Một câu hỏi mà tôi nghĩ nhiều bạn trẻ rất vui vẻ, thoải mái chia sẽ với những dự định lớn lao, viễn cảnh tươi đẹp, hạnh phúc trong tương lai. Có thể là một công việc ổn định, một trải nghiệm thú vị hay một cuộc sống vô ưu, vô lo…
Vào thời chống Mỹ từng có một người con gái, một anh hùng mang sứ mệnh chân chính của người lính Cụ Hồ. Cô cũng có ước mơ, hoài bão nhưng ước mơ, hoài bão của cô là dám nghĩ, dám làm, dám hy sinh! Cô chọn cho mình một công việc vinh quang nhưng vô cùng gian khổ. Để rồi, thanh xuân của cô mãi mãi ở tuổi 20, cái tuổi đẹp nhất, sung sức nhất của cuộc đời.
Tôi biết đến người con gái ấy kể từ lúc tôi đọc được cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” – đó là câu chuyện của một người con gái Hà Nội với tràn đầy nhiệt huyết và lý tưởng, sẵn sàng lao vào khói lửa chiến tranh vì không muốn sống hoài, sống phí những năm tháng thanh xuân, để rồi hy sinh anh dũng khi tuổi đời chưa đầy 28. Đó là liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thùy Trâm.
Tôi bắt gặp những thanh xuân
được gắn liền với ước mơ, hoài bão, với cống hiến, khát khao. Cũng có những thanh xuân leo lắt như ngọn nến chưa kịp sáng đã vội tắt. Cuộc sống đôi khi rất nghiệt ngã, có những rủi ro, thách thức cứ chồng chất, bủa vây. Nhưng có thể vượt qua khó khăn, vựt dậy tương lai hay không, điều đó tùy thuộc vào bạn. Nếu bạn là một người trẻ đang loay hoay hay vô định trong những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời, thì hãy cùng tôi tìm đọc cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”.
Đọc để hiểu về cuộc đời ngắn ngủi của một cô gái đã sống mãnh liệt, kiên cường như thế nào và đến lúc hy sinh đã để lại một tượng đài cho thế hệ về sau. Những năm tháng thanh xuân hào hùng ấy đã được chị ghi lại tường tận, chi tiết trong cuốn nhật ký của mình. Chị quan niệm:
“… Nhật ký này đâu phải chỉ là cuộc sống của riêng mình mà nó phải là những trang ghi lại những mảnh đời rực lửa chiến đấu và chồng chất đau thương của những con người gang thép trên mảnh đất miền Nam này”.
Qua từng trang nhật ký, hình ảnh một người con gái với lý tưởng sống đã chọn, lao vào công việc với một nghị lực phi thường được hiện lên một cách sống động và đầy gần gũi. Giữa một vùng đất hẹp ngập trời bom đạn và những tên lính xâm lược, chị vẫn kiên cường bám trụ trong nhiều năm. Ở chị luôn có một tình yêu rộng lớn với nhân dân, với đồng đội. Chị dành cho thương binh một thứ tình cảm như người thân ruột thịt, chị đã cứu sống biết bao con người, nhưng cũng chính chị phải bật khóc, tự dày vò bản thân khi có những ca thương binh nặng mà với khả năng và điều kiện của bệnh xá tiền phương không thể cứu chữa. Sống và chiến đấu tại một vùng đất ác liệt ấy, nếu không có lòng dũng cảm, tinh thần và ý chí sắt đá, con người khó có thể tồn tại được. Chị từng viết:
“Ngày mai trong tiếng ca khải hoàn sẽ không có con đâu. Con luôn tự hào vì đã dâng trọn đời mình cho Tổ quốc”.
“Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” không chỉ là tư liệu lịch sử quý giá, giá trị văn học to lớn, mà hơn hết đó là bài học về lý tưởng, lối sống của thanh niên thời chiến. Đó là lý do tôi chọn cuốn sách này để giới thiệu đến bạn đọc, để tham gia
cuộc thi “Đọc sách cùng bạn” với mong muốn cổ vũ, tiếp sức thêm tinh thần xung kích cho thanh niên thế hệ trẻ. Tuổi trẻ chúng ta hôm nay, cần nhìn lại quá khứ tự hào để hiện tại sống xứng đáng hơn. Mỗi thanh niên Việt Nam phải ra sức gìn giữ cho bằng được những thành quả cách mạng vĩ đại đó, sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh cao cả của thế hệ cha anh, xứng đáng với sự tin yêu và kỳ vọng của Đảng, Bác Hồ và của cả dân tộc Việt Nam. không ngừng phấn đấu vươn lên, xung kích, năng động, tình nguyện, đi đầu trong mọi lĩnh vực, có mặt trên mọi nẻo đường, hăng hái trong lao động sản xuất với một khát vọng cháy bỏng là xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, có vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao.
Dương Thị Cẩm Tú