Bản lĩnh nữ doanh nhân trẻ khởi nghiệp
- Thứ ba - 24/08/2021 08:04
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bà Huỳnh Anh Thư - Giám đốc Công ty TNHH Đại Huỳnh Quang: Dành cả thanh xuân và làm việc không ngừng nghỉ
Bà Huỳnh Anh Thư cho hay: “Từ năm 3 đại học, tôi đã có định hướng rất rõ về con đường lập nghiệp. Học kỹ sư công nghệ thông tin với chuyên môn là “dân” viết phần mềm, tôi hiểu công việc này phải ngồi liên tục trên máy tính nhiều giờ để nghiên cứu tìm tòi viết code nhằm hoàn thiện sản phẩm phần mềm.
Tuy nhiên, nhận thấy mình thuộc tuýp người năng động nên tôi biết bản thân không phù hợp với công việc ngồi một chỗ. Từ nhỏ tôi đã ảnh hưởng nhiều từ gia đình có truyền thống kinh doanh. Do đó, việc kết hợp giữa kiến thức cũng như tố chất kinh doanh đã khiến tôi tự vạch ra kế hoạch cho mình khi còn là sinh viên.
Ra trường, tôi tự trau dồi kinh nghiệm trải qua các bộ phận của nhiều công ty khác nhau để nắm rõ quy trình hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời không ngừng học hỏi để hoàn thiện việc quản lý và thành lập công ty”.
* Tại sao bà không chọn khởi nghiệp ở thành phố mà quay về thị trấn nhỏ nơi mình sinh ra?
Bà Huỳnh Anh Thư: Khi đã tự tin vào chính mình, tôi quyết định chọn một thị trấn nhỏ, là quê hương tôi sinh ra (thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình - PV) để khởi nghiệp. Bởi thời điểm lúc bấy giờ, tôi thấy nhu cầu về thiết bị điện tử, công nghệ lớn nhưng lại chưa có công ty nào uy tín để đảm bảo chất lượng cũng như giá cả. Vì vậy, tôi đã thành lập Công ty TNHH Đại Huỳnh Quang và tồn tại đến hôm nay.
Tôi luôn đề ra mục đích, mục tiêu rất rõ với câu hỏi nghề này cần gì và làm gì, rồi nỗ lực gầy dựng công ty từ “tờ giấy trắng” đi lên. Qua sự cố gắng từng năm của tôi và toàn thể đội ngũ nhân viên nên mới có thương hiệu Đại Huỳnh Quang như hôm nay.
Thành công ấy cũng không thể không nói đến sự hậu thuẫn, ủng hộ của gia đình. Tôi ý thức rằng nếu chỉ có kiến thức và nhiệt huyết thôi chưa đủ, vốn liếng trong khởi nghiệp cũng quan trọng không kém.
* Theo bà, đâu là yếu tố để phụ nữ khởi nghiệp thành công?
Bà Huỳnh Anh Thư: Tôi là người thích học hỏi, cầu tiến, cũng có thể nói là tham vọng. Theo từng năm tôi đã không ngừng sáng tạo, cung ứng thêm nhiều sản phẩm, lĩnh vực, hạng mục mới cho thị trường, tùy vào phân khúc khách hàng. Hiện công ty có 2 showroom và 2 văn phòng đại diện.
Dự định sắp tới, Đại Huỳnh Quang sẽ mở rộng các chi nhánh ra một số huyện trên địa bàn tỉnh, trở thành chuỗi cung ứng hàng hóa uy tín. Về doanh thu, nếu như những năm đầu khởi nghiệp chỉ đạt tầm 3 - 4 tỷ đồng/năm, thì sau đó mỗi năm đều tăng 10 - 20%.
Danh hiệu “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc” là cột mốc đáng nhớ để tôi nhìn lại quãng đường 9 năm qua, đồng thời là tiền đề, động lực để tôi tiếp tục cố gắng hơn nữa. Đấy là phần thưởng không dành riêng mình tôi mà cho cả đội ngũ nhân viên công ty.
Với tôi, trong khởi nghiệp, sự hy sinh và nỗ lực của nữ giới phải gấp đôi thậm chí gấp 3 nam giới. Riêng tôi luôn khâm phục những người phụ nữ khởi nghiệp và muốn học hỏi từ họ.
Qua đây tôi muốn nhắn nhủ với các bạn nữ muốn khởi nghiệp nói riêng và các bạn trẻ muốn khởi nghiệp nói chung: “Muốn làm giàu trước tiên phải tin vào bản thân. Tin ở đây phải dựa trên cơ sở với một kế hoạch kinh doanh rõ ràng, không nên làm theo bản năng và cảm xúc”.
Bà Nguyễn Thị Tố Nga - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất TMDV Sosafco: Sự tỉ mẫn, tinh tế của người phụ nữ là lợi thế, điểm vàng cho khởi nghiệp
Chia sẻ về danh hiệu “Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc’’, bà Nguyễn Thị Tố Nga nói rằng đó là cột mốc đáng quý và tự hào với bản thân. Đồng thời là động lực cho cá nhân cũng như tập thể “gia đình” Sống Sạch Food tiếp tục nỗ lực trong tương lai. Thành quả ấy có sự đồng hành của gia đình và các thành viên công ty - những người đã đồng cam cộng khổ trong suốt quá trình bắt tay khởi nghiệp.
* Cơ duyên nào để bà khởi nghiệp với thương hiệu Sống Sạch Food?
Bà Nguyễn Thị Tố Nga: Tôi sinh ra và lớn lên trên mảnh đất xứ Tiên (huyện Tiên Phước) - một địa phương trung du nghèo. Như cái duyên, năm 2017, hành trình khởi nghiệp của tôi bắt đầu từ việc mua đi bán lại nông sản của bà con địa phương, gom các đặc sản của miền núi, bán cho khách quen.
Giữa năm đó, trong lần mang dầu phụng và dầu mè quê hương biếu cho khách quen ở TP.Hồ Chí Minh, được họ khen và mong muốn tìm hiểu về các sản phẩm ấy. Lúc đó, tôi đã thấy con đường khởi nghiệp cho riêng mình. Đó là sản xuất và chế biến nông sản địa phương thành sản phẩm tiêu dùng nội địa phân phối rộng rãi đến tay từng người tiêu dùng trong cả nước. Đó là khoảng thời gian mà một cô gái tuổi đôi mươi với nhiều lựa chọn về nghề nghiệp tương lai đã quyết định bỏ phố về quê khởi nghiệp.
Để có được sản phẩm ưng ý nhất, tôi phải mất gần 2 năm vừa làm vừa thử nghiệm. Từ thu mua nguyên liệu đến nghiên cứu cách thức chế biến, cái gì cũng tự mày mò để cải tiến dần. Từ quy mô hộ kinh doanh, đến tháng 4.2020, tôi mạnh dạn chuyển đổi thành công ty TNHH. Hành trình ấy đầy thử thách, trải nghiệm và gặt hái được thành công nhất định.
* Phụ nữ khởi nghiệp, với bà đâu là điểm mạnh?
Bà Nguyễn Thị Tố Nga: Con đường khởi nghiệp vốn dĩ đầy gian nan, thử thách, với phụ nữ khởi nghiệp thì hành trình ấy lại khó khăn gấp bội. Tuy nhiên tôi lại thiên về lợi thế nhiều hơn là thử thách, nếu bạn biết yêu quý và tôn trọng bản thân, học cách cân bằng được giữa gia đình và công việc. Đặc biệt, khi bạn là người có năng lực chuyên môn vừa có năng lực quản lý cùng ý chí quyết tâm thì không gì làm khó được.
Tôi luôn không ngừng học hỏi, xem những khó khăn là thử thách mà mỗi ngày cần vượt qua, luôn đầu tư cho bản thân về tinh thần, sức khỏe và kiến thức. Tôi rất thích câu ‘‘Hãy học cách yêu thương bản thân thật tốt trước khi yêu thương mọi người’’ và hãy tận dụng được sự tỉ mẫn, tinh tế của người phụ nữ để làm lợi thế, đây là điểm vàng. Nếu bạn có tầm nhìn, đam mê, ý chí và tư duy kinh doanh thì nên mạnh dạn dấn thân khởi nghiệp.
Từ những sản phẩm là ý tưởng trên giấy được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận “Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo” rồi sau đó là cả quá trình sản xuất, nghiên cứu thị trường, bán hàng…, đăng ký tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay doanh nghiệp vinh dự có 4 sản phẩm được gắn sao từ chương trình.
* Dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp lao đao, vậy bà làm gì để ứng phó, ổn định sản xuất?
Bà Nguyễn Thị Tố Nga: Bản thân tôi tự hào khi được quay về quê hương, được cống hiến và góp phần phát triển nền kinh tế tại địa phương, giải quyết lao động tại chỗ và giải quyết được hàng trăm tấn nông sản không có nơi tiêu thụ. Tôi tâm niệm luôn sống đúng pháp luật và điều hành doanh nghiệp kinh doanh đúng với luật pháp quy định.
Cột mốc đáng nhớ là vào năm 2020, khi biết bao nhiêu doanh nghiệp lao đao do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 thì doanh nghiệp của tôi lại có bước nhảy vọt. Nhờ mạnh dạn phát triển sản phẩm mới, chuyển đổi hình thức kinh doanh, tập trung cho việc vận dụng thương mại điện tử kết hợp thương mại truyền thống, tôi đã đưa doanh nghiệp đứng vững và phát triển mạnh hơn.
Trước tình hình kinh tế phải tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, thời gian cuối năm này chúng tôi chú trọng mục tiêu duy trì doanh số hiện tại, sửa chữa quy trình nội bộ và tập trung đào tạo năng lực cho nhân viên.
Trao đổi với ban quản trị từng lộ trình phải cùng nhau vượt qua như thế nào và theo xu hướng san sẻ dần lợi ích giữa công ty và nhân viên. Đây cũng là lúc sử dụng quỹ dự phòng và phúc lợi để trả ơn cho tất cả nhân viên của chúng tôi.
TÂM ĐAN (thực hiện )