1. Khoảng năm 2012 xã Thăng Phước là điểm nóng về vi phạm phát luật ở Hiệp Đức. Chuyện thanh niên đánh nhau làm mất an ninh trật tự diễn ra thường xuyên. Không chỉ vậy, nhiều thanh niên xã này còn kết nhóm gây gổ với các địa phương khác khiến một thời thanh niên Thăng Phước “mang tiếng” ngỗ nghịch, quậy phá. Nhận thấy tình trạng có chiều hướng ảnh hưởng đến nhiều thanh niên, Đoàn xã Thăng Phước phối hợp với Công an xã mở các lớp tuyên truyền pháp luật cho thanh niên vi phạm pháp luật và có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Tại các buổi tuyên truyền, Đoàn xã Thăng Phước phổ biến nội dung một số luật, bộ luật, kết hợp với việc trao đổi, trò chuyện nhằm lôi kéo các đối tượng này tham gia phong trào đoàn, ngăn ngừa các hành vi phạm pháp.
Anh Trịnh Long Tường - Bí thư Đoàn xã Thăng Phước cho biết: “Khi mới bắt đầu tuyên truyền, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Những đối tượng cộm cán đều tách biệt hoàn toàn với các hoạt động của Đoàn nên khó triệu tập; thanh niên chậm tiến thì đều không tham gia”. Tuy nhiên, lực lượng Công an xã đã có sự hỗ trợ kịp thời khi mời các đối tượng này đến trụ sở để giáo dục và có các biện pháp răn đe. Cùng với đó, Đoàn xã cắt cử cán bộ gặp gỡ, trò chuyện để tâm sự và giúp các thanh niên có được nhận thức đúng đắn nhất.
Hiệu quả của cách tuyên truyền trên đã phát huy rõ nét khi từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn xã Thăng Phước không có thanh niên vi phạm pháp luật. Không những thế, nhiều đoàn viên, thanh niên từ con đường lầm lỗi đã trở thành gương sáng về làm kinh tế giỏi. “Điển hình nhất là thanh niên Thiều Quốc Toản ở thôn Phú Toản. Trước đây anh này thường xuyên tổ chức các vụ gây rối trật tự công cộng, đánh nhau trên địa bàn huyện. Nhưng qua các lớp học tập pháp luật, Toản đã chí thú làm ăn. Và giờ Toản trở thành gương sang cho nhiều thanh niên khác học tập khi có trong tay 2 chiếc xe tải nhỏ để phát triển kinh tế và tham gia tích cực phong trào đoàn” - anh Trịnh Long Tường nói.
2. Trước thực trạng nhiều thanh niên đi làm ăn xa, lực lượng đoàn viên tại chỗ ít và hiệu quả của các kỳ sinh hoạt chưa cao, Đoàn xã Quế Bình đã triển khai mô hình sinh hoạt cuốn chiếu gắn với phần việc thanh niên. “Cứ hai tháng, Ban Chấp hành Đoàn xã chỉ đạo các chi đoàn tổ chức sinh hoạt cuốn chiếu một lần tại mỗi chi đoàn, lần lượt từ chi đoàn này đến chi đoàn khác. Ngay sau các buổi sinh hoạt thì chúng tôi thực hiện các phần việc, công trình thanh niên để giúp đỡ các thôn. Chính vậy các hoạt động đoàn được sôi nổi, gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới” - Bí thư Đoàn xã Quế Bình Phạm Thanh Hằng nói.
Lên ý tưởng và bắt tay ngay vào việc, ngoài các phần việc như dọn vệ sinh môi trường các tuyến đường, tu sửa nghĩa trang liệt sĩ, tuyên truyền an toàn giao thông… lực lượng đoàn viên, thanh niên ở Quế Bình đã giúp nhân dân 4 thôn của xã làm hàng trăm mét giao thông nội đồng, nạo vét các tuyến kênh mương thủy lợi khiến nhân dân đồng tình, khen ngợi. Vừa qua, để giúp thôn 3 xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, các bạn đoàn viên đã trồng hơn 500m hàng rào chè tàu, trồng hàng chục cây cau và các loại cây xanh, hoa dọc theo các tuyến đường và khuôn viên nhà văn hóa thôn. Ông Đặng Hữu Sơn - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn 3, vui vẻ nói: “Nếu không có các bạn trẻ thì khó lòng bà con có những đoạn đường xanh đẹp và hoàn thành được một số nội dung trong thiết chế văn hóa của thôn đề ra. Chúng tôi rất vui khi thanh niên địa phương có những hành động thiết thực”.
“Chúng tôi quyết tâm làm sao để mỗi đoàn viên, thanh niên ngoài việc làm ăn ổn định thì cùng đóng góp sức trẻ vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của xã. Đặc biệt, Đoàn xã xác định thanh niên sẽ thực hiện việc hoàn thành các tiêu chí về môi trường, thiết chế văn hóa và phát triển kinh tế” - Bí thư Đoàn xã Quế Bình Phạm Thanh Hằng khẳng định.
3. Sau khi được Đoàn xã Hiệp Thuận tư vấn các mô hình kinh tế, vợ chồng thanh niên trẻ Mai Tấn Khoa (thôn 3) đã quyết tâm xây dựng mô hình nuôi bồ câu nhốt lồng để làm hướng làm ăn lâu dài của gia đình. Ban đầu, vợ chồng anh Khoa mua chim giống bố mẹ về để nuôi đẻ và để nhân số lượng. Dần dà, họ đã xây dựng được trang trại với 700 cặp bồ câu giống. “Sau khi chim nở khoảng 30 ngày, có thể tách mẹ để nuôi vỗ béo thêm 8 - 10 ngày là xuất bán. Trừ chi phí, mỗi tháng vợ chồng tôi thu được khoảng 6 - 7 triệu đồng” - anh Khoa nói.
Không riêng gì vợ chồng anh Mai Tấn Khoa, từ sự hỗ trợ, định hướng, giới thiệu các mô hình kinh tế hay của Huyện đoàn Hiệp Đức, nhiều thanh niên đã trở thành triệu phú. Kể đến như mô hình trang trại của anh Lê Xuân Thu (thôn 2, xã Hiệp Hòa), mô hình nuôi ong của anh Nguyễn Văn Kỳ (thôn 3, xã Sông Trà), Hợp tác xã Bình Tiên của anh Phạm Văn Chiến (xã Bình Sơn)… Song hành với việc định hướng các mô hình kinh tế, Huyện đoàn Hiệp Đức cũng hỗ trợ cây giống và tạo lập 18 vườn cây ăn quả cho hộ thanh niên khó khăn tại các xã Sông Trà, Quế Lưu, Hiệp Thuận, Tân An, Bình Sơn, Thăng Phước và hỗ trợ 4 con heo giống cho thanh niên khó khăn tại Hiệp Hòa, Bình Sơn, Sông Trà.
Anh Nguyễn Công Thành - Bí thư Huyện đoàn Hiệp Đức khẳng định: “Nhiều năm qua, hoạt động hỗ trợ thanh niên nông thôn xây dựng các mô hình phát triển kinh tế đã Huyện đoàn quan tâm, xem đây như giải pháp chính trong việc giảm nghèo bền vững tại huyện miền núi này. Cùng với việc tiếp tục duy trì và nhân rộng mô hình phát triển kinh tế thì chúng tôi cũng hỗ trợ xây dựng các tổ hợp tác, hợp tác xã do thanh niên làm chủ. Tính đến nay, toàn huyện có 7 mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã của thanh niên hoạt động hiệu quả và Huyện đoàn lấy làm gương để giới thiệu, nhân rộng. Ngoài ra, trong năm 2017 đã có 7 thanh niên thoát nghèo bền vững là kết quả đáng mừng trong việc giúp thanh niên ổn định được đời sống tại quê hương”.