Đóng cửa sổ tư vấn [X]
Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

Tổng quan về quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ

Thứ năm - 01/03/2018 20:14
Ngày 26/2/2018, Bộ Ngoại giao Việt Nam ra thông báo cho biết Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân sẽ thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Ấn Độ theo lời mời của Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind kể từ ngày 02-04/3/2018.
Nhân dịp này, BTV Tỉnh đoàn xin giới thiệu đến các bạn ĐVTN trên toàn tỉnh những kiến thức tổng quan về mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Ấn Độ trong thời gian vừa qua, bài viết được đăng trên Tạp chí Cộng sản của tác giả Nghiêm Thanh Thúy.
anh tuan


Tình hữu nghị vượt thời gian

Quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam - Ấn Độ đã có từ lâu đời, khởi nguồn từ những mối liên hệ và giao lưu lịch sử về văn hóa, tôn giáo, thương mại. Trải qua năm tháng, tuy cách xa về mặt địa lý, nhưng các mối liên hệ và giao lưu giữa nhân dân hai nước vẫn luôn được duy trì. Những đền đài Chăm lịch sử ở khu di tích Thánh địa Mỹ Sơn (tỉnh Quảng Nam) và Tông phái Phật giáo Tiểu thừa phổ biến tại miền Nam Việt Nam là những minh chứng cho sự giao thoa văn hóa, tôn giáo lâu đời giữa hai nước.

Vào giữa thế kỷ XX, mối quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ được xây dựng trên cơ sở đồng cảm, cùng cảnh ngộ bị chế độ thực dân đô hộ, áp bức, bóc lột và sự chia sẻ nhiều giá trị chung. Đó chính là nền tảng vững chắc để hai dân tộc tiếp tục ủng hộ nhau trong suốt chặng đường dài đấu tranh giành và bảo vệ độc lập dân tộc, cũng như xây dựng và phát triển đất nước sau này. Ngày 17-10-1954, chỉ một tuần sau khi Thủ đô Hà Nội được giải phóng, Thủ tướng Ấn Độ G. Nê-ru là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Việt Nam, mang lại sự cổ vũ rất lớn cho nhân dân Việt Nam. Cũng trong năm đó, Ấn Độ mở Tổng Lãnh sự quán tại Thủ đô Hà Nội và hai năm sau (năm 1956), Việt Nam lập Tổng Lãnh sự quán tại Thủ đô Niu Đê-li. Đến ngày 7-1-1972, Ấn Độ và Việt Nam nâng quan hệ lên cấp đại sứ và hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. 

Từ đó đến nay, quan hệ chính trị giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp, ngày càng được củng cố và mở rộng. Tháng 5-2003, trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, quan hệ Việt Nam - Ấn Độ đã có bước tiến mới sau khi hai bên ký “Tuyên bố chung về khuôn khổ hợp tác toàn diện giữa hai nước bước vào thế kỷ XXI”. Tiếp đó, với quyết tâm thúc đẩy và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện, nhân chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (năm 2007), hai bên chính thức xác lập quan hệ “Đối tác chiến lược” dựa trên các trụ cột hợp tác: chính trị, kinh tế - thương mại, an ninh - quốc phòng, khoa học - công nghệ, văn hóa - xã hội, các vấn đề khu vực và quốc tế. Quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước tiếp tục được cụ thể hóa trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (tháng 10-2011) bằng việc ký kết 7 thỏa thuận hợp tác song phương. 

Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 11-2013) là chuyến thăm thứ ba liên tiếp tới Ấn Độ của lãnh đạo cấp cao Việt Nam kể từ năm 2011 trong bối cảnh Ấn Độ đang đẩy mạnh “chính sách hướng Đông” và Việt Nam tăng cường hội nhập quốc tế, cho thấy quyết tâm triển khai đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ trong thời gian tới. Diễn ra chỉ một tháng sau chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ấn Độ P. Mu-khơ-gi, chuyến thăm Ấn Độ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 10-2014) tiếp tục khẳng định tầm quan trọng của Ấn Độ trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, cũng như thể hiện tiềm năng của quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Sau chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Ấn Độ N. Mô-đi (tháng 9-2016), quan hệ song phương được mở thêm trang mới với việc lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí nâng quan hệ Việt Nam - Ấn Độ lên tầm “Đối tác chiến lược toàn diện”. Chuyến thăm thể hiện chính sách nhất quán của Ấn Độ luôn coi trọng, ưu tiên cao quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, mong muốn thúc đẩy hợp tác song phương trên mọi lĩnh vực, cũng như thúc đẩy quan hệ với các nước Đông Nam Á.

Mới đây nhất, quan hệ song phương tiếp tục được củng cố và sâu sắc thêm qua chuyến thăm hữu nghị chính thức Ấn Độ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 12-2016). Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng nhằm cụ thể hóa quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam - Ấn Độ, trong bối cảnh hai nước hướng tới kỷ niệm 45 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (7-1-1972 - 7-1-2017) và kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác chiến lược (2007 - 2017); đồng thời nhằm thúc đẩy quan hệ sâu rộng hơn giữa Quốc hội Việt Nam với cơ quan lập pháp Ấn Độ, đặt cơ sở vững chắc cho quan hệ ổn định lâu dài với Ấn Độ.

Thông qua các cuộc tiếp xúc, trao đổi, lãnh đạo hai nước đã đạt được nhiều thỏa thuận quan trọng mang tính chiến lược, vừa định hướng tổng thể cho quan hệ hai nước trong thời gian dài, vừa kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, củng cố vững chắc sự hiểu biết và tin cậy lẫn nhau giữa lãnh đạo và nhân dân hai nước. Cơ chế đối thoại ở nhiều cấp trong các hoạt động ngoại giao chính trị, kinh tế và một số lĩnh vực khác được tạo dựng và phát triển. 

Chia sẻ quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế cũng như sự gắn kết về lợi ích, hai nước đã mở rộng khuôn khổ đối tác chiến lược ra cấp độ khu vực và toàn cầu. Trong những năm qua, Việt Nam và Ấn Độ luôn phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM+), Diễn đàn Hàng hải ASEAN mở rộng (EAMF), Hợp tác Mê Công - sông Hằng (MGC), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Liên hợp quốc,... Ấn Độ là một trong những quốc gia sớm công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ (MES) tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 15 (tháng 10-2009); ủng hộ Việt Nam là ứng cử viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Việt Nam ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2015 - 2017, Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc mở rộng; hoan nghênh chính sách “Hành động hướng Đông” của Ấn Độ; đánh giá cao việc Ấn Độ thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với ASEAN, cũng như lập trường của Ấn Độ trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không tại Biển Đông nói riêng và khu vực châu Á - Thái Bình Dương nói chung, trên cơ sở tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).

Đối tác thực chất, hiệu quả

Song song với quan hệ chính trị - ngoại giao, việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước trên các lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư, hợp tác phát triển, an ninh - quốc phòng, giáo dục - đào tạo, văn hóa - du lịch ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả. 

Trong lĩnh vực thương mại, Ấn Độ hiện là một trong mười đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam và Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ tư của Ấn Độ trong ASEAN. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Ấn Độ trong nhiều năm qua không ngừng tăng, đặc biệt là kể từ sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITIG) được ký kết vào năm 2009 (năm 2010 đạt 2,7 tỷ USD; năm 2011: 3,8 tỷ USD; năm 2012: 3,9 tỷ USD; năm 2013: 5,1 tỷ USD; năm 2014: 5,5 tỷ USD; năm 2015: 5,1 tỷ, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 2,4 tỷ USD và nhập khẩu từ Ấn Độ hơn 2,6 tỷ USD). Hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 15 tỷ USD vào năm 2020.

Về hợp tác đầu tư, Ấn Độ dự kiến trở thành một trong mười nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất của Việt Nam sau khi Tập đoàn TaTa của Ấn Độ triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Long Phú II tại tỉnh Sóc Trăng trị giá 1,8 tỷ USD. Hiện nay, Ấn Độ đã có 118 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 590 triệu USD, đứng thứ 28/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực khai khoáng, dầu khí, chế biến khoáng sản, công nghệ thông tin, chế biến nông sản... Hai nước đang hợp tác hiệu quả trong liên doanh khai thác một số lô dầu khí có tiềm năng tại khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, đồng thời tích cực hợp tác thăm dò thêm các lô dầu mới ở Việt Nam cũng như tại nước thứ ba.

Trong hợp tác phát triển, Việt Nam và Ấn Độ chủ trương giúp đỡ nhau trên cơ sở thế mạnh của mỗi bên. Để tìm kiếm cơ hội khai thác tiềm năng hợp tác nông nghiệp, hai nước nhất trí sớm tổ chức Hội nghị Việt Nam - Ấn Độ về nông nghiệp giữa Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS) và Hội đồng Nghiên cứu nông nghiệp Ấn Độ (ICAR). Theo đó, hai bên triển khai Trung tâm Tính toán hiệu năng cao của Ấn Độ hoạt động tại Hà Nội và Việt Nam hợp tác thành lập trang trại nuôi cá tra ở Ấn Độ. Hai nước chú trọng tăng cường kết nối thông qua một loạt biện pháp, như ký kết Hiệp định vận chuyển đường hàng không, tiến tới ký kết Hiệp định vận tải biển, và mở rộng kết nối đường bộ thông qua việc đàm phán Hiệp định vận tải tiểu khu vực giữa Ấn Độ với các nước Cam-pu-chia - Lào - Mi-an-ma - Việt Nam (CLMV). 

Về hợp tác giáo dục - đào tạo, mỗi năm Ấn Độ dành cho Việt Nam trên 150 suất học bổng (cả trong khuôn khổ hợp tác song phương và đa phương) để đào tạo đại học và sau đại học cho các sinh viên, cán bộ Việt Nam trong hầu hết các lĩnh vực, như kinh tế, thương mại, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, nông nghiệp, năng lượng hạt nhân... Ấn Độ giúp Việt Nam thiết lập Trung tâm Đào tạo công nghệ thông tin và tiếng Anh tại Học viện Quốc phòng Việt Nam, Trung tâm Đào tạo nghề tại Thành phố Hồ Chí Minh; đưa vào hoạt động Trung tâm Tính toán hiệu năng cao tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Đây là những hình thức đào tạo thiết thực và có ý nghĩa, góp phần bổ sung nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam trong thời gian tới. 

Hợp tác an ninh - quốc phòng là một trụ cột chiến lược trong quan hệ hai nước. Sau thỏa thuận quan hệ đối tác chiến lược năm 2007, ngoài cơ chế đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng quốc phòng, hợp tác quân sự giữa hai nước đã được mở rộng sang các lĩnh vực khác, như đào tạo nhân lực, sản xuất các thiết bị quốc phòng, chia sẻ thông tin tình báo và tập trận chung. Trong chuyến thăm Ấn Độ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 11-2013), Ấn Độ đã thông qua khoản vay tín dụng 100 triệu USD để chuyển giao 4 tàu tuần tra trên biển cho Việt Nam. Tháng 5-2015, hai bên đã ký Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2015 - 2020 và Bản Ghi nhớ giữa Cảnh sát biển Việt Nam và Lực lượng bảo vệ bờ biển Ấn Độ về thiết lập quan hệ phối hợp quốc phòng chống tội phạm xuyên quốc gia và phát triển hợp tác chung. Trong vấn đề an ninh hàng hải, hai bên nhất trí quan điểm ủng hộ tự do hàng hải nhằm bảo đảm an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương trên cơ sở luật pháp quốc tế. 
Hợp tác văn hóa, du lịch giữa Việt Nam và Ấn Độ được thúc đẩy mạnh mẽ với việc phối hợp tổ chức nhiều chương trình hoạt động có ý nghĩa, như trao đổi các đoàn biểu diễn nghệ thuật và lễ hội, liên hoan phim, triển lãm tranh về đất nước và con người. Sự kiện “Năm hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ 2012” đã được tổ chức thành công với nhiều hoạt động sôi nổi, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân hai nước về mối liên hệ giữa các nền văn hóa Việt Nam và Ấn Độ cũng như phạm vi hợp tác giữa hai nước trong thế giới đương đại. 

Du lịch là lĩnh vực hợp tác đầy tiềm năng và là kênh quan trọng gắn bó quan hệ thường xuyên giữa nhân dân hai nước. Trong 5 năm qua, khách Ấn Độ đi du lịch Việt Nam tăng gần 3,5 lần (344%), từ trên 16.000 lượt khách (năm 2010) lên gần 60.000 lượt khách (năm 2015).

Việt Nam và Ấn Độ còn mở rộng và hợp tác chặt chẽ với nhau trong nhiều lĩnh vực chuyên ngành thuộc các lĩnh vực ưu tiên mà hai bên có thế mạnh, như khoa học - công nghệ, nông nghiệp, y tế, thông tin - truyền thông, hợp tác địa phương,... qua đó góp phần tăng cường tình hữu nghị, sự gắn bó giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Ấn Độ.

Bên cạnh những thành quả đạt được, Việt Nam và Ấn Độ còn nhiều vấn đề, khó khăn, thử thách cần vượt qua để tiếp tục đưa mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện đi vào thực chất, hiệu quả. Ngoài những yếu tố khách quan như tác động của cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu, tình hình khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, yếu tố chủ quan như thiếu hụt thông tin chuyên sâu về thị trường, sự cách trở về địa lý và khác biệt về văn hóa, tâm lý, thói quen, cũng như sự trùng hợp về cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu giữa hai nước khiến mối quan hệ hợp tác chiến lược đã được thiết lập giữa hai bên chưa đạt những bước tiến như mong muốn.

Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, thịnh vượng chung

Việt Nam - Ấn Độ đạt được quan hệ tốt đẹp như ngày nay, ngoài nền tảng vững chắc cùng với những nỗ lực không ngừng của các thế hệ lãnh đạo, cũng như nhân dân hai nước, một trong những nguyên nhân quan trọng thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Ấn Độ liên tục phát triển chính là vị trí và tầm quan trọng của hai nước trong chiến lược phát triển của mỗi nước.

Thứ nhất, đối với Ấn Độ, Việt Nam có vị trí hết sức quan trọng cả về địa - kinh tế và địa - chính trị ở Đông Nam Á. Về kinh tế, dự báo tới năm 2025, Việt Nam sẽ là quốc gia có dân số khoảng 100 triệu người và triển vọng tăng trưởng kinh tế được duy trì ở mức khá cao. Một Việt Nam phát triển và lớn mạnh sẽ mang lại cơ hội để tăng cường quan hệ thương mại, đầu tư giữa hai nước; tạo cơ sở để xây dựng các cơ chế phù hợp, đưa Việt Nam và Ấn Độ trở thành đối tác kinh tế lớn của nhau. Về vị trí địa - chính trị và chiến lược, Việt Nam được xem là nơi giao thoa lợi ích của nhiều cường quốc trên thế giới. Do đó, việc tăng cường gắn kết nhiều mặt với Việt Nam - quốc gia ASEAN có nhiều tiềm năng, có vị trí và vai trò trong khu vực sẽ giúp thúc đẩy hợp tác giữa Ấn Độ và ASEAN, đặc biệt trong bối cảnh Ấn Độ đang đẩy mạnh triển khai chính sách “Hành động hướng Đông”.

Thứ hai, đối với Việt Nam, mối quan hệ với Ấn Độ được đặt trong tổng thể chính sách đối ngoại của Việt Nam là rộng mở, đa dạng hóa, đa phương hóa, hội nhập sâu rộng với thế giới, coi trọng quan hệ với các nước lớn, các đối tác quan trọng. Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm của Cộng đồng ASEAN được hình thành vào ngày 31-12-2015, cũng như nhiều tổ chức, diễn đàn hợp tác khác. Do đó, Việt Nam ưu tiên mở rộng hợp tác hơn nữa với Ấn Độ trên cả bình diện song phương, khu vực và toàn cầu phù hợp với lợi ích của Việt Nam, coi Ấn Độ là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu, nhất là về kinh tế - thương mại, bởi Ấn Độ không chỉ là nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á, thứ 5 tại châu Á - Thái Bình Dương, thứ 11 trên thế giới, mà còn là một cường quốc về quân sự, khi trong bối cảnh địa - chính trị châu Á hiện nay đòi hỏi sự phối hợp chiến lược lớn hơn giữa hai nước.

Thứ ba, những lợi ích ngày càng rộng lớn mà hai nước chia sẻ không chỉ có tính chất song phương, như các lợi ích về kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, văn hóa,... mà cả những lợi ích mang tính khu vực và toàn cầu, như duy trì hòa bình, an ninh, ổn định và hợp tác phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương trên cơ sở luật pháp quốc tế, đối phó với biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên, bảo đảm an ninh năng lượng.

Do đó trong thời gian tới, để đạt được mục tiêu đã đề ra, trên tinh thần “Đối tác chiến lược toàn diện” hai bên nhất trí đẩy mạnh quan hệ hợp tác với những trọng tâm như:

Một là, tiếp tục duy trì thường xuyên các chuyến thăm cấp cao, đồng thời tăng cường hơn nữa việc trao đổi và hợp tác ở cấp bộ trưởng và quan chức cấp cao giữa các cơ quan liên quan của Chính phủ hai nước, thúc đẩy giao lưu Quốc hội, chính đảng, chính quyền địa phương và nhân dân hai nước. Bên cạnh đó, các cuộc họp của Ủy ban liên chính phủ Việt Nam - Ấn Độ về hợp tác khoa học - kỹ thuật, văn hóa - giáo dục, cơ chế đối thoại chính trị cấp thứ trưởng, đối thoại an ninh - chiến lược... sẽ là các điểm ưu tiên trong quan hệ hợp tác giữa hai bên. 

Hai là, tích cực đẩy mạnh hơn nữa quan hệ kinh tế - thương mại và hợp tác phát triển, cũng như sự kết nối giữa các doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ để tìm cơ hội hợp tác cùng có lợi, cải thiện môi trường đầu tư vào thị trường của nhau; tích cực thực hiện tốt Hiệp định về vận tải đường hàng không, Hiệp định vận tải quá cảnh ASEAN - Ấn Độ, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Ấn Độ (AITGA) nhằm khai thác tối đa những lợi ích mà các hiệp định mang lại; hợp tác chặt chẽ nhằm sớm hoàn tất đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).

Ba là, tiếp tục duy trì trao đổi thường xuyên và triển khai hiệu quả các thỏa thuận đã đạt được, như Ấn Độ đào tạo cho lực lượng hải quân và cảnh sát biển Việt Nam; Ấn Độ xem xét bán thêm một số thiết bị quân sự cho Việt Nam; triển khai hiệu quả Tuyên bố tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng.

Bốn là, tăng cường hợp tác chuyên ngành, đặc biệt trong các lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh, như năng lượng, giáo dục - đào tạo, nông nghiệp, y tế, văn hóa, du lịch, khoa học - công nghệ,...

Trên phương diện khu vực và toàn cầu, hai bên tiếp tục chia sẻ thông tin và ủng hộ nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực; phát huy vai trò của Việt Nam trong quan hệ ASEAN - Ấn Độ để nâng cao vị thế và vai trò của hai bên ở khu vực cũng như trên thế giới. Ngoài ra, hướng tới việc mở rộng hợp tác sang một số lĩnh vực khác mà hai bên đang có nhu cầu, như không gian công nghệ, quản lý và sử dụng tài nguyên thiên nhiên, quản lý thảm họa - thiên tai, hải dương học, khí tượng học, công nghệ na-nô và hợp tác hạt nhân dân sự để tăng cường gắn kết về lợi ích giữa hai nước. 

Trải qua chặng đường 45 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao, việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ để đạt được mục tiêu đề ra đòi hỏi phải có sự quyết tâm chính trị của cả hai bên. Trong bối cảnh hướng tới “Thế kỷ châu Á”, trên cơ sở tình hữu nghị được thử thách qua thời gian, quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ sẽ có nhiều động lực mới để phát triển vững chắc hơn nữa trong tương lai vì mong muốn và lợi ích của hai dân tộc, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực cũng như trên thế giới./.
BBT
 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Điều hành - Liên kết
 
thu vien so
 
trung bay
qoffice
 
logobantin copy
logokn
images
bhxhso1 iesl
banner 1
banner final 17082022 1
 
tinh nguyen 1 1024x235
  • Liên kết

mtssssssss
Văn bản

19-QĐ/TĐTN-TCKT

V/v ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và Thường trực Tỉnh đoàn Quảng Nam khoá XIX, nhiệm kỳ 2022-2027

Lượt xem:2946 | lượt tải:731

Nghị quyết

Nghị quyết Đại hội

Lượt xem:2159 | lượt tải:740

41/KHLT-BHXH-TĐ

Phối hợp tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo hiểm xã hôi, bảo hiểm y tế trong ĐVTN năm 2021

Lượt xem:2449 | lượt tải:658

1159-CV/TĐTN- BPT

V/v giới thiệu cá nhân tiêu biểu tham gia giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” toàn quốc lần thứ XII năm 2021

Lượt xem:3388 | lượt tải:166

251 -KH/TĐTN-BTG

Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021

Lượt xem:2824 | lượt tải:771
© Copyright 2008 thuộc về BTV Tỉnh đoàn Quảng Nam
Địa chỉ: 191 Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Điện thoại / Fax: 02353859223
Tin bài cộng tác viên vui lòng gởi về Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Quảng Nam
Điện thoại: 02353.812.436 | Email: banbientaptinhdoanquangnam@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây