Đóng cửa sổ tư vấn [X]
Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

Các địa phương tập trung chống lũ

Chủ nhật - 05/11/2017 19:33
Đến chiều tối nay 5.11, tình hình mưa lũ trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp. Các cấp ngành, địa phương vẫn đang túc trực theo dõi để có phương án ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu.

* Tích cực khắc phục sự cố điện

Ngay từ sáng 4.11, Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) đã tích cực triển khai lực lượng khắc phục sự cố, với phương châm “khắc phục đến đâu, đóng điện đến đó”. Lãnh đạo công ty thường xuyên kiểm tra, động viên công tác trực chỉ huy và khắc phục hậu quả bão lụt tại các điện lực.

Các đơn vị tích cực phát quang hành lang tuyến, nhanh chóng khôi phục sự cố mất điện do mưa lũ. Ảnh: V.H
Các đơn vị tích cực phát quang hành lang tuyến, nhanh chóng khôi phục sự cố mất điện do mưa lũ. Ảnh: V.H

Tại đường dây trung thế từ thị trấn Hà Lam (huyện Thăng Bình) cấp điện cho 2 huyện miền núi Hiệp Đức và Phước Sơn, đợt mưa bão này có tới khoảng 20 địa điểm có rừng cây keo trồng của người dân va quẹt, ngã đổ vào đường dây. Điện lực Hiệp Đức là đơn vị phụ trách tuyến đã cử lực lượng xung kích nhanh chóng vận động nhân dân cho xử lý, phát dọn cây cối để đảm bảo an toàn hành lang tuyến. Anh Trần Văn Thạch - Đội quản lý lưới Điện lực Hiệp Đức cho biết, từ 2 giờ khuya ngày 3.11, đường dây này buộc phải ngắt truyền tải. Cả ngày 4.12, đơn vị đã tập trung xử lý xong, khôi phục cấp điện nhưng do gió lớn gây mất điện trở lại. Ngày hôm nay, đơn vị tiếp tục xử lý sự cố.

Khắc phục sự cố gãy trụ trung thế gây mất điện tại huyện Nam Trà My. Ảnh: V.H
Khắc phục sự cố gãy trụ trung thế gây mất điện tại huyện Nam Trà My. Ảnh: V.H

Không chỉ có cây cối ảnh hưởng hành lang tuyến, tình trạng nước lũ dâng cao đột ngột, một số tuyến đường dây trung áp đi qua các địa bàn trũng thấp để cấp điện cho các huyện Phước Sơn, Nông Sơn... đến chiều ngày 5.11 tiếp tục bị ngập sâu, gây khó khăn cho việc khôi phục cấp điện. Ông Tưởng Tám - Phó Giám đốc Điện lực Hiệp Đức cho biết: “Chúng tôi cố gắng chiều 5.11 cấp điện lại cho huyện Hiệp Đức. Riêng huyện Phước Sơn, chờ nước sông Thu Bồn rút bớt, sau đó đi kiểm tra đường dây mới cấp điện lại được, vì hiện nay một số vị trí trụ bị ngập gần tới đường dây”.

Trong khi đó, tuyến đường dây trung thế cấp điện cho 3 huyện Tiên Phước, Bắc Trà My và Nam Trà My, ngoài độ dài và nhiều điểm băng qua rừng cây trồng của người dân cũng gây sự cố, trong đợt bão này còn có một vị trí trụ (tại xã Trà Bui, Bắc Trà My) bị gãy và hàng ngàn mét dây bị hư hỏng. Vượt qua những sự cố phức tạp về giao thông, Điện lực Trà My đã nhanh chóng sửa chữa, cấp điện trở lại cho huyện Nam Trà My từ chiều 5.11.

Ông Võ Anh Hùng - Phó GĐ PC Quảng Nam (giữa) kiểm tra và động viên cán bộ nhân viên các Điện lực khắc phục sự cố do bão số 12, sớm khôi phục cấp điện
Ông Võ Anh Hùng - Phó Giám đốc PC Quảng Nam (giữa) kiểm tra và động viên cán bộ nhân viên khắc phục sự cố, sớm khôi phục cấp điện. Ảnh: V.H

Theo thống kê của PC Quảng Nam, bão số 12 đã làm cho gần 80% phụ tải mất điện, gãy 1 trụ điện trung thế, làm thiệt hại 1 trạm biến áp phụ tải, đứt hỏng gần 1.000m dây hạ thế, trên 200 thiết bị đóng cắt điện. Ông Nguyễn Minh Tuấn - Giám đốc PC Quảng Nam chia sẻ, dù thời tiết diễn biến xấu, các vị trí bị sự cố lại rất khó khăn, phức tạp về giao thông, song các đơn vị trong PC Quảng Nam vẫn khẩn trương tập trung xử lý. Nhờ vậy, tính đến 10 giờ ngày 5.11, đã có trên 90% phụ tải được cấp điện trở lại. Đến chiều cùng ngày khôi phục cấp điện cho các huyện Nam Trà My, Hiệp Đức. Riêng những nơi bị ngập sâu, chờ nước rút, sẽ tranh thủ xử lý sự cố, cấp điện trở lại, đảm bảo an toàn điện trong nhân dân. (VIỆT HẢO - THÀNH CÔNG)

* Nông Sơn bị cô lập hoàn toàn

Đến 17 giờ ngày 5.11, hầu hết các thôn tại Nông Sơn bị cô lập hoàn toàn, người dân gặp khó khăn trong việc di dời người và tài sản. Hiện huyện triển khai phương châm “4 tại chỗ” để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản.

Nhiều khu dẫn cư
Nhiều khu dân cư tại Nông Sơn bị ngập sâu. Ảnh: T.L.P

Tại xã Phước Ninh, 5/5 khu dân cư bị cô lập và ngập nước hoàn toàn. Bà Trần Thị Ân - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Địa phương đã sơ tán dân lên trường học, cơ quan thôn và đồi núi cao. Mặc dù nước lên cao và nhanh, nhưng nhờ diễn ra ban ngày, cùng với sự chủ động trong công tác ứng phó của chính quyền và nhân dân địa phương nên chưa có thiệt hại về người và tài sản”.

Ghi nhận tại xã Quế Ninh, hiện mọi phương án hỗ trợ của địa phương không thể thực hiện được, xã thường xuyên cung cấp thông tin để người dân chủ động. Đồng thời kêu gọi người dân tự ứng phó với tình hình mưa bão.

Ảnh: T.T.P
Lụt ngập các tuyến đường. Ảnh: T.L.P

Dự báo, đêm 5.11 mực nước trên sông Thu Bồn tiếp tục dâng cao, có thể vượt đỉnh lũ năm 2007 là 18,64m. Ông Lê Ngọc Trung - Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) huyện cho biết, địa phương kiên quyết sơ tán, di dời dân để đảm bảo an toàn về người và tài sản. Tổ chức lực lượng ứng cứu, di dời các hộ dân, nhất là người già và trẻ em ra khỏi vùng nguy hiểm. Lực lượng công an, quân sự huyện sẵn sàng cứu nạn, cứu hộ khi có yêu cầu. (M.THÔNG - T.LÊ - T.PHƯƠNG) 

* Lũ tiếp tục lên, Đại Lộc gồng mình ứng phó

Hiện nay, mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa (dự báo trên báo động 3 là 1,2m) và sông Thu Bồn tại Giao Thủy đang tiếp tục lên. Trước diễn biến trên, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện đã yêu cầu các địa phương tiếp tục trực ban 24/24 giờ để theo dõi, nắm bắt thông tin về tình hình mưa lũ, thông tin vận hành điều tiết các hồ chứa thủy điện trên lưu vực sông và chỉ đạo đài truyền thanh cơ sở phát thanh để người dân biết và chủ động các biện pháp phòng tránh. Ban Chỉ huy quân sự huyện, Công an huyện phối hợp cùng với các cơ quan, ban, ngành và địa phương bố trí lực lượng canh gác, chốt chặn, nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường bị ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, tràn; đồng thời chuẩn bị lực lượng hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả.  

Người dân Đại Lộc tiếp tục dọn đồ đạc lên cao để tránh lũ.
Người dân Đại Lộc tiếp tục dọn đồ đạc lên cao để tránh lũ. Ảnh: CÔNG TÚ

Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cũng đã yêu cầu Phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường học tổ chức trực ban nghiêm túc, theo dõi, nắm thông tin về tình hình mưa lũ, ngập nước và thiệt hại tại các trường. Thủ trưởng các cơ quan, ban ngành ở huyện, các thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện theo sự phân công đứng cánh có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo các địa phương tổ chức tốt công tác phòng chống và khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra trên địa bàn, thường xuyên báo cáo tình hình về UBND huyện và Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện để theo dõi, chỉ đạo.

: Nước lũ vẫn đang lên, chia cắt các tuyến giao thông trên địa bàn Đại Lộc.
Nước lũ vẫn đang lên, chia cắt các tuyến giao thông trên địa bàn Đại Lộc. Ảnh: CÔNG TÚ

Được biết trước đó, vào ngày 4.11, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện Đại Lộc đã chỉ đạo các địa phương rà soát phương án sơ tán các hộ dân, nhất là các hộ dân ở vùng trũng thấp, nhà tạm bợ, nhà không kiên cố, vùng có nguy cơ sạt lở núi, vùng ven sông, vùng trũng thấp, vùng dưới chân đập đến nơi an toàn trước 17 giờ cùng ngày. Lãnh đạo huyện lưu ý phải chú trọng đến phương án sơ tán tại chỗ, nhất là nhà không kiên cố, nhà thấp lụt đến nhà kiên cố, nhà ở nơi cao lụt. Phòng LĐ-TB&XH Đại Lộc và các địa phương chuẩn bị lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm cần thiết để đáp ứng kịp thời. Riêng huyện Đại Lộc cũng đã chuẩn bị 400 thùng mỳ tôm, 5 tấn gạo, 200 thùng nước lọc để chuẩn bị ứng cứu cho các địa phương cứu đói cho nhân dân vùng lũ. (CÔNG TÚ)

* Phú Ninh: Nhiều người dân được di dời đến nơi an toàn

Khoảng 17 giờ ngày 5.11, theo thông tin từ UBND xã Tam Lãnh (Phú Ninh), từ chiều nay, địa phương này đã tăng cường lực lượng tại chỗ vận động bà con nhân dân dọn dẹp cây cối ngã đổ, tránh tình trạng gây ách tắc giao thông. Phân công lực lượng giúp đỡ nhà hộ ông Đặng Phương (thôn An Mỹ) và hộ Nguyễn Xuân Sơn (thôn An Lâu 1) có nhà bị sập do mưa lũ, di chuyển người và tài sản đến nơi an toàn.

ngạoa
Nhiều đoạn đường tại Phú Ninh vẫn còn ngập sâu. Ảnh: PHAN VINH

Tại xã Tam Lộc, trước tình trạng mưa lớn đã làm ngập 2 cây cầu Bằng Lăng và Phú Thị nằm trên 2 tuyến giao thông chính trên địa bàn, UBND xã đã phân công lực lượng túc trực 24/24 tại các cây cầu bị ngập để đảm bảo an toàn cho người dân đi lại. Trong khi đó tại Tam Đàn, toàn bộ người già và trẻ em ở thôn Vạn Long (hơn 70 người) đã được di dời đến nơi trú ẩn an toàn tại nhà văn hóa xã. Còn tại xã Tam An, chính quyền địa phương đã vận động được hơn 30 hộ dân nằm trong vùng trũng ngập tại thôn Thuận An di chuyển, ở ghép với các hộ có nhà cao tầng trong khu vực. 

Ông Nguyễn Phi Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, địa phương vẫn đang túc trực và cắt cử lực lượng theo dõi tình hình mưa lũ để triển khai những phương án tốt nhất nhằm hạn chế mất mát về người và tài sản. Đồng thời, chỉ đạo Đài Phát thanh - truyền hình huyện thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo đến người dân để chủ động phòng chống rủi ro thiên tai”. (PHAN VINH - HẢI CHÂU)

* Núi Thành: Thêm một trường hợp bị thương do mưa bão

Chiều nay 5.11, ông Trần Thanh Xuân - Chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2 cho biết, vào sáng nay, ông Ca Văn Phi (thôn Phú Khê Tây, xã Tam Xuân 2) trong khi sửa chữa nhà thì bị rơi từ mái nhà xuống bị thương. Hiện ông Phi đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xướng - Chủ tịch UBND xã Tam Anh Nam thông tin, tại các thôn Tiên Xuân 2, Xuân Ngọc 2 của xã bị hư hỏng khoảng 11 nhà dân do gió lớn, gây thiệt hại, trong đó 1 ngôi nhà hư hỏng hoàn toàn và 1 ô tô bị mái che sập đè gây hư hỏng. Hiện nay, người dân đã tự khắc phục, sửa chữa, ổn định được nơi ở an toàn.

Tại xã Tam Hiệp, hơn 15m đê tại thôn Đại Phú bị sạt lở hoàn toàn.

Các tàu thuyền neo đậu an toàn tại âu thuyền An Hòa (xã Tam Quang)
Các tàu thuyền neo đậu an toàn tại âu thuyền An Hòa (xã Tam Quang). Ảnh: ĐOÀN ĐẠO

Tại xã Tam Quang, hơn 400 tàu thuyền của ngư dân đã neo đậu an toàn, chưa xảy các sự cố nào. Theo Chủ tịch UBND xã Tam Quang Huỳnh Văn Định, ngay trong ngày 4.11, xã đã phối hợp với Hải đội 2 Bộ đội Biên phòng Quảng Nam đi kiểm tra công tác neo đậu, tránh trú bão tại các âu thuyền. Nhờ có sự chuẩn bị tốt nên các tàu thuyền đều không bị va đập, hư hỏng.

Ngư dân Trần Thạnh (thôn An Hải Tây, xã Tam Quang) nói: “Cứ 4 tiếng đồng hồ là chúng tôi lại thay phiên nhau ra tát nước, bơm rút nước trong khoang máy để chống chìm. Anh em cùng hợp sức với nhau, không được lơ là vì nếu không nước tràn khoang máy là chìm tàu ngay”. (ĐOÀN ĐẠO)

* Hội An: Xà lan hút cát mắc vào chân cầu Cẩm Kim

Một trường hợp nguy hiểm xảy ra hồi 10 giờ ngày 5.11 tại cầu Cẩm Kim (TP.Hội An). Đó là một xà lan chạy dọc bờ đông của sông Thu Bồn đã bị nước lũ chảy mạnh cuốn ra giữa dòng và mắc lại tại 2 mố trụ cầu rồi lật nghiêng; 3 người trên xà lan đã kịp trèo lên cầu thoát thân.

3 người trên xà lan trèo lên cầu thoát thân Ảnh chụp từ clip đăng trên facebook Nguyễn Đức Quang
Ba người trên xà lan trèo lên cầu thoát thân. Ảnh chụp từ clip đăng trên facebook Nguyễn Đức Quang

Hồi 14 giờ, lực lượng chức năng của xã Cẩm Kim đã tìm cách tiếp cận chiếc xà lan nhưng không được vì nước lũ đang lên cao và dòng chảy trên sông rất mạnh. Vào lúc 17 giờ, ông Nguyễn Đức Quang, người đăng tải đoạn clip về xà lan này trên facebook của mình, cho biết: “Xà lan hiện vẫn còn mắc vào chân cầu tại vị trí cũ nhưng phần đuôi đã bị chìm, chỉ còn phần mũi đang nhô lên trên mặt nước lũ. Nguy hiểm quá!”.

Liên quan đến tình hình lũ lụt tại Hội An, theo dự báo, chiều và đêm nay, mức nước trên sông Thu Bồn tại Hội An lên mức 2,9m, trên báo động 3 là 0,9m. Do mưa lớn kết hợp với việc các thủy điện trên thượng nguồn tiến hành xả lũ và triều cường, dự báo mực nước lũ tại Hội An sẽ còn lên rất cao, có khả năng đạt đỉnh lũ lịch sử năm 1999. (QUỐC HẢI)

Báo Quảng Nam online đang cập nhật...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điều hành - Liên kết
 
thu vien so
 
trung bay
qoffice
 
logobantin copy
logokn
images
bhxhso1 iesl
banner 1
banner final 17082022 1
 
tinh nguyen 1 1024x235
  • Liên kết

mtssssssss
Văn bản

19-QĐ/TĐTN-TCKT

V/v ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh đoàn Quảng Nam khoá XIX, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:2803 | lượt tải:693

Nghị quyết

Nghị quyết Đại hội

Lượt xem:2082 | lượt tải:726

41/KHLT-BHXH-TĐ

Phối hợp tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm y tế trong ĐVTN năm 2021

Lượt xem:2377 | lượt tải:645

1159-CV/TĐTN- BPT

V/v giới thiệu cá nhân tiêu biểu tham gia giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XII năm 2021

Lượt xem:3324 | lượt tải:166

251 -KH/TĐTN-BTG

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021

Lượt xem:2744 | lượt tải:760
© Copyright 2008 thuộc về BTV Tỉnh đoàn Quảng Nam
Địa chỉ: 191 Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Điện thoại / Fax: 02353859223
Tin bài cộng tác viên vui lòng gởi về Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Quảng Nam
Điện thoại: 02353.812.436 | Email: banbientaptinhdoanquangnam@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây