhanh, thanh niên cũng tiếp cận nhanh trong các luồng thông tin, trào lưu mới. Vì vậy, mong muốn được đồng hành và song hành với thanh niên trong xây dựng lớp thanh niên có đạo đức cách mạng lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới nội dung, hình thức, cách thức tiếp cận phù hợp và hiện đại. Chính vì vậy, thế hệ trẻ rất mong muốn trong thời gian tới để thực hiện được mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra cho thế hệ thanh niên Việt Nam mới, Chính phủ và lãnh đạo các Bộ ngành sẽ có những giải pháp nào để tiếp sức cho Hội LHTN Việt Nam và hỗ trợ thanh niên. Trong câu hỏi này, thay mặt tuổi trẻ Thái Nguyên và tuổi trẻ cả nước tôi rất mong muốn nhận được sự trao đổi, chia sẻ, định hướng của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc để tuổi trẻ cả nước có những hoạt động thiết thực hơn để thực hiện nội dung này. Xin trân trọng cảm ơn Thủ tướng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc: Với câu hỏi về những giải pháp nào để tiếp sức cho thanh niên Việt Nam của Hội LHTN, câu hỏi này rất cần thiết. Trước hết, tôi xin nói, sau khi luật thanh niên được ban hành thì chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, quy định chỉ đạo các bộ ngành để tạo điều kiện cho thanh niên những đề án, chỉ thị, nghị định, đặc biệt là đề án phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em, xây dựng văn hóa ứng xử … Các văn bản được ban hành đồng bộ nhưng vẫn còn nhiều bất cập tồn tại.

Thời gian tới, chính phủ sẽ ban hành nhiều nội dung mới hơn, thiết thực hơn và phối hợp tốt hơn nhanh hơn trong thời đại công nghệ. Tôi lắng nghe để ban hành những chính sách tốt nhất cho thanh niên. Sự nhanh nhạy trong thời đại này có ý nghĩa rất quan trọng. Sự bổ trợ, tiếp sức của Đảng, Nhà nước và Chính phủ là cần thiết nhưng xây dựng quyết tâm, hoài bão, ý chí của các bạn là cần thiết. Nội lực của các bạn đóng vai trò quyết định.

Hôm nay, tôi gặp một số bạn khuyết tật ở đây nhưng các rất nỗ lực vươn lên đạt nhiều thành tích trong cuộc sống hay như nữ cầu thủ bóng đá Việt Nam, các bạn ấy đã thi đấu hết mình, thậm chí có bạn phải vào bệnh viện nhưng bằng quyết tâm, ý chí nỗ lực đã đưa đến chiến thắng. Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn luôn ở bên cạnh các bạn, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để các bạn phấn đấu phát triển và cống hiến.

Anh Trần Duy Quân, Chủ tịch Hội Sinh viên trường ĐH Y Dược TP. HCM: Tôi xin gửi câu hỏi tới Phó thủ tướng Vũ Đức Đam. Một bộ phận thanh niên hiện nay chưa thực sự đánh giá đúng và chưa nhiệt tình, hứng thú khi tham gia học tập, tìm hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Dù đã những cải cách, đổi mới phương pháp học tập và giảng dạy, thực hiện các biện pháp tuyên truyền, truyền thông cả trực quan lẫn trên internet, tuy nhiên một bộ phận thanh niên vẫn né tránh, không muốn tiếp cận hoặc lơ đi. Đây cũng chính là gốc rễ của vấn đề về bản lĩnh chính trị, thái độ, tinh thần của sinh viên mỗi khi có những vấn đề về chính trị xảy ra. Xin hỏi về phía Chính phủ sẽ có những giải pháp nào nhằm giúp cho thanh niên có thể tiếp cận các kiến thức, thông tin về lý luận, chính trị dễ hiểu hơn và theo hướng thu hút hơn hay không?

 

Đại biểu đặt câu hỏi với các thành viên Chính phủ


Anh Trần Đình Trung, Phó Chủ tịch Hội thầy thuốc trẻ thành phố Đà Nẵng: Tôi xin gửi câu hỏi tới Phó Thủ tướng chính phủ Vũ Đức Đam: Chương trình Sức khỏe Việt Nam đưa ra những chính sách và những chương trình hành động cụ thể để làm sao người Việt Nam được khỏe mạnh, bao gồm chương trình giáo dục để nâng cao chăm sóc sức khỏe ban đầu, phòng ngừa và phát hiện sớm các bệnh mà hiện nay đang là nguyên nhân chính gây tử vong, để chất lượng cuộc sống tốt hơn, đảm bảo thể chất, trí tuệ phát triển hơn và tuổi thọ của người dân Việt Nam cao hơn. Chương trình này hiện do Bộ Y tế chủ trì và việc hiện thực hóa các chính sách này cần có sự phối hợp liên ngành, đặc biệt từ các bộ như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch, Bộ Công nghệ thông tin và truyền thông, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Vừa qua với sự hỗ trợ của Hội liên hiệp thanh niên Việt Nam và Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, chương trình đã được triển khai rộng khắp với những hoạt động cụ thể như Cuộc thi đi bộ 10.000 bước chân mỗi ngày. Trong thời gian tới, Chính phủ đã có những giải pháp gì nhằm hỗ trợ các tổ chức của thanh niên tham gia hơn nữa vào chương trình Sức khỏe Việt Nam?

Trả lời 2 câu hỏi của các đại biểu, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói:  "Thủ tướng đã nói rồi, tôi nói dễ hiểu là “vừa hồng và chuyên”. Chúng ta yêu nước, chúng ta phải quyết định truyền thống dân tộc và con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng đã chọn trong đó có lý tưởng đạo đức cách mạng, chủ nghĩa Mác-Lênin.

Bạn hỏi đã có cách nào để giúp mọi người tâm huyết hơn, học nhiều hơn.

Tôi hỏi ngược lại chính các bạn, các bạn đã tâm huyết chưa? Chính phủ đã quy định bằng các chương trình quản lý về giáo dục, chương trình từ cấp tiểu học trở lên đều có lồng ghép các nội dung đó, dù là trường nước ngoài mở tại Việt Nam cũng phải áp dụng. Đảng và Chính phủ đã đào tạo các đội ngũ giáo viên, và đã có nhiều Chỉ thị tới đây phải tiếp tục đổi mới phương thức thật hấp dẫn. Nhưng quan trọng là ở chính các bạn.

 

 

Tôi thấy các bạn cầm smartphone mà bạn hỏi có cách nào để giúp chưa. Bạn có từng thử lên mạng tìm xem tất cả những câu hỏi của các bạn đã có chưa? Đều có thể tìm được hết, chỉ có một số bạn chưa hiểu mà thôi.

Tới đây, nếu nói Chính phủ có những giải pháp nào, tôi đã nói có nhiều giải pháp, mà chúng tôi sẽ có thêm một giải pháp bắt buộc là trách nhiệm của Hội LHTN Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam, mỗi bạn phải là một đại sứ làm việc đó.

Về câu hỏi sức khỏe, tôi hiểu tâm huyết của bạn. Như Thủ tướng đã nói, các cầu thủ bóng đá của ta nhỏ nhất trong khu vực mà thắng, đó là tự hào. Nhưng nếu cầu thủ của chúng ta to khỏe không thì sẽ không chỉ thắng ở khu vực mà còn vươn tới xa hơn.

Về kiến thức, tôi hiểu ý của bạn là cần phải chuẩn bị kiến thức, kỹ năng, chăm sóc, luyện tập thể dục…Tôi xin hỏi các bạn ở đây “Có bạn nào dù ốm mà buổi sáng vẫn tập thể dục chưa?”Bản thân tôi sinh ra ngày xưa “sài đẹn”, còi cọc nhưng đến giờ dù sốt hầm hập sáng tôi vẫn tập thể dục. Mọi điều đều nằm ở chính chúng ta, và hơn hết là sức khỏe tinh thần.

Tôi rất mừng rất vui khi Thủ tướng nói rằng các cầu thủ Việt Nam đã dùng hơn 100% sức lực mang chiến thắng về cho dân tộc, các bạn đều cười và vỗ tay. Vậy mong các bạn tất cả mọi việc hãy dành 100% cho những việc có ích, trong đó có việc rèn luyện về đức, trí, thể, mỹ.

Tôi cũng xin hỏi ngược, các bạn sẽ làm gì tới đây để đáp ứng khát vọng của dân tộc. Vì Việt Nam muốn giàu lên, cần sự giúp đỡ hợp tác của nước ngoài, nhưng cơ bản nhất vẫn phải tự chúng ta vươn lên. Nhà mình bẩn không đòi hàng xóm đến quét dọn được. Đất nước mình muốn giàu, phải bắt đầu từ người Việt Nam, phải từ chính các bạn. Tương lai ở chính các bạn".

Đại đức Thích Chánh Thuần – Trụ trì chùa Phúc Lâm, Cao Xá, Thường Tín, Hà Nội: Kính thưa Thủ tướng. Kính thưa các đồng chí lãnh đạo các Bộ. Tôi xin gửi câu hỏi tới Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch: Người xưa có câu “Phú quý sinh lễ nghĩa”, nhưng có cảm giác, người Việt Nam đang giàu lên, nhưng phần lễ nghĩa, đặc biệt là văn hóa ứng xử giao tiếp lại không tỉ lệ thuận theo. Văn hóa ứng xử giao tiếp là một trong những nhân tố căn bản quan trọng hình thành nhân cách thế hệ trẻ. Nhưng thứ văn hóa này đang bị xem nhẹ, có tính phổ quát là phát triển tự phát theo ý thức hệ cá nhân, gia đình hoặc rời rạc các cộng đồng. Bên cạnh đó văn hóa ngoại lai không lành mạnh, các xu hướng văn hóa độc hại của mạng xã hội… lan tỏa nhanh. Hệ lụy của nó văn hóa ứng xử của giới trẻ trong cả nước có phần xuồng xã, thiếu văn hóa, văn minh; nhân cách của một bộ phận giới trẻ cũng đang có vấn đề. Xin Thứ trưởng hãy cho biết, sắp tới Bộ sẽ làm gì để tham mưu cho Chính phủ các giải pháp góp phần phát triển văn hóa giao tiếp ứng xử của thế hệ trẻ nói riêng và người Việt nói chung có bản sắc, giàu tính truyền thống, nhân văn và văn minh?

 

Đại đức Thích Chánh Thuần – Trụ trì chùa Phúc Lâm, Cao Xá, Thường Tín, Hà Nội

 

Trả lời câu hỏiThứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng, về vấn đề này chúng ta đã triển khai nhiều giải pháp, có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và quy định của pháp luật. Chúng ta đã có nghị quyết 33 xây dựng và phát triển văn hóa và con người toàn diện đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước và Chính phủ có nghị quyết ban hành chương trình hành động, trong đó quy định nhiều nội dung và giải pháp cụ thể, trong đó tập trung 3 nội dung cốt yếu: - Văn hóa ứng xử trong gia đình với đề án về xây dựng phát triển phát huy đạo đức truyền thống VN; ban hành bộ tiêu chí ứng xử gia đình VN. - Văn hóa ứng xử trong nhà trường: Bộ VH TT &DL đã phối hợp với Bộ GD&ĐT ; quan trọng tuyên truyền giáo dục ứng xử trong cộng đồng xã hôị, đã có chiến lược phát triển văn hóa, triển khai cuộc vận động văn hóa nông thôn mới, đô thị văn minh; thực hiện phong trào rộng rãi trong cộng đồng từ thanh niên, học sinh đến người lao động.

 

Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy

 

Tôi rất đồng tình với chia sẻ của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chúng ta phải ý thức được trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi vị trí để xây dựng ứng xử văn hóa trong toàn xã hội. Chúng tôi thấy vai trò của thanh niên hết sức quan trọng. Những ứng xử, việc làm của thanh niên có tác động mạnh đến toàn xã hội. Mong các bạn là tấm gương trong văn hóa ứng xử để xây dựng xã hội lối sống tốt đẹp.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc: Về vấn đề đào tạo về giáo dục lý tưởng, chúng tôi đang phối hợp với Ban tuyên giáo T.Ư trong 2 năm qua rất tích cực xây dựng chương trình giáo dục lý luận chính trị mới trong cơ sở giáo dục đại học, có nhiều nội dung và phương pháp để khoa học Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo ra sự học tập tích cực và lôi cuốn các em.

Tôi nhìn một số gương mặt ở đây rất quen thuộc, đã từng học ở các trường phía nam, có nhiều thầy cô nếu được đầu tư công sức thì các thầy cô giảng dạy rất hấp dẫn. Chúng tôi cơ bản làm xong việc này và sắp ban hành chương trình mới. Liên quan đến giáo dục về đạo đức lối sống, cái này Nghị quyết của Đảng về đổi mới toàn diện giáo dục đã nêu rõ dạy chữ song song với dạy người. Các trường thì cũng đã nhấn mạnh nội dung này.

Thủ tướng cũng đã ban hành đề án về tăng cường giáo dục về lối sống, văn hóa ứng xử trong trường học. Cái này thì đang triển khai rất quyết liệt. Để xây dựng một đất nước giàu lên thì phải có văn hóa, phải giữ gìn tất cả văn hóa của đất nước thì mới xây dựng được đất nước hạnh phúc. Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam là mỗi đại biểu ở đây là đại sứ, đây là trách nhiệm chung của chúng ta, và mỗi bạn phải chung tay góp sức vào.

Bạn Nguyễn Thị Hương Giang - Phó Chủ tịch Hội SV ĐH Hàng Hải: Đối với sinh viên, tìm kiếm việc làm là vấn đề được quan tâm, trong thời gian tới có chính sách gì cụ thể để giúp sinh viên tiếp cận thông tin chính thống để tìm kiếm việc làm đúng với chuyên ngành học và khả năng của từng cá nhân?

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc: Về việc đào tạo gắn với nhu cầu xã hội, trong những năm vừa qua, Bộ đã yêu cầu các trường phải công bố tỷ lệ sinh viên có việc khi ra trường, gắn với việc đào tạo phải đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, người sử dụng lao động nói chung để phụ huỵnh và học sinh có sự phân tích và lựa chọn. Bên cạnh đó Bộ yêu cầu các cơ sở đào tạo xây dựng chương trình đào tạo cũng phải dựa trên khảo sát lấy ý kiến của người sử dụng lao động, Bộ sẽ đẩy mạnh việc kiểm định các chương trình đào tạo này để phù hợp với thực tế đang diễn ra.

Bên cạnh đó việc nghiên cứu khoa học, các trường cũng phải gắn kết với nhu cầu của doanh nghiệp, người sử dụng lao động để sinh viên ra trường tìm được việc làm.

Anh Nguyễn Hoàng Phong: Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Đề án phát triển tổng thể kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Đây là một Đề án khiến đồng bào dân tộc thiểu số rất phấn khởi, đây là cú hích cho đồng bào. Vậy trong Đề án đó, chính sách cụ thể cho thanh niên là gì, thanh niên đóng vai trò gì trong Đề án đó?

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Đây là Chương trình quốc gia, Chính phủ đã trình Quốc hội, Quốc hộ sẽ thông qua. Đây là một giải pháp mà Đảng, Nhà nước đưa ra để làm tốt hơn nữa giảm khoảng cách giữa miền xuôi, miền núi. Chúng tôi trình ra một hệ thống chính sách, mục tiêu, trong đó có vai trò đóng góp của thanh niên với đồng bào dân tộc miền núi và thanh niên làm gì trong chính sách đó. Bất cứ đề án nào thanh niên đóng vai trò quan trọng, xung kích.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Câu hỏi về hợp tác xã, tôi có rất nhiều cảm xúc. Con người mỗi quốc gia là một nguồn lực, tài nguyên vô cùng quý giá trong quá trình phát triển. Quốc gia nào tận dụng được nguồn lực con người thì thành không, không tận dụng được thì thất bại hoặc kém phát triển, trong đó nguồn lực mạnh nhất là thanh niên.

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

 

Chúng ta mạnh về dân số nhưng số có kỹ năng tốt đáp ứng yêu cầu công việc, hội nhập quốc tế, đào tạo nghề chứng chỉ cao còn hạn chế. Các kỹ năng mềm, tiếng anh cũng vậy thì không thể tham gia cuộc chơi lớn giữa các quốc gia.

Tương lai đất nước phụ thuộc hoàn toàn vào thanh niên hôm nay, các bạn sẽ thay đổi vận mệnh của quốc gia. Tôi tin với tâm huyết, lòng yêu nước nhiệt huyết của thanh niên, các bạn sẽ làm được nhiều điều kì diệu hơn cho đất nước.

Trong các hoạt động của thanh niên hưởng ứng chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước, vai trò của Hội LHTN Việt Nam rất lớn, nên phải tổ chức sao cho hiệu quả. Những bạn ngồi đây phải là tấm gương sáng, để nhân rộng tinh thần tới những người khác. Nhà nước cần tin tưởng, giao nhiều trọng trách hơn cho thanh niên. Chúng tôi cũng sẽ ghi nhận những đề xuất của các bạn để có sự tổng hợp và báo cáo Chính phủ xem xét.

Về đề án dân tộc thiểu số thuộc trong 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đều liên quan đến nông nghiệp, nông thôn. Nhưng cách tiếp cận của 3 đề án này là tạo điều kiên phát triển cho người dân tộc, người nông thôn, giúp cải thiện đời sống. Hợp tác xã là xu thế tất yếu chúng ta phải đi theo, đặc biệt là Hợp tác xã kiểu mới. Hiện nay, nhiều người phát triển nhỏ lẻ, không theo một quy chuẩn nào cả, không có tiêu chuẩn thì không thể cạnh tranh nên buộc phải liên kết, hợp tác với nhau để hình thành các hàng hóa đạt tiêu chuẩn cao. Tôi xin hỏi, các bạn có thể tham gia gì vào cầu nối giữa người dân và doanh nghiệp?

Anh Lỷ A Tài, đoàn đại biểu tỉnh Quảng Ninh: “Đại diện các thanh niên dân tộc thiểu số, địa phương tiếp cận khởi nghiệp sáng tạo cũng có nhưng ít, chủ yếu thanh niên nông thôn lập nghiệp rất cần nguồn vốn từ ngân hàng chính sách xã hội. Với các bạn nông thôn thì chỉ tiếp cận được vay vốn ít. Hy vọng chính phủ và ngân hàng nâng định mức cho vay để các bạn phát triển kinh tế địa phương”.

Đại biểu Trần Thị Lệ Chi (đoàn TP Đà Nẵng): Trong 5 năm trở lại đây chúng ta nhắc nhiều đến khởi nghiệp. Tuy nhiên có nhiều bạn khởi nghiệp dù trong tay không có kinh nghiệm, vốn... dẫn đến thất bại, dẫn đến gánh nặng cho bản thân, gia đình và xã hội. Có nên chăng, chúng ta nên định hướng lại việc khởi nghiệp bằng cách kết hợp khởi nghiệp trực tiếp với khởi nghiệp gián tiếp. Khởi nghiệp trực tiếp dành cho những người có nền tảng gia đình, năng lực; còn khởi nghiệp gián tiếp để giúp các bạn chuẩn bị kinh nghiệm sống, kỹ năng để giảm thiểu rủi ro thất bại để có nhiều doanh nghiệp xứng tầm, không phải trả giá bằng thất bại để thành công?

Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh: Trong 5 năm qua, Bộ Khoa học - Công nghệ đã phối hợp rất tốt với T.Ư Đoàn trong việc khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, lập nghiệp của thanh niên, sinh viên.

Anh em chúng tôi bây giờ được giao nhiệm vụ đứng đầu ngành, tin thần hiện nay ngoài dám làm, còn có thêm cái vế nữa là dám chịu trách nhiệm. Các bạn với khát vọng vươn lên, không chỉ dám chịu trách nhiệm với bản thân mà còn dám chịu thất bại.

 

Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh trả lời câu hỏi của các đại biểu

 

Chính phủ đồng hành bằng thể chế, chính sách nhưng người thực hiện phải là thanh niên. “Nhìn thể thao, bóng đá làm thế nào để tập hợp lại như một đội bóng, để thành đóng góp chung cho đất nước, dân tộc.

Dù phân định theo cách nào thì khởi nghiệp ngoài khát vọng phải được trang bị cần thiết. “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phải có chuẩn bị cẩn thận. Nói cho cùng, để bứt xa thì phải có bản quyền sở hữu trí tuệ, ý tưởng mới về kinh doanh, dựa trên nền tảng tiến bộ kỹ thuật.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Khái niệm khởi nghiệp sáng tạo khác với lập nghiệp, khởi nghiệp theo nghĩa khởi sự kinh doanh. Có nhiều đặc điểm của khởi nghiệp sáng tạo, nhưng nổi bật là tạo ra cái mới, thị trường mới, phân khúc mới, dựa trên công nghệ và có tính rủi ro, nên có quỹ rủi ro đầu tư. Ví dụ làm 10 cái, thất bại 9 cái nhưng được 1 cái đã bù lại được rồi. Rủi ro ở đây không phải là rủi ro theo kiểu xổ số mà trên cơ sở tính toán cẩn thận. Tôi vẫn khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo.

Đất nước nào phát triển được khởi nghiệp sáng tạo trong thanh niên, sinh viên thì phát triển nhanh. Tôi đã từng trao đổi với các nhà khoa học trong và ngoài nước, một trong những điểm khác biệt giữa người phương Đông và phương Tây là người phương Tây khi có cái gì mới thì cổ vũ để có điều kiện khẳng định, nếu không khẳng định được thì thay thế bằng cái khác. Người phương Đông khi có cái mới thì đặt nhiều câu hỏi, đến khi tìm được câu trả lời thì hết giờ, cơ hội đã qua đi. Tôi vẫn muốn các bạn hun đúc tinh thập lập nghiệp, trong đó đặc biệt là khởi nghiệp sáng tạo thì đất nước mới phát triển được.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Khởi nghiệp bao gồm cả kinh tế, xã hội, người trẻ, người già, song khởi nghiệp sáng thì tạo ưu tiên người trẻ. Tôi tin tưởng và mong muốn các bạn thanh niên khởi nghiệp mạnh mẽ hơn.

Câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: Hiện nay, xuất hiện khái niệm: Đô hộ số và đô hộ trên không gian số, bởi các dữ liệu người Việt bị các công ty nước ngoài thu thập và quản lý. Được biết, Bộ trưởng rất quan tâm ngăn chặn dòng thông tin, dữ liệu người Việt bị các công ty nước ngoài quản lý, với sự ra đời của mạng xã hội người Việt: Gapo, Lotus. Vậy xin hỏi Bộ trưởng, thời gian tới có chính sách gì quyêt liệt hơn gia tăng bảo vệ thông tin người Việt, và tăng startup người Việt về công nghệ thông tin để Chính phủ, Nhà nước ứng dụng trong quản lý nhà nước?

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng: Nói về chuyển đổi số thì tài sản, tài nguyên chính của chúng ta là dữ liệu, trong đó có cả dữ liệu cá nhân. Việc lạm dụng dữ liệu, đặc biệt dữ liệu cá nhân là mang tính toàn cầu. Lời giải đầu tiên là phải có một thể chế, quy định về dữ liệu cá nhân, lớn hơn là chiến lược quản trị dữ liệu nói chung và dữ liệu cá nhân. Cái này Thủ tướng đã giao nhiệm vụ, sẽ là câu chuyện chính của năm 2020. Bây giờ xuất hiện các doanh nghiệp nền tảng, ví dụ như mạng xã hội, như các doanh nghiệp công nghệ, kiểu gì họ cũng thu thập dữ liệu, vì là tài sản để kinh doanh. Nếu các nền tảng người Việt đang sử dụng nhiều mà không có doanh nghiệp của người Việt Nam thì dữ liệu đều nằm ở nước ngoài.

 

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

 

Vì thế phát triển doanh nghiệp nền tảng Việt Nam đề phòng rủi ro. Bây giờ, các doanh nghiệp, mạng xã hội nước ngoài ở Việt Nam có khoảng 90 triệu người sử dụng. Số lượng người dùng sử dụng mạng xã hội của Việt Nam có khoảng 50 triệu và đã tăng thêm 30% trong mấy năm vừa qua.

Mạng xã hội Việt Nam thì có mấy cái như Zalo, mấy mạng mới ra đời như Lotus, Gapo... có cách tiếp cận mới nhân văn hơn, chia sẻ hơn. Thường các mạng xã hội, ứng dụng có thời gian sống 15 – 20 năm thì lại có cách tiếp cận mới. Nếu duy trì được tăng trưởng 30%, thì đến năm 2020, mạng xã hội nước ngoài và trong nước có số người dùng ngang nhau, khá an toàn. Vậy, chính sách nhà nước thế nào.

Thực ra thời gian qua là gần như bảo hộ ngược. Các mạng xã hội nước ngoài hoạt động như ngoài vòng pháp luật, các mạng xã hội trong nước thì tuân thủ pháp luật. Đến năm 2020 thì gần như không còn chuyện này nữa, vì cùng phải tuân thủ một thể chế pháp luật. Thanh niên thì tìm cái mới, thích cái mới. Chúng tôi mong thanh niên ủng hộ nền tảng Việt Nam, mạng xã hội Việt Nam để dữ liệu ở lại Việt Nam, giảm thiểu rủi ro trong dài hạn.

Đại biểu Nguyễn Đức Tiến, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Việt Nam TP.Hà Nội: Ngày 20/1/2018, Nghị định 140 của Thủ tướng Chính phủ về thu hút nhân tài, cơ chế đột phát được ban hành thu hút người tài bên ngoài vào làm việc trong các cơ quan nhà nước. Nhưng đến thực hiện thì thực tế như thế nào, vì thực tế như ở Hà Nội thì có chính sách tuyển thẳng thủ khoa, ở nhiều nơi nhiều thủ khoa khi ra trường muốn về địa phương công tác mà không tìm được việc làm. Tinh thần khởi nghiệp quốc gia Thủ tướng nói trong năm 2016 và đến Đại hội Đoàn năm 2017 Thủ tướng kỳ vọng thanh niên có bước đột phá. Xin hỏi Bộ đã tham mưu được cơ chế, chính sách gì để thu hút nhân tài, khích lệ họ làm việc nhiều hơn, cống hiến nhiều hơn cho xã hội?

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: Đây là câu hỏi mà chính Bộ trưởng vẫn còn băn khoăn. Thực hiện Kết luận 86 của Bộ Chính trị, Bộ Nội vụ có tham mưu cho Chính phủ về Nghị định 140 để thu hút sinh viên, học sinh có thành tích học tập giỏi và xuất sắc vào làm việc trong hệ thống chính trị.

Nhưng trong thời gian qua, việc thực hiện nghị định, số người tuyển dụng từ Nghị định 140 không nhiều. Do chính sách đặt ra quá nghiêm ngặt, tính từ hồi phổ thông phải học sinh giỏi cấp quốc gia, đi học nước ngoài thì phải đạt xuất sắc. Có điều kiện này thì không có điều kiện khác.

 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

 

Tôi thấy quá nhiều điều kiện như thế thì sau hơn 1 năm thực hiện, Bộ Nội vụ sẽ có sơ kết để đề xuất Chính phủ sửa đổi lại để đơn giản hơn và quan trọng hơn là thu hút được người tài, phát huy được năng lực của họ.

Trong chính sách kèm theo, nếu xuất sắc thì tuyển dụng luôn, không qua thi cử nhưng nhiều khi tuyển vào không làm được như những em hiện tại. Kể cả chính sách tiền lương cũng hơn các em khác nhưng nảy sinh so bì những anh em không được tuyển dụng bằng nghị định thì lại làm tốt hơn nên phải sửa đổi.

Trong luật Thanh niên sửa đổi vừa rồi dành 1/3 về chính sách thanh niên nhưng đây là chính sách khung, luật Thanh niên nằm rải rác luật khác thì sẽ cụ thể bằng chính sách. Làm sao áp dụng được Luật thanh niên cho thanh niên trong hệ thống chính trị và ngoài dân lập, không phân biệt trong hay ngoài công lập nữa.

Tôi có lời khuyên với các bạn thanh niên hiện nay cần thay đổi quan niệm về chính sách việc làm, nghề nghiệp. Thanh niên và gia đình từ trước đến giờ mong sao học ở bậc cao nhất nhưng học đại học thì thất nghiệp còn bây giờ xã hội cần nhiều cao đẳng, trung cấp, học nghề thì chúng ta phải theo nhu cầu của xã hội hội. Ngay cả học từ trung cấp, cao đẳng lên đại học thời gian không mất bao nhiêu lại có việc làm, tay nghề vững vàng.

Thứ hai là có tâm trạng mong muốn làm trong cơ quan quản lý hành chính nhà nước. Nhưng xin thưa với các bạn, bộ máy hành chính ngày càng thu gọn, thu lại. Thanh niên chúng ta học không phải làm cơ quan nhà nước, đi làm thuê mà quan trọng là thay đổi nhận thức học để làm chủ. Tôi thấy nhiều thanh niên trong thời gian qua, đã tốt nghiệp đại học, làm việc ở cư quan nhà nước nhưng đã từ bỏ công việc trong môi trường nhà nước để về quê khởi nghiệp đóng góp rất thành công, tích cực.

Đại biểu Lê Văn Tuấn, Đại biểu khuyết tật thuộc Tỉnh Nghệ An: Thời gian qua Chính phủ, Hội người Khuyết tật đã có nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ, tiếp sức cho người khuyết tật rất nhiều. Ở Việt Nam có rất nhiều người khuyết tật nhưng số người tự chủ cuộc sống của mình không nhiều. Tôi thấy vẫn còn nhiều người khuyết tật đi ăn xin, đó là hình ảnh không đẹp. Vậy cho tôi hỏi, Chính phủ đưa ra giải pháp nào để giảm số người khuyết tật ăn xin?

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung: Thách thức của cách mạng 4.0 đối với vấn đề việc làm là rất lớn, song nếu chỉ nhìn vào thách thức cũng không ổn vì cũng có nhiều cơ hội mang lại. Để vượt qua thách thức, có 2 cái phải quan tâm, đó là tập trung xây dựng thể chế đồng bộ, phát triển thị trường lao động đồng bộ, lành mạnh.  Thứ 2, muốn giải quyết căn cơ vấn đề việc làm thì phải xây dựng được dự báo cung cầu thị trường lao động từ ngành nghề, công việc. Chúng ta vẫn nói Việt Nam thừa thầy thiếu thợ mà thiếu cả thầy, cả thợ.

 

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung

 

Về vấn đề liên quan tới người khuyết tật, hiện nay, Việt Nam đang giải quyết chế độ, chính sách cho 9 triệu người có công, 6,8 triệu người khuyết tật, trong đó tới 1,1 triệu người khuyết tật nặng.

Vừa qua, Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị 39 về người khuyết tật, trong đó có nói rất kỹ về các giải pháp và Chính phủ đang triển khai chỉ thị này.

Dứt khoát người khuyết tật phải được đặt dưới bảo trợ Đảng, chăm lo của Nhà nước. Người khuyết tật cũng không tự ti, tiếp tục vươn lên. Quan trọng là xã hội không kỳ thị mà có trách nhiệm chăm lo cho người khuyết tật. Người khuyết tật đi ăn xin, không để chuyện này. Một số thành phố như Hà Nôi, TP.HCM, Đà Nẵng làm rất tốt. Ngoài chế độ chăm lo cho người khuyết tật thì hiện này còn có nguồn vốn vay 10.000 tỉ đồng sẵn sàng hỗ trợ những người khuyết tật.

Đại biểu Phan Thanh Sang: Việc thanh niên khởi nghiệp thiếu nguồn vốn trong khi chính sách nhập khẩu các sản phẩm như nhà kính thì thuế cao nên khó khăn. Chính phủ có giải pháp nào thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao, đặc biệt là chính sách về vốn và thuế?

 

Đại biểu Phan Thanh Sang đặt câu hỏi với Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu

 

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu: Chúng tôi sẽ lắng nghe ý kiến để chủ động ban hành chính sách.

Hiện có nhiều chính sách hỗ trợ vốn cho các đối tượng trong xã hội, đặc biệt là thanh niên có thể tiếp cận nhiều kênh như Ngân hàng Chính sách xã hội có 10 chương trình hỗ trợ, hoặc có thể tiếp cận qua quỹ của nhà nước như quỹ hỗ trợ khoa học công nghệ. Cũng có thể tiếp cận qua ngân hàng thương mại, đặc biệt là ngân hàng có vốn nhà nước vì Chính phủ cũng có chính sách hỗ trợ.

Các bạn có thể tìm hiểu qua trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính. Các bạn có thể vay trực tiếp hoặc vay qua các Hội mà các quỹ này uỷ thác... Với những chính sách đó, tôi tin rằng sẽ hỗ trợ được các bạn.

Kết thúc phần đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu định hướng và truyền cảm hứng cho Đại hội. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng bày tỏ nhiệt liệt chức mừng Đại hội và cảm ơn sự đóng góp của thanh niên đối với đất nước./.

 

Nguồn tin: doanthanhnien.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điều hành - Liên kết
 
thu vien so
 
trung bay
qoffice
 
logobantin copy
logokn
images
bhxhso1 iesl
banner 1
banner final 17082022 1
 
tinh nguyen 1 1024x235
  • Liên kết

mtssssssss
Văn bản

19-QĐ/TĐTN-TCKT

V/v ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh đoàn Quảng Nam khoá XIX, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:3018 | lượt tải:740

Nghị quyết

Nghị quyết Đại hội

Lượt xem:2187 | lượt tải:744

41/KHLT-BHXH-TĐ

Phối hợp tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm y tế trong ĐVTN năm 2021

Lượt xem:2482 | lượt tải:666

1159-CV/TĐTN- BPT

V/v giới thiệu cá nhân tiêu biểu tham gia giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XII năm 2021

Lượt xem:3436 | lượt tải:166

251 -KH/TĐTN-BTG

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021

Lượt xem:2853 | lượt tải:776

19-QĐ/TĐTN-TCKT

V/v ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh đoàn Quảng Nam khoá XIX, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:3018 | lượt tải:740

Nghị quyết

Nghị quyết Đại hội

Lượt xem:2187 | lượt tải:744

41/KHLT-BHXH-TĐ

Phối hợp tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm y tế trong ĐVTN năm 2021

Lượt xem:2482 | lượt tải:666

1159-CV/TĐTN- BPT

V/v giới thiệu cá nhân tiêu biểu tham gia giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XII năm 2021

Lượt xem:3436 | lượt tải:166

251 -KH/TĐTN-BTG

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021

Lượt xem:2853 | lượt tải:776
© Copyright 2008 thuộc về BTV Tỉnh đoàn Quảng Nam
Địa chỉ: 191 Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Điện thoại / Fax: 02353859223
Tin bài cộng tác viên vui lòng gởi về Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Quảng Nam
Điện thoại: 02353.812.436 | Email: banbientaptinhdoanquangnam@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây