Ngay từ lúc nhỏ, Huỳnh Thúc Kháng đã ra sức học tập, rèn luyện và dày công vun đắp cho mình vốn kiến thức uyên thâm. Lên 8 tuổi đi học, sau 5 năm đã văn hay chữ tốt, 16 tuổi đi thi Hương, nổi tiếng ở Kinh đô Huế. Vào năm Thành Thái thứ 12 (1900), ông thi đỗ đạt Giải Nguyên (khoa Canh Tý), rồi đến năm 1904, khoa Giáp Thìn, đỗ đạt Tiến sĩ khi mới 29 tuổi, được xếp vào
Tứ hổ của Quảng Nam (ý chỉ 4 người đỗ thủ khoa trong 4 khoa thi Hương liền nhau: Phạm Liệu, Huỳnh Hanh tức Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Đình Hiến, Võ Hành). Kế thừa truyền thống gia đình, dòng họ và quê hương Quảng Nam “địa linh nhân kiệt”, trực tiếp chứng kiến nỗi đau “nước mất nhà tan”, Huỳnh Thúc Kháng đã sớm gắn bó cả cuộc đời với sự nghiệp cứu dân, cứu nước. Tiếp thu tư tưởng dân chủ, dân quyền tiến bộ của phương Tây, cùng với các nhà yêu nước đầu thế kỷ XX như Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp….Huỳnh Thúc Kháng đã chủ trương cứu nước theo phương châm “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, đòi chính quyền thực dân mở rộng các quyền tự do, dân chủ, khởi xướng cuộc vận động Duy Tân ở Trung Kỳ. Chính những hoạt động đó, Cụ Huỳnh đã bị chính quyền thực dân bắt giam và kết án chung thân đày ra Côn Đảo. Trước các đòn tra tấn tàn bạo của kẻ thù vẫn không khuất phục được Cụ Huỳnh mà trái lại còn tôi luyện thêm ý chí bất khuất, kiên cường, tinh thần yêu nước nồng nàn. Sau khi ra tù, Huỳnh Thúc Kháng tiếp tục các hoạt động yêu nước, chống thực dân, phong kiến, tổ chức các cuộc đấu tranh đòi mở rộng các quyền tự do, dân chủ. Khi biết được chính quyền thực dân không bao giờ muốn Viện Dân biểu thực sự là cơ quan đại diện cho tiếng nói và nguyện vọng của nhân dân, Cụ Huỳnh đã từ chức Viện trưởng Viên Dân biểu Trung Kỳ.
Vừa là chủ nhiệm, kiêm chủ bút tờ báo
Tiếng dân trong 16 năm (1927- 1943), đúng với tên gọi của tờ báo
“nói tiếng nói của dân”, tố cáo mạnh mẽ những hạn chế, xấu xa của chính quyền thực dân, qua đó khơi dậy tinh thần yêu nước, thương nòi và ý chí đấu tranh giải phóng dân tộc, thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm của Cụ Huỳnh cũng như năng lực viết báo và nghệ thuật làm báo trong điều kiện khó khăn về tài chính, tổ chức nhân sự và những trở lực từ phía chính quyền thực dân. Ngưỡng mộ trước tấm lòng vì nước, vì dân, tài năng và đức độ của Cụ Huỳnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng mời Cụ Huỳnh tham gia Chính phủ liên hiệp kháng chiến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những đóng góp của Cụ Huỳnh trong thời gian giữ cương vị Quyền Chủ tịch Chính phủ (Quyền Chủ tịch nước) thể hiện tinh thần trách nhiệm trước vận mệnh dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong lúc tôi đi vắng, nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Cụ Huỳnh Quyền Chủ tịch, sự săn sóc giúp đỡ của Quốc Hội, sự ra sức gánh vác của Chính phủ, sự đồng tâm hợp lực của quốc dân, mà giải quyết được nhiều việc khó khăn, công việc kiến thiết cũng tiến bộ”
[1].
Từ khi sinh ra đến lúc trút hơi thở cuối cùng, trong những bối cảnh và điều kiện khác nhau, Cụ Huỳnh đã thể hiện rõ tư tưởng yêu nước thương dân, hết lòng phụng sự Tổ quốc, Cụ ra đi thanh thản, để lại “lời vĩnh quyết” như một lời hiệu triệu, kêu gọi mọi người đoàn kết tin tưởng vào tương lai tươi sáng của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân cách, lối sống cao thượng của Cụ Huỳnh mãi là tấm gương sáng cho những thế hệ cách mạng về sau.
Trong thư gửi đồng bào cả nước sau ngày Cụ Huỳnh tạ thế, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Cụ Huỳnh là một người học hành rất rộng, chí khí rất bền, đạo đức rất cao. Vì lòng yêu nước mà trước đây Cụ bị bọn thực dân làm tội, đày ra Côn Đảo. Mười mấy năm trường, gian nan cực khổ. Nhưng lòng son dạ sắc, yêu nước thương nòi của Cụ Huỳnh, chẳng những không sờn lại thêm kiên quyết.
Cụ Huỳnh là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan.
Cả đời Cụ Huỳnh không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan. Cả đời Cụ Huỳnh chỉ phấn đấu cho dân được tự do, nước được độc lập”
[2].
Những đóng góp to lớn của Cụ Huỳnh đã được lịch sử ghi nhận. Ngày 15- 4- 2013, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức trọng thể Lễ truy tặng Huân chương Sao Vàng, đây là phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước, ghi nhận những đóng góp to lớn của Cụ Huỳnh Thúc Kháng đối với sự nghiệp đấu tranh, giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Cụ Huỳnh là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam nói chung, đồng bào Quảng Nam và của họ Huỳnh nói riêng. Cuộc đời và nhân cách cao đẹp, tài năng, đức độ của Cụ Huỳnh là tấm gương sáng để các thế hệ con cháu hôm nay và mai sau học tập và noi theo, nhất là trong thế hệ thanh niên của tỉnh nhà hiện nay.
Đoàn viên thanh niên Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng thăm quan Nhà lưu niệm Cụ Huỳnh
Kỷ niệm 146 năm ngày sinh Cụ Huỳnh Thúc Kháng (1/10/1876 -1/10/2022) là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, tấm gương mẫu mực, những cống hiến to lớn của Cụ Huỳnh đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Phát huy tinh thần yêu nước, thương dân sâu sắc, khát vọng độc lập dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân của Cụ Huỳnh và các bậc tiền bối cách mạng, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam ra sức phấn đấu, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII nhiệm kỳ 2020 -2025, Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Nhất là thế hệ trẻ hôm nay, càng phải phấn đấu thực hiện thật tốt việc học để làm người và học để thành người, ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trên các lĩnh vực, tiếp tục giành những thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa như mong muốn kỳ vọng của các thế hệ cách mạng tiền bối - tấm gương sáng Cụ Huỳnh Thúc Kháng mãi mãi là một nhân cách cao đẹp cho các thế hệ hôm nay và mai sau noi theo.
[1] Hồ Chí Minh (2011)
toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, tập 4, tr.467.
[2] Hồ Chí Minh (2011)
toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, tập 5. Tr.142.
ThS. Trần Ngọc Nhiều
GVC Trường Chính trị tỉnh Quảng Nam