Đóng cửa sổ tư vấn [X]
Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

MỘT SỐ NÉT ĐẶC TRƯNG VỀ ĐẤT NƯỚC, CON NGƯỜI VÀ VĂN HÓA  LÀO

Thứ tư - 06/09/2017 09:52
Nhân dịp hai nước Việt – Lào kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (5/9/1962 – 5/9/2017) và 40 năm Ngày ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác (18/7/1977 -18/7/2017). Ban Tuyên giáo tỉnh Đoàn xin giới thiệu nội dung tài liệu tuyên truyền một số nét về đất nước con người và văn hóa Lào, trích nguồn từ Tập quán và lễ hội cổ truyền các dân tộc Lào, tác giả Nguyễn Văn Vinh, do Nxb.TpHCM phát hành năm 2000.
 
a
Hình ảnh minh họa ( Ban tuyên giáo tỉnh đoàn)
I- Vị trí địa lý
Nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào nằm sâu trong lục địa thuộc khu vực Đông Nam châu Á giữa vĩ tuyến 14 và 25,5 độ bắc. Với diện tích 236.000 km2, toàn bộ lãnh thổ Lào chạy dài theo sông Mê-kông, có đường biên giới chung với 5 nước. Phía Đông giáp Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phía Tây có đường biên giới chung với vương quốc Thái Lan khoảng 1.600km, trong đó có hai dải đất nằm bên hữu ngạn sông Mê-kông là tỉnh Xay-nhạ-bu-li ở cực Bắc và một huyện thuộc tỉnh Chăm-pa-sắc ở cực Nam. Đường biên giới Lào – Thái hiện nay là do sự phân chia thuộc địa giữa thực dân Anh – Pháp vào giữa năm 90 của thế kỷ XIX. Từ năm 1902 đến trước năm 1945 lại qua nhiều lần điều chỉnh giữa thực dân Pháp và Thái Lan. Phía Đông Bắc giáp vùng đồi núi Vân Nam Trung Quốc. Phía Nam giáp Cam-pu-chia, có đường biên giới chạy dài từ dãy núi Đăng-rếch đến gần Trường Sơn.
Nước Lào có địa hình đa dạng, gồm núi đồi, cao nguyên, thung lũng và đồng bằng. Núi đồi, cao nguyên chiếm ¾ diện tích cả nước và tập trung phần lớn ở phía Bắc. Từ sông Nậm-kạ-đinh trở lên là địa phận Bắc Lào, nơi có những dãy núi lớp lớp trùng điệp, có đỉnh Phu-bia cao nhất nước (2.817m). Từ vùng biên giới phía Đông Bắc và Tây Bắc nước Lào có hai dãy núi lớn chạy theo hướng Đông Bắc-Tây Nam và Tây Bắc-Đông Nam rồi hạ thấp dần xuống hình thành một chuỗi cao nguyên Hủa-phăm, Cánh đồng Chum ở phía Bắc đến tận cao nguyên Bô-lô-ven ở phía Nam. Từ sông Nậm-kạ-đinh trở xuống là miền Trung và Nam Lào, địa hình thoai thoải về phía Tây. Như vậy, địa hình nước Lào hình thành hai chiều dốc Bắc-Nam ở phía Bắc, Đông-Tây ở phía Nam. Độ dốc trên quyết định hướng chảy của toàn bộ hệ thống sông suối và cũng là một trong những nguyên nhân gây ra không ít trở ngại cho giao thông trong nước nhất là ở phía Bắc.
Nằm giữa hai dãy núi phía Đông và Tây ở miền Bắc là cao nguyên Cánh đồng Chum có độ cao từ 1.200 đến 1.500m so với mặt biển. Đây là cao nguyên lớn nhất nước Lào, cả ba phía Đông, Tây, Bắc đều có núi bao bọc. Trên cao nguyên có những khu rừng rậm, rừng thông, đồng cỏ rộng lớn. Giữa cao nguyên có một số cánh đồng nhỏ đất đai màu mỡ như Cánh đồng Chum, bản Ban, mường Pẹc…Những chum đá, mộ đá khổng lồ còn lại đến tận ngày nay ở Cánh đồng Chum là những minh chứng tại đây xưa kia đã hình thành một trung tâm dân cư và có thời kỳ văn hóa sớm phát triển. Cao nguyên Cánh đồng Chum là nguồn nước quan trọng của các phụ lưu sông Mê-kông. Trong lòng cao nguyên chứa nhiều loại khoáng sản quý như sắt, đồng…chưa được khai thác. Cánh đồng Chum thuộc tỉnh Xiêng-khoảng, nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc đọ sức quyết liệt nhất giữa quân nhân Lào với các thế lực phản động cùng với không quân Mỹ. Có thể nói Cánh đồng Chum – Xiêng khoảng là một trong những địa danh lẫy lừng nhất gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng của nhân dân các dân tộc Lào.
Miền Trung Lào có hai cao nguyên thấp hơn cao nguyên Cánh đồng Chum là Khăm-muộn và Xạ-vẵn-nạ-khệt. Cao nguyên Khăm-muộn nằm giữa hai con sông Nặm-kạ-đinh và Sê-nọi (chỉ lưu của sông Sê-băng-phay) cao từ 700 đến 800m, còn được gọi là cao nguyên đá voi, có nhiều núi, lèn dựng đứng lởm chởm, nhiều hang động nổi tiếng, có mạch nước chảy ngầm tưới cho các cánh đồng màu mỡ của miền Trung như Ma-hả-xay, Nhôm-mạ-lạt, Khăm-cợt. Cao nguyên Khăm-muộn có những khu rừng rậm nhiệt đới nổi tiếng có nhiều loại gỗ quý như ở dọc sông Nặm-thơn, Na-cay. Cao nguyên Khăm-muộn còn có trữ lượng lớn về các loại quặng thiếc, chì, đồng…(mỏ thiếc Bò-neng, Phôn-tịu đã được khai thác).
Nằm giữa cao nguyên đá vôi Khăm-muộn với cao nguyên Bô-lô-ven ở phía Nam là cao nguyên Xa-vẵn-nạ-khệt. Đây là cao nguyên thấp nhất ở Lào có độ cao từ 200 đến 400m, có nhiều vùng đá ong khô cằn, những cánh rừng thưa với nhiều loại gỗ chất lượng thấp phát triển. Chỉ ở những khu lòng chảo đất đai ẩm ướt mới xuất hiện những cánh rừng rậm nhiệt đới và những bản làng cư dân đông đúc, vườn cây tốt tươi như mường Sê-pôn, mường Phìn, Phạ-lan, Đôông-hến.
Đi xuống phía Nam là cao nguyên đất đỏ Bô-lô-ven có độ cao từ 800 đến 1.000 so với mặt biển, đột khởi lên giữa đồng bằng miền Nam Lào. Đất đai màu mỡ, khí hậu mát mẻ, mưa nắng thuận hòa, cao nguyên Bô-lô-ven là một vùng lý tưởng để trồng tỉa các loại cây công nghiệp như café, chè, cao su, canh-ki-na và các loại cây có quả khác. Trên cao nguyên có nhiều khu rừng rậm, những cánh đồng cỏ rộng lớn như ở Tha-teng, Xa-la-văn…quanh năm xanh tốt, nơi đây là sào huyệt của các loại thú rừng miền Nam Lào, đặc biệt là hươu, nai. Cao nguyên Bô-lô-ven còn là nơi trữ nước và nguồn nước của hai con sông lớn ở Nam Lào là Sê-đôn, Sê-kong và các chỉ lưu.
Thung lũng, đồng bằng là loại địa hình thứ ba ở Lào. Diện tích tuy không lớn bằng núi đồi, cao nguyên nhưng lại có vai trò rất quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển của nhân dân các dân tộc ở Lào. Đây là những vùng dân cư tập trung đông đúc, sản xuất nông nhiệp phát triển. Hầu hết các trung tâm kinh tế, văn hóa, lịch sử của Lào đã sớm hình thành ở các miền đều thuộc loại địa hình này. Dọc sông Mê-kông, suốt từ cực Bắc đến phía Bắc Viêng-Chăn là một chuỗi đồng bằng châu thổ nhỏ hẹp nằm giữa những chân núi và cửa các con sông lớn nhỏ như Mường xỉnh, Huội-sai, Pạc-thà, Pạc bèng, Pạc lai, Xay-nhạ-ba-li, Nặm-khàn…
Từ Viêng-Chăn trở xuống, dãy đồng bằng được mở rộng dần từ phía Đông đến sát bờ sông Mê-kông. Rộng lớn nhất là đồng bằng Viêng-Chăn, bao gồm toàn bộ châu thổ từ sông Nặm-xẵng đến sông Nặm-măng. Nổi tiếng nhất là vùng châu thổ Nặm-ngừm, Nặm ton hoặc những vùng trũng quanh Viêng-Chăn như Sả-la-kham, Nong-veng, Sỉ-thản-tạy…hằng năm cứ sau mỗi mùa nước lũ, đất đai lại được phủ một lớp phù sa màu mỡ. Đồng bằng Viên-Chăn là vựa lúa của miền Bắc Lào, một vùng giàu cả về lâm sản, thủy sản. Từ lâu, bông vải, thuốc lá vùng Nặm-ngừm Viêng-Chăn đã nổi tiếng trong cả nước Lào.
Lui dần xuống phía Nam có các dãy đồng bằng châu thổ phù sa đá vôi như Pạc-kạ-đinh, Pạc-hỉn-bun, Ma-hả-xay. Đấy là những châu thổ hẹp bị chia cắt bởi những dãy núi thấp hoặc do núi đá chạy dài sát bờ sông Mê-kông. Từ Nam tỉnh Khăm-muộn trở xuống đến sông Sê-đôn, các giải đồng bằng mới mở rộng dần về phía Đông với những vùng trũng đất đai phì nhiêu như Xỏng-khỏn, Kẹng-kọoc. Từ sông Nặm-mun trở xuống là đồng bằng Nam Lào xòe rộng ra như bao quanh cao nguyên đất đỏ Bô-lô-ven. Phía tả ngạn từ cao nguyên Bô-lô-ven đến bờ sông Mê-kông đến tận biên giới Lào-Thái nơi có chiều rộng Đông Tây lớn nhất nước Lào. Đây là giải đồng bằng lớn nhất, với những cánh đồng phì nhiêu chạy suốt từ Chăm-pa-sắc đến sông Sê-khăm-phô, Sê-piền như Phôn-thong, Sụ-khu-ma, Mun-lạ-pạ-mộôc. Trên sông Mê kông ở vùng này còn có hàng trăm cù lao lớn nhỏ, đất đai màu mỡ, góp phần làm cho miền Nam nước Lào trở thành vựa lúa của cả nước. Xưa kia lúa gạo ở Nam Lào không những được chuyển đến nhiều vùng trong nước mà còn được xuất khẩu sang Cam-pu-chia, Thái Lan. Miền Nam Lào còn giàu về lâm sản, khoáng sản. Bản làng miền Nam Lào dân cư thường đông đúc, hình thành trên các trục giao thông quan trọng hoặc bên bờ các con sông lớn xuôi ngược thuận lợi như sông Sê-băng-hiêng, Sê-đôn, Sê-kong…
Do cấu tạo địa chất, lượng mưa nắng nhiều nên các hệ thực vật ở Lào phát triển hết sức phong phú. Hầu hết các loại địa hình núi đồi, cao nguyên, đồng bằng đều có rừng cây bao phủ. Suốt từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây đến đâu cũng có rừng, rừng chiếm từ 80-85% diện tích cả nước. Rừng ở ngay cửa ngỏ các đô thị. Do đặc điểm của địa chất, địa hình, khí hậu của từng miền khác nhau nên rừng Lào cũng có nhiều loại như rừng rậm nhiệt đới, rừng thưa đá vôi sa thạch, rừng tre nứa. Nhưng phổ biến nhất vẫn là rừng rậm nhiệt đới. Trừ một số khu rừng gỗ tếch (giả tỵ) ở phía Tây Bắc, còn hầu hết là rừng tự nhiên. Ngoài các loại gỗ quý có tỷ lệ khá cao, rừng ở Lào còn có nhiều loại cây có giá trị kinh tế như quế, cánh kiến trắng, cây có nhựa, cây có sợi. Rừng Lào còn nổi tiếng về các loại thú như voi, hươu, hổ, báo…Phải chăng xưa kia trong rừng Lào có nhiều voi nên khi dựng nước vua Pha-Ngừm đã đặt tên là nước Lào lạn-xạng (Lào triệu voi). Đối với nhân dân các dân tộc Lào, rừng có vị trí đặc biệt trong tâm tư tình cảm của mỗi người. Cùng với sông suối, rừng là nguồn thực phẩm, vật liệu xây dựng, dược liệu, nơi nương tựa mỗi khi mùa màng thất bát, là nguồn cảm hứng của các nghệ sĩ trong sáng tác văn học nghệ thuật.
Để bảo vệ rừng, một nguồn lợi lớn của đất nước, Chính phủ Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào đã đề ra nhiều biện pháp tích cực nhằm bảo vệ rừng, kết hợp giữa khai thác và trồng rừng, vận động giúp đỡ nhân dân ở miền núi xuống làm ruộng, hạn chế đốt rừng làm nương rẫy, từng bước khôi phục lại hàng vạn héc-ta rừng bị không quân Mỹ tàn phá bằng chất độc hóa học.
Tương tự như một số nước nằm trong khu vực Đông Nam châu Á nhiệt đới gió mùa, khí hậu ở Lào nói chung nóng và ẩm. Mỗi năm có hai mùa, mùa mưa và mùa khô rõ rệt. Từ tháng tư đến tháng mười là mùa mưa và nóng, có gió mùa Tây Nam. Thông thường vào tháng bảy tháng tám là hai tháng có lượng mưa nhiều nhất, ở miền núi và cao nguyên hay có những trận mưa tầm tã kéo dài, có khi đến hàng tuần, thậm chí cả nửa tháng. Mùa khô và lạnh từ tháng mười một đến tháng ba, có gió mùa Đông Bắc. Trên núi, cao nguyên ở miền Bắc về mùa khô thường có sương mù dày đặc, đến trưa lại có nắng, về chiều mát mẻ và tối lại trở lạnh. Miền Nam do gần xích đạo nên nhiệt độ cao hơn miền Bắc. Ở miền núi, cao nguyên nhiệt độ thấp hơn ở đồng bằng, thường mát mẻ hơn về mùa mưa, giá lạnh hơn về mùa khô.
Nước Lào có hệ thống sông suối dày đặc, hầu hết đổ về cái trục lớn nhất là sông Mê-kông. Phần sông Mê-kông chảy qua nước Lào dài khoảng 1.800km, đây là con sông dài, rộng nhất nước. Sông Mê-kông cùng phụ lưu, chi lưu của nó trở thành hệ thống giao thông đường thủy quan trọng nối liền Nam-Bắc, Đông-Tây. Sông suối ở Lào có rất nhiều cá, nổi tiếng nhất là các con sông Mê-kông, Nặm-ngừm, Nặm-thơn…Ở phía Bắc, sông Mê-kông có một hệ phụ lưu lớn, hầu hết nằm ở phía tả ngạn như sông Nặm-thà, Nặm u, Nặm xương, Nặm nghiệp, Nặm bèng, Nặm khàn. Hướng chảy của hệ thống phụ lưu trên đều theo độ dốc của địa hình, nghĩa là theo chiều Bắc-Nam, trừ ba con sông Nặm-mã (sông Mã), Nặm săm (sông Chu) và Nặm Nơn (sông Cả) là hướng chảy từ Tây Bắc sang Đông Nam. Ở miền Trung và Nam Lào, sông Mê-kông cũng có một số phụ lưu lớn nằm ở phía tả ngạn như các con sông Nặm-kạ-đinh, Nặm-Hỉn-bun, Sê-băng-phay, Sê-băng-hiêng, Sê đôn, Sê-kong. Các phụ lưu trên đều chảy theo hướng Đông Tây. Hệ thống sông suối ở Lào có vị trí quan trọng trong đời sống nhân dân các dân tộc Lào như trong sản xuất nông nghiệp, giao lưu giữa các vùng khi đường bộ chưa phát triển, nguồn thực phẩm tươi sống trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Ngoài ra, các con sông lớn ở Lào còn có một số đặc điểm rất thuận lợi để xây dựng thủy điện. Đây là một thế mạnh của đất nước được thiên nhiên ưu đãi.
II- Các dân tộc Lào
Quốc gia Lào lạn-xạng độc lập thống nhất ra đời năm 1353. Nhưng trước đó hàng ngàn năm trên lãnh thổ Lào đã có người cổ sơ sinh sống. Mặc dù công tác khảo cổ chưa được tiến hành một cách có hệ thống đầy đủ nhưng qua một số hiện vật đã khai quật được có thể khẳng định Lào là một địa bàn có con người tồn tại và phát triển qua các thời kỳ đồ đá, đồng, sắt. Ngay từ đầu công nguyên nhiều nhóm người thuộc hệ Môn Khơ-me và Thay-lao đã sống xen kẽ bên nhau. Trong quá trình tồn tại và phát triển đã hình thành một xã hội hỗn hợp giữa các nhóm dân tộc thuộc hệ Môn Khơ-me, Thay-lao với trung tâm là những mường cổ đại như: Tạ-bong, Xai-phong, mường Xẻn, mường Phuôn. Mỗi mường cổ đại là một tiểu vương, có tổ chức hành chính chặt chẽ do một lãnh chúa đứng đầu gọi là “Chạu-mường” (chủ mường). Cơ sở kinh tế chủ yếu của các mường cổ đại là nông nghiệp lúa nước và nương rẫy. Do đó các mường cổ đại thường xuất hiện ở vùng đồng bằng châu thổ dọc sông Mê-kông, các phụ lưu hoặc vùng trũng trên cao nguyên. Theo truyền thuyết Lào, giữa các mường cổ đại thường xảy ra các cuộc xung đột tranh giành đất đai, nhất là giành quyền làm chủ giữa các “Chạu-mường” người La-vạ và người Thay-lao. Do có trình độ sản xuất phát triển cao hơn nên cuối cùng Mường Xoa, một mường nằm trên cửa sông Nặm-khàn của người Thay-lao đã thắng thế và giữ vai trò trung tâm trong việc tập hợp các mường Lào cổ đại thành một quốc gia thống nhất. Tuy nhiên, phải trải qua hơn sáu thế kỷ sau, quốc gia Lào độc lập thống nhất mới ra đời dưới triều đại Phạ-ngừm. Từ đó mường Xoa trở thành thủ đô của nước Lào lạn-xạng, mãi đến năm 1536 mới dời đô về mường Viêng-Chăn.
Dân số nước Lào khoảng trên 4 triệu người, gồm nhiều dân tộc, bộ tộc trình độ phát triển không đồng đều. Các tộc ở Lào được mặt trận Lào It-xa-la xếp thành 3 nhóm với tên gọi như: Lào lùm (các tộc người Lào cư trú ở các vùng thấp), Lào thơng (các tộc người Lào cư trú ở các vùng trên), Lào xủng (các tộc người Lào cư trú ở các vùng rẻo cao).
1- Nhóm Lào lùm
Nhóm này bao gồm các tộc sinh sống ở các vùng thấp thuộc ngữ hệ Lào-Thay. Dân số trên 2 triệu người, gồm các tộc: Lào, Thay, Phuôn, Lự, Phu-lay, Duôn, trong đó có người Lào đông nhất, khoảng 1,8 triệu người. Tuy có nhiều tộc với tên gọi khác nhau nhưng nhìn chung nhóm Lào lùm có nhiều đặc điểm giống nhau. Hầu hết các tộc thuộc nhóm Lào lùm đều lập bản mường ở vùng đồng bằng, dọc sông Mê-kông, các phụ lưu, thung lũng, những vùng trũng trên cao nguyên như Mường xinh, Luổng-nặm-thà, cao nguyên Xiêng-khoảng, Xạ-vẵn-nạ-khệt, Bô-lô-ven. Bản làng người Lào lùm thường có 40-50 nóc nhà, vùng có mật độ dân số cao như đồng bằng Viêng-chăn, Xạ-vẵn-nạ-khệt, Chăm-pa-sắc, nhiều bản làng có tới 200-300 nóc nhà, bản được dựng bên bờ sông suối, đầm hồ lớn quanh năm nước không cạn. Bản lớn được chia thành xóm gọi là “khũm”.
Người Lào lùm sinh sống bằng nghề nông, làm ruộng nước, cấy lúa nếp, một số vùng kết hợp làm rẫy nhưng ruộng vẫn là chủ yếu. Tuy chưa có hệ thống thủy lợi hoặc hồ lớn chứa nước để làm vụ chiêm nhưng người Lào lùm làm nương phai nhỏ hoặc guồng dẫn nước vào ruộng. Việc cải tạo đất, sử dụng phân bón, nông dân Lào lùm chưa quan tâm, có thể là do đất đai vẫn màu mỡ nhờ phù sa bồi đắp hàng năm cùng với những gốc rạ mục nát từ vụ trước để lại. Chọn giống lúa là khâu người nông dân Lào lùm hết sức chú trọng, do đó ở mỗi địa phương thường có nhiều loại giống lúa phù hợp với đất đai trong vùng. Ngoài ruộng rẫy, mỗi hộ nông dân Lào lùm còn có mảnh vườn rộng lớn chuyên trồng các loại rau, cây ăn quả như dừa, chuối, xoài, nhãn, cam…
Nghề thủ công trong vùng người Lào lùm cũng khá phát triển. Phổ biến nhất là dệt vải, đan lát, gốm, nấu đường, muối, rèn, khai thác lâm thổ sản, chăn nuôi gia súc gia cầm. Trâu từng đàn hàng trăm con được thả rong trên các đồng cỏ. Vùng đồng bằng dọc các con sông Mê-kông, Nặm-ngừm, Sê-băng-phay, Sê-băng-hiêng nghề đánh bắt cá làm mắm phát đạt và trở thành nguồn thu nhập lớn. Trồng bông, trồng dâu nuôi tằm dệt vải đối với người Lào lùm không những để tự túc mà còn là sản phẩm để trao đổi với các nhóm tộc khác chưa dệt được vải. Những nghề thủ công trên tuy có phát triển trong nhóm người Lào lùm nhưng vẫn còn phân tán, tự cấp tự túc, chưa tách khỏi nông nghiệp.
Các tộc thuộc nhóm Lào lùm có nền văn hóa chung phong phú đa dạng và phát triển. Đáng chú ý nhất là kho tàng văn học dân gian, văn học thành văn được sưu tầm và bảo vệ đến ngày nay. Người Lào lùm đều dùng chữ phổ thông, cùng nói một thứ tiếng, chỉ khác nhau ít nhiều về thổ âm. Hầu hết người Lào lùm theo đạo Phật tiểu thừa gọi là Hỉn-nạ-nhan. Cùng với đạo Phật, người Lào lùm vẫn duy trì các hình thức tín ngưỡng cổ xưa, điển hình là thở thần linh, thờ “phỉ” (ma). Với nền kinh tế nông nghiệp tự túc tự cấp nhưng nhóm Lào lùm có trình độ sản xuất cao hơn, đời sống sung túc hơn các nhóm Lào thơng, Lào xủng, họ chiếm đa số và giữ vai trò chủ yếu về chính trị, kinh tế, văn hóa trong quá trình dựng nước và giữ nước ở Lào.
2- Nhóm Lào thơng
Nhóm Lào thơng thuộc ngữ hệ Môn-Khơ-me, gồm trên 20 tộc sinh sống trên những vùng sườn đồi, núi, cao nguyên. Dân số khoảng 1 triệu người, có các tộc như: Khơ-mú, Khơ-bít, Phọong, Puộc, Kạ-tang, Pa-cô, Tạ-ôi, Lạ-vên, Lạ-ve, Xẹc, Nha-hớn, Kạ-tu, A-lắc…trong đó tộc Khơ-mú đông nhất trên 300.000 người. Các tộc thuộc nhóm Lào thơng cư trú rải rác trên địa bàn rộng lớn suốt từ Bắc xuống Nam tại các miền rừng, triền núi, cao nguyên dọc theo các con sông suối nhỏ. Bản làng người Lào thơng nhỏ hơn bản làng người Lào lùm, vùng cư dân đông đúc như La-vên, A-lắc, bản làng tương đối lớn cũng chỉ có 30-40 nóc nhà. Người Lào thơng cũng ở nhà sàn, cột gỗ thưng phên tre nứa hoặc gỗ nhưng thấp hơn nhà sàn người Lào lùm. Làm nương rẫy là nguồn sống chủ yếu của người Lào thơng. Ngoài lúa nếp, trên nương rẫy của người Lào thơng còn trồng tỉa một số rau quả thiết yếu cho cuộc sống mỗi gia đình như ớt, cà, bí, thuốc lá, bông…Một số vùng của tộc Khơ-mú, Puộc, Phọong ở Bắc Lào, Xồ, Xẹc ở Trung Lào, La-ven, Suồi ở Nam Lào làm thêm ruộng hoặc chuyển sang làm ruộng là chủ yếu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tại các vùng giải phóng, được sự giúp đỡ của chính quyền nhân dân các cấp, nhiều tộc thuộc nhóm Lào thơng chuyển sang làm ruộng nước. Công cụ sản xuất của người Lào thơng trước đây còn thô sơ như rìu, dao, gậy bằng gỗ hoặc tre đẽo nhọn, dùng cày chìa vôi bằng gỗ hoặc xương trâu, bò. Đến mùa thu hoạch, ở một số vùng còn tuốt lúa bằng tay, giã gạo bằng cối gỗ, chày tay. Do ở xa các con sông, suối lớn nên người Lào thơng chưa biết đánh bắt cá bằng các loại lưới, mà chỉ dùng lờ, đơm, đó đánh bắt trên các suối nhỏ. Trừ một số tộc xuống làm ruộng, học được nghề dệt vải với người Lào lùm còn đại bộ phận người Lào thơng chưa biết dệt vải hoặc dệt còn thô sơ. Người Lào thơng thường trao đổi với người Lào lùm vải mặc hoặc một số hàng thiết yếu khác như muối, mắm, đường. Vật phẩm để trao đổi, chủ yếu là lâm thổ sản, bởi vậy việc khai thác lâm thổ sản có vị trí quan trọng đối với người Lào thơng. Những năm mùa màng thất bát, hoặc những tháng giáp hạt, các loại củ rừng trở thành nguồn lương thực quan trọng của người Lào thơng.
Người Lào thơng xuất hiện khá sớm trên đất Lào. Tại một số vùng đồng bằng nhiều bản làng người Lào thơng hình thành xen kẽ với bản mường người Lào lùm nên có ảnh hưởng qua lại về các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Người Lào thơng không có chữ viết riêng, trước đây một số tộc ở vùng Nam Lào có dùng chữ “khỏm” nhưng không phổ biến. Sau cách mạng năm 1945, người Lào thơng học chữ Lào. Xã hội Lào thơng còn tồn tại nhiều tàn tích của thời bộ tộc, thị tộc, trình độ sản xuất phát triển còn chậm.
3- Nhóm Lào xủng
Nhóm Lào xủng gồm những tộc cư trú trên những rẻo cao, đỉnh núi, thuộc ngữ hệ Mẹo-Dao, Tạng-Miến, dân số khoảng 400.000 người gồm có các tộc: Hmông, Dao, Lô-lô, Hà-nhì, trong đó tộc Hmông đông nhất, gần 250.000 người. Tuy đã cư trú trên địa bàn Lào hàng thế kỷ nhưng theo lịch sử Lào thì nhóm Lào xủng xuất hiện sau nhóm Lào lùm, Lào thơng. Tuy nhiên trong quá trình sinh sống bên nhau trong một lãnh thổ đã tạo nên mối quan hệ mật thiết giữa các nhóm tộc, đặc biệt sau ngày tuyên bố độc lập, rồi qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống xâm lược, tình đoàn kết gắn bó ngày càng được củng cố và phát triển mạnh mẽ thành ý thức quốc gia dân tộc thống nhất.
Người Lào xủng thường sống trên những ngọn núi cao từ 1000m trở lên, nơi khí hậu mát mẻ về mùa nóng, giá rét về mùa khô, nguồn nước tuy không sẵn  nhưng có đất đai rộng lớn để khai phá. Người Lào xủng sống tập trung ở các dãy núi phía Bắc Lào thuộc các tỉnh Xiêng-khoảng, Luổng-phạ-bang, Xăm-nửa và Bắc Viêng-chăn. Do ở trên những ngọn núi cao nên người Lào xủng làm nhà sàn thấp, bốn bề thưng ván để che gió. Bản làng được dựng trên những mỏm núi cheo leo, mỗi bản chỉ có khoảng 10-15 nóc nhà. Mỗi bản tuy cách nhau không xa nếu tính theo đường chim bay nhưng đường bộ đi lại rất khó khăn, phải vượt đèo leo dốc mất nhiều giờ mới tới. Phương tiện đi lại, vận chuyển không có gì khác ngoài ngựa.
Người Lào xủng sinh sống bằng nương rẫy, trồng ngô, lúa. Trên rẫy còn trồng bông, rau quả, bí đỏ…Trồng bông để tự túc một phần về mặc, còn ngô, bí đỏ để chăn nuôi, chủ yếu là nuôi lợn, bò, dê, ngựa. Người Lào xủng có kinh nghiệm nuôi lợn, giống lợn to béo hơn giống lợn ở vùng đồng bằng. Ngoài trồng, ngô, lúa, chăn nuôi người Lào xủng trước đây còn trồng cây thuốc phiện, một nguồn thu nhập quan trọng của mỗi gia đình. Về tiểu thủ công, người Lào xủng có nghề rèn, dệt…nghề dệt còn thô sơ chỉ tự túc được một phần, phải dựa vào việc trao đổi với nhóm người Lào lùm, nhất là muối ăn hàng ngày. Nghề rèn của người Lào xủng cũng khá phát triển, một nghề có truyền thống nên các công cụ sản xuất, đặc biệt súng kíp rất tốt. Thanh niên Lào xủng rất thông thạo về săn bắn trên những vùng núi cao nhưng lại ít kinh nghiệm đánh bắt dưới sông suối.
Người Lào xủng cũng thờ đa thần, cúng tổ tiên, một số vùng còn thờ vật tổ nhưng chỉ ở mức kiêng kỵ không ăn và không giết mổ. Trước kia nhóm người Lào xủng chưa có chữ viết, đến năm 1960 mới có chữ viết riêng. Xã hội Lào xủng cũng phát triển chậm, nhiều tập tục của các tôn giáo cổ xưa vẫn còn đậm nét ở một số tộc. Tù tộc trưởng, thầy cúng, thợ rèn có địa vị cao trong xã hội. Tệ tảo hôn, đa thê còn phổ biến trong các gia đình chức dịch, giàu có. Người phụ nữ phải lao động hết sức nặng nhọc, vất vả nhưng lại ở địa vị thấp kém. Ngoài ra còn nhiều hình thức kiêng kỵ khác ảnh hưởng đến sản xuất.
III- Một số phong tục tập quán chủ yếu của nhân dân Lào
Nhân dân Lào có nhiều phong tục tốt đẹp được hình thành trong quá trình lịch sử. Những phong tục tập quán ấy trở thành lệ làng, nhân dân Lào gọi là “hít bản không mường”, được các thành viên trong bản mường thừa nhận và tự giác thực hiện. Thành viên nào làm trái lệ làng sẽ bị phạt, hình thức phạt do các già bản và tập thể bản mường quyết định. Hầu hết các phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân có cội nguồn từ bản sản xuất nông nghiệp. Còn bản mường Lào là cái nôi nuôi dưỡng và bảo vệ một cách có hiệu quả các phong tục tập quán cổ truyền của dân tộc. Dù có những biến đổi trong mỗi giai đoạn lịch sử, sự khác biệt về hình thức giữa các địa phương, song những phong tục cổ truyền của nhân dân Lào vẫn là tấm gương phản chiếu một phương thức sản xuất, một hình thái sinh hoạt nhất định của xã hội.
Nước Lào nằm sâu trong lục địa châu Á, nơi giao tiếp giữa hai nền văn minh cổ đại nổi tiếng Ấn Độ Và Trung Hoa. Bởi vậy trong quá trình lịch sử, nhân dân Lào còn tiếp thu các trào lưu văn hóa tràn qua vùng này, ảnh hưởng sâu sắc nhất là Phật giáo và văn hóa Ấn Độ. Việc đạo Phật được truyền bá rộng rãi ở Lào là bước ngoặt quan trọng đối với nền văn hóa cũng như phong tục tập quán của Lào. Sự giao lưu văn hóa của các nước láng giềng cũng tác động ít nhiều đến tập quán của nhân dân Lào. Nhưng những yếu tố khách quan đó càng làm cho bản sắc dân tộc thêm đậm đà, phong phú, giàu sức sống để vượt qua những thử thách quyết liệt gần hai thế kỷ, trước chính sách đồng hóa dân tộc của phong kiến Khơ-me, Xiêm và thực dân Pháp.
Nước Lào đất rộng, dân không đông lại gồm nhiều dân tộc, bộ tộc. Tuy cùng sinh sống bằng nghề nông nhưng trình độ sản xuất không đồng đều nên phong tục tập quán ở mỗi miền có sự khác biệt, thậm chí trong một tỉnh cũng không hoàn toàn đồng nhất. Vì thế mà phong tục tập quán ở Lào rất đa dạng thể hiện rõ trình độ sản xuất sinh hoạt của mỗi nhóm dân tộc, bộ tộc. Nhưng ở đây chỉ đề cập đến những tập quán chủ yếu có tính phổ biến của hệ Lào-Thay nhóm dân tộc của chủ thể, tức là người Lào lùm. 
1- Về ăn uống
Cây lương thực chủ yếu ở Lào là lúa nếp và lúa tẻ. Trên nương rẫy hoặc trong vườn còn trồng ngô, khoai sắn…nhưng đó chỉ là loại lương thực phụ. Trước đây diện tích lúa tẻ chiếm tỷ lệ không đáng kể và gạo tẻ chỉ để dùng làm bún, bánh trong những ngày lễ hội. Sau cách mạng năm 1945 diện tích gieo trồng lúa tẻ có tăng lên nhưng hầu như người Lào ưa thích ăn gạo nếp. Ở nông thôn, xôi thường được ăn vào bữa trưa để những người đi lao động ngoài ruộng, trên nương rẫy mang theo tiện lợi. Bữa ăn không cần canh riêu, xào nấu, chỉ khúc cá nướng, gỏi “chèo” (ớt nướng bóc vỏ giã với cá nướng hoặc với mắm cà), quả chuối hoặc ít quả me chín ngọt là xong bữa. Cá, ốc, ếch, lươn, tôm, tép…là thức ăn được người Lào ưa thích và trở thành phổ biến trong các bữa ăn của hầu hết các gia đình. Hệ thống sông suối, ao hồ dày đặc ở Lào là nguồn tôm cá vô tận để nhân dân Lào đánh bắt. Thịt thú rừng cũng là nguồn thực phẩm quan trọng như hươu, nai, thỏ, kỳ đà, chim, sóc,…trong đó đặc biệt là rắn, trút, dũi đất (ỗn, tùn) được người Lào ưa thích. Thịt trâu, thịt bò được xếp hàng đầu trong các loại gia súc gia cầm, thịt lợn xếp sau cùng. Ở vườn, đất rất rộng nhưng người Lào không trồng nhiều rau xanh như nhân dân một số quốc gia lân cận. Ngoài số rau ít ỏi trong vườn, trên nương rẫy, người Lào còn dựa vào nguồn ra quả hái lượm ở trong rừng. Cùng với măng rừng, nấm, mướp, bầu, bí người Lào còn rất thích ăn các loại rau quả có vị đắng, chua, chát. Các loại gia vị được trồng phổ biến ở vườn, nương rẫy như các loại rau thơm, hành, tỏi, sả…đặc biệt là ớt. Ớt là loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn của người Lào. Trên nương rẫy, gò đất ở đồng ruộng đều được trồng ớt. Ớt chín, phơi khô đem gác bếp để ăn quanh năm. Những năm mất mùa ớt, tuy không như thiếu lúa gạo nhưng cũng khá vất vả, mọi nhà phải xuôi ngược xa gần để mua bằng được ớt. Có nhà phải ăn giềng hoặc gừng thay ớt.
Do ăn xôi là chủ yếu nên người Lào hay ăn các món ăn khô, đậm đà như xào, nấu. Ngoài muối, người Lào thường dùng “pa-đẹc” (mắm cá) để nêm thức ăn như nước mắm. Đến vụ đánh bắt cá, hộ nào cũng làm năm ba chum mắm để ăn quanh năm. Các bản mường ven sông suối, đánh bắt được nhiều cá thường làm nhiều mắm để bán hoặc đổi chác với các bản mường ở miền núi. Mắm cá không những để nêm thức ăn mà còn trở thành món ăn phổ biến trong những ngày mùa bận rộn công việc đồng áng hoặc những tháng mưa dầm không đi săn bắt hái lượm được. Trong những ngày này, bữa ăn ngoài ruộng rẫy chỉ cần khúc cá mắm có ớt, sả thái nhỏ gói lá chuối đem lùi tro gọi là “môôc-pa-đẹc” là xong bữa. Hầu như người Lào thích ăn các món nướng, lùi, hông. Từ rau xanh đến các loại quả, củ có chất bột người Lào đều hong chứ không luộc. Cách nướng hay lùi của người Lào cũng độc đáo, công phu. Miếng thịt, con cá thường được nướng chín vàng thơm ngon bằng than củi suốt một hai tiếng đồng hồ.
Những ngày lễ hội hay bữa cơm khách ở nông thôn lẫn thành thị thường có món gỏi cá hoặc thịt trâu thịt bò gọi là “lạp”. Vào mùa mưa, sẵn các loại măng tươi, bữa ăn hay có món canh măng gọi là canh da-nang, thơm ngon đậm đà (lá da-nang hái ở rừng đem vò kỹ lọc lấy nước nấu với măng). Trong bữa cơm khách dù thịnh soạn đến đâu, gia chủ thường làm bát “chèo” thường hay “chèo” mắm cá. Theo tập quán của Lào, trong bữa cơm khách thông thường “chủ nhà dẫn rượu, chủ mâm dẫn ăn” nghĩa là “tiên chủ hậu khách”. Và cơm nóng, canh sốt cũng là yêu cầu đối với bữa ăn, người Lào thường nói “ăn lúc đang nóng múa lúc đang say”. Trong bữa cơm khách, hay buổi liên hoan tập thể, thức ăn đã bưng ra dù ít nhiều ngon hay không ngon, mỗi người đều ăn mỗi món một chút để khỏi phụ lòng gia chủ. Trái lại khi nồi cơm, ép xôi quá ít đến mức thiếu, nhưng người ăn bao giờ cũng để ý chừa lại một ít để tượng trưng cho sự no đủ, thừa thãi cơm gạo.
Những ngày lễ hội, liên hoan tập thể bản mường hoặc gia đình tổ chức cưới xin, giỗ chạp người Lào thường uống rượu. Có hai loại rượu phổ biến là rượu cần và rượu đế nấu bằng gạo nếp. Trong ngày mùa lao động khẩn trương phải dầm mưa để cày bừa, người Lào cũng hay nấu rượu để uống. Các cụ già cũng thường uống rượu thuốc, ngâm với các loại rễ cây thuốc nam, mật thú rừng, rắn, bìm bịp…
Trước kia người Lào hay uống nước mưa hoặc nước giếng, nói chung là loại nước nguội. Sau cách mạng, nhân dân Lào đã uống nước đun sôi để nguội. Tại các bản mường ở miền Bắc và Trung Lào các cụ già thường uống nước chè tươi rất đặc hoặc uống các loại lá rễ có vị chát như chè tươi.
Trước kia phần lớn nam giới ở Lào hút thuốc lá-loại thuốc rê hộ nào cũng có thể tự túc được. Ở nông thôn hộ nào cũng có vườn thuốc lá. Sau khi thái và sấy khô, thuốc lá được xếp vào sọt đem gác trên chạn bếp để hút quanh năm. Nhìn chung người Lào ưa hút các loại thuốc lá nặng. Phụ nữ Lào cũng ăn trầu thuốc, nhất là khi lớn tuổi. Những ngày lễ hội, vào dịp dạm vợ, gả chồng, làm lễ cầu yên trên mâm lễ không bao giờ thiếu miếng trầu, quả cau, điếu thuốc cuốn. Những năm kháng chiến chống Pháp xâm lược trước đây, khi hành quân qua các bản mường, các chiến sĩ giải phóng nhân dân Lào và quân tình nguyện Việt Nam thường nhận được thuốc lá cuộn do các cô gái hoặc Hội mẹ chiến sĩ tặng.
2- Về nhà ở   
Bản làng người Lào lùm thường ở bên các con sông, suối, thuyền bè xuôi ngược dễ dàng. Trong bản hầu hết là nhà sàn gỗ, nối tiếp nhau theo dòng sông, suối và quay về một hướng. Trước đây dưới gầm nhà thường đặt khung cửi, để nông cụ, chuồng gà, chuồng trâu. Sau cách mạng năm 1945, hưởng ứng phong trào vệ sinh phòng bệnh, chuồng trâu, bò đã được chuyển khỏi gầm nhà. Có ý kiến cho rằng người Lào ở nhà sàn để đề phòng thú dữ. Thực ra phải nói người Lào thường ở nhà sàn, nhất là ở nông thôn là để tránh mọi bất trắc có thể uy hiếp tính mạng, tài sản của con người như hổ, báo, rắn rết, mối mọt, trộm cướp và cả lũ lụt nữa. Hệ thống sông suối ở Lào quả có ưu đãi, khoan dung đối với con người, song không phải là không gây ra tai họa.
Giống như nhân dân nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á, việc dựng nhà, chuyển đến nhà mới xưa nay ở Lào được coi là việc hệ trọng và có một số tập quán được mọi nhà tự nguyện tuân thủ một cách nghiêm chỉnh. Theo quan niệm của người Lào, ngôi nhà là nơi nương tựa suốt cả một đời người. Cuộc sống ấm no, hạnh phúc lúc vui buồn của mỗi gia đình đều diễn ra dưới mái nhà sàn gỗ đơn sơ của mình.
Để dựng một ngôi nhà sàn gỗ, dù lớn hay nhỏ, người Lào thường tiến hành theo trình tự: tìm cột, chuẩn bị tre, gỗ, chôn cột, dựng nhà, làm lễ chuyển nhà mới, trải chiếu…Thực hiện các bước trên, xưa nay người Lào thường dựa vào sức mạnh của tập thể bản mường. Đối với các thành viên trong bản mường coi sự giúp đỡ lẫn nhau là nghĩa vụ, là tình nghĩa đối với xóm giềng. Theo truyền thống, mỗi hộ trong bản vào dịp này, thường phát huy tinh thần đoàn kết tương trợ để xóm giềng có được ngôi nhà khang trang, mát mẻ thuận tiện cho sinh hoạt. Yếu tố quyết định độ bền vững của ngôi nhà sàn gỗ ở Lào trước đây là cây cột. Cột được chôn xuống đất, thường xuyên tiếp xúc với độ ẩm dễ bị mối mọt…nên phải lựa loại gỗ tốt. Gia chủ chuẩn bị cơm nước cùng xóm giềng vào rừng tìm cột. Những cây gỗ tốt, thẳng, ít mắt thường được chọn. Không may chọn phải gỗ xấu làm cột nhà, người Lào xưa kia cho rằng sẽ ảnh hưởng không tốt đến chủ nhân sau này như bệnh tật, đau ốm…Khi đã chọn được cây gỗ như ý, trước khi chặt, gia chủ thường đi quanh ba vòng từ trái sang phải, rồi vịn vào thân cây đọc những lời cầu khẩn mọi sự tốt lành. Khi chặt, gia chủ phải lựa hướng sao cho cây gỗ đổ ngay xuống đất. Nếu xung quanh cây rậm có thể vướng, thường phải phát quang trước khi chặt. Chặt hạ xong, cột được chuyển về bản, dùng lửa đốt để bóc vỏ, đục lỗ. Trước đây chưa có các loại đinh, người Lào thường dùng con xỏ (lĩn-toọc) bằng gốc tre. Việc tính toán kích thước của ngôi nhà do một người thợ cả đảm nhận. Họ dùng nắm tay, gang tay, khuỷu tay và sải tay để đo gọi là “căm, khựp, xoọc, va). Các con số 6, 8, 9 được coi là những số may mắn.
Sau khi chuẩn bị đầy đủ các vật liệu, các già bản tính toán chọn một ngày lành, tháng tốt, gia chủ thông báo cho bà con xóm giềng biết ngày dựng nhà. Theo tập quán ở Lào, hộ nào cũng cử người đến giúp. Nếu nhà không có nam giới thì phụ nữ đi thay. Vì ngoài công việc dựng nhà, gia chủ còn chuẩn bị cơm nước mời bà con đến giúp. Phụ nữ đi giúp bà con dựng nhà thường có tục mang theo mắm, muối ớt, lá chuối, thuốc lá cuốn…và giúp nấu nướng chuẩn bị bữa ăn. Còn nam giới chỉ cần mang theo con dao dựa hoặc chiếc rìu là hai dụng cụ chủ yếu để làm nhà trước đây ở Lào. Theo tập quán của bản mường thì mọi công việc từ đào lỗ chôn cột, dựng nhà, thưng ván, lợp, giải giát sàn…đều phải làm xong trong ngày. Bởi vậy bà con xóm giềng thường đến sớm, đông đủ và lao động với tinh thần khẩn trương dưới sự điều khiển của người thợ cả. Người Lào lùm thường dựng nhà quay về hướng Bắc, lưng tựa vào hướng Nam hoặc chếch đôi chút. Nếu quay về hướng khác hoặc nhà cắt ngang hướng Đông-Tây là điều kiêng kỵ. Bước đầu tiên của việc dựng nhà là chôn cột. Theo tập quán người Lào thường làm nhà ba gian nên có tám cột. Khi đào, phải đào hố chôn cột ở phía Nam trước gọi là “xảu hẹc”. Tiếp theo phải đào hố chôn cột phía Đông gọi là “xảu khoẳn”. Sau đó có thể đào chôn cột nào tiếp cũng được. Khi dựng cột nhà cũng phải dựng hai cột ở phía Nam và phía Đông trước. Trước khi dựng cột thường lót lá chuối tươi hay đổ cát, sỏi xuống trước. Trên đỉnh mỗi cột buộc các cành lá tươi bằng chỉ trắng hoặc tơ tằm. Với nghi thức và trình tự trên, người Lào tin rằng hạnh phúc sẽ đến với gia chủ, cuộc sống lao động sản xuất sẽ gặp nhiều may mắn.
Dựng xong ngôi nhà, trước khi lên nhà mới, ở Lào cũng có tục làm lễ chuyển đến nhà mới (khựn hươn mày). Tham gia làm lễ lên nhà mới cũng gồm các thành viên trong bản mường, trong đó các già bản có vai trò quan trọng. Trước kia lễ chuyển đến nhà mới thường được chuẩn bị công phu, mất thời gian và tốn kém. Ngày nay chỉ còn hình thức làm lễ cầu may đến nhà mới gọi là “xù-khoẳn hươn mày” với sự tham gia của bà con xóm giềng.
Dựng chòi để lúa (làu khạu), người Lào cũng coi trọng như dựng nhà. Nên các bước chuẩn bị, trình tự đào hố, chôn cột cũng giống như dựng một ngôi nhà ở.
Người Lào cho rằng, nếu làm được như vậy thì kho lúa an toàn, lấy ra ăn mãi cũng không vơi mà ngày càng đầy lên. Nhà ở, trong các bản mường Lào phổ biến là sàn gỗ, xung quanh thưng ván, trên lợp ngói gỗ hay cỏ gianh. Những hộ nghèo, neo đơn cũng có ngôi nhà sàn nhỏ đơn sơ, thường thưng phên nứa, giát tre nhưng hầu hết là cột gỗ. Để bảo vệ rừng, các loại gỗ quý hiếm, ngày nay người Lào đã dùng cột bê-tông đúc sẵn, ngôi nhà sàn vững chắc và lâu bền hơn gỗ.
Ngôi nhà của người Lào thường được chia làm hai phần chính. Phía ngoài là nơi ăn uống, bếp núc và sinh hoạt của toàn gia đình. Phía trong là một dãy buồng riêng nơi nghỉ ngơi của cha mẹ, con cái. Nếu nhà của trưởng họ hay thầy cúng còn có một buồng riêng để thờ cúng. Con cháu, phụ nữ, khách lạ tuyệt đối không được vào căn buồng này. Khách lạ đến nhà có thể đi lại phía ngoài từ cầu thang đến tận sàn rửa bát. Khi nằm nghỉ ngơi phải nằm theo chiều giát nhà. Chú ý không ngồi lên các ghế mây tròn nhỏ quanh bếp hoặc vào các buồng ngủ nếu không được sự đồng ý của gia chủ. Ngôi nhà sàn của người Lào thường có một mái ngắn một mái dài, nên trong nhà không được sáng sủa. Có thể đó là một kiểu kiến trúc tránh gió Tây-Nam về mùa mưa và gió Đông-Bắc về mùa khô.
Tìm hiểu sinh hoạt của người Lào ở nôn thôn thì thấy ngôi nhà trong bản chỉ là nơi sinh hoạt gia đình vào buổi tối sau một ngày lao động. Phần lớn thời gian, đặc biệt trong những ngày mùa bận rộn, mọi sinh hoạt gia đình được tập trung tại ngôi nhà nhỏ được dựng trên khoảng đất bằng phẳng ngay tại ruộng rẫy. Hộ không dựng nhà cũng cất một cái chòi gọi là “thiểng-na”. Trên chòi có đầy đủ gạo, nước, mắm muối, nồi xoong, chăn màn để có thể ngủ lại. Xung quanh ngôi nhà ngoài ruộng còn có vườn nhỏ trồng rau, ngô, chuối, ớt, sả…có nhà còn mang cả gà vịt ra nuôi. Nhiều hộ ruộng xa, để tiện lợi cho sản xuất, suốt thời gian ngày mùa đã ngủ lại ngoài ruộng trừ những tối phải lên chùa hoặc họp bản làng. Ngôi nhà trong bản chỉ có các cụ già không còn sức lao động trông nom và làm nghĩa vụ đối với nhà chùa.
Sau ngày hòa bình độc lập thống nhất từ các điểm sơ tán trở về bản mường, nhân dân Lào có xu hướng dựng nhà mới lớn hơn trước, mái cao, trổ nhiều cửa sổ nên sáng sủa thông thoáng, dưới gầm nhà chỉ để khung cửi, cối giã gạo và nông cụ. Dưới chân cầu thang mỗi nhà người Lào thường trồng vài gốc hoa vạn thọ. Đầu cầu thang có một vò nước có nắp đậy kín và một cái gáo để múc nước. Trong nhà có việc không lành xảy ra như ốm đau, lâm bệnh trầm trọng, không muốn cho khách lạ lên, gia chủ cắm một cái “ta-lẻo” (tấm phên nhỏ, rộng hơn bàn tay đan bằng tre nứa, hình mắt cáo) ở chân cầu thang. Để tránh phiền phức cho gia đình, khách lạ trước khi lên nhà nên quan sát chân cầu thang có dấu hiệu gì phải kiêng kỵ. Quanh ngôi nhà của người Lào không hề có nhà vệ sinh. Ở miền Bắc có một số bản làng người dân thường phóng uế xuống dòng sông suối. Còn hầu hết các địa phương, người Lào coi việc phóng uế xuống sông suối là một tội lỗi, một điều tối kỵ. Khi đi đại tiện người Lào ở nông thôn có tục dùng thuổng để đào và lấp rất kỹ với quan niệm nếu để ma ăn phải phân, người ấy sẽ chết vì bệnh đường ruột. Do vậy mà dưới gầm nhà nào cũng dựng dăm ba cái thuổng. Tục này đã trở thành thói quen, ngay cả trẻ em cũng thực hiện một cách nghiêm túc mỗi khi vác thuổng vào rừng cạnh bản để đi cầu. Người Lào rất sợ phóng uế bừa bãi, không những gây hôi thối khó chịu mà còn làm cho ma quỷ đến quấy rầy đời sống của con người.
3- Về trang phục trang sức
Từ lâu trong mỗi bản mường, nhân dân có khả năng tự túc được các loại chăn, vải. Khi chưa có thuốc nhuộm, người Lào dùng các loại quả rừng, củ rừng. Các cô gái thích mặc vải hoa, vải kẻ có màu đậm, tươi tắn như màu cỏ cây hoa lá tự nhiên trong rừng núi bao la trùng điệp của quê hương mình. Kiểu áo quần, màu sắc cũng được chú ý sao cho tiện lợi, phù hợp với từng mùa, từng hoàn cảnh cụ thể khi đi lao động sản xuất, dự lễ hội, cưới xin, ma chay…
Thanh niên Lào thường cắt tóc ngắn, mặc áo cổ tròn tay ngắn, quần đùi, bên ngoài quấn chiếc khăn gọi là “phạ-xà-rông” màu, kẻ ô vuông. Khi đi lao động ngoài ruộng rẫy, nam giới mặc quần đùi hoặc quần dài nhuộm chàm. Những ngày lễ hội trang trọng, nam giới mặc y phục dân tộc. Đó là chiếc áo sơ mi cổ tròn, khuy vải, cài về phía tay trái. Bên ngoài chiếc quần đùi giản dị, các chàng trai Lào quấn chiếc khăn dài rộng gọi là “phạ nhạo nếp tiêu” màu sắc sặc sỡ (rộng hơn phạ-xạ-rông, khi mặc cuốn qua háng rồi nhét vào cạp sau). Gia đình khá giả mặc loại toàn tơ tằm. Một số thanh niên còn quàng loại khăn màu chéo qua ngực gọi là “phạ-biềng”. Đi dự những ngày lễ hội trong bản mường người thanh niên có thể mặc bộ y phục dân tộc cũ nhưng nếu mặc áo quần ngắn thì bị dân bản đánh giá thiếu sự tôn trọng cộng đồng, phong tục truyền thống của dân tộc. Trong lễ hội cũng như lúc bình thường, nam giới ở Lào hay đeo nhẫn, một số địa phương ở Nam Lào còn đeo dây chuyền. Trong cuộc sống lao động hàng ngày, người Lào còn thường dùng một loại khăn gọi là “phạ-phe” (giống khăn rằn ở miền Nam). Ở Lào khăn rằn được sử dụng một cách phổ biến trong cả nước, ở mọi lứa tuổi. Chiếc khăn vải kẻ ô vuông màu trang nhã thường được dùng làm khăn tắm, trùm đầu che nắng che sương, quàng cổ khi trời giá rét. Đi lao động ngoài ruộng rẫy, đi đường xa “phạ-phe” dùng để gói bộ quần áo thắt ngang lưng rất gọn gàng. Những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp các chiến sĩ Pa-thêt Lào dùng “phạ-phe” thay ba-lô trong các cuộc hành quân bôn tập. Phạ-phe còn dùng làm dây trói tù binh trong những trận thắng lớn. Cùng với chiếc “phạ-phe” một con dao nhọn dắt trong bao gỗ xinh xắn cũng là một vật không thể thiếu đối với nam giới ở Lào, đặc biệt là ở nông thôn. Một cuộc hành trình dài ngày, đi sản xuất ngoài ruộng rẫy, đi săn bắt, người thanh niên Lào dù ở lứa tuổi nào cũng luôn mang bên mình con dao đánh bằng loại thép quý và thường xuyên được mài rất sắc. Trong những năm kháng chiến chống Pháp cũng như chống Mỹ xâm lược, các chiến sĩ Quân giải phóng nhân dân Lào, quân tình nguyện Việt Nam cũng không thể thiếu con dao nhọn. Con dao trở thành vật có tác dụng vạn năng đối với người nông dân Lào cũng như các chiến sĩ hoạt động ở vùng rừng núi.
Lúc còn nhỏ, phụ nữ Lào để tóc hoặc hớt tóc. Trên mười tuổi thường búi tóc, một số địa phương như ở Luổng-pha-bang có tục búi tóc lệch hoặc thẳng để phân biệt giữa các cô gái có chồng và chưa có chồng. Ngoài năm mươi tuổi, phụ nữ Lào thường hay cắt tóc ngắn với quan niệm đã về già cần ăn mặc giản dị, gọn gàng, làm gương cho con cháu. Xưa kia cũng như ngày nay phụ nữ Lào thường mặc váy. Theo tập quán cổ truyền, phụ nữ Lào mặc váy có cạp, có gấu, không quá ngắn hoặc quá dài. Ai không mặc như trên hoặc dùng vải quá mỏng, quần chẽn bó lấy thân bị coi là không đứng đắn, trái với cách ăn mặc truyền thống của phụ nữa Lào. Các em bé gái dưới mười tuổi có thể châm chước trong cách ăn mặc nhưng vẫn kỵ mặc đảo ngược gấu váy lên trên. Đi lao động ngoài ruộng rẫy như gặt hái, làm cỏ, hái lượm trong rừng, phụ nữ mặc áo tay dài nhuộm màu chàm hoặc đen. Người lớn tuổi hay quấn trên đầu chiếc khăn rằn (phạ-phe). Đi dự lễ hội, phụ nữ Lào ăn mặc theo truyền thống dân tộc. Đó là váy toàn tơ, chân váy có những đường hoa văn mang màu sắc dân tộc, chiếc áo tay ngắn được may cầu kỳ hơn, có những đường viền hoặc thêu hình hoa lá, chim muông. Có cô gái mặc áo đính bằng khuy đồng hay khuy bạc, quàng chéo trước ngực chiếc khăn “phạ-biềng” màu. Bó sát lưng làm nổi thân hình thon thả của các cô gái là chiếc dây thắt lưng bằng đồng hay bạc gọi là “khểm-khắt”. Đi dự các ngày lễ hội các cô gái Lào thích đeo đồ trang sức như hoa tai, dây chuyền, nhẫn bằng vàng hay bạc. Nhưng phổ biến nhất là đôi bông tai và chiếc thắt lưng, đó là những vậy kỷ niệm của người con gái được cha mẹ sắm cho từ thưở nhỏ.
Dưới chế độ thực dân mới của đế quốc Mỹ trước đây, trong các đô thị có một số phụ nữ ăn mặc lố lăng, xa lạ với tập quán của dân tộc Lào như mặc váy cao trên đầu gối, áo vải mỏng…Nhưng phần lớn họ là ngoại kiều hoặc có một số nhỏ là người Lào làm thuê cho các tiệm nhảy, hộp đêm. Còn hầu hết phụ nữ Lào nhất là ở nông thôn vẫn giữ được cách ăn mặc giản dị, trang nhã theo truyền thống dân tộc. Hơn hai mươi năm qua cách ăn mặc ở Lào cũng có một số thay đổi theo xu hướng hội nhập với thời đại nhưng vẫn được nét đặc trưng của dân tộc. Chẳng hạn ở thành thị, thanh niên ưa mặc âu phục, một số cô gái mặc quần, uốn tóc. Phụ nữ vẫn mặc váy, riêng chiếc áo sơ mi có nhiều kiểu mới mẻ hơn trước.
4- Phân công lao động
Việc phân công lao động trong gia đình người Lào ở mỗi nhóm dân tộc, mỗi miền có khác nhau đôi chút, song về căn bản đều theo giới và lứa tuổi. Sự phân công lao động phản ánh khá rõ nền kinh tế nông nghiệp, tự cấp tự túc, trong đó mỗi gia đình là một đơn vị kinh tế hầu như khép kín. Từng gia đình phải sản xuất tự túc tất cả mọi nhu cầu của đời sống từ lúa, bông, vải, mắm…, đến rau quả, thuốc hút. Phần còn lại nhờ vào sự trao đổi với xóm giềng hoặc các bản mường lân cận.
Trong gia đình, người chồng thường làm những công việc nặng nhọc như cày bừa, phát nương, đắp mương phai, săn bắt, sữa chữa nhà cửa. Các em trai trên mười tuổi làm công việc nhẹ hơn như chăn trâu, bò, trông coi ruộng rẫy, đan lát, theo cha để tập sự các công việc của nam giới. Do gắn bó với núi rừng sông suối, lại được rèn luyện từ nhỏ nên thanh niên Lào rất thành thạo việc săn bắt trên sông suối và núi rừng. Có nhiều hình thức đánh bắt trên sông suối, đầm hồ tùy theo mùa nước, loại cá. Chẳng hạn như câu cá có cầu phao, câu chìm, câm cắm, câu quăng. Vào rừng vào mùa khô gặp một vũng nước có nhiều cá, người thanh niên Lào chỉ dùng một loại vỏ cây trong rừng gọi là “khưa-hay” đập dập thả xuống một lúc là cá phải nổi lên. Từ xa xưa, người Lào đã nổi tiếng về săn bắn thú rừng bằng vũ khí thô sơ và biệt tài đi rừng. Người Lào có thể ngắm hướng băng rừng đi đến một điểm đã định trước mà không cần địa bàn. Với tài nghệ vượt núi băng rừng, nghĩa quân Lào yêu nước trước kia, các chiến sĩ quân giải phóng nhân dân Lào trong những năm kháng chiến chống xâm lược vừa qua đã nhiều phen giáng cho quân thù những đòn bất ngờ choáng váng.
Để săn bắt thú rừng, trước đây người Lào dùng các hình thức gài chông, bẫy, bắn nỏ bằng tên tẩm thuốc độc…khi chế tạo được súng kíp, thuốc súng thì việc săn bắn chủ yếu bằng súng. Súng săn hiện đại chỉ mới xuất hiện thời gian gần đây, chủ yếu ở vùng đồng bằng ven đô thị. Còn ở hầu hết các bản mường vùng nông thôn vẫn sử dụng hình thức săn bắn theo truyền thống của mình. Bằng các loại vũ khí thô sơ tự tạo nhưng với tinh thần dũng cảm, mưu trí, các chàng trai Lào vẫn diệt được các loại thú dữ như hổ, gấu, voi…Các địa phương ở Nam Lào có truyền thống dụ voi về thuần dưỡng. Đây là một nghề hết sức công phu, nguy hiểm đòi hỏi lòng dũng cảm, thông minh. Người Lào có nghệ thuật bẫy chim, gà, công…rất độc đáo, có hiệu quả và phổ biến khắp các bản mường từ Bắc xuống Nam. Có thể nói các chàng trai Lào có biệt tài săn bắt, chỉ cần đem theo con dao, cái nỏ, dăm ba cái bẫy, ít lưỡi câu là có thể có cá, chim, sóc, gà rừng, đem về sau một ngày lao động ngoài ruộng rẫy. Khi súng kíp ra đời thì bản làng nào cũng có hàng chục cây súng và dăm ba người săn bắn nổi tiếng. Giống một số dân tộc khác ở khu vực, việc săn bắt ở Lào cũng có một số kiêng kỵ. Chẳng hạn, người đi săn không cho biết trước hướng đi và kết quả mình mong muốn. Súng đạn được giữ gìn cẩn thận, để ở những nơi cao ráo, tránh những vật ô uế. Thành tích săn bắn của mỗi người được lưu lại bằng những chuỗi nanh vuốt, răng thú dữ treo ở một góc nhà. Đối với cây nỏ thì lớp lớp máu dày khô quánh ở thân nỏ, tượng trưng cho tài nghệ của chủ nhân.
Từ lâu việc săn bắn ở Lào không đơn thuần để giải quyết thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày mà còn là cuộc đấu tranh khá quyết liệt để bảo vệ sản xuất, nhất là ở vùng rừng núi. Xung quanh ruộng rẫy ở Lào phải có lớp rào vững chắc, bên ngoài bờ rào còn có chông, bẫy gọi là “kạ-tầm, kạ-thíp”. Khi lúa chín bên trong rẫy còn gài thêm các loại bẫy để đề phòng khỉ, lợn rừng vượt rào vào phá hoại. Gần ngày thu hoạch, nhà nào cũng có người ngủ lại ruộng rẫy để canh giữ. Người Lào thường ví “voi vào ruộng như quan nha vào bản”. Không chỉ đề phòng thú dữ, thú lớn mà các loại muông thú khác tuy nhỏ nhưng với số lượng lớn cũng là mối đe dọa mùa màng như chim, khỉ, chuộc, châu chấu…Ở Lào có tục săn bắn tập thể gồm nhiều tay súng và hàng chục người tham gia. Đó là các cuộc săn bắn hươu, nai, hoẵng…Qua vết chân, một thành viên giàu kinh nghiệm phát hiện con mồi còn quanh quẩn trong khu rừng nào đó, lập tức cả bản đổ ra bủa vây, gõ mõ, hò la để đuổi con mồi chạy về hướng có các tay súng mai phục sẵn. Nhiều nhà còn dùng cả chó săn ra lùng sục để uy hiếp con mồi. Cuộc săn bắn rầm rộ tưởng chừng như đơn giản nhưng thực ra được tổ chức, phối hợp rất chặt chẽ, đòi hỏi người sử dụng súng phản ứng nhạy bén và tỉnh táo. Kết quả thu được trong cuộc săn bắn tập thể được chia theo phần, tùy theo công sức của mỗi người. Chẳng hạn người phát hiện con mồi được phần thỏa đáng. Con mồi bị trúng cùng lúc hai phát đạn, nhưng người nào bắn trúng chỗ hiểm thì được phần nhiều hơn. Nếu phụ nữ có thai cũng tham gia thì được chia hai phần.
Những việc được coi là nhẹ hơn như gặt hái, trông nom vườn tược, chăn nuôi, hái lượm, nấu nướng, may vá, dệt vải và chăm sóc con cái đều do người phụ nữ đảm nhiệm. Với sự phân công như trên, người phụ nữ Lào lao động khá vất vả. Có thể nói người phụ nữ Lào chỉ được nhàn rỗi, tự do bay nhảy cùng bè bạn trong các ngày lễ hội khi còn con gái, đến khi lấy chồng có con, thường phải lo toan công việc gia đình bận rộn quanh năm. Các em bé gái cũng sớm tham gia lao động giúp đỡ mẹ công việc nội trợ. Được mẹ kèm cặp từ nhỏ nên các cô gái Lào rất khéo tay, đảm đang công việc nội trợ, dạy dỗ con cái. Đối với các cụ già ở Lào chỉ làm những công việc vặt phù hợp trong nhà, dạy dỗ con cháu và trông nom chùa tháp. Ở Lào có tục tôn trọng người già cả, nhất là các cụ là trưởng họ hoặc có công với bản mường, các thành viên trong bản quan niệm người già là những người có công với con cháu, bản mường, có kinh nghiệm trong đấu tranh, lao động sản xuất, tích được nhiều phúc đức, con cháu phải noi theo. Dường như dân tộc nào cũng kính trọng người già nhưng riêng ở Lào các cụ già có vị trí đặc biệt quan trọng gắn với tập tục truyền thống. Bởi vậy, trong những ngày lễ hội, cưới xin, ma chay, giải quyết các tranh chấp giữa các thành viên trong bản, mâu thuẫn trong gia đình, không thể thiếu các già bản. Sau ngày lễ cưới, cô dâu chú rễ phải đến lễ các già bản gọi là “xẳm-ma” trước khi về thăm cha mẹ, họ hàng. Cùng với sư thầy, già bản là trung tâm đoàn kết của bản mường. Vai trò của các già bản cũng được khẳng định trong kho tàng ca dao tục ngữ: “Không nghe lời người già ba lần sẽ khó, nghe lời người già tốt hơn nghe lời thầy bói”.
5- Quan hệ gia đình, họ hàng, xóm giềng
Các bản mường ở Lào thường có một số dòng họ. Mỗi họ có nhiều gia đình. Các gia đình này gắn bó chặt chẽ với nhau về mặt truyền thống, tình cảm và kinh tế. Về họ hàng, người Lào có họ cha, họ mẹ và họ nhà chồng, nhà vợ. Gửi rể là tập quán phổ biến ở nông thôn Lào. Một số địa phương có tục gửi rể một thời gian nhất định, khi vợ chồng ra ở riêng sẽ được hưởng một phần tài sản do cha mẹ vợ chia cho. Tùy mỗi nhóm dân tộc, mỗi địa phương, quyền lực trong gia đình thuộc người chồng hay người vợ. Đương nhiên, với chế độ tiểu gia đình phụ quyền thì quyền lực sẽ thuộc về người chồng. Song, nhìn chung người phụ nữ Lào vẫn có một số quyền hành nhất định, chứ không hoàn toàn ở vào vị trí thấp kém trong gia đình cũng như xã hội. Trong gia đình, con gái có quyền lợi ngang với con trai. Con gái được tự do đi dự lễ hội, múa hát dưới ánh trăng cùng bè bạn, kể cả bạn trai. Trong những ngày lễ hội của bản mường, con gái không bị ngăn cản mà còn được công nhận như một thành viên chính thức. Các cô gái Lào có thể tự do kéo sợi, dệt vải, may chăn màn, làm nệm, thêu gối chuẩn bị cho ngày cưới của mình. Khi bố mẹ chia tài sản, con gái cũng được hưởng một phần ngang với con trai. Riêng giai cấp phong kiến Lào xưa nay không công nhận vai trò của người phụ nữ, luật pháp của vương quốc Lào trước đây quy định người phụ nữ không phải làm nghĩa vụ đối với Nhà nước.
Người Lào rất quý con, dù trai hay gái. Tất nhiên, những vùng có tục gửi rể, con gái được quý hơn. Xưa nay, người Lào cũng có tâm trạng phiền muộn, cảm thấy thiếu hạnh phúc khi vợ chồng lấy nhau lâu mà không có con. Người Lào thường nói “Không có mèo chuột cắn khung cửi, không có con, họ hàng coi khinh”.
Ở Lào, gia đình một vợ một chồng là phổ biến. Tầng lớp phong kiến, quan lại giàu sang lấy hai, ba vợ nhưng thông thường mỗi vợ ở một nhà riêng hoặc một địa phương khác. Vì cái cảnh vợ lẽ, vợ cả cũng là nguyên nhân gây nên những mối quan hệ khá phức tạp đúng như người Lào thường ví: “Muốn nhà lắm rác thì ăn măng, muốn ầm nhà thì lấy vợ lẽ”. Con chú con bác hay con cô con cậu ở Lào không được lấy nhau. Nhưng trong hoàng tộc, không những con cô con cậu mà chú có thể lấy cháu. Anh em ruột, anh em họ hay bà con họ hàng thường có quan hệ gắn bó với nhau trong cuộc sống hàng ngày. Trong họ, ai săn bắn được con mồi lớn, bắt được mẻ cá ngon đều được san sẻ, cả họ đều có phần. Lúc gặp khó khăn hoạn nạn thì họ hàng đùm bọc, cưu mang, chủ động mang đến cho không chứ không phải hỏi xin hay vay mượn. Bà con họ hàng không đòi hỏi điều kiện gì ngoài lòng mong muốn người thân vượt qua khó khăn trước mắt, về sau khi làm ăn thuận lợi khấm khá vẫn không bao giờ quên tình nghĩa anh em họ hàng. Sau ngày mùa, có thời gian rãnh rỗi, người Lào có tục thu xếp quà cáp đi thăm hỏi bà con họ hàng gần xa với quan niệm: “Ngọc không dũa ba năm thành sỏi đá, bà con không đi lại ba năm hóa người dưng”. Gia đình nào hiếm con cái thường nuôi con bác, con chú cho khỏi vắng vẻ. Một số địa phương ở Nam Lào, chị em gái lấy chồng có con đã ra riêng nhưng vẫn gần gũi thương mến nhau hơn cả anh em trai.
Cách xưng hô của người Lào cũng tự nhiên và đơn giản. Tuy có ý thức rõ về anh em họ hàng, trên dưới nhưng thông thường khi giao tiếp ai lớn tuổi hơn thì được gọi là anh, là chị. Nhiều địa phương ở Lào có tục không gọi tên thật lúc còn nhỏ, mà con gái thường được gọi là “bặc e” tương tự như cái đĩ, thằng cu. Các cô gái 15, 16 tuổi trước cái tên thường dùng của mình còn có thêm tiếng “sảo”, con trai mười tám đôi mươi chưa có vợ gọi là “ai-bào” để hiểu họ là gái chưa chồng, trai chưa vợ. Vợ chồng lấy nhau đẻ con đầu lòng được đặt tên là gì thì cha mẹ được dân bản gọi vợ chồng bằng tên ấy và phía trước có thêm tiếng bố hoặc mẹ. Chẳng hạn đứa con gái đầu lòng đặt tên là Bua thì người cha, người mẹ được gọi là “phò Bua, mẹ Bua”. Khách nước ngoài đến Lào không khỏi ngạc nhiên khi thấy người được gọi là cha là mẹ còn quá trẻ. Thực ra, cách gọi đó chỉ có nghĩa là bố mẹ của đứa con đó mà thôi. Cặp vợ chồng lấy nhau lâu năm không có con thì dân bản gọi là “phò pàu-mẹ pàu” (bố không, mẹ không).
Ở Lào còn có tục kết nghĩa anh em, bạn be gọi là “phục-xiều” (kết bạn). Đôi bạn kết nghĩa thường thân thiết gắn bó hơn anh chị em ruột. Bởi anh em ruột tuy cùng máu mủ nhưng không chắc đã hợp tính tình. Còn “xiều” thường là bạn chuyển thành bạn kết nghĩa, nên tâm đồng ý hợp. Hai người bạn cùng lứa tuổi, chơi thân với nhau một thời gian, nhận thấy có nhiều điểm hợp với nhau, cảm mến, tôn trọng nhau thì có thể kết nghĩa. Không ít trường hợp chỉ mới quen biết nhau nhưng đã có cử chỉ, hành động chân tình, giúp đỡ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn, hai người có thể làm lễ kết nghĩa. Việc kết nghĩa không nhất thiết phải cùng lứa tuổi, nhiều trường hợp hơn kém nhau dăm ba tuổi nhưng thấy thân thiết, hòa hợp, cần có nhau trong cuộc sống lao động sản xuất vẫn có thể kết nghĩa gọi là “ai-xiều” và “nọng-xiều” (anh kết nghĩa, em kết nghĩa). Lễ kết nghĩa tuy đơn giản nhưng trang trọng. Ngoài hai người kết nghĩa, đại diện gia đình hai bên, còn có các già bản đến chứng kiến buổi lễ buộc chỉ cổ tay và uống nước thề giữ trọn tình nghĩa bạn bè, anh em kết nghĩa. Những người đến dự cũng chân thành chúc cho tình nghĩa giữa đôi bạn kết nghĩa mãi mãi bền vững dù trong hoàn cảnh nào cũng không bỏ nhau. Khi lấy vợ có con, vợ và con của đôi bạn kết nghĩa cũng quan hệ thân thiết. Họ thường gọi người bạn kết nghĩa của chồng bằng cái tên hết sức thân mật là “phò-xiều” (bố kết nghĩa). Không chỉ riêng với nam giới, tục kết nghĩa còn phổ biến trong giới nữ ở mọi lứa tuổi, trẻ cũng như già. Khi lấy chồng có con, chồng con của đôi bạn kết nghĩa cũng trở nên gắn bó, đi lại thăm hỏi như bà con họ hàng. Người chồng gọi bạn kết nghĩa của vợ mình là “mẹ-xiều” (mẹ kết nghĩa) và con gọi là “lục-xiều”. Tục kết nghĩa anh em, bè bạn tồn tại khá lâu và ngày nay vẫn được duy trì. Rất nhiều đôi bạn kết nghĩa đã quan hệ đối xử với nhau hết sức tốt đẹp trọn tình, trọn nghĩa, không thua kém anh em ruột thịt.
Ngoài họ hàng bà con ra, mỗi thành viên trong bản làng còn có mối quan hệ với xóm giềng. Dù không cùng chung huyết thống nhưng lại có rất nhiều mối quan hệ ràng buộc với nhau trong cuộc sống, lao động sản xuất. Có thể nói, họ đã biết dựa vào nhau, đùm bọc nhau trong cuộc đấu tranh để sinh tồn. Khi trình độ sản xuất còn thấp kém, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu thì những việc như làm ruộng, phát rẫy, đắp mương, rồi thiên tai địch họa…đều phải dựa vào sức lao động của cả cộng đồng. Có thể nói xưa nay, mỗi gia đình trong bản có công việc hệ trọng như: bệnh tật đau ốm, sinh nở, cưới xin, ma chay, tu hành…đều có sự hỗ trợ to lớn của xóm giềng, bản làng. Các thành viên trong bản coi việc giúp đỡ lẫn nhau là nghĩa vụ, là đạo lý làm người, không ai nghĩ rằng mình sẽ được trả ơn sau này. Về mối quan hệ xóm giềng, bản làng các già bản thường dùng những câu tục ngữ để khuyên răn con cháu như: “gỗ một cây rào dậu không kín”, lúc thiếu thốn thì “con cá nhỏ bằng ngón tay út cũng chia đôi”, gặp khó khăn trở ngại thì “nặng giúp nhau gánh, dai giúp nhau kéo”. Đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng là tập quán tốt đẹp của người Lào được duy trì qua nhiều thế hệ. Nhưng sau này có nơi đã bị bọn phong kiến, quan lại lợi dụng để bóc lột những người nông dân lao động cần cù chất phác, phá hoại sự chân tình, vô tư trong sáng một truyền thống tốt đẹp của bản mường. Ngày nay, tập quán tốt đẹp trên được kế thừa và phát huy để phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống mới và bảo vệ bản làng.
Với tập quán đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau khi có tai biến, lúc mừng vui không có nghĩa là trong các bản mường không có những mâu thuẩn, va chạm, tranh chấp với nhau trong cuộc sống, nhất là khi sản xuất chưa phát triển, trình độ dân trí còn nhiều hạn chế. Nhưng từ thưở xa xưa, người Lào vốn yêu chuộng cuộc sống hiền hòa, êm ái. Và đây cũng là một trong những bản sắc của dân tộc Lào. Đứng trước mâu thuẫn, xích mích, người Lào thường có sự kiềm chế rất lớn, với quan niệm “chín lần nhịn sẽ được thỏi vàng”. Hơn thế nữa, người Lào còn rất kỵ cách xử thế “ăn cho thỏa đói, nói cho thỏa giận”. Do đó mà trong các bản mường, kể cả đô thị, nơi tập trung như chợ búa, bến tàu, bến xe thường rất ít xảy ra cãi cọ, chửi bới, xô xát lẫn nhau. Mọi sự tranh chấp đều được hòa giải một cách êm thấm có lý có tình thông qua các già bản, trong đó không thể không kể đến sự nhân nhượng, phục thiện của mỗi bên. Cãi nhau, chửi nhau đối với người Lào là điều xa lạ, còn đánh nhau là một tội lỗi.
Mến khách, sẵn sàng giúp đỡ những người gặp hoạn nạn, sa cơ lỡ vận gặp cảnh ngộ éo le cũng trở thành một tập quán của người Lào. Khách nhỡ độ đường ghé quan bản thường được mời ngủ lại cùng ăn uống với gia đình. Nếu ngại làm phiền gia đình thì có thể ra ở “xả-la” một loại nhà từ thiện của bản. Ở đây có đủ xoong, nồi, mắm muối, gạo nước để khách tự nấu ăn. Nếu khách là người quen biết, dù không thân thiết nhưng lâu ngày mới có dịp gặp lại thì được gia chủ đón tiếp nhiệt tình và cởi mở. Còn là khách thân thiết, ngoài bữa cơm rượu thân mật, chủ nhà còn làm lễ “cầu may” cho khách. Để tăng thêm không khí trang trọng, chủ nhà có thể gọi các con ra chắp tay trước ngực lễ phép chào hỏi khách. Trước thái độ chân tình, cởi mở của chủ nhà làm cho khách được tự nhiên thoải mái ăn uống, trò chuyện. Nhưng dù gia chủ có ân cần cởi mở đến đâu, khách cũng không được suồng sã, mà cần ý tứ theo đúng tập quán truyền thống để khỏi phật ý gia chủ. Người Lào rất kỵ sờ đầu và rất chú ý giữ gìn, đặc biệt là nam giới. Họ thường tránh chui qua gầm nhà, dây phơi quần áo hoặc các vật ô uế khác. Bởi vậy, khách tuyệt đối không được đụng chạm vào đầu người khác hoặc xoa đầu trẻ em. Trong phòng chật hẹp khi đi lại tránh không để đụng hoặc bước qua chân người khác. Khi đi qua trước mặt các cụ già phải xin lỗi và cúi thấp người xuống một chút. Trong bữa ăn, khi gắp thức ăn tránh để chạm tay người khác.
Về chào hỏi, những người cùng trang lứa gặp nhau thường chào “sạ-bai-đi” (chào mạnh khỏe) đồng thời hai tay chắp trước ngực, đầu hơi cúi xuống. Đối với sư sãi, ông bà, cha chú, thầy cô giáo, hoặc những người cao niên đáng kính khác khi chào hỏi, nam cũng như nữ thường chắp hai tay ngang trán. Ngày nay, tại các đô thị, trong công sở, để hòa nhập với xu thế của thời đại các giới chức gặp nhau thường bắt tay. Nhưng giữa viên chức người Lào với nhau trước khi bắt tay họ vẫn chắp tay chào theo truyền thống.
Người quen hay lạ bị lỡ đường khi đi qua nương rẫy có thể ghé vào nhà nghỉ ngơi ở các chòi canh dù vắng chủ. Trên chòi thường có sẵn gạo, mắm muối, nồi chảo, khách có thể nấu ăn. Trên rẫy nếu có rau quả như bầu bí, ngô, sắn, khách có thể đào, hái về nấu ăn. Nhưng sau đó, bằng mọi cách khách báo cho chủ biết việc ăn ở của mình gọi là “khóp”. Được tin, chủ nương rẫy chẳng những không phật ý mà còn tỏ ra vui vẻ vì tự nhiên đã làm được một việc thiện. Điều tối kỵ đối với người Lào là sau khi đã ở lại trên chòi, đã đào hái rau quả, xong cố tình xóa các dấu vết. Trong trường hợp này, người Lào thường có tập quán làm dấu thật rõ để chủ nhân nhận biết ngay, gọi là “mải khóp”. Khi đi qua các khu rừng, dù cách xa bản năm mười cây số, gặp tổ ong mật trên cây, những bụi sa nhân rừng…nhưng đã được đánh dấu (có vết chặt chéo nhau, gai những cành lá đã khô…) thì coi như đã có chủ, không được đụng chạm đến. Đây cũng là một quy ước của bản làng. Nếu ai đó vì lòng tham cứ tùy tiện lấy thì coi như ăn cắp. Nếu biết chính xác người lấy thì người nhận trước có thể kiện với già bản và đòi bồi thường.
Sống trung thực, thật thà, không tham lam lấy của người khác là một tập quán hết sức tốt đẹp của người Lào vốn có từ xa xưa đến tận ngày nay vẫn được kế tục và phát huy. Trước đây ở các bản làng, theo thường lệ, thiếu thốn thì cho nhau hoặc cho vay mượn, đến khi có thì trả, không phải trả lãi. Họ thường vay mượn lúa gạo vào những tháng giáp hạt hoặc mùa màng thất bát do thú rừng phá hoại. Được hộ cho vay thỏa thuận, người đi vay mang thúng mủng của mình đến nơi để lúa tự đong đếm. Đến khi trả, sau khi báo cho chủ biết, người vay tự mang lúa đến đổ vào bồ, không cần sự chứng kiến của gia chủ. Người cho vay cũng như người đi vay mượn hoàn toàn tin tưởng nhau, không hề nghĩ đến hơn thiệt, vay đầy trả vơi. Họ quan niệm rằng những ý nghĩ, việc làm như vậy là một tội lỗi. Để đề phòng những tai biến bất ngờ, người Lào thường phân tán lúa gạo. Sau khi thu hoạch hộ nào cũng dựng một chòi nhỏ gọi là “làu-khạu” để cất giữ lúa, ngô ở ngay bên ruộng, rẫy cách xa bản dăm ba cây số nhưng không mấy khi bị mất mát. Ở Nam Lào các gia đình nuôi trâu bò thả rông từng đàn năm ba chục con gần như quanh năm trong rừng nhưng vẫn không mất trừ trường hợp bị thú dữ bắt.
6- Lễ “Cầu yên” (xù-khoẳn) và lễ buộc chỉ cổ tay (phục khẻn)
Ở Lào có một nghi lễ đơn giản nhưng thiêng liêng, trang trọng phổ biến trong nhân dân các bản mường gọi là “xù-khoẳn”. Thật vậy, chỉ cần cây nến, bông hoa, bát gạo, sợi chỉ trắng là có thể làm lễ “xù-khoẳn”. Lễ “xù-khoẳn” trở thành nghi lễ rất phổ biến từ nông thôn đến thành thị. Theo ngôn ngữ Lào thì “xù-khoẳn” có nghĩa là “vía trở lại”, mâm lễ để “xù-khoẳn” gọi là “pha-khoẳn”, người làm lễ gọi là “mỏ-khoẳn” và nội dung cầu mong trong lễ gọi là “xụt-khoẳn”. Xưa nay, người Lào có tập quán làm lễ “xù-khoẳn” trong cả hai trường hợp may và rủi trong cuộc đời mỗi người. Cưới vợ, chuyển nhà mới, sinh con đầu lòng, thoáng khỏi một tai nạn, gặp lại bạn thân, khách quý, đi đường xa đến đích an toàn, kết nghĩa bạn bè, anh em, hoàn thành một việc hệ trọng…đối với người Lào đều coi là sự may mắn. Còn các trường hợp như làm ăn thua lỗ, không làm xong một việc đã định trước, toàn gặp những điều trục trặc đau ốm, cha hay mẹ chết…đều là những rủi ro trong cuộc sống. Khi gặp toàn những điều may mắn như trên, người Lào cũng làm lễ “xù-khoẳn” để thể hiện sự biết ơn, niềm phấn khởi tư tưởng và cầu mong mọi sự được tốt đẹp hơn nữa. Còn gặp những rủi ro, người Lào làm lễ “xù-khoẳn” cầu mong sự may mắn, để an ủi động viên con người vững tin ở cuộc sống và hành động của mình.
Không chỉ đối với con người, ở Lào còn có tục làm lễ “xù-khoẳn” cho các loại gia súc trực tiếp phục vụ cho sản xuất như trâu, bò, ngựa…các loại nông cụ quan trọng như cày, bừa, xe trâu, kho để thóc lúa. Chẳng hạn, trước và sau khi cày bừa xong, người nông dân Lào thường chuẩn bị cỏ non, nước ướp hoa thơm để làm lễ “xù-khoẳn” cho trâu- nguồn sức kéo chủ yếu trong mỗi vụ sản xuất. Trong buổi lễ gia chủ đọc những lời cầu mong sao cho loài vật ngày càng sinh sôi nảy nở, tránh được các loại dịch bệnh, thuần tính, kéo cày bừa khỏe góp phần làm ra nhiều lúa gạo. Hàng năm, trước và sau khi sử dụng chiếc xe trâu – phương tiện vận chuyển quan trọng ở nông thôn Lào xưa kia, chủ nhân cũng làm lễ “xù-khoẳn”. Họ cầu mong chiếc xe được vững chắc, sử dụng luôn được an toàn. Trước lúc chuyển lúa mới lên kho cất giữ, đa số nông dân Lào làm lễ “xù-khoẳn” cho cái kho đó. Trong buổi lễ, gia chủ thành tâm cầu mong kho luôn được an toàn và quanh năm không lúc nào vơi cạn.
Nhân dân Lào còn làm lễ “xù-khoẳn” trong trường hợp có người thân bỗng nhiên bị ngớ ngẩn, sợ sệt hoặc như người mất hồn, hoảng loạn do vừa trải qua sự việc ghê rợn cận kề cái chết như đi rừng gặp hổ, qua sông thuyền bị lật…Theo tín ngưỡng cổ, người Lào cho rằng mỗi con người đang sống có một linh hồn (vin-nhan) và nhiều vía (khoẳn). Linh hồn luôn tồn tại gắn liền với cơ thể con người, nếu nó tách ra thì con người chết, còn vía thì lúc hợp lúc tan, khi nó rời cơ thể thì con người không còn khôn ngoan như lúc bình thường. Người ta phải làm mọi cách để giữ nó luôn ổn định trong con người, hình thức hiệu nghiệm nhất là làm lễ “xù-khoẳn”. Trong những trường hợp này, lễ “xù-khoẳn” có nét giống lễ cầu vía và đúng với tên gọi của nó. Còn trong nhiều trường hợp khác, lễ “xù-khoẳn” không đơn thuần là lễ cầu vía như tên gọi của nó. Có thể nói thực chất của “xù-khoẳn” là lễ cầu may mắn, yên lành. Phải chăng đó là niềm mong ước lớn lao của người nông dân Lào xưa kia khi trình độ sản xuất còn thấp kém, phụ thuộc vào thiên nhiên.
Tại các bản mường, nhân dân Lào còn có tục làm một nghi lễ khác có nội dung giống “xù-khoẳn” nhưng gọi là lễ “phục-khẻn” nghĩa là lễ buộc chỉ cổ tay. Hình thức buộc chỉ cổ tay là một nghi thức quan trọng trong lễ “xù-khoẳn”. Căn cứ vào nội dung và hình thức của lễ “phục-khẻn”, có thể coi đây cũng là một hình thức của lễ “xù-khoẳn” nhưng nó đơn giản ít tốn kém và qui mô nhỏ hơn. Với lễ buộc chỉ cổ tay, chỉ quả trứng luộc hoặc quả chuối chín, nắm gạo và sợi chỉ trắng là có thể làm lễ. Sau khi đặt quả trứng luộc lên bàn tay trái của người chủ lễ, người làm lễ lấy sợi chỉ trắng cuốn một vòng quanh cổ tay rồi đọc nội dung cầu nguyện trước khi thắt nút vòng chỉ. Những người cùng dự đưa tay vịn tay người làm lễ với thái độ chân thành, thận trọng và tin tưởng.
Còn lễ “xù-khoẳn” có quy mô lớn hơn lễ buộc chỉ cổ tay, cần có một thời gian chuẩn bị nhất định. Muốn làm lễ “xù-khoẳn”, gia chủ phải chuẩn bị nến, hương hoa, các loại bánh trái, rượu, thuốc lá đặt trên mâm lễ gọi là “pha-khoẳn”. Một số địa phương còn có cả gạo, tiền trên mâm lễ - quy mô của mâm lễ tùy thuộc hoàn cảnh, khả năng của mỗi gia đình. Đối với những gia đình khá giả ở chốn đô thị, trên mâm lễ còn có một số tư trang quý cho chủ nhận lễ như nhẫn, dây chuyền vàng cùng với những đài hoa kết thành hình tháp. Mâm lễ còn được đặt trên một tấm vải đỏ hoặc màu sặc sỡ. Bà con đến dự lễ thường đem theo một khay lễ, một cân gạo hoặc hoa tươi. Các vị sư ở ngôi chùa bản cũng được mời đến dự lễ “xù-khoẳn”, đứng ra làm lễ thường là một cụ già cao niên có uy tín trong bản. Mỗi mâm lễ “xù-khoẳn” có thể lớn nhỏ khác nhau song nội dung cũng như hình thức đều giống nhau, nhất là không khí thiêng liêng trang trọng. Người chủ mâm lễ luôn tỏ ra thành tâm tin tưởng, người đến dự lễ biểu thị sự nhiệt tình, chân thành.
Khi những người dự lễ đến đông đủ, khói hương trên mâm lễ bốc nghi ngút thì cụ già làm lễ đến ngồi xếp chân bên mâm lễ theo hướng đã định. Ngồi sát mâm lễ là người chủ lễ, tay phải vịn vào mâm lễ, tay trái đưa lên, bàn tay để ngửa như chờ đón mọi sự yên lành. Người làm lễ bắt đầu đọc những lời cầu nguyện với giọng nghiêm trang tha thiết. Mỗi lễ “xù-khoẳn” có nội dung mục đích khác nhau nên cũng có những lời cầu nguyện thích hợp. Ở Lào những lời cầu nguyện (xụt-khoẳn) được sưu tầm in thành sách, nhìn chung nội dung cầu nguyện trong lễ “xù-khoẳn” phù hợp với từng trường hợp có thể và lòng mong ước cũng không quá cao xa với cuộc sống thực tại. Sau khi đọc xong lời cầu nguyện, người làm lễ lấy một sợi chỉ trắng trên mâm lễ buộc một vòng lên cổ tay trái người chủ mâm lễ. Tiếp theo bà con dự lễ lần lược buộc những vòng chỉ trắng lên cổ tay trái người chủ mâm lễ. Đến đây, lễ “xù-khoẳn” coi như kết thúc trong không khí cởi mở, vui tươi. Mọi người ăn uống trò chuyện mừng cho chủ mâm lễ vừa được dón nhận những vòng chỉ nhiệt thành báo trước mọi sự tốt lành sắp đến. “Xù-khoẳn” là một nghi lễ rất phổ biến ở Lào. Do tính đơn giản của nó, dù giàu hay nghèo, sang hay hèn hộ nào cũng có thể tổ chức lễ “xù-khoẳn”. Và bất kỳ người Lào, dù trai hay gái trong cuộc đời của mình đều trải qua hàng chục, hàng trăm lần làm lễ “xù-khoẳn”. Cùng với thời gian, lễ “xù-khoẳn” không ngừng được biến đổi để thích ứng với sự phát triển của xã hội. Chẳng hạn, nó hòa nhập với đạo Phật khi tôn giáo này được truyền bá và phát triển rộng rãi ở Lào, nhưng “xù-khoẳn” vẫn giữ được cái cốt lõi của một tín ngưỡng cổ, đó là tính đơn giản, thiêng liêng và quan trọng. Nội dung cầu nguyện trong lễ “xù-khoẳn” được bổ sung phong phú hơn, về hình thức cũng được trau chuốt bóng bẩy, giàu nhạc điệu khi đọc có sức hấp dẫn hơn trước. Tóm lại lễ “xù-khoẳn” đã vượt quá khuôn khổ của một nghi lễ bình thường, trở thành một tình cảm, niềm tin và nguồn động viên lớn về mặt tinh thần đối với người Lào trong cuộc sống, lao động sản xuất.
7- Về sinh đẻ
Trước đây cũng như ngày nay, người Lào quan niệm việc sinh đẻ, tu hành, cưới xin, ma chay là những bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Và đây cũng là dịp để mọi người thể hiện tình thương yêu đùm bọc lẫn nhau trong gia đình, bà con, xóm giềng, bản làng. Ở các vùng thôn quê cũng như đô thị trước kia việc sinh đẻ có nhiều kiêng kỵ, phức tạp. Có những nội dung được đúc kết từ thực tiễn cuộc sống, nhưng không ít điều cấm kỵ mang đậm dấu ấn tín ngưỡng cổ và Phật giáo. Những cấm kỵ này tồn tại suốt một thời gian dài cho đến khi mạng lưới y tế được triển khai xuống tận bản làng thì mới có sự thay đổi mạnh mẽ dưới chế độ mới sau năm 1975.
Nước Lào đất rộng người thưa, nhân dân Lào tôn sùng đạo Phật nên rất quý trọng con người, coi con người là tài sản quý giá nhất. Do đó mọi kiêng kỵ từ xa xưa không ngoài mục đích bảo vệ con người. Đa số người Lào tin rằng ở hiền sẽ gặp lành, ăn ở tai ác sẽ gặp họa. Muốn có con người hiền lành, người mẹ phải lo sống chuẩn mực ngay từ lúc đứa con còn nằm trong bụng. Dù là trai hay gái, đứa con trong bụng đều chịu ảnh hưởng đến tính tình của người mẹ, do đó người phụ nữ Lào khi mang thai thường được khuyên không nên cáu gắt, phiền muộn hoặc nói dối mà phải luôn sống vui vẻ, tâm hồn thanh thản. Ngoài ra còn một số điều răn khác được một số bà mẹ mang thai ở Lào quan tâm thực hiện đồng thời để tích phúc đức cho đứa con sau này như:
- Luôn có lòng bác ái.
- Không đánh đập, hành hạ động vật.
- Không nói dối, ăn cắp dù rất nhỏ.
- Không ăn nói chua ngoa.
- Không say mê điều gì theo ý thích chủ quan của mình.
Trong giai đoạn này cũng có một số lời khuyên đối với người chồng, đồng thời cũng là trách nhiệm của người cha đối với đứa con sắp ra đời.
- Chăm sóc vợ.
- Quan tâm đến việc ăn uống của vợ.
- Giữ tâm hồn mình luôn trong sạch.
- Tránh sự say mê bất kỳ điều gì theo ý thích của mình.
Khi người phụ nữ có thai, nhất là đứa con đầu, cả gia đình họ hàng đều vui mừng. Để chia sẻ niềm vui đồng thời cầu nguyện mọi sự yên lành cho người mang thai, cha mẹ thường làm lễ “xù-khoẳn”. Lúc này thông thường người mẹ đẻ quan tâm nhiều nhất đến con gái mình. Việc phá thai đối với người Lào là một điều tối kỵ, là một tội lỗi. Bởi vậy việc phá thai đối với người Lào, nhất là ở nông thôn là điều xa lạ.
Về chế độ ăn uống, trước đây trình độ tuy còn nhiều hạn chế nhưng từ thực tiễn người Lào đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm bổ ích đối với người mang thai. Chẳng hạn người mang thai không được ăn uống cho bõ thèm, tránh ăn những thức ăn quá béo, cay, ngọt, chua và mặn. Dù có mệt mỏi nhưng không nên nằm, ngồi nhiều. Ở nhiều địa phương còn có một số điều kiêng kỵ phổ biến khác người mang thai thường được người già nhắc nhở giữ gìn như: không ăn sọ dừa, sợ đặc ruột, không ăn trái cây dính liền nhau sợ đẻ sinh đôi, tránh bước qua những sợi dây bện, sợ nhau bị cuốn. Người có thai còn phải tránh không đứng ngồi ở ngưỡng cửa ra vào, nói chung ở vị trí nối tiếp nhau giữa trong ngoài, trên dưới, sợ lúc sinh sẽ dở dang, kéo dài. Về ngày tháng sinh con, tuy không có trình độ chẩn đoán như ngày nay, nhưng các cụ già lúc ấy đã đúc kết “con so chửa mười, con rạ chửa chín” (con so trên chín tháng, con rạ trên tám tháng). Vào tháng cuối, người phụ nữ có thai chỉ làm việc lặt vặt quanh quẩn trong nhà. Người gần gũi săn sóc, sẵn sàng hỗ trợ, lúc này thông thường là mẹ đẻ, nếu không còn mẹ thì chị em, họ hàng người thân cùng giới.
Khi trở dạ, người nhà nhanh chóng đi mời bà đỡ gọi là “mỏ tăm-nhe”. Vào thời điểm này, điều tối kỵ là có người đứng ở cầu thang, thập thò ở ngưỡng cửa hoặc nói những chuyện khúc mắc không giải quyết được dù người ấy là người nhà, họ hàng xóm giềng chạy sang thăm hỏi giúp đỡ. Người Lào cho rằng hành động và lời nói trên sẽ ảnh hưởng đến việc sinh nở của sản phụ. Đỡ lưng, xoa bụng, an ủi sản phụ trong suốt thời gian đẻ đau này là một phụ nữ đứng tuổi, có họ hàng gần gũi, đông con, gia đình sống hạnh phúc. Đẻ xong sản phụ được dìu đến nằm bên bếp lửa và bắt đầu từ đây phải qua thời gian nằm lửa gọi là (dù-căm). Thông thường người đẻ con so ít nhất cũng qua 15 ngày nằm lửa, con rạ khoảng 10 ngày. Suốt thời gian nằm lửa, người nhà, bà con thân thuộc thay phiên nhau đẩy củi quanh bếp lửa để canh chừng sản phụ với quan niệm để phòng ma tà có thể đến làm hại gọi là “căn-phay-lượt”. Những ngày này sản phụ được ăn uống khá tốt để nhanh chóng phục hồi sức khỏe, có nhiều sữa cho con bú. Gia đình thường tránh không cho sản phụ ăn các món ăn có chất béo, chất khó tiêu hóa. Còn nước uống sản phụ chỉ được uống các loại nước lá đun sôi – một loại thuốc dân gian gọi là “mõ-kăm”. Sau một hai ngày nằm lửa, nếu sức khỏe bình thường thì sản phụ được tắm rửa bằng nước nóng. Tắm xong người nhà lên chùa xin nước phép (nặm-môn) về vẩy cho sản phụ.
Theo tục lệ của người Lào chỉ có con hay cháu ruột mới được sinh đẻ trong nhà. Còn người ngoài dù thân quen đến đâu cũng phải dựng tạm một cái lán ngoài vườn để sinh nở. Người Lào cho rằng nếu không phải con cháu mà đẻ trong nhà thì sẽ xui xẻo, ảnh hưởng đến công việc làm ăn bình thường của gia đình. Trong thời gian nằm lửa, gia đình thường tổ chức ngâm, đọc các loại truyện cổ dân gian, đánh bài, trai gái đến hát ca tạo không khí vui vẻ tránh buồn tẻ hoặc sợ hãi. Cũng dịp này, bà con họ hàng, xóm giềng đến thăm hỏi tặng quà mừng như hoa quả, váy áo, vòng cổ, vòng tay để thể hiện tình cảm thân thiết đối với sản phụ và gia đình. Đối với số gia đình neo đơn, chị em bè bạn đến thăm thường giúp đỡ một số công việc vặt nhưng thiết thực như giặt giũ, gánh nước. Trong thời gian này, gia đình thường cắm “ta-lẻo” và một cành lá dưới cầu thang để ngăn chặn ma tà đồng thời là tín hiệu báo cho khách lạ biết trong nhà đang có người phải kiêng cữ để giữ ý tứ trong giao tiếp. Chẳng hạn không nói chuyện dữ, tin không vui làm ảnh hưởng đến tư tưởng sản phụ.
Hết thời gian nằm lửa, gia đình làm lễ “xù-khoẳn” cho sản phụ, bà con xóm giềng đến dự lễ và buộc chỉ cổ tay chúc mừng sản phụ sinh đẻ an toàn, mẹ tròn con vuông, bởi người Lào coi việc sinh nở rất hệ trọng, dễ nguy hiểm đến tính mạng cả mẹ lẫn con. Sau lễ “xù-khoẳn”, sản phụ có thể tắm rửa bằng nước lạnh, ăn uống bình thường không phải kiêng khem như trước.
Đối với trẻ sơ sinh, từ lúc lọt lòng đến khi được ẵm đến đặt nằm bên người mẹ tuy chỉ là thời gian ngắn nhưng cũng phải qua một số nghi lễ. Sau khi được bà đỡ cắt rốn trẻ sơ sinh được đặt xuống nền nhà. Đây là thời điểm rất quan trọng được coi là giờ phút cất tiếng chào đời của trẻ sơ sinh. Cha mẹ phải ghi nhớ để sau này còn xem số tính tuổi đi tu, lấy vợ, lấy chồng. Theo tục lệ cổ truyền, lúc đặt xuống sàn nhà con trai phải nằm ngửa, con gái phải nằm sấp. Nếu đặt ngược lại thì coi như điều nghịch, sau này lấy vợ lấy chồng sẽ không có con hoặc con cái bị tàn tật. Ngay sau đó bà đỡ sẽ dùng dầu dừa hay sáp ong xoa toàn thân đứa trẻ rồi dùng khăn lau sạch. Tiếp theo đứa trẻ sơ sinh được tắm bằng một nồi nước lá đun sôi để nguội. Người tắm thường chú ý nắn chân tay cho trẻ. Tắm rửa, mặc áo, quấn tã xong trẻ lại được nằm trong một cái nia có lót một miếng vải trắng. Đây cũng là một tục phổ biến ở nông thôn Lào với quan niệm là đứa trẻ sẽ khỏe mạnh, mập mạp. Sau khi nằm vào chiếc nia, người nhà bê chiếc nia ra đặt ngay ở ngưỡng cửa ra vào để cúng ma tà, người làm lễ đẩy miệng nia sát vào cửa đồng thời khấn đi khấn lại: “Nếu con bay thì lấy đi, qua ngày nay, ngày mai là con tao”. Tục cúng này cũng phổ biến ở vùng nông thôn Đông Bắc Thái Lan với quan niệm ba ngày đầu đứa trẻ có thể chết do ma quỷ đầu thai, sang đến ngày thứ tư mới chắc là một kiếp người đầu thai.
Tục cúng như trên nảy sinh và tồn tại do nhiều nguyên nhân khác nhau, song nguyên nhân quan trọng nhất có thể do lúc bấy giờ ở Lào tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh khá cao do hình thức đỡ đẻ quá lạc hậu và nhiều tục lệ dị đoan thường xuyên đe dọa tính mạng trẻ sơ sinh. Làm lễ cúng ma tà xong trẻ sơ sinh mới được ẵm đến đặt nằm cạnh người mẹ. Bình thường sau một hai tuần trẻ được nằm nôi. Lễ nằm nôi được tổ chức khá trang trọng, có đông đủ bà con xóm giềng đến tham dự. Một hình thức được nhiều địa phương quan tâm trong lễ nằm nôi là bỏ giấy bút vào nôi cùng lúc với trẻ với niềm tin sau này lớn lên đứa trẻ sẽ học hành thông minh. Nếu con gái thì bỏ kim chỉ vào nôi để sau này trở thành cô gái giỏi công việc may vá, cán bông dệt vải.
Trước đây, người Lào không đặt tên ngay cho con sau khi sinh, điều quan trọng là cha mẹ nhớ kỹ ngày giờ sinh (lúc đặt xuống sàn nhà). Ở nhiều nơi đứa trẻ đã biết chạy nhảy tung tăng dưới sân nhưng vẫn gọi bằng cái tên chung như “bặc e, i-nang” (giống thằng cu, cái đĩ) bởi người Lào rất ngại đặt tên lúc mới lọt lòng cũng như ở tuổi nhi đồng vì sợ ma tà quấy rầy hoặc bắt mất. Có trường hợp đứa trẻ cạo đầu nhập tu làm chú tiểu mới đặt tên thật, một số gia đình hiếm hoi hoặc khó nuôi con, thường có tục làm lễ gửi gắm cho một nhà sư đỡ đầu với ý nghĩa ma tà sẽ kiêng nể những người tu hành. Trẻ em được nhà sư đỡ đầu trước cái tên thật của mình còn có thêm tiếng “khên” nghĩa là dâng, cúng như Khên Mi, Khên Ma chẳng hạn. Việc đặt tên cho đứa con theo tục lệ xưa ở Lào cũng không hoàn toàn theo ý muốn của ông bà, cha mẹ mà phải dựa vào ngày sinh là ngày “cứng” hay “mềm”, chẳng hạn trẻ sinh vào ngày thứ ba là ngày cứng thì tên con phải mềm cho dung hòa như Òn-Xả, Òn-Xỉ (òn có nghĩa là mềm). Nếu sinh vào ngày thứ hai là ngày mềm phải đặt tên cứng như Thong-Mi, Thong-Ma (Thong là đồng). Để biết được ngày cứng hay mềm cha mẹ phải nhớ ngày giờ sinh rồi nhờ sư bác tính. Người Lào thường thích chọn cho con mình những cái tên rất đẹp gắn với âm thanh, màu sắc của núi rừng, sông suối hoặc những đức tính tốt của con người gồm toàn thanh bằng, có hai âm tiết nghe rất êm ái. Con trai thường được đặt tên như: Thong-Đăm, Thong-Đeng, Bun-Mi, Bun-Ma (đồng đen, đồng đỏ, có phú, phúc đến)…còn con gái thường mang tên các loài hoa, ánh trăng hoặc các loại đá quý như Bua-Khăm (sen vàng), Chăn-Phêng (trăng rằm)…do đó người Lào thường có tên trùng lặp nhau.
Về họ, trước đây người Lào không có khái niệm giống như một số dân tộc khác, con phải mang họ cha thể hiện sự kế tục của dòng họ, bởi vậy suốt một thời gian dài người Lào không dùng họ đặt sau tên mình. Vào khoảng thập kỷ ba mươi, bốn mươi của thế kỷ XX này tầng lớp trí thức, phong kiến quý tộc mới bắt đầu dùng họ đặt sau tên nhưng không phải con mang họ cha. Lúc ấy người Lào thường lấy họ theo ý thích cá nhân hoặc tiểu gia đình, bởi vậy trước đây không thể căn cứ vào họ để tìm mối quan hệ về huyết thống dòng họ ở Lào. Dưới thời chủ nghĩa thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ có một số gia đình quý phái, trí thức, tư sản mại bản có ý thức dùng họ cha để củng cố uy thế của dòng họ, vợ lấy họ chồng, thậm chí một số tay chân thân tín cũng lấy họ “chủ” của mình như họ Chăm-pa-sắc ở Nam Lào, họ Xạ-nạ-ni-kon ở Viêng-chăn. Ở một số vùng nông thôn vẫn có trường hợp người con trai đến làm rể lấy họ vợ là chuyện bình thường. Hiện tượng này không bị ràng buộc hoặc đối lập nhau mà tồn tại một cách tự nhiên trong xã hội, mặc dầu chế độ phụ quyền được khẳng định từ lâu trong lịch sử.

Từ lúc lọt lòng mẹ đến khi chập chững biết đi, trẻ thơ chủ yếu dựa vào nguồn sữa mẹ, cháo hoặc cơm nhai. Ở nông thôn trước kia, lúc ốm đau dù nặng hay nhẹ đều nhờ thuốc cổ truyền dân tộc kết hợp với cúng bái, cầu xin Trời, Đất, Thần, Phật. Nhiều trẻ thơ do không thích nghi được với môi trường sống nên sinh bệnh tật, nhất là khi có các dịch bệnh. Rất nhiều trường hợp cha mẹ phải bó tay trước giây phút hấp hối của con cái, chỉ vì không có mạng lưới y tế, thuốc men, đường sá không có, đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh lo sợ thương con nhưng bất lực nên dẫn cha mẹ đến chỗ mê tín, sẵn sàng làm mọi nghi lễ miễn có thể cứu được con mình. Ở nhiều địa phương còn có những tục kiêng kỵ khác như thấy con khỏe mạnh, mập mạp cũng không dám khen mà đâm lo sợ phải đi xin người đỡ đầu, nhận làm con nuôi, đeo nhiều vòng vía bằng bạc ở cổ tay, chân hoặc những gói bùa phép do thầy cúng cấp. Phải đến cuối năm 1975, đất nước được giải phóng hoàn toàn mới có điều kiện phát triển mạng lưới y tế xuống tận bản làng. Hội bảo vệ bà mẹ và trẻ em đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc nâng cao kiến thức cho các sản phụ. Hơn 20 năm qua nhiều nhà hộ sinh được xây dựng khắp bản mường lớn, giao thông đi lại giữa các bản được nối liền thuận tiện. Những tục lệ kiêng kỵ mê tín dị đoan, cách đỡ đẻ phản khoa học của các bà mụ xưa kia đã bị đẩy lùi trước ánh sáng sản khoa hiện đại. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh đã được kéo xuống ở mức thấp nhất trong lịch sử.

8- Tu hành
Tu hành là một bước ngoặt quan trọng đối với mỗi thanh thiếu niên Lào (nam giới). Trong cuộc đời mỗi người Lào trước đây, hầu như ai cũng qua một đôi lần cạo đầu đi tu, việc đi tu trở thành tục lệ phổ biến đối với người Lào. Những người qua tu hành được coi như là người “lành”, người Lào gọi là “khôn xúc” (người chín) được xã hội trọng vọng, một trong những tiêu chuẩn được các cô gái ngưỡng mộ. Trong suốt cuộc đời, nếu không qua một lần đi tu là điều không bình thường trong xã hội Lào trước kia. Tục lệ đi tu ở Lào xưa kia phát xuất từ quan niệm của Phật giáo là thuyết luân hồi và khái niệm về dục vọng. Theo triết lý của đạo Phật ở Lào thì cuộc đời con người được coi là bể khổ, nguồn gốc của nỗi khổ ấy là dục vọng (tăn-hả). Khái niệm về dục vọng được chia làm nhiều loại như: xác thịt (kăm-tăn-hả), danh vọng, giàu sang (pha-vạ-tăn-hả) và những điều không muốn mà nó cứ đến (vi-pha-va-tăn-hả). Con người muốn thoát khỏi cái bể khổ ấy chỉ có một con đường là từ bỏ dục vọng. Không cắt bỏ được dục vọng thì con người cứ lẩn quẩn trong cái vòng luân hồi (viên-cợt), dù có đầu thai sang kiếp khác vẫn cứ bị chìm đắm trong bể khổ. Còn dục vọng thì con người cứ quẩn quanh giữa hành động (kăm-mạ), hậu quả (vĩ-bạp) và tội lỗi (ki-la-tăn-hả). Kiếp sau có được sống hạnh phúc (xuc-cạ-ti-phạp) hay là khổ sở hơn (thúc-kha-ti-pháp) phụ thuộc vào tỷ lệ giữa phúc và tội từ kiếp trước. Hình thức tránh được tội lỗi và tích được nhiều phúc đức là con đường tu hành.

Trên đây là quan niệm nhân sinh quan của các phật tử thuộc tầng lớp trí thức phong kiến quý tộc ở Lào. Còn đa số phật tử là nông dân lao động thì cho rằng tu hành là một tập quán xã hội hoặc khi gia đình xảy ra tai biến. Quan niệm này được thể hiện khá rõ trong các trường hợp đi tu của thanh niên Lào trước đây. Phổ biến nhất là đi tu theo tập quán của xã hội. Người con trai đến tuổi trưởng thành cha mẹ phải lo cho con đi tu một thời gian theo lệ của bản mường. Thời gian và số lần đi tu tùy thuộc mỗi gia đình. Tuy không phải là điều bắt buộc nhưng qua nhiều thế hệ dường như ít có phật tử nào không làm theo tập quán này. Trường hợp thứ hai người thanh thiếu niên Lào tạm khoác áo cà sa một thời gian khi gia đình xảy ra tai biến như bố mẹ chết, lâm bệnh trầm trọng hoặc xảy ra những tai nạn bất ngờ. Cha hay mẹ chết, người con trai thường phải đi tu để tích thêm phúc đức giúp cha mẹ được đầu thai ở kiếp sau sung sướng hơn. Sau trận ốm “thập tử nhất sinh” của ông bà, cha mẹ, con cháu cũng đi tu một thời gian nhất định để có thêm phúc đức giúp người bệnh vượt qua mọi sự mệt mỏi, bình phục nhanh chóng.
Ngoài ra còn có một số trường hợp khác người Lào cũng cạo đầu đi tu nhưng không phổ biến. Chẳng hạn làm ăn gặp nhiều trắc trở, liên tiếp bị thua lỗ cũng cho con đi tu để cầu mong gặp sự may mắn. Có người cha mẹ chết sớm, không có anh em họ hàng thân thích, cảm thấy cô đơn nên phải nhờ tu hành để tìm lại niềm lạc quan, tin tưởng trong cuộc sống. Lại có người cảm thấy tâm hồn trống trải, cằn cỗi không hòa nhập được với cộng đồng, thiếu niềm tin ở cuộc sống trần tục nên đã gửi gắm cả cuộc đời mình vào chốn cửa Phật với hy vọng mọi sự tốt đẹp ở kiếp sau.

Việc tu hành trở thành tục lệ phổ biến nhưng vẫn có những quy định tối thiểu đối với người thanh thiếu niên trước lúc đi tu. Trước hết người xin đi tu phải đủ tuổi. Ở vùng Đông Bắc Thái Lan quy định phải hai mươi tuổi trở lên mới được công nhận là nhà sư, dưới hai mươi tuổi ai đi tu mới chỉ là chú tiểu. Người xin đi tu phải là người sinh sống lương thiện có gia đình, bà con cư trú ở một bản mường nhất định. Người thanh niên xin nhập tu phải có tư cách đúng đắn, sống lành mạnh, không nghiện rượu, đam mê cờ bạc hoặc hút thuốc phiện. Về sức khỏe, phải có cơ thể lành lặn không mắc các bệnh mãn tính, tâm thần, nếu mắc bệnh thông thường có thể hoãn một thời gian để chạy chữa. Về trình độ văn hóa, người xin nhập tu tối thiểu phải biết đọc, biết viết. Đối với những người chuyên trộm cướp, có tội với bản mường, phạm pháp đang bị truy nã, bị kết án…không được vào tu. Nói chung nhà chùa nghiêm cấm những kẻ lợi dụng cửa Phật để trốn tránh tội lỗi, nghĩa vụ đối với xã hội hoặc công nợ do làm ăn thua lỗ.
Khi có đủ điều kiện, gia đình và người xin đi tu phải làm lễ nhập tu theo quy định của nhà chùa gọi là “Kong-buột”. Trước hết cha mẹ mua nến, hương hoa rồi dẫn con lên chùa tỏ ý xin đi tu và nhờ vị sư thầy giúp đỡ. Sau khi được vị sư trụ trì ở ngôi chùa chấp thuận và định ngày tháng nhập tu, nhà chùa sẽ báo tin cho các tín đồ trong bản mường biết gọi là “Pạ-khên-nác” nghĩa là “dâng Rồng”. Thông thường nhà chùa hẹn trước lễ nhập tu ba mươi ngày. Đây là thời gian quan trọng để nhà chùa trang bị cho người thanh niên sắp đi tu những điều cần thiết như cách xưng hô, đi đứng, ngồi, quỳ, vái lạy, được coi là yêu cầu cơ bản phải thuần phục ngay từ ngày nhập tu cũng như trong suốt thời gian tu hành. Ở một số địa phương người sắp đi tu còn phải học thêm chữ “thăm”-loại chữ ghi chép kinh kệ trên các tập lá cọ.

Đối với gia đình có con em sắp đi tu thì đây cũng là thời gian rất quý để chuẩn bị cho ngày lễ được chu đáo hơn, ngoài nến, hương, hoa, vải, vàng, dao cạo đầu, chủ lễ còn lo liệu thức ăn, các loại bánh dân tộc để dâng lên chùa và thết đãi bà con họ hàng, xóm giềng đến dự. Với nhà chùa, đây cũng là thời gian cần thiết để hiểu thêm về người đi tu thông qua các Phật tử trong bản mường.

Ở Lào cũng như Thái Lan sắp đi tu gọi là “Nác”. Theo tiếng Lào “Nác” có nghĩa trong sạch hoặc rồng. Trong trường hợp này được gắn với nghĩa Rồng bởi nó xuất phát từ một truyền thuyết được lưu truyền rộng rãi ở Lào cũng như Thái Lan. Theo các già bản, truyền thuyết đó có thể tóm tắt như sau: Thưở xa xưa thấy các chàng trai trong bản làng đến tuổi mười tám đôi mươi ai cũng cạo đầu đi tu một thời gian, chúa Rồng cũng hóa thành một chàng trai khôi ngô tuấn tú xin đi tu. Nhưng đến khi ngủ thì nhà sư kia lại hiện nguyên hình là một chúa Rồng. Một đêm nọ tung tích của nhà sư ấy bị lộ và đến tai Phật. Hay tin, Phật bèn cho mời chúa Rồng lên hỏi hư thực ra sao và khuyên nên sớm thoát tục. Để biểu hiện sự lưu luyến đối với việc tu hành và ghi nhớ những ngày tháng ngắn ngủi đầy hấp dẫn ấy, trước lúc rời nhà chùa, chúa Rồng ngỏ ý muốn Phật cho lấy tên mình để gọi các chàng trai sắp đi tu. Để đáp lại lòng thiết tha chân thành của chúa Rồng, Phật chấp nhận và từ đó những người chuẩn bị cạo đầu đi tu đều được các Phật tử gọi là “Nác”.

Sau non một tháng tập trung học ở chùa, trước buổi lễ nhập tu một đôi ngày, người thanh niên được xuống bản chào các già bản, ông bà, cha mẹ, xóm giềng và bè bạn thân thiết khác. Nếu có vay mượn, nợ nần ai thì cũng trang trải cho xong xuôi để lúc nhập tu lòng được thanh thản. Tục này người Lào gọi là “Pòi-nác” (thả Rồng).

Đúng ngày giờ đã hẹn, gia đình có con em sắp đi tu làm lễ gọi là “Kong-buột”. Lễ nhập tu có thể tổ chức ở nhà hay ở chùa tùy mỗi gia đình. Nếu trong bản có hai, ba người làm lễ nhập tu cùng một ngày thì thường tổ chức ở chùa cho rộng rãi, tiện lợi và vui vẻ hơn. Ngay từ buổi chiều trước ngày lễ nhập tu, tại gia đình chủ lễ đã nhộn nhịp đông vui. Để chia sẻ niềm vui đối với gia đình chàng trai sắp đi tu, anh em, họ hàng, xóm giềng, bè bạn tấp nập đến thăm hỏi, chúc mừng. Hầu như ai đến mừng cũng mang theo tặng phẩm dù chỉ là một âu hoa tươi, gói nến, bó nhang, đĩa trầu cau, bó thuốc lá… để thể hiện tình nghĩa bản làng, góp phần làm cho lễ nhập tu thêm ấm cúng, trang trọng. Khi bà con dân bản đến đông đủ, nghi lễ chúc mừng được bắt đầu một cách long trọng. Mọi người chắp tay trước ngực, kính cẩn nghe tăng lữ tụng kinh cầu nguyện. Đến tối tổ chức vui chơi, múa hát gọi là “ngăn-kong-buột”. Gia đình có con cháu đi tu trở thành một ngày lễ hội. Đây cũng là dịp gặp gỡ ca múa, tỏ tình tỏ ý của trai gái trong bản làng và các bản lân cận. Mọi người đến dự đêm vui “ngăn-kong-buột” đều bày tỏ niềm vui, chân thành chúc mừng gia chủ có con đi tu, sẽ tích thêm nhiều phúc đức, bản làng sẽ có thêm một người “lành”, một tri thức. Đặc biệt sự có mặt của các cô gái, các chàng trai, thường góp phần quan trọng làm cho đêm vui thêm rộn ràng, náo nhiệt. Theo người Lào tục vui chơi, ca múa trước lúc nhập tu là sự khích lệ đối với gia đình và chàng trai sắp tạm biệt cuộc sống trần tục.

Sáng sớm ngày lễ nhập tu, gia đình làm lễ dâng cơm, bánh trái cho sư (Liễng-phạ). Tiếp theo gia đình, bà con, xóm giềng mặc những bộ váy áo dân tộc đến tham dự đám rước chàng trai đi tu lên chùa gọi là “hè nác” (rước Rồng). Thanh niên trai gái còn mang theo các loại nhạc cụ dân tộc như trống, chiêng, khèn bè. Phương tiện để rước chàng trai tùy mỗi gia đình, bản làng. Có nơi rước bằng voi, ngựa, thuyền hoặc kiệu. Ở các đô thị thời hiện đại, các gia đình khá giả rước bằng ô tô nhưng hình thức phổ biến là rước bằng kiệu gọi là “tiêng” hay “măng” (giường). Chàng trai khoác áo cà sa, mặc “phạ-va”, quấn “phạ-biềng” (khăng quàng chéo qua ngực) màu vàng, đầu, lông mày cạo nhẵn, ngồi nghiêm trang trên kiệu do bốn người khiêng. Theo sau kiệu là các già bản, gia đình, bà con, xóm giềng, bầu bạn. Họ vừa đi vừa múa hát reo hò xen lẫn tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng khèn réo rắt, sôi động. Đám rước thường đi vòng quanh bản rồi mới lên chùa. Nếu trong bản hay bản lân cận cũng tổ chức rước “Nác” trong ngày cùng một chùa thì thường hẹn nhau ở một cánh đồng hoặc dưới cây cổ thụ để nhập thành một đoàn cho thêm phần tưng bừng náo nhiệt. Khi đi vào sân chùa đám rước đi quanh ngôi “xỉm” (ngôi nhà để các pho tượng Phật) ba vòng từ trái sang phải.

Đám rước kết thúc, mọi người vào chùa làm lễ cầu yên cho chàng trai (xù-khoẳn-Nác). Người đi tu ngồi sát mâm lễ, phía sau là cha mẹ, bà con, xóm giềng. Phía trong là sư thầy và các nhà sư, chú tiểu trong chùa. Sau những lời cầu nguyện mọi sự tốt lành của chủ lễ, mọi người lần lượt buộc chỉ cổ tay cho người đi tu. Lễ “xù-khoẳn-Nác” xong cha hay mẹ dẫn người con nhập tu vào “xỉm”. Nếu cha thì dắt tay trái, mẹ thì dắt tay phải. Trường hợp không còn cha mẹ thì người thân thay thế. Vào “xỉm” người đi tu vào thắp hương lạy Phật rồi trở về ngồi bên cha mẹ để nhận thêm áo quần của nhà chùa. Sau đó người tu chắp tay lạy cha mẹ, chào tạm biệt họ hàng, bè bạn rồi vào ngồi cùng các nhà sư trong chùa, hai tay cung kính chắp trước ngực, mắt hướng về phía sư thầy hứa làm tròn bổn phận một nhà tu hành và xin thực hiện “xỉn-síp” (thập giới). Sư thầy khoác bình bát lên vai người mới nhập tu và căn dặn một số điều cần thiết và từ giờ phút này chàng trai chính thức trở thành một nhà sư ở ngôi chùa. Lễ nhập tu kết thúc, bà con dân bản trở về nhà trong không khí vui vẻ, tin tưởng. Các chàng trai cô gái lại nổi trống, chiêng múa hát cho đến lúc chia tay nhau tại nhà chàng trai mới đi tu.

Ba ngày đầu mới nhập tu nhà sư được học thêm một số điều răn khác nữa. Chẳng hạn người đi tu chỉ được mặc áo cà sa do nhà chùa cấp. Hàng ngày phải đi khất thực. Người đi tu có thể uống các nước lá cây rừng nấu (giống lá vối, ngành ngạnh) hoặc ngồi một mình dưới các gốc cây trong chùa. Người đi tu tuyệt đối không được đàn hát, giết súc vật, ăn cắp… Trong ba ngày đầu, từ sáng sớm nhà sư thường khoác bình bát đi khất thực và mang theo một lọ nước mát. Khi nhận thức ăn do các Phật tử dâng cúng phải dùng hai tay đỡ, nếu là con gái phải lấy khăn lót. Nhận thức ăn xong, nhà sư lui lại mấy bước rồi ngồi xuống, một tay để xuôi xuống ngực, một tay cầm lọ nước rỏ xuống đất cầu mong cho phúc đức lan rộng trong thế gian, con người tránh được nghiệp chướng, bệnh tật. Lễ rỏ nước được tiến hành trong ba ngày đầu mới nhập tu gọi là “dạt-nẵm”. Từ ngày thứ tư trở đi, gia đình có con mới đi tu thường làm lễ cầu yên cho con. Sau khi dâng xôi, bánh trái, cho sư trên chùa, gia đình còn soạn mâm lễ buộc chỉ cổ tay cho người mới đi tu.

Xưa kia, không ít người Lào đã từ bỏ cuộc sống trần tục giành trọn cuộc đời mình cho việc tu hành. Nhưng dần dần quan niệm về tu hành cũng có sự đổi thay. Việc đi tu đối với thanh niên Lào ngày càng phổ biến nhưng thời gian được rút ngắn hơn. Số người đi tu mười lăm hai mươi năm cũng chỉ là cá biệt. Người thanh niên đi tu không bị ràng buộc bởi thời gian, muốn nhập tu bao lâu hoàn  toàn do người đi tu và gia đình quyết định.

Qua một thời gian tu hành, gia đình muốn cho con cháu trở lại với cuộc sống trần tục, về sum hợp với gia đình, tham gia lao động sản xuất thì chỉ qua một nghi thức đơn giản gọi là “kong-síc”. Sau khi ngỏ ý với sư thầy và hẹn ngày giờ, gia đình soạn một mâm “khoẳn” gồm nến, hương, hoa dâng lên chùa. Người sư xin thoát tục đến lạy Phật và nhận mọi lỗi lầm đã phạm phải trong thời gian khoác áo cà sa và hứa hẹn trở về cuộc sống trần tục sẽ suy nghĩ, hành động xứng đáng với người đã qua tu hành. Sau ba lần đọc lời hứa, nhà sư xin thoát tục ra ngoài cởi bộ cà sa vàng, mặc bộ đồ trắng rồi quay lại chào sư thầy và các nhà sư khác trong chùa. Các nhà sư tụng kinh cầu phúc đức cho người xin thoát tục, dứt phần kinh các nhà sư đọc “xá-thụ”, thì người xin thoát tục cúi lạy ba lần rồi lại gần sư thầy nhận nước phép. Cuối cùng trước khi ra về, người xin thoát tục một lần nữa vái chào sư thầy và các nhà  sư còn tiếp tục tu hành. Đối với chú tiểu khi thoát tục được miễn nghi thức này.
Ngày nay, sau hơn một phần tư thế kỷ, đất nước hoàn toàn độc lập thống nhất, tục đi tu đối với thanh niên Lào tuy vẫn tồn tại nhưng không còn phổ biến như xưa. Bởi mặt bằng dân trí không ngừng được dâng cao. Và từ thực tiễn lịch sử, nhất là hai cuộc kháng chiến oanh liệt chống ngoại xâm, rồi qua hơn hai thập kỷ xây dựng đất nước bảo vệ độc lập chủ quyền, các nhóm dân tộc Lào đã thấy rõ để có một cuộc sống ấm no hạnh phúc, một xã hội công bằng văn minh, một quốc gia độc lập thịnh vượng không thể bằng con đường tu hành, cầu nguyện, tích phúc đức.

9- Tục lệ cưới xin
Sau sinh nở, tu hành, cưới xin cũng là bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời mỗi con người. Theo quan niệm của người Lào thì cưới xin là thời kỳ con người phải trưởng thành về nhiều mặt để bước vào cuộc sống tự lập đầy khó khăn thử thách. Hơn thế nữa, họ lại chuẩn bị làm cha, làm mẹ, một điều hết sức mới mẻ đối với người thanh niên. Bởi vậy ông bà, cha mẹ, họ hàng thường đặc biệt quan tâm giúp đỡ con cháu trong bước ngoặt quan trọng này. Tục cạo đầu đi tu ở một số địa phương trước khi cưới vợ, phải chăng cũng là một sự chuẩn bị để người thanh niên bước vào cuộc sống tự lập.
Hình thức cưới xin ở Lào khá phong phú, đa dạng, mỗi nhóm dân tộc mỗi địa phương thường có một số nghi lễ cưới xin khác nhau, song xét về bản chất thì giống nhau. Có thể nói cưới xin phản ánh khá rõ nét một hình thức sinh hoạt tinh thần của người Lào và tích tụ nhiều tập quán cổ của mỗi nhóm dân tộc.

Chế độ phong kiến tồn tại khá lâu trong lịch sử dân tộc Lào. Những ý thức hệ phong kiến, tín ngưỡng, và các tập quán cổ truyền không ngăn cản sự tiếp xúc giữa trai gái. Ngược lại việc gặp gỡ giữa trai gái được coi là điều tự nhiên và dường như được bản mường, cộng đồng khuyến khích, bởi nó thường mang đến cho bản mường không khí tươi vui, rộn ràng. Tục ngữ Lào đã đúc kết: “Ruộng tốt nhờ màu, bản ấm cúng nhờ có nhiều cô gái” (Na đi nhõn phùn, bãn ùn nhõn sảo lải). Quả vậy bản mường nào có nhiều cô gái nết na xinh đẹp, chăm chỉ lao động, giỏi dang công việc nội trợ thì vào những đêm trăng hầu như không bao giờ vắng tiếng ca hát xen lẫn tiếng khèn bè dìu dặt của các chàng trai. Ở nông thôn, nhà có con gái, cha mẹ thường dựng một cái lán dưới sân gọi là “hươn khuồng”. Tối đến các cô gái thường xuống lán ngồi quay sợi, cán bông dưới ánh “cà-bong” (gỗ mục giã nhỏ trộn với dầu rái cuốn lá đốt thay đèn dầu). Và đây là lúc để các chàng trai trong bản mường hoặc các bản lân cận đến vui chơi, thổi khèn bè, tỏ tình, tỏ ý bằng những làn điệu dân ca uyển chuyển hay những câu nói giao duyên, ví von giàu hình tượng gọi là “pha-nhả”. Tiếng khèn, tiếng ca rộn ràng vang lên từ “hươn khuồng” là niềm tự hào của gia đình. Gia đình có con gái mà vắng tiếng khèn, tiếng ca trong những đêm trăng là không bình thường.

Với quan niệm, tập quán trên, trai gái ở Lào có nhiều dịp tốt để gặp gỡ nhau, đặc biệt là trong lao động sản xuất, những đêm trăng hội hè, cưới xin. Qua đó, tình yêu trai gái nảy nở một cách tự nhiên, trong sáng. Xưa nay, trai gái ở Lào là con em nhân dân lao động thường được tự do chọn người yêu, hầu như không bị ép buộc như một số nước phong kiến khác. Đương nhiên, khi trai gái lấy nhau cũng qua bàn bạc và sự chấp thuận của cha mẹ họ hàng hai bên. Việc chọn lựa người bạn trăm năm tất nhiên không thể tách rời trình độ sản xuất, sự phát triển của xã hội và tập quán cổ truyền của mỗi nhóm dân tộc. Chẳng hạn các cô gái thường để ý đến các chàng trai khỏe mạnh, giỏi công việc cày bừa, phát rẫy, dũng cảm trong săn bắn, chài lưới và trong những ngày lễ hội lại có tiếng khèn bè dìu dặt tha thiết. Nếu chàng trai đó đã qua tu hành, được phong sắc “thít” (sư chú), “chan” (sư bác) thì càng tốt. Còn các chàng trai thường chọn các cô gái có nhan sắc, múa dẻo, có giọng ca ngọt ngào quyến rũ lại giỏi lao động như gặt hái, chăn nuôi, dệt vải. Ngoài ra các chàng trai và cả gia đình còn để ý đến một điểm khác đã đi vào kho tàng ca dao tục ngữ Lào: “Bờng xạng hãy bờng hảng, bờng nang hãy bờng mè” (xem voi hãy nhìn đuôi, xem nàng hãy nhìn mẹ). Người Lào cho rằng người con gái chịu ảnh hưởng sâu sắc tính cách của người mẹ. Nếu người mẹ phúc hậu, lao động cần cù, thạo công việc nội trợ thì người con gái cũng có tính nết tương tự. Tiêu chuẩn môn đăng hộ đối thường được tầng lớp phong kiến, quan lại quyền quý coi trọng.

Có thể do xuất phát từ trình độ sản xuất, điều kiện kinh tế nên các chàng trai Lào ở mỗi miền có quan niệm, sự lựa chọn người yêu khác nhau. Chẳng hạn một số địa phương ở miền Trung, các chàng trai thường bị chi phối bởi quan niệm:
Trai tơ lấy phải nạ dòng.
Như nước mắm thối chấm lòng lợn thiu.
Nạ dòng lấy được trai tơ.
Đêm nằm hí hửng như mơ được vàng.

Ngược lại, ở một số địa phương Lào trước đây tuy không phổ biến, nhưng người thanh niên có thể lấy nạ dòng đã có một hay hai con là chuyện bình thường trong gia đình cũng như trong bản mường. Bởi vậy, tục ngữ mới có câu “Đi quăng chài được cá trứng, mới lấy vợ đã có con là phúc nhà từ trước” (Pay tức hẻ, đay pa khày, au mia mày đạy lục phõm, bun sãng tặng tè lẳng). Ở miền Nam Lào, các chàng trai lại rất kỵ lấy vợ là một nạ dòng hay gái góa, nên mới có câu tục ngữ:
Gái nạ dòng ba xu cũng không cưới
Gái tơ ba trăm cũng cưới.
(Sảo mẹ hãng, sảm xạ tang kọ bồ tèng.
Sảo ọi lọi sảm họi kọ tèng au).

Trước đây ở Lào người con gái mười lăm, mười sáu tuổi đã lấy chồng. Phổ biến nhất là ở lứa tuổi mười tám đôi mươi, ngoài hai mươi lăm tuổi được coi là quá lứa hoặc ế chồng. Con trai thường lấy vợ ở tuổi ngoài hai mươi. Ở vùng nông thôn và vùng dân tộc ít người, con trai thường lấy vợ sớm hơn ở đô thị. Trước kia cũng như ngày nay, ở nông thôn cũng như thành thị gia đình người Lào phổ biến là một vợ, một chồng. Vợ chồng thường chỉ chênh lệch nhau dăm ba tuổi. Riêng tầng lớp phong kiến quan lại thường lấy nhiều vợ và vợ lẽ thường ít hơn chồng mười lăm hai mươi tuổi. Nhất là trong các đô thị dưới chế độ thực dân kiểu mới của Mỹ trước đây, không ít những công chức sĩ quan ngụy có quyền thế lấy đến ba, bốn vợ, có cô vợ lẽ trẻ hơn chồng đến ba, bốn mươi tuổi. Trong vùng giải phóng trước kia và dưới chế độ dân chủ nhân dân ngày nay, con trai Lào thường ngoài hai mươi lăm tuổi mới lấy vợ, con gái trên mười tám mới lấy chồng. Riêng các dân tộc ít người ở miền núi xa xôi vẫn có khuynh hướng dựng vợ gả chồng sớm hơn nhân dân vùng đồng bằng, đô thị.

Tục cưới xin của người Lào trước đây cũng như ngày nay thường theo trình tự như dạm hỏi, lễ cưới, lại nhà. Khi con cái trưởng thành, ông bà cha mẹ thường  nghĩ đến việc dựng vợ gả chồng. Cha mẹ nhắm một người nào đó mình ưng ý rồi hỏi ý kiến con cháu. Hoặc trai gái tự tìm hiểu, thương yêu nhau rồi chủ động báo cho cha mẹ. Sau khi thỏa thuận trong gia đình, cha mẹ nhờ trưởng họ, các già làng có uy tín chọn ngày lành tháng tốt mang lễ vật sang nhà gái dạm hỏi gọi là “can xù-khỏ”. Mâm lễ trong buổi ngỏ ý này rất đơn giản, chỉ cần trầu cau, thuốc lá. Người Lào vùng Đông Bắc Thái Lan trong lễ dạm hỏi này thường có thêm một cái âu bạc đựng ba bat (đơn vị tiền tệ Thái Lan) gọi là tiền thăm dò gia đình nhà gái. Nếu ưng thuận thì nhà gái nhận tiền. Nếu không ưng thuận thì nhà gái không phải trả lời, mà chỉ cần xếp tiền bỏ lại trong âu bạc của nhà trai.

Khi họ nhà trai ngỏ ý xin làm thông gia, nếu họ nhà gái nhận lời thì hẹn một ngày nhất định, mời họ nhà trai đến để thách cưới và chọn ngày giờ tổ chức lễ cưới. Theo tập quán, dù nhận lời hay không nhà gái cũng đón tiếp họ nhà trai một cách niềm nở, trân trọng. Đúng ngày giờ đã hẹn, họ nhà trai mang lễ vật sang nhà gái. Lễ vật có trầu cau, thuốc lá, các loại bánh… một số địa phương ở Nam Lào trong mâm lễ còn có cả thóc giống, vừng , hạt bông. Các lễ vật do họ nhà trai mang đến, nhà gái sử dụng một phần để biếu bà con họ hàng nội ngoại và một phần gửi lại biếu cho nhà trai. Trong buổi gặp gỡ này, họ hàng nhà gái thường đến đông đủ. Đặc biệt phía họ nhà gái không thể thiếu ông cậu. Sau nội dung ngỏ ý xin cưới của vị đại diện họ nhà trai, phía nhà gái thách cưới gọi là “Khạ-đong”. Thông thường nhà gái thách tiền, vàng, bạc, trâu, gạo, rượu. Việc thách cưới nhiều hay ít tùy theo tục lệ mỗi địa phương, mỗi gia đình và tùy theo địa vị xã hội cha mẹ nhà gái.

Con gái thuộc tầng lớp phong kiến, quan lại cao cấp thường thách cưới cao hơn lớp quan lại, viên chức ở cơ sở. Đối với tầng lớp này, việc thách cưới mang tính chất mua bán, trục lợi và người con gái thường về làm dâu ngay sau lễ cưới. Còn đối với đông đảo nông dân lao động việc thách cưới dường như là một tập quán, có tính chất tượng trưng để đề cao con gái của mình. Chính vì hàm ý đó mà trong lễ rước rể, đón rể có tục cả hai họ đều có những hành động ngăn cản buổi lễ như thách thức giăng chỉ cản đường, ra câu đố… nhằm đề cao chú rể cũng như cô dâu. Gặp trường hợp nhà gái thách cưới cao, nhà trai trình bày xin giảm bớt theo tập quán bản mường và đặc biệt chú ý đề cao cô dâu tương lai là người có nhan sắc, nết na, được nhiều chàng trai bản đầu trên xóm dưới để ý. Nhưng theo tục lệ từ xưa dù ít hay nhiều cũng phải có khoản tiền thách cưới và họ nhà trai phải trao cho họ nhà gái ngay khi mở đầu lễ cưới trước sự chứng kiến của hai họ. Nếu là gái góa, nạ dòng thì tiền thách cưới thường thấp hơn các cô gái chưa chồng. Con trai góa vợ hay bỏ vợ, họ nhà gái thường thách cưới cao hơn các chàng trai chưa vợ.

Thỏa thuận thách cưới xong, hai họ cùng bàn ngày cưới. Đó là một ngày lành tháng tốt do thầy số hoặc các già bản giàu kinh nghiệm chọn. Những ngày xấu, ngày dữ, cấm kỵ không được tổ chức đám cưới với quan niệm sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Người Lào thường tổ chức đám cưới vào khoảng thời gian từ 15 tháng 10 đến 15 tháng 3 nông lịch Lào tức từ tháng 9 đến tháng 2 dương lịch.

Sau lễ dạm hỏi, thách cưới và hẹn ngày cưới, đôi trai gái có thể đi lại thăm hỏi, giúp đỡ gia đình hai họ trong lao động sản xuất một cách tự nhiên. Ở một số địa phương có tục trai gái yêu nhau, trước ngày cưới thường trao cho nhau những vật làm tin chỉ hai người biết gọi là “khõng-mẵn” như nhẫn, hoa tai, vòng tay, trâm cài tóc, gương lược… Nếu đã nhận vật làm tin của một chàng trai nhưng cô gái thay đổi đi hứa hôn với người khác thì phải trả lại vật làm tin. Ngược lại, nếu chàng trai thay lòng đổi dạ, yêu một cô gái khác thì không có quyền đòi lại vật làm tin. Đây cũng là một lệ được các chàng trai cô gái Lào chấp nhận.
Gần đến ngày cưới, vì lý do chính đáng, chàng trai phải vắng mặt một thời gian thì cô gái vẫn chờ đợi, vì sự thỏa thuận giữa hai họ thông qua già bản là sự bảo đảm chắc chắn. Trong suốt thời gian này, họ hàng nhà trai phải quan tâm đúng mức đến cuộc sống, lao động sản xuất của nhà gái và khi gặp khó khăn trở ngại cần được sự giúp đỡ tích cực. Việc làm trên coi như thay cho sức lao động của chú rể đáng lẽ đã trở thành một lao động chính của nhà gái. Cũng trong thời gian này nếu họ nhà gái muốn từ chối, cô gái có quan hệ tình ý với một người khác thì họ nhà trai có quyền xóa bỏ sự thỏa thuận trước đó và đương nhiên họ nhà gái phải hoàn lại các lễ vật.

Trước ngày cưới, nhà trai cũng như nhà gái đều lo chuẩn bị chu đáo ngày hạnh phúc cho con cháu. Theo tục lệ trước đây ở nông thôn Lào sau ngày cưới chàng trai thường đến ở rể một thời gian, có trường hợp chàng trai ở rể khá lâu tùy thuộc mỗi gia đình, mỗi địa phương. Trước kia, rất ít các cô gái sau ngày cưới về làm dâu nhà chồng. Nhà gái thường chuẩn bị nệm, gối, chăn … và cả áo quần, khăn quàng để cô dâu biếu trưởng họ, cha mẹ chồng gọi là “khương xẳm-ma”. Nếu nhà gái thấy phải làm nhà mới thì phải báo trước cho nhà trai chuẩn bị tre, gỗ, và mọi thứ cần thiết khác đem sang nhà gái dựng. Bà con, họ hàng, xóm giềng của hai họ đều tham gia dựng nhà mới cho cô dâu chú rể. Theo tục lệ của người Lào việc dựng nhà phải xong trong một ngày. Do đó, cả hai họ cần có sự chuẩn bị chu đáo. Việc tiếp đãi, tổ chức ăn uống cho bà con xóm giềng đến tham gia dựng nhà do nhà gái đảm nhận.

Theo tập quán cổ ở Lào, xưa nay đám cưới là dịp vui chơi, ăn uống của hai họ và cộng đồng bản mường. Gia đình khá giả thường mổ trâu, bò, nhà nghèo cũng mổ lợn, gà, nấu rượu ngon để thết đãi bà con họ hàng đến dự. Đối với gái trai đây cũng là dịp gặp gỡ múa hát, tỏ tình, tỏ ý. Đám cưới ở Lào thường có một số nghi lễ như mời sư tụng kinh, làm lễ cầu may “xù-khoẳn”, rước rể, làm lễ cầu may chung cho cô dâu chú rể. Đại diện hai họ dặn dò khuyên bảo dâu, rể, cô dâu chú rể tặng lễ vật cho trưởng họ, cha mẹ chú rể. Bao trùm lên tất cả vẫn là không khí vui tươi náo nhiệt của trai gái, cộng đồng bản làng.
Trước ngày cưới, nhà trai cùng nhà gái đều chuẩn bị trầu cau, thuốc lá, bánh trái, cơm nước để đón bà con xa gần đến mừng. Vào dịp này bà con xóm giềng thân thiết thường đến giúp đỡ gia chủ nấu nướng, têm trầu bổ cau, gánh nước, tiếp đón khách. Nhà trai cũng như nhà gái thường mời sư đến làm lễ cầu nguyện hạnh phúc cho con cháu . Nếu nhà cô dâu chú rể ở gần nhau thường được mời sang cùng dự lễ cầu yên.

Đúng ngày cưới, anh em, bà con thân thiết dù ở xa gần cũng đến dự đám cưới khá đông đủ. Ai cũng có tặng phẩm mừng cô dâu chú rể để thể hiện tình cảm của mình. Tặng phẩm cũng rất đa dạng, tùy thuộc vào khả năng mỗi người, chẳng hạn ở nông thôn trước đây, đi mừng lễ cưới thường có tiền, vải vóc, váy áo, bát đĩa, xoong nồi, gạo thóc, gà vịt, rượu… Theo truyền thống xưa nay, dù nhiều hay ít, dù những lễ vật giản dị đơn sơ nhất, gia chủ đều hết sức trân trọng cảm ơn, bởi quan niệm đó là tình nghĩa, là tấm lòng của chòm xóm. Đến dự lễ cưới, mọi người đều mặc những bộ váy áo dân tộc đẹp nhất, luôn tỏ thái độ hồ hởi, vui mừng, sẵn sàng dự bữa cơm rượu và tham gia vui chơi múa hát.

Đến giờ đã định, họ nhà trai bắt đầu rước rể sang nhà gái. Dẫn đầu là vị trưởng họ, tay bưng âu bạc đựng tiền thách cưới. Đi sau là bốn cô gái chưa có chồng, mỗi cô gánh một cái tráp đựng trầu cau, thuốc lá và một vò rượu được bọc vải hoặc giấy màu. Tiếp theo là mâm lễ (pha-khoẳn) rồi đến chú rể, các chàng trai phù rể, gia đình, họ hàng, bạn bè. Để chuẩn bị đón chú rể, nhà gái cũng soạn một mâm lễ để chú rể đến sẽ làm lễ cầu may chung một mâm với cô dâu. Trên mâm lễ thường có hoa quả, gạo nếp, trầu cau, bánh trái, đặc biệt không thể thiếu một quả chứng gà luộc. Nhiều địa phương trên mâm lễ còn có những cây hình tháp được kết bằng hoa lá gọi là “tổn mạc-bèng”. Có vùng còn chuẩn bị một âu nước hoặc vỏ một con ốc biển lớn ngâm các cánh hoa thơm để vẩy cho cô dâu chú rể.

Từ nhà chú rể sang nhà cô dâu, đám rước luôn sôi động bởi tiếng hò reo, hát ca của các chàng trai, cô gái. Đến gần nhà gái đám rước rể thường bị những sợi chỉ trắng giăng ngang buộc phải dừng lại. Những người làm việc này tự xưng là họ nhà gái và đòi phải có lễ vật mới được đi qua, chú rể mới lấy được cô dâu – một cô gái nết na, xinh đẹp là con cháu của họ, có địa phương họ nhà gái ra câu đố, họ nhà trai trả lời được mới cho đi qua. Đám rước phải dừng lại, họ nhà trai vui vẻ, ôn tồn xin đi và trao các lễ vật đã chuẩn bị trước mới được vào cổng. Đám rước rể đến chân cầu thang nhà gái thì đã có đại diện đón tiếp. Đó là một phụ nữ đứng tuổi, đông con, gia đình sống hòa thuận, nói năng hoạt bát khéo léo thay mặt họ nhà gái xuống đón chú rể và mời họ nhà trai lên nhà. Lúc này đến lượt họ nhà trai đề cao chú rể. Bạn bè, chú rể dọa giữ chú rể lại, không cho lên nhà cô dâu, họ nói chú rể là một chàng trai khỏe mạnh, dũng cảm, lao động giỏi không bao giờ ế vợ… Đại diện họ nhà gái lễ phép, chắp hai tay trước ngực xin trưởng họ, cha mẹ, họ hàng, bè bạn nhà trai cho chú rể lên nhà dự lễ cưới và ngỏ ý nhà gái đã chuẩn bị sẵn sàng đón tiếp chu đáo, nồng nhiệt nhất. Các chàng trai dự lễ rước rể đáp lại lời thỉnh cầu của nhà gái bằng những tiếng reo hò vang dội.

Họ nhà trai lần lượt lên nhà trước sự chào hỏi đón tiếp niềm nở của nhà gái. Mở đầu, trưởng họ nhà gái ngỏ ý nhắc lại tiền thách cưới được hai bên thỏa thuận. Trưởng họ nhà trai vui vẻ tuyên bố sẵn sàng làm theo tập quán bản mường và đúng lời hứa rồi trao âu tiền cho trưởng họ nhà gái trước sự chứng kiến của xóm giềng và bà con hai họ. Sau khi vào lễ bàn thờ nhà gái, chú rể ra ngồi cạnh cô dâu bên mâm lễ để bước vào nghi thức chính của đám cưới. Mở đầu, các nhà sư tụng kinh (xụt-môn dên) cầu nguyện hạnh phúc và vẩy nước phép (hốt nẵm-dên) cho cô dâu chú rể. Ở một số địa phương sư thầy còn rắc những cánh hoa thơm lên mái tóc của cô dâu chú rể mong Trời-Phật ban cho cuộc sống tươi đẹp, hạnh phúc. Tiếp đến là lễ “xù-khoẳn” – một nghi lễ phổ biến ở Lào. Nhưng đây là lễ “xù-khoẳn” đám cưới (xù-khoẳn-đong) được tiến hành trong không khí trang trọng hơn, có tăng lữ, trưởng họ, cha mẹ, bà con, xóm giềng, bầu bạn cả hai họ cùng dự, còn được gọi là lễ cầu may lớn (xù-khoẳn nhày).

Ngồi bên mâm lễ, chú rể khoác tay cô dâu gọi là “xù-khoẳn cặp cài” tượng trưng sự gắn bó thủy chung giữa cô dâu và chú rể. Trưởng họ nhà trai, nhà gái lần lượt chúc cô dâu chú rể thương yêu gắn bó với nhau cho đến lúc tóc bạc răng long, rồi vẩy nước “hỏi sẳng” và buộc chỉ cổ tay. Đây là loại nước tượng trưng cho mối tình gắn bó thủy chung như nhân vật Xẳng-Thong trong truyện thơ Xỉn-xay một tác phẩm cổ điển nổi tiếng ở Lào. Giữa lúc các cụ già, cha mẹ, họ hàng lần lượt buộc chỉ cổ tay cho cô dâu chú rể thì một cụ già lấy quả trứng luộc trên mâm bóc vỏ rồi dùng một sợi tóc cắt làm đôi xem lòng đỏ có đầy đặn không. Người Lào cho rằng sự tròn khuyết của lòng đỏ quả trứng có quan hệ nhất định đến hạnh phúc trăm năm của đôi vợ chồng trẻ. Xem xong cụ già trao cho cô dâu chú rể mỗi người một phần. Cô dâu trao phần trứng của mình cho chú rể tượng trưng cho sự chăm sóc của vợ đối với chồng. Để đáp lại tình cảm đằm thắm đó, chú rể lại trao phần trứng của mình cho cô dâu rồi cả hai cùng ăn.

Ở nhiều địa phương còn tục chọn người dẫn cô dâu chú rể vào phòng ngủ. Đảm nhận việc này là người phụ nữ được chọn làm đại diện họ nhà gái ra đón chú rể ở chân cầu thang. Người phụ nữ này dùng một sợi chỉ gấp làm đôi, mỗi người cầm một đầu rồi dẫn vào phòng ngủ, cô dâu đi trước, chú rể theo sau. Việc trải chiếu nệm do cô dâu chú rể cũng được chú ý. Khi đám rước rể lên nhà thì một người phụ nữ phúc hậu hoặc một cặp vợ chồng đông con cái, sống hòa thuận vào buồng ngủ trải chiếu, nệm cho cô dâu chú rể. Người Lào tin rằng cuộc sống hòa thuận, hạnh phúc của người trải nệm, chiếu có ảnh hưởng đến đôi vợ chồng trẻ sau này.

Tiếp theo chú rể mang nến, hương đến lễ trưởng họ nhà gái. Cô dâu cũng mang lễ vật dâng cho trưởng họ, cha mẹ chú rể. Lễ vật tùy thuộc tập quán mỗi địa phương, mỗi gia đình. Ở nông thôn Lào trước đây cô dâu thường mừng trưởng họ, cha chồng mỗi người một bộ quần áo, một khăn tắm và mẹ chồng một bộ váy áo. Việc làm này biểu hiện lòng kính trọng và biết ơn của cô dâu đối với công sinh dưỡng của cha mẹ chồng. Có địa phương ngay sau đám cưới, trưởng họ nhà gái dẫn cô dâu sang nhà chú rể tặng lễ vật cho trưởng họ và cha mẹ chồng. Có vùng sau đám cưới ba ngày trưởng họ nhà gái mới dẫn cô dâu sang nhà chú rể dâng lễ. Dù thời điểm ở mỗi địa phương có khác nhau, song nghi lễ này thực chất là hình thức biểu lộ tình cảm, sự tôn kính của cô dâu đối với trưởng họ và cha mẹ họ hàng chú rể.

Kết thúc lễ cưới, trưởng họ nhà trai ngỏ lời cảm ơn sự đón tiếp thân tình, nồng nhiệt của nhà gái và xin gửi gắm chú rể ở lại làm con cháu nhà gái. Đại diện nhà gái vui vẻ nhận lời và dặn dò cô dâu cách ứng xử, trách nhiệm đối với cha mẹ, anh em nhà chồng. Đám cưới chấm dứt, chú rể cùng họ hàng trở về nhà mình. Vào một giờ đã hẹn trước, thông thường khoảng sáu, bảy giờ tối, họ hàng nhà trai, đông nhất là bè bạn, chính thức tiễn chú rể sang nhà cô dâu. Nhà gái thường chuẩn bị cơm rượu để đón mừng chàng rể cùng họ hàng, bạn bè nhà trai. Đây là buổi liên hoan cuối cùng của đám cưới thường diễn ra trong không khí hết sức vui nhộn, bởi bạn bè của cô dâu chú rể đến dự rất đông. Họ vừa ăn uống vừa múa hát chúc mừng cô dâu chú rể.
Sau lễ cưới, chàng trai ở rể và tham gia lao động sản xuất với gia đình cha mẹ vợ. Chàng rể trở thành một thành viên - một lao động chính của gia đình nhà vợ. Năm ba năm sau, do vợ chồng xin phép hoặc cha mẹ gợi ý cho đôi vợ chồng ra ở riêng. Khi ra ở riêng vợ chồng được mang theo một số lúa gạo, nông cụ, trâu bò và một số đồ dùng khác do cha mẹ vợ chia cho. Thời gian đầu ra ở riêng, nhìn chung cặp vợ chồng thường gặp nhiều khó khăn, lúng túng.

Việc cưới xin ở Lào còn có tục được gọi là “kan-xu” nghĩa là một hình thức cho nợ lễ cưới. Vợ chồng có thể lấy nhau, sau khi làm ăn khá giả, sẽ tổ chức đám cưới theo tập quán của bản mường. Bởi vậy, ở Lào có những cặp vợ chồng có đến hai ba đứa con mới tổ chức đám cưới và con cái được dự đám cưới của cha mẹ. Đó là những trường hợp cha mẹ chàng trai nghèo túng chưa có khả năng lo liệu được hoặc đôi trai gái yêu nhau tha thiết nhưng cha mẹ ngăn cản, họ vẫn có thể lấy nhau và được bản mường cộng đồng công nhận. Để vượt qua rào cản này, thường họ hẹn nhau vào một ngày nào đó, cô gái đón chàng trai đưa vào phòng của mình. Sáng hôm sau cô gái dậy sớm báo cho cha mẹ biết đêm qua có một chàng trai đến “xu”. Được tin, cha mẹ liền cho người đi mời già bản, họ hàng cùng với cha mẹ chàng trai đến chứng kiến và bàn việc cưới xin sau này. Chỉ sau khi cha mẹ, bà con chàng trai đến nhận con và hứa sẽ tổ chức cưới theo tập quán của bản mường thì chàng trai mới được ra khỏi phòng cô gái. Sau nghi thức “xu khoẳn” đơn giản với sự chứng kiến của hai họ, đôi trai gái chính thức trở thành vợ chồng. Ở Lào, trước đây không ít cặp vợ chồng lấy nhau bằng hình thức “xu” nhưng vẫn sống hạnh phúc có con đàn cháu đống. Đây là tục lệ tiến bộ, mang đạm tính nhân văn, giúp các chàng trai cô gái yêu nhau tha thiết vượt qua khó khăn để nên vợ nên chồng. Tất nhiên, nếu nhà trai, chàng rể bội bạc không giữ lời hứa, bỏ vợ con sẽ bị bản mường trừng phạt. Hình phạt tùy mỗi địa phương gia đình nhà gái.
Trước kia, con gái chửa hoang bị trừng phạt rất nặng. Ngoài hình thức phạt vạ theo lệ làng như tiền, trâu, bò, cả cô gái lẫn chàng trai còn bị cạo trọc đầu dội nước. Vì theo tục lệ bản làng cho rằng đó là hiện tượng không bình thường có thể ảnh hưởng xấu đến sinh hoạt, lao động sản xuất của cộng đồng.

Ngày nay việc cưới xin ở Lào cả ở thành thị cũng như nông thôn thường được tổ chức theo đời sống mới. Các nghi lễ câu nệ gây lãng phí tiền của, thời gian ngày càng giảm dần. Tuổi kết hôn có khuynh hướng chậm hơn trước, nhất là nam giới. Các nét độc đáo của dân tộc, địa phương gắn chặt với lao động sản xuất, nghè nghiệp, tín ngưỡng vẫn được kế thừa và phát huy trong lễ cưới. Đặc biệt là tính hợp quần, tình đoàn kết của cộng đồng bản mường.

10- Ma chay
Trước đây người Lào coi cái chết là bước ngoặt quan trọng cuối cùng của đời người, bởi nó chấm dứt một kiếp tu nhân tích đức, chuẩn bị chuyển sang một kiếp khác. Nhờ kiếp này tích được nhiều phúc đức nên kiếp sau sẽ có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đối với các phật tử Lào, cái chết không chỉ là sự mất mát buồn thương mà còn là hình thức giải thoát của con người từ kiếp này sang kiếp khác.

Quan niệm trên được thể hiện khá đậm nét trong các nghi thức tổ chức ma chay ở Lào. Đặc biệt là các tín ngưỡng cổ, thuyết luân hồi, quan niệm về sự thống nhất và mâu thuẫn giữa các sung lực như: âm-dương, sinh-tử, phúc-tội dường như xuyên suốt các nghi thức. Người Lào cho rằng cái chết của con người gồm hai loại: chết lành (tai-đi) và chết dữ (tai hãi). Người chết do già yếu, bệnh tật thông thường được coi là chết “lành” hợp quy luật. Người chết không bình thường, chết bất đắc kỳ tử (chết đuối, hổ vồ, cây đè, sét đánh, tai nạn…) đều coi là chết “dữ”. Theo phong tục ở Lào, chỉ những người chết “lành” mới được tổ chức ma chay đầy đủ nghi thức của lệ làng. Còn cái chết “dữ” được coi là bị trừng phạt do kiếp trước có nhiều tội lỗi nên lúc chết không tắm xác, phải chôn, không được hỏa thiêu. Sau khi chôn cất, người thân thường làm lễ cầu hồn, mời sư sãi đến đọc kinh cầu nguyện giải thoát cho oan hồn. Nhưng dù là cái chết lành hay dữ, hình thức tổ chức ma chay có đôi chỗ khác nhau, đối với người Lào thì đây là dịp thể hiện tình cảm gia đình, anh em, xóm giềng, tính hợp quần, sự hòa nhập của mỗi thành viên trong cộng đồng, một truyền thống tốt đẹp được hình thành qua bao thế hệ gắn bó bên nhau trong sản xuất đấu tranh.

Khi trong nhà có người đang hấp hối thì con cháu nhanh chóng soạn mâm lễ đơn giản có gạo, nến, hương hoa để người sắp vĩnh biệt kiếp này kịp làm lễ cầu Phật lần cuối cùng. Có địa phương con cháu mang hương hoa đến lễ và nhận mọi tội lỗi mình đã gây ra đối với người sắp qua đời. Người Lào cho rằng với việc làm ấy sẽ làm cho người đang hấp hối tự tin hơn ở cuộc sống kiếp sau và khi chết sẽ góp phần đem lại sự bình yên, may mắn cho các thành viên trong gia đình.

Trong nhà có người thân mới tắt thở, con cháu báo tin ngay cho họ hàng và tuy đau thương nhưng người Lào không khóc lóc thảm thiết mà thường nén lòng chịu đựng. Chủ tang lễ là người thân trong gia đình, anh em thân thiết hoặc một thầy pháp có uy tín trong bản. Khi anh em, bà con đến đầy đủ, người thân bắt đầu tắm cho người chết (ạp-nẵm-xộp) bằng nước nóng hay nước lạnh. Một số địa phương có tục tắm cả bằng nước nóng lẫn nước lạnh. Sau đó được rửa lại bằng nước thơm (trước kia thường là nước được ngâm các loại hoa). Người chết là ông bà cha mẹ, con cháu thường dùng nước dừa non để rửa mặt. Những gia đình quyền quý còn có tục dùng giấy in dấu tay chân để thờ cúng. Tắm rửa xong, người thân lấy một cái lược mới bẻ gẫy rồi chải đầu, một mái tóc chải ngược về phía sau, một mái chải xuôi về phía trước (vỉ phổm xộp). Chải xong chiếc lược đem vứt bỏ, người sống kỵ không được dùng. Về khâm liệm (nũng hồm pha xộp) nếu mặc quần áo phải mặc hai bộ, bộ bên trong lộn trái, bộ bên ngoài mặc bình thường. Nếu liệm bằng vải (pha hảng) cũng quấn hai lớp, lớp bên trong đuôi vải liệm gài phía trước và lớp ngoài đuôi vải liệm gài phía sau. Những tục trên, theo người Lào là thể hiện tính kế tục giữa cái chết và sự sống.

Khâm liệm xong, thi hài được đặt lên giường, chân tay duỗi thẳng. Con cháu lấy hương hoa để trong cái đĩa hoặc đặt lên một cái gối để bên cạnh rồi lấy nước thơm vẩy lên thi hài (hốt nẵm hỏm xộp). Sau khi vẩy nước thơm, người thân lấy đồng tiền được mài sáng cho vào miệng người chết (ngân sày pạc xốp). Nhiều vùng ở Lào thường dùng đồng hào bằng bạc với ý nghĩa để người chết tiêu pha trên đường chuyển sang kiếp khác. Gia đình giàu sang thường dùng vàng sống trong lễ phạn hàm. Nếu lúc sống nghiện trầu cau thì khi chết con cháu cũng giã trầu cau cho vào miệng. Tiếp đó, người thân cầu khấn và lấy chỉ trắng buộc một vòng vào cổ, hai tay, hai chân người chết (mắt xốp) rồi thắt ba nút. Người Lào kỵ không cắt chỉ thừa sau khi buộc. Sau đó người thân dùng sáp ong gắn mắt, mũi, miệng, hai lỗ tai người chết. Các tục này gắn với niềm tin là làm cho linh hồn người chết được thanh thản khi chuyển sang kiếp khác, rũ bỏ mọi vấn vương của kiếp trước và dầu muốn cũng không thể quay lại kiếp cũ vì đã mất hết cảm giác, không nghe, không thấy không biết đường cũ để quay về. Ngoài ra nó còn xuất phát từ quan niệm cho rằng cuộc đời mỗi con người đều bị ràng buộc bởi ba điều là vợ, con và của cải mà tục ngữ Lào đã đúc kết: “Quý con như dây buộc cổ, quý vợ như vợ buộc tay, quý của cải như vòng trói chân” (hắc lục pan xược phục kho, hắc mia pan po phục xoọc, hắc khãu khỏng pan pọc xụp tin).

Ở Lào, người chết dù chôn hay thiêu cũng dùng áo quan. Áo quan thường là một thân cây gỗ đục hoặc bằng gỗ ghép. Dưới áo quan thường được lót lá chuối khô, thuốc lá, sợi, gạo rang hoặc lá ớt sấy khô. Một số địa phương còn có tục làm một chiếc cầu thang nhỏ có ba bậc (khẵn-đay xốp) để trong quan tài giúp người chết lên xuống dễ dàng. Đến ngày giờ đã chọn trước, con cháu đến đầy đủ, sau khi các nhà sư tụng kinh, người chết được đặt vào áo quan rồi dùng nhựa cây gắn nhiều lớp thật kín và được để trong nhà từ ba đến bảy ngày. Con cháu, người thân thay nhau túc trực bên quan tài. Ở hai đầu quan tài thường xuyên thắp nến hoặc đèn dầu. Hàng ngày, đến bữa ăn, con cháu đem cơm, thức ăn, kể cả thuốc lá, trầu cau đặt trên quan tài để cúng. Trong thời gian để quan tài trong nhà, hàng ngày đến giờ quy định, con cháu mời sư sãi đến tụng kinh cầu nguyện và tổ chức dâng cơm cho sư (liệng-phạ). Số lượng tăng lữ tùy khả năng, yêu cầu của mỗi gia đình, nhưng trong ma chay thường ít nhất cũng có năm nhà sư đến tụng kinh cầu nguyện cho linh hồn người chết được siêu thoát.

Người Lào rất xem trọng hướng đặt thi hài (tẵng-xộp). Ngay sau khi tắt thở, dù đặt nằm ở đâu hay khi đã nhập quan thì đầu luôn quay về hướng tây, chân về hướng đông và không đặt người chết nằm cùng chiều với giát sàn nhà.

Trong nhà có ma chay, người Lào thường ngăn nhà gọi là “khốp-ngăn”. Phòng đặt quan tài để bà con xóm giềng, bè bạn đến phúng viếng gọi là ‘hươn đi” (nhà tốt). Phòng kế bên là nơi ăn uống, ngâm vị thơ ca, đọc những pho truyện cổ dân gian, đánh bài, vui chơi thâu đêm để mừng cho gia chủ có người được siêu thoát, đưa tiễn một thành viên trong bản làng chuyển sang kiếp khác tốt đẹp hơn. Có thể nói từ lúc trong nhà có người chết cho đến khi chuyển quan tài ra nơi hỏa táng, phòng này dường như không bao giờ thiếu không khí tươi vui rộn ràng. Bởi vậy cho nên ở Lào khi đi dự tang lễ không chỉ có thái độ buồn đau, thương cảm mà sau khi vào viếng và chia sẻ cùng tang gia, khách sang phòng bên có thể hòa nhập cùng gái trai ăn uống, hát ca. Việc tổ chức ma chay lớn hay nhỏ tùy gia đình. Nhà khá giả có khả năng, đón tiếp bà con xóm giềng đến viếng, tổ chức ăn uống linh đình thì có thể để quan tài trong nhà bảy ngày hoặc lâu hơn nữa. Gia đình nghèo thường chỉ trong hai ba ngày là đem hỏa táng.

Sau mấy ngày, anh em, bà con xóm giềng đến viếng người qua đời, chia buồn cùng tang gia và dự vui chơi, người thân chuẩn bị đưa tang (xồng xạ-can xộp). Đây là nghi lễ quan trọng nhất của đám tang. Ngoài con cháu họ hàng còn có tăng lữ và xóm giềng đến dự. Nếu người qua đời là ông bà, cha mẹ, thường con trai, cháu trai từ bảy tuổi trở lên cạo đầu đi tu năm bảy ngày hay một tháng. Con gái, cháu gái hoặc con trai không có điều kiện đi tu thì bận áo váy màu trắng. Con cháu đi tu càng đông thì càng tích đức được nhiều phúc đức cho người đã khuất. Bà con, họ hàng gần, khi đi đưa tang bận quần áo trắng.
Trước kia ở nông thôn có tục người chết ở buồng nào thì đặt ở buồng ấy. Khi chuyển quan tài ra khỏi nhà, phải dỡ liếp hay ván thưng để tránh khiêng qua kèo nhà. Người Lào cho rằng khiêng quan tài qua kèo nhà sẽ ảnh hưởng xấu đời sống, lao động sản xuất của con cháu. Tục kiêng kỵ này ngày càng giảm dần và ngày nay hầu như không còn nữa.
Trước khi đưa quan tài ra nơi hỏa táng, người thân mời tăng lữ xuống tụng kinh, mời thầy pháp đến làm phép đuổi ma tà, bệnh tật.

Gia chủ vẩy nước phép từ chỗ đặt quan tài ra đến hiên đầu cầu thang, ném các khăn lau bẩn lên bàn ghế, đổ hết nước trong các chum vại rồi úp miệng xuống đất. Sư sãi tụng kinh xong, con cháu tắt tất cả đèn nến đang cháy trên quan tài (đắp phay xốp), sau đó lại thắp lại. Theo người Lào tục này tượng trưng cho cái chết - chấm dứt cuộc đời của một kiếp và sự sống của một kiếp mới sẽ bắt đầu. Để chuẩn bị chuyển quan tài ra khỏi nhà, con cháu, người thân lần lượt vái lễ một lần nữa. Bạn bè, xóm giềng tập trung ở chân cầu thang chờ tiễn đưa người đã khuất ra nơi hỏa táng. Đi đưa đám ma, người Lào thường mang theo hương, hoa, bó củi, cà-bong, dầu hôi… Khi quan tài được chuyển xuống đất, gia chủ liền đảo cầu thang, mặt trong chuyển ra mặt ngoài (phíc khăn-đay) và lấy một cành cây có gai buộc vào chân cầu thang trong bảy ngày. Ở cửa ra vào, gia chủ cũng dắt hai cành cây nhỏ cài vào nhau và khi khiêng quan tài ra khỏi nhà mới tháo bỏ. Tục này với ý nghĩa ngăn chặn không cho ma quỷ lên nhà quấy rầy đồng thời để người chết không thể quay trở lại mà phải chuyển sang một kiếp khác.

Ở nông thôn, người Lào thường khiêng quan tài từ nhà ra nơi hỏa táng hay chôn cất. Ở đô thị có thể dùng xe do người đẩy hoặc xe hơi. Dù bằng phương tiện nào người Lào cũng luôn chú ý để chân ra phía trước. Nếu khiêng thì kỵ không được đổi vai hoặc dừng chân ở dọc đường. Thông thường bà con xóm giềng ghé vai khiêng một mạch, từ nhà ra địa điểm hỏa táng. Dẫn đầu đám tang là các nhà sư tay cầm sợi chỉ trắng nối liền với quan tài (chung xộp). Tiếp sau là con cháu nắm vào sợi dây để cùng dẫn người đã khuất ra nơi hỏa táng. Xóm giềng, bè bạn đi sau quan tài. Đám tang từ nhà ra bãi tha ma, con cháu thường không khóc lóc, than vãn mà chỉ sụt sùi để còn lắng nghe các nhà các nhà sư tụng kinh cầu nguyện. Khi đưa đám người Lào có tục rắc gạo (xắt khạu-xản), rắc bỏng (vàn khạu-tọc chẹc) đồng thời rải các cành cây ngang dọc đường (mãy khịt-thang) hoặc bẻ gẫy các cây nhỏ hai bên đường.

Chọn vị trí chôn cất hay hỏa táng trong bãi tha ma, người Lào thường dùng một nắm xôi hay quả trứng tung lên, nếu rơi xuống chỗ nào thì chọn chỗ ấy làm nơi quả táng hay chôn cất với quan niệm chủ chỗ đất ấy đã chấp nhận (thĩ pổng xộp). Trước ngày hỏa táng, con cháu, họ hàng vào rừng chặt củi chất thành dàn lớn, bốn góc đóng bốn cái cột (kong phon). Trước khi đặt quan tài lên dàn thiêu, quan tài được khiêng đi quanh ba vòng (viên xảm họp), từ trái sang phải. Có địa phương còn có tục lấy đòn khiêng gõ vào quan tài ba lần trước lúc đặt lên dàn thiêu. Để giữ cho quan tài không bị đổ xuống lúc hỏa thiêu, người ta dùng hai cây cột lớn dài chôn sâu xuống đất để nẹp hai bên quan tài gọi là “mạy khồm hểng”.

Mở đầu lễ hỏa táng, các nhà sư đọc kinh cầu nguyện, vẩy nước phép rồi tháo sợi chỉ trắng buộc quan tài. Vải vóc, áo quần để trên quan tài cũng được bỏ ra. Con cháu, bà con, xóm giềng dự lễ đều kính cẩn chắp tay trước ngực nghe tăng lữ tụng kinh. Chủ tang lễ một tay đặt xuôi trước ngực, một tay cầm bình nước phép rỏ xuống đất để dâng phúc đức cho người chết - có thể nói đây là nghi lễ có không khí trang nghiêm nhất trong các bước tổ chức ma chay ở Lào. Trước lúc vị sư châm mồi lửa vào dàn thiêu, chủ tang lễ cho tung tiền bố thí (vàn kạ-lạ-phức). Đó là những quả “mạc-khụt” (giống quả chấp, dùng để gội đầu nhưng vỏ xù xì), những bẹ chuối cắt nhỏ thành hình thù khác nhau, bên trong nhét tiền. Thế là trẻ em, cả người lớn đi dự đám tang đều xông vào nhặt, họ tranh giành, xô đẩy nhau tạo không khí hết sức ồn ào náo nhiệt. Vào dịp này những gia đình khá giả thường làm lễ dâng tiền bạc, vải vóc cho các nhà sư dự tang lễ và tổ chức tung tiền bố thí suốt từ nhà ra nơi hỏa táng. Khi ngọn lửa trên dàn thiêu bốc cháy, những người đi dự đều góp thêm lửa nhưng không được châm lửa của nhau. Họ tự đánh diêm hoặc châm từ một đống lửa đã đốt sẵn ở bên ngoài. Đến đây, lễ hỏa táng coi như kết thúc.
Khi về nhà, con cháu thường tắm rửa, gội đầu, hơ lửa để xua đuổi tà khí hay làm lễ “xù khoẳn”. Có gia đình thỉnh sư sãi xuống làm lễ đọc kinh cầu nguyện cho gia chủ bớt nỗi nhớ thương, tránh mọi ốm đau bệnh tật, ma quỷ không đến quấy rầy gọi là lễ “mông-khôn”. Tục thiêu xác trở thành phổ biến ở Lào đối với những người chết bình thường (tai-đi). Nhưng không phải ngày nào cũng có thể làm lễ hỏa táng. Xưa nay người Lào không làm lễ hỏa táng vào các ngày kiêng kỵ (văn phạ) hoặc vào thứ ba. Theo người Lào, hỏa thiêu vào những ngày ấy sẽ ảnh hưởng không tốt đến con cháu. Ngày giờ thiêu thường do các già bản hoặc thầy pháp tính toán quyết định.

Ba ngày sau khi thiêu xác, người thân mời bà con, xóm giềng, và các nhà sư ra làm lễ nhặt xương (kết đục). Cùng với tiểu đất nung, nước rửa xương, tang gia còn chuẩn bị cơm, nước, bánh trái để cúng hồn người chết. Chủ tang lễ khấn báo cho linh hồn người chết ngày mai con cháu sẽ làm lễ “khạu-chẹc” và mời về dự trước khi đi đầu thai một kiếp khác. Khấn xong người thân nhặt xương xếp thành hình người nằm quay đầu về hướng Tây với ý niệm đây là người chết rồi tăng lữ đọc kinh gọi là “xụt-môn xắc-băng xạ-cun tai”. Ngay sau đó, người thân lại xếp bộ xương thành hình người nằm quay đầu về hướng Đông, tượng trưng cho sự sống, các nhà sư lại đọc kinh gọi là “xụt-môn băng xạ-cun pên”. Tăng lữ tụng kinh cầu nguyện xong, coi như kết thúc các nghi lễ ma chay ở Lào. Con cháu gạt than, tro xuống một cái hố gần nhất để chôn. Cốt của ông bà, cha mẹ được rửa sạch cho vào tiểu sành đem về chùa chôn và có thể dựng một tháp nhỏ lên trên. Vào những ngày kiêng kỵ hoặc lễ hội, mỗi khi lên chùa nghe tụng kinh niệm Phật, người thân thường ghé qua phần mộ này đặt bông hoa, thắp nén nhang khấn vái tưởng nhớ người đã khuất.
Ngày nay cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội mặt bằng dân trí ngày càng được nâng cao. Đặc biệt thế hệ trẻ có điều kiện học tập văn hóa tiếp cận với khoa học kỹ thuật. Dù còn nhiều tồn tại trong nếp nghĩ, thói quen của tập tục cũ đã có từ lâu đời, việc tổ chức ma chay ở Lào có xu hướng tiến bộ rõ rệt, những hủ tục rườm rà tốn kém được giảm dần, những tục lệ tốt đẹp được kế thừa và phát huy.

11- Ca múa nhạc
Nhân dân các dân tộc Lào rất thích ca múa, đặc biệt là các làn điệu dân ca truyền thống. Không chỉ trong những ngày lễ hội, vui chơi hợp quần… người Lào còn hay ca hát trong sản xuất ngoài ruộng nương, đi hái lượm trong rừng, xuôi ngược trên các dòng sông.

Dân ca Lào rất phong phú, giàu âm điệu, mang đậm bản sắc dân tộc được phổ biến rộng rãi trong nhân dân từ nông thôn đến thành thị. Người có công lớn trong việc sưu tầm, phổ biến và nâng cao các làn điệu dân ca là các “mỏ-lăm” (ca sĩ), “mỏ khen” (nhạc công, thổi khèn bè). Đội ngũ “mỏ lăm, mỏ khen” ngày càng phát triển trước yêu cầu thưởng thức ca múa của nhân dân ở các bản mường, trong đó có nhiều nghệ sĩ tài ba nổi tiếng vừa có thể sáng tác vừa biểu diễn được đông đảo nhân dân ưu ái, mến mộ. “Mỏ lăm” ở Lào có vị trí thật đặc biệt trong xã hội. Họ sống gần gũi nhân dân, đi đến bản làng nào cũng được đón tiếp nồng nhiệt. Họ am hiểu sâu sắc cuộc sống, xã hội Lào, nắm bắt được tình cảm, ước mơ của các tầng lớp nhân dân. Có thể nói, họ là một tri thức, một nghệ sĩ của nhân dân, được nhân dân nuôi dưỡng.
Dân ca của Lào có nhiều loại như lăm, khắp, xỡng, kạp, ăn nẳng-xử… Mỗi loại lại mang sắc thái riêng của từng miền, từng dân tộc, từng địa phương. “Lăm” sử dụng nhiều thể loại thơ nhất được quần chúng ưa thích nhất và phổ biến trong cả nước.

1. Lăm (ca)
Theo các “mỏ lăm” ở Lào thì “lăm” được chia thành hai loại là “lăm-xẵn” (khúc ca) và “lăm nhao” (trường ca) còn gọi là “lăm lượng” nghĩa là ca sĩ thuật lại một câu chuyện thơ bằng các làn điệu dân ca.
a. “Lăm xẵn”: là những bài ca ngắn diễn đạt tâm tư, cảm xúc của con người như niềm vui, nỗi buồn, cảnh chia ly thương nhớ hoặc châm biếm, hài hước, phổ biến là tình yêu lứa đôi. Lời của “lăm xẵn” thường là văn vần, giàu hình tượng đã có từ trước hoặc sáng tác ứng khẩu theo tình huống đặt ra. Trai gái thường vận dụng ca dao, “phạ-nhả” (câu ví) - phong phú của dân tộc để ca đối đáp lẫn nhau. “Lăm-xẵn” thường có hai người hoặc hai tốp ca đối đáp lẫn nhau, kết hợp với múa.
“Lăm-xẵn” có nhiều làn điệu khác nhau mang tính địa phương, phản ánh điều kiện sản xuất, thiên nhiên, con người như “lăm loòng”, “lăm vay”, “lăm tạy”, “lăm tỡi”, “lăm tắt”…
- “Lăm-loòng”: từ Viêng-chăn trở xuống miền Nam Lào, đặc biệt nhân dân sinh sống ven sông rất thích “lăm loòng”, còn được gọi là “lăm loòng-khoỏng” (ca xuôi dòng Mê-kông). Xuôi ngược trên các dòng sông vào đêm khuya thanh vắng các chàng trai, cô gái hay “lăm loòng”. Nhịp điệu của “lăm loòng” thường ngân dài, lúc bổng lúc trầm tha thiết, uốn lượn, mênh mong như sóng nước. Nội dung “lăm loòng” chủ yếu miêu tả sông nước, mây trời, làng xóm, bến bờ, cảnh vật ven sông.
- “Lăm-vay”: phổ biến ở các địa phương miền Trung. “Lăm-vay” cũng diễn tả thiên nhiên, ruộng rẫy, bản làng nhưng nhịp điệu sôi nổi như thôi thúc, giục giả, có lúc như giễu cợt. “Lăm-vay” cũng kết hợp với múa nhưng chỉ múa lúc ngừng ca hoặc múa giữ nhịp theo tiếng khèn bè.
- “Lăm-tạy”: (ca phía Nam) còn gọi là “lăm xỉ-phăn-đon” (tên một địa phương của tỉnh Chăm-pa-sắc) một loại ca ở các tỉnh miền Nam. Nhịp điệu “lăm-tạy” dịu dàng, uyển chuyển. Lời ca “lăm-tạy” thường giàu hình ảnh, ví von, đối đáp, tỏ ý, tỏ tình.
- “Lăm-tắt”: là những khúc ca phản ảnh sự việc, cảnh vật trong xã hội, thiên nhiên. “Lăm-tắt” thường có một người biểu diễn, có đệm khèn bè, kết hợp với múa nhưng ít hơn các loại “lăm” khác. Nhịp điệu của “lăm-tắt” êm ái, tầm bổng, chậm rãi, thỏa mãn thính giác mọi người. Mở đầu “lăm-tắt”, người biểu diễn thường dạo giọng bằng tiếng “ồ” ngân dài, trầm lắng và người nghe thường hò reo đế theo.
- “Lăm-tỡi”: (giống hát ví) “Lăm-tỡi” là loại “lăm” phổ biến trong cả nước, đặc biệt từ Viêng-chăn xuống các tỉnh miền Nam. Nhịp điệu của “lăm-tỡi” sôi nổi, dồn dập như những đợt sóng. “Lăm-tỡi” thường được biểu diễn hai người, một trai, một gái, vừa ca vừa múa theo tiếng khèn bè. Trong “lăm-tỡi” múa được sử dụng nhiều hơn, hai người biểu diễn múa lượn (phõn-kiễu) nhịp nhàng, tình tứ quấn quít bên nhau. Có thể nói “lăm-tỡi” là sự kết hợp biểu diễn khéo léo những động tác để diễn đạt tình cảm như: lời ca, múa, ánh mắt, nụ cười.
Nội dung các khúc ca “lăm-tỡi” thường xoay quanh tình yêu trai gái, đôi bên tỏ ý tỏ tình, niềm thương nỗi nhớ hoặc trai gái gặp gỡ thử tài trí nhau, thách đố lẫn nhau, giễu cợt nhau. Họ phải vận dụng kho tàng ca dao, “phạ-nhả”, nhiều lúc phải tự đặt ra để đối đáp.
Trong “lăm-tỡi” lại có một số làn điệu “tỡi” khác mang sắc thái địa phương như tỡi hủa-nuôn-tan, “tỡi pha-mã”, “tỡi khon xạ-vẳn”, tởi xỉ-phôn…
Tỡi pha-mã được ca ở một số bản mường miền Bắc nhưng không phổ biến. Tỡi khon xạ-vẳn và tỡi xỉ-phôn được ca ở một số địa phương miền Trung, thường có lời ca dài hơn các làn điệu “lăm tỡi” khác. Về nhịp điệu, ba loại “lăm tỡi” trên không sôi động bằng “tỡi hủa nuôn tan”.
“Tỡi hủa nuôn tan”, còn được gọi là “tỡi Ma-hả-xay” (tên một địa phương trong tỉnh Khăm-muôn, trung Lào là loại “tỡi” phổ biến nhất, được đông đảo nhân dân ưa thích nhất. “Lăm-tỡi” được ca rộng rãi trong mọi dịp như: lễ hội, đêm liên hoan, cuộc họp bản làng, trai gái gặp nhau trong những đêm trăng sáng, đi hái lượm trong rừng, ngồi trong các chòi canh lúa, ngô trên ruộng rẫy… Nhịp điệu của “tỡi hủa-nuôn-tan” sôi trào, dồn dập nối tiếp nhau tưởng chừng như không bao giờ dứt. Đây là những khúc ca ngắn, có giai điệu rõ ràng, nhịp điệu nhất quán từ đầu đến cuối.

b. Lăm-nhao: (trường ca) thường có các ca sĩ chuyên nghiệp trình diễn. Vào dịp lễ hội lớn, dân bản thường cử người đi mời các “mỏ-lăm” về biểu diễn. Cùng đi với “mỏ-lăm” còn có “mỏ-khen” (nhạc công chuyên thổi khèn bè). Mỗi lần về bản, họ thường ở lại biểu diễn một vài tối và là khách quý của bản mường. Được tin có “mỏ-lăm” về biểu diễn, nhân dân các bản xa gần cũng nô nức kéo nhau về dự làm đêm hội thêm đông vui nhộn nhịp.
Bằng các làn điệu dân ca, người “mỏ-lăm” trình diễn một trích đoạn hoặc một truyện thơ nổi tiếng ở Lào như  Xỉn-xay, Thão Hùng, Thão-Chương, Ka-lạ-kệt, Cham-pa-xi-tỗn, Teng-Òn… Hòa quyện với tiếng khèn bè rộn rã, “mỏ lăm” khéo vận dụng các làn điệu dân ca diễn tả một cách sinh động, phù hợp với cảnh, với người trong câu chuyện như: khi leo dốc nhịp điệu chậm rãi, nước chảy nhịp réo rắt, xuôi thuyền trên sông nhịp êm ả, khoan thai, miêu tả núi rừng nhịp điệu trầm hùng, ngợi ca chiến công nhịp điệu nhanh, sôi nổi … Các buổi biểu diễn “lăm-lượng” thường kéo dài đến khuya, có khi thâu đêm, các “mỏ-lăm” thường thay nhau biểu diễn từng đoạn. Dân bản lắng nghe một cách thích thú và thỉnh thoảng hò reo tán thưởng.
Ngày nay, “lăm-lượng” vẫn được nhân dân Lào ưa thích, đặc biệt ở nông thôn. Không riêng ở Lào, mà vùng đông bắc Thái Lan “lăm-lượng” cũng phổ biến. Vào các ngày lễ hội, chợ phiên buổi tối thường có tụ điểm tổ chức “lăm-lương”. Do thời lượng dài nội dung “lăm-lượng” phong phú, bố cục chặt chẽ hơn “lăm-xẵn”. Đặc điểm chung của văn thơ cổ của Lào là để ca nên các tác giả hết sức chú ý đến nhịp điệu, gieo vần (phổ biến là gieo vần lưng). Một số tác phẩm văn xuôi được chuyển thành thể văn vần. Trước đây, một số tác giả người Lào đã mượn cốt truyện thần thoại, anh hùng ca trong Ramayana của Ấn Độ để sáng tác. Tuy có sự vay mượn nhưng các tác giả đã dựng lại trong bối cảnh của xã hội Lào, nhân vật mang tâm tư tình cảm của người Lào và được viết theo thể thơ ca quen thuộc của Lào.

2. “Khắp”
Cùng với “lăm”, “khắp” cũng là thể loại dân ca phổ biến ở Lào. “Khắp” là những khúc ca ngắn giống hò ở Việt Nam (hò lơ, hò mái nhị, hò giã gạo… “Khắp” xuất hiện khá sớm trong lịch sử và gần như một hình thức thơ trữ tình ở Lào. “Khắp” có một số nét khác với “lăm”. Về nhịp điệu “khắp” tự do hơn “lăm”. Âm thanh của “khắp” trầm lắng, dịu dàng. Mở đầu, dạo giọng “khắp”, người ta thường cất tiếng “ời” ngân dài vút cao nồng nàn, tha thiết, sau đó người nghe đế, hò theo. Lúc kết, “khắp” cũng ngân dài nhưng trầm xuống. Lời của “khắp” có thể không phải là văn vần. Nhạc cụ đệm cho “khắp” ít dùng khèn bè, mà là cây nhị hai dây (xo). Với đặc điểm trên “khắp” được coi là có tính quần chúng, thể hiện tình cảm rõ hơn “lăm”. Riêng “khắp” Ngừm (Viêng-chăn) khó phân biệt, vì vừa là “khắp” vừa mang tính chất “lăm-loòng”.
Nội dung của “khắp” rất phong phú, nhưng thường phản ánh tình cảm của con người trước cảnh vật, cuộc sống sinh hoạt quen thuộc của bản mường. Những hình ảnh thân thuộc, bình thường nhưng đã gắn bó với mỗi người suốt cuộc đời như dòng sông, bến nước, gốc bồ đề cổ thụ, tiếng trống chùa… đều đi vào “khắp”. Trai gái cũng dùng “khắp” để tỏ ý tỏ tình nhưng thường tế nhị, kín đáo hơn “lăm”.
“Khắp” được phổ biến rộng rãi ở các tỉnh miền Bắc Lào. Mỗi địa phương, mỗi dân tộc lại có làn điệu “khắp” mang sắc thái riêng của mình. Ở Luổng-pha-bang có “khắp” Thum, Xam-xao, “khắp” Xăm ở Xăm-nửa, “khắp” Lự ở Mường Xinh, “khắp” Ngừm ở Viêng-chăn, “khắp” Tăng-vải ở Xa-vẵn-nạ-khệt. Dân tộc Phu-thay, Thay Đăm có làn điệu riêng gọi là “khắp” Phu-thay, “khắp” Thay-đăm…

3. Xỡng
Xỡng cũng là một thể loại dân ca đơn giản, xuất hiện sớm nhất ở Lào nhưng không phổ biến. Ca “xỡng” thường kèm với múa một người hoặc tập thể. “Xỡng” cũng có nhiều loại như: xỡng bẵng-phay (ca trong lễ hội pháo thăng thiên), “xỡng” xuồng-hưa (ca trong lễ hội đua thuyền)… Trong đám cưới, các cụ già thường ca “xỡng” mừng cô dâu, chú rễ hoặc những ca khúc dành cho trẻ tuổi nhi đồng.

4. “Àn nẳng-xử” (ngâm vịnh)
Đọc có diễn cảm hoặc ngâm vịnh theo nội dung của một bài thơ hay một câu chuyện. “Àn nẳng-xử” phổ biến nhất ở Luổng-pha-bang.

5. I-kê-la-khon
Là hình thức ca nhạc-kịch cổ có từ lâu đời ở Lào. Nội dung của “I-kê” thường là những chuyện, truyền thuyết, cổ tích, ngợi ca những nhân vật anh hùng, những người có công với bản mường trong lao động sản xuất, bản vệ bản làng, những người nêu cao cái thiện, giàu lòng bác ái, từ bi. Ngoài ra còn có nhiều vở “I-kê” đả kích bọn áp bức bóc lột, phê phán thói hư tật xấu trong nội bộ nhân dân. Nhưng nhiều nhất vẫn là nội dung ca ngợi tình yêu quê hương đất nước, tình yêu trong sáng, thủy chung của nam nữ thanh niên.

6. Loọng-phêng (hát)
“Phêng” ở Lào có hai loại: những bài hát mới (tân nhạc), ảnh hưởng dòng nhạc phương Tây và Thái Lan; một loại “phêng” tách ra từ I-kê (ca nhạc kịch).

Những bài hát mới do các nhạc sĩ Lào sáng tác, bước đầu không mấy thành công. Số bài hát hay được phổ biến rộng rãi không nhiều. Một thời gian sau mới xuất hiện một số bài hát mới thấm đượm chất liệu dân ca, nội dung ca ngợi quê hương đất nước, niềm tự hào dân tộc được phổ biến rộng rãi trong cả nước. Suốt một thời gian dài những ca khúc này thường được thay lời mới cho phù hợp với thời đại và vẫn được quần chúng ưa thích. Từ đây, “loọng-phêng” đã khẳng định được vị trí của mình nhất là trong tầng lớp thanh thiếu niên ở các đô thị.

Loại bài hát tách ra từ “I-kê” (ca nhạc kịch) gần gũi với dân ca được ưa chuộng không kém “lăm”, “khắp”. Loại nhạc này giàu âm điệu, uyển chuyển, nhịp nhàng gắn với các điệu múa truyền thống của Lào. Một số nhạc sĩ Lào đã thành công trong sáng tác những bài hát mới trên cơ sở kế thừa và phát huy loại nhạc này.

7. Múa
Múa ở Lào cũng phổ biến rộng rãi, từ thành thị đến nông thôn. Trong những ngày lễ hội lớn nhỏ ở Lào đều tổ chức vui chơi hợp quần trong đó không thể thiếu tiết mục múa. Có điệu múa một người, hai người hoặc tập thể vài chục người (lăm-vông). Những đêm hội, già trẻ, gái trai đều tham gia múa ca một cách tự nhiên thoải mái. Các điệu múa của Lào thường uyển chuyển, nhịp nhàng theo nhịp trống, động tác khá tự do, mang đậm màu sắc dân tộc.

Các điệu múa xuất hiện sớm nhất ở Lào là múa “Bẵng-phay”, “Lăm phen”, rồi đến điệu múa “Xỉ-nuôn”, “Kò-thạt”, Đoọc-bua (hoa sen)… Múa “Bẵng-phay” là điệu múa tập thể trong ngày lễ hội pháo thăng thiên (Bẵng-phay). Múa “Lăm-phen” giống múa tiên ở Ấn Độ, Cam-pu-chia, In-đô-nê-xia. Múa “Kò-thạt” là múa tập thể xung quanh ngọn tháp trong các ngày lễ hội tôn giáo. Đặc biệt là múa “lăm-vông” (múa vòng tròn) tuy xuất hiện sau nhưng được phổ biến rộng rãi từ Bắc xuống Nam, từ nông thôn đến thành thị và được coi như điệu múa tập thể tiêu biểu của dân tộc. Múa “lăm-vông” xuất hiện vào thời điểm nào của lịch sử, đến nay chưa có lời giải đáp thống nhất của các nhà nghiên cứu văn hóa Lào, nhưng nó đã tồn tại nhiều thập kỷ qua và ngày nay nó vẫn có vai trò thật đặc biệt. Trong các ngày lễ hội, dịp vui chơi tập thể, các buổi liên hoan của một cơ quan, nhà trường, đơn vị vũ trang đều mở đầu và kết thúc bằng “lăm-vông”. Từng đôi nam nữ (có thể cả hai đều là gái hoặc trai) múa vòng tròn theo nhịp trống (nhịp 2/4 hoặc 4/4). “Lăm-vông” dễ múa, động tác sinh động, duyên dáng, uyển chuyển. Có thể “lăm-vông” xuất phát từ điệu múa “lăm-thôn” (múa 1 người).

Trước đây giai cấp phong kiến quý tộc Lào thường tổ chức múa cung đình và dùng đàn “la-nát” (đàn thuyền). Đan “la-nát” ít phổ biến và dường như ít thấy ở các bản làng chốn thôn quê. Ở thành thị, một số gia đình quý tộc, giàu sang mới dùng đàn “la-nát”. Họ dùng đàn “la-nát” để biểu diễn trong các ngày lễ, hội hè do gia đình tổ chức.

Múa cung đình có múa đơn, múa đôi hoặc tập thể. Các vũ nữ múa cung đình được tuyển chọn kỹ và tập luyện khá công phu do một số nghệ sĩ được đào tạo ở nước ngoài (thường ở Ấn Độ hoặc Khơ-me) hướng dẫn. Khi biểu diễn các vũ nữ được ăn mặc hết sức lộng lẫy, sang trọng. Múa cung đình ít di chuyển, mà thường múa tại chỗ, kết hợp biểu diễn nhiều động tác mềm mại, dịu dàng, uốn lượn của ngón tay, bàn tay, cánh tay, vai, cổ, đầu, bàn chân cho đến ánh mắt, nụ cười, nét mặt theo tiếng đàn “la-nát”. Múa cung đình là dịp mua vui cho nhà vua, hoàng tộc và số quan chức gần gũi nhà vua. Một số điệu múa cung đình Lào được mô phỏng theo các điệu múa cổ Ấn Độ, Khơ-me và xoay quanh đề tài đề cao, chúc tụng, sùng bái nhà vua.
8. Nhạc cụ
Khèn bè (khen):
Là loại nhạc cụ phổ biến nhất ở các bản làng từ Bắc xuống Nam. Khèn bè dễ làm, dùng nguyên liệu ngay trong rừng, dưới sự hướng dẫn của “mỏ-khèn”, các tràng trai trong bản có thể tự làm được. Nhưng để có chiếc khèn bè âm thanh chuẩn phải tìm mua ở các chợ phiên, do các nghệ nhân chuyên sản xuất bày bán. Từ lúc còn tuổi thiếu niên con trai Lào đã học thổi khèn.

Khèn bè không thể thiếu trong các đêm biểu diễn dân ca ở Lào. Những đêm trăng người Lào thường rủ nhau sang chơi các bản làng lân cận, đi canh giữ hoa màu trên chòi một mình, các chàng trai thường đeo theo chiếc khèn bè. Khèn bè đa âm, đa sắc có thể biểu diễn được nhiều giai điệu khác nhau. Với nghệ thuật biểu diễn tài tình của “mỏ-khen”, tiếng khèn bè lúc róc rách như dòng suối cạn giữa rừng khuya, khi sôi nổi, dồn dập như thác đổ, có lúc khoan thai êm ả như dòng nước trôi lững lờ… Có một số bản nhạc trữ tình mang tính tự sự mô phỏng thiên nhiên, con người được “mỏ-khèn” biểu diễn hấp dẫn, gây xúc động lòng người, được quần chúng yêu thích như bản: Mẹ góa ru con, Kiến cam ngắm hoa, Gió thổi qua rừng… Khèn bè cũng được thổi trong dịp phong sắc cho sư, các đám rước trong các ngày lễ hội Bẵng-phay (pháo thăng thiên), Phạ-vệt. Có thể nói rằng, cùng với tiếng ru, tiếng trống, tiếng khèn bè đã đi vào ký ức tuổi thơ mỗi người Lào khi còn địu trên lưng mẹ.

Trống (kong):
Trống cũng là nhạc cụ phổ biến ở Lào. Có thể nói rằng không có bản làng nào ở Lào không có trống và không ngày nào vắng tiếng trống, tiếng mõ ngân vang (bản có chùa). Có nhiều loại trống như trống cái, trống cơm, trống con…
Trống cái hai đầu bọc da dài khoảng trên một mét được treo trong một cái chòi nhỏ gọi là “hỏ-kong”. Bản có chùa, thì treo trong chùa. Thông thường mỗi bản làng chỉ sử dụng một cái trống cái và được đánh trong các trường hợp sau: lễ hội, ngày kiêng kỵ trong tháng, cầm nhịp thời gian trong ngày, hội họp bản làng, báo tin dữ xảy ra trong bản làng (cháy nhà, thú dữ tấn công, người chết, tăng lữ lâm bệnh trầm trọng.

Trống cơm (koong-tũm):
Trống cơm được đánh cùng với một số nhạc cụ khác để múa tập thể trong ngày lễ hội “bẵng-phay” (pháo thăng thiên). Trống con (Koong kình) được đánh trong các buổi lễ cầu phúc.

Ngoài ra còn nhiều loại nhạc cụ khác được dùng phổ biến trong các ngày lễ hội sản xuất, tôn giáo, ma chay như: “khoọng” (chiêng), “xình” (rạo bạt), “pì” (sáo), “khùi” (tiêu), “mạc chặp pì” (đàn), “xo” (nhị), “pôông” (mõ), “xèng” (thanh la)…
Đôi nét về nền văn nghệ kháng chiến:

Hơn nửa thế kỷ dưới thời Pháp thuộc dòng thơ ca viết chính thống sống lay lắt, nghèo nàn; chỉ còn thơ ca cổ truyền thống phát triển và là nguồn nuôi dưỡng ý chí tự lập tự cường của dân tộc. Năm 1945, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc. Một nước Lào độc lập ra đời, sau đó không bao lâu lại bước vào cuộc đấu tranh chống ngoại xâm suốt ba thập kỷ vô cùng gay go ác liệt, gian khổ hy sinh song cũng là chặng đường vẻ vang nhất trong lịch sử dân tộc. Tinh thần quật khởi của nhân dân các dân tộc Lào trong cuộc kháng chiến trường kỳ là đề tài mới vô cùng phong phú cho thơ ca. Từ đây, thơ ca truyền thống được kế thừa và phát huy mạnh mẽ, thơ ca viết được phục hồi.

Để giáo dục lòng yêu nước, căm thù giặc, ý thức bạn thù, tạo không khí lạc quan trong hoàn cảnh chiến tranh ngày càng khốc liệt, Mặt trận Lào Ít-xạ-la đã liên tiếp phát động phong trào sáng tác thơ ca. Theo chỉ thị của Chính phủ kháng chiến, Ban chấm thi thơ ca từ cấp huyện trở lên được thành lập. Phong trào sáng tác thơ ca diễn ra sôi động, rộng rãi ở khắp các cơ quan, đơn vị vũ trang, xuống đến các bản làng. Với hình thức cũ, nội dung mới, thơ ca trong thời kỳ này phát triển gần như độc tôn và đã góp phần cổ vũ nhân dân các dân tộc Lào vượt qua muôn vàn gian nan thử thách trong những năm đầu của cuộc kháng chiến.
Cùng với sự lớn mạnh về chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế… văn nghệ kháng chiến cũng có bước phát triển đáng khích lệ. Ngoài thơ ca truyền thống nhiều thể loại mới ra đời. Đó là thơ mới, văn xuôi (ký, truyện ngắn, truyện dài) múa, nhạc, kịch, nhiếp ảnh, điện ảnh… đặc biệt là ca hát (tân nhạc). Nhiều ca khúc mới nổi tiếng xuất hiện, không chỉ được phổ biến rộng rãi trong vùng giải phóng mà còn được đông đảo nhân dân, giới công chức, sĩ quan, binh lính ngụy trong vùng địch kiểm soát ưa thích (Tiếng hò bên sông Mê-kông, Đất nước tự do…). Trên cơ sở thơ ca cổ truyền thống, thơ ca kháng chiến ra đời và phát triển nhanh chóng. Đó là những truyện thơ theo phương thức tự sự, ca ngợi những tấm gương anh dũng kiên cường trong chiến đấu và sản xuất của nhân dân các dân tộc Lào. Có nhiều bài thơ thuật lại một câu chuyện, một trận thắng oanh liệt của lực lượng vũ trang cách mạng được phổ biến rộng rãi bằng hình thức “lăm-lượng” (ca).

Những năm kháng chiến, văn xuôi phát triển khá nhanh so với thơ ca, khoảng cách không ngừng được rút ngắn. Tuy nhiên thơ ca vẫn dẫn đầu, vượt văn xuôi một chặng đường dài. Sự phát triển của các loại hình nghệ thuật mới đã làm cho nền văn nghệ kháng chiến trở nên đa dạng, phong phú, có tác dụng to lớn trong việc giáo dục tình cảm cách mạng cho nhân dân trong vùng giải phóng cũng như vùng địch tạm chiếm.

Nội dung của các tác phẩm văn nghệ kháng chiến cũng có sự thay đổi sâu sắc. Trước đây, nhân vật điển hình thường là những chàng trai, cô gái xuất thân từ tầng lớp quý tộc xinh đẹp, tài ba, giàu lòng nhân ái nhưng bị đày đọa khổ ải, phải nhờ đến phép mầu của Thần, Tiên, Phật mới thoát nạn. Ngày nay, nhân vật điển hình là những con người mới, người chiến sĩ, công nhân, nông dân đang trực tiếp chiến đấu, sản xuất anh dũng kiên cường chống quân xâm lược góp phần giải phóng quê hương đất nước. Lần đầu tiên trong lịch sử văn nghệ của dân tộc, những tình cảm mới cao đẹp đã đi vào các tác phẩm như tình quân dân thắm thiết, tình đồng chí, đồng đội keo sơn, tình đoàn kết quốc tế cao cả…

Lực lượng sáng tác, biểu diễn văn nghệ kháng chiến ngày càng đông đảo. Bên cạnh các nghệ sĩ, ca sĩ cũ tham gia kháng chiến, còn có đội ngũ nhạc sĩ, ca sĩ, nhạc công trẻ trưởng thành trong khối lửa của hai cuộc kháng chiến trường kỳ, được đào tạo cơ bản ở trong nước và nước ngoài. Hàng chục đoàn văn công Trung ương, địa phương, của Quân đội được thành lập. Mỗi bản làng đều có đội văn nghệ quần chúng. Họ là những nghệ sĩ đồng thời là chiến sĩ trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ.
Một sự kiện lịch sử đã nửa thế kỷ trôi qua, nhưng ngày nay vẫn được các nhà nghiên cứu văn hóa giáo dục Lào nhắc lại một cách tự hào và ngợi ca. Mới thành lập được hơn một tháng dù chiến tranh ác liệt, công việc bề bộn nhưng Chính phủ kháng chiến Lào đã quyết định thành lập Ban nghiên cứu ngôn ngữ (9-9-1950) do Thủ tướng, hoàng thân Xu-pha-nu-vông trực tiếp làm Trưởng ban, Bộ trưởng Giáo dục Chãu Xúc vông-xắc làm Phó Trưởng ban. Qua một thời gian ngắn nghiên cứu theo phương châm: dân tộc, nhân dân và tiến bộ, Ban nghiên cứu ngôn ngữ đã đưa ra một số cải cách quan trọng như: mẫu tự Lào được quy định thống nhất theo nguyên tắc âm vị học, vừa hợp lý vừa đơn giản dễ đọc, dễ học. Sau đó Ban nghiên cứu ngôn ngữ quy định tiếng Lào, chữ Lào trở thành thông ngữ trong cả nước, chấm dứt hơn 60 năm bị đẩy xuống hàng một thổ âm, chỉ được dùng trong giao tiếp của nhân dân (các trường tiểu học phổ thông, thời thuộc Pháp chỉ dạy chữ Lào mỗi tuần vài giờ). Và từ đây ngôn ngữ dân tộc được hồi sinh, tạo ra một bước ngoặt cho văn học, nghệ thuật, văn hóa giáo dục phát triển mạnh mẽ.

Đồng thời với việc cải cách ngôn ngữ, Ban nghiên cứu ngôn ngữ đã phát động phong trào xóa nạn mù chữ rầm rộ, chưa từng có khắp các bản làng. Và thơ ca giữ vai trò tuyên truyền, cổ vũ đắc lực nhất cho phong trào. Để tạo điều kiện thuận lợi cho vai trò thông ngữ của tiếng Lào, chữ Lào, Ban nghiên cứu ngôn ngữ còn tiếp tục phổ biến một số danh từ mới, đưa một số khái niệm, kiến thức mới vào đời sống xã hội. Những việc làm của Ban nghiên cứu ngôn ngữ lúc bấy giờ có ảnh hưởng mạnh mẽ đến các tầng lớp nhân dân trong cả nước, nhất là giới trí thức, công chức, học sinh, sinh viên.

Trong những năm kháng chiến, thơ ca cổ truyền thống được kế thừa và phát huy, thơ ca kháng chiến ra đời, đồng thời nhiều thể loại mới xuất hiện. Văn nghệ kháng chiến thực sự trở thành vũ khí sắc bén, góp phần tích cực vào việc giáo dục chủ nghĩa anh hùng cách mạng, động viên lòng yêu nước, chí căm thù giặc sâu sắc trong quần chúng nhân dân các dân tộc Lào. Đã một phần tư thế kỷ đi qua, nhưng ngày nay các tầng lớp nhân dân Lào vẫn say mê và tự hào về những ca khúc, những bài thơ mang hơi thở của một thời đại oanh liệt, hào hùng của dân tộc./.
 
Nguồn: Tập quán và lễ hội cổ truyền các dân tộc Lào,
Nguyễn Văn Vinh, Nxb.TpHCM, năm 2000.
 

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điều hành - Liên kết
 
thu vien so
 
trung bay
qoffice
 
logobantin copy
logokn
images
bhxhso1 iesl
banner 1
banner final 17082022 1
 
tinh nguyen 1 1024x235
  • Liên kết

mtssssssss
Văn bản

19-QĐ/TĐTN-TCKT

V/v ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh đoàn Quảng Nam khoá XIX, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:3068 | lượt tải:749

Nghị quyết

Nghị quyết Đại hội

Lượt xem:2209 | lượt tải:746

41/KHLT-BHXH-TĐ

Phối hợp tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm y tế trong ĐVTN năm 2021

Lượt xem:2501 | lượt tải:666

1159-CV/TĐTN- BPT

V/v giới thiệu cá nhân tiêu biểu tham gia giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XII năm 2021

Lượt xem:3476 | lượt tải:166

251 -KH/TĐTN-BTG

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021

Lượt xem:2868 | lượt tải:781
© Copyright 2008 thuộc về BTV Tỉnh đoàn Quảng Nam
Địa chỉ: 191 Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Điện thoại / Fax: 02353859223
Tin bài cộng tác viên vui lòng gởi về Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Quảng Nam
Điện thoại: 02353.812.436 | Email: banbientaptinhdoanquangnam@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây