Bền chí khởi nghiệp
- Thứ hai - 19/06/2023 16:27
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tôi gặp Lê Văn Phải hồi 2016 khi khởi nghiệp chưa trở thành phong trào mạnh mẽ như bây giờ. Anh điềm đạm và chững chạc hơn so với độ tuổi của mình.
Nhìn ngọn đồi cằn cỗi xa ngái mà Lê Văn Phải bảo đó là vốn liếng khởi nghiệp, tôi từng nghi ngờ sự nỗ lực khó có kết quả như mong mỏi của Phải.
Học từ thất bại
“Hồi đó khi dịch tả lợn châu Phi hoành hoành, mình là đảng viên, phải gương mẫu nên trong chuồng đàn heo con mắc bệnh là khai báo ngay và tiêu hủy hết. Nhìn đàn heo đen gầy dựng trong 2 năm trời bị mang đi chôn lấp thì xót xa lắm!... Nên nay có vấp váp gì trên con đường khởi nghiệp mình cũng không than vãn mà tìm cách vượt qua hết dù biết con đường đó dài và lắm chông gai” - Lê Văn Phải kể lại câu chuyện hành trình khởi nghiệp của mình.
Năm 2016, cùng với một số thanh niên thức thời, Lê Văn Phải bước vào hành trình khởi nghiệp bằng dự án nuôi heo đen, kết hợp mô hình nông trại tổng hợp với ao cá, trồng cây ăn quả, nuôi gà rừng… Khi đó, quay về với nông nghiệp chưa phải là hướng đi được nhiều thanh niên lựa chọn. Đồng thời, đất Tam Thạnh khá bạc màu cùng số vốn ít ỏi chính là thử thách khá gian nan mà Phải đối mặt.
“Gầy dựng từ số vốn hơn 300 triệu nên khi có được đàn heo phát triển với hơn chục con heo nái, đàn luôn duy trì khoảng 150 con thì cứ ngỡ thành công mỉm cười rồi. Giai đoạn 2017 - 2019 lợi nhuận từ heo đen thương phẩm rất cao khi cung không đủ cầu” - Phải kể.
Tuy nhiên, dịch tả lợn châu Phi ập xuống khiến Lê Văn Phải trở tay không kịp, mất trắng đàn heo đen và gần cả tỷ đồng đã đầu tư. Số tiền ít ỏi từ hỗ trợ của chính quyền không đủ vực lại dự án, Phải tạm ngưng.
“Từ lý thuyết đến thực hành là một câu chuyện dài, dù đã tìm hiểu kỹ về giống và học qua các lớp chăn nuôi nhưng rồi đi vào thực tế lại có những yếu tố bất ngờ không dự lường hết được. Thứ hai là vấn đề tài chính, vốn ít, quỹ dự phòng không có nên hoàn toàn bị động khi bất trắc. Mình dừng lại hơn 2 năm để tự đúc rút bài học, lên kế hoạch kỹ lưỡng cho dự án và ngoài ra để tiêu trừ mầm bệnh trong chuồng trại” - Phải chia sẻ.
Chặng đường mới
Năm 2021, Lê Văn Phải trở lại con đường mình đã chọn. Anh cùng các cộng sự thành lập HTX Đức Phú farm, phục hồi đàn heo đen theo mô hình nuôi thả bán tự nhiên. Đồng thời, vắc xin phòng bệnh luôn ưu tiên nên đàn heo sinh trưởng mạnh khỏe, giúp HTX có heo xuất bán đều đặn, có được nguồn tiền để tái đầu tư.
Cùng năm, những con dê đầu tiên đã được Lê Văn Phải mang về từ Đắk Lắk. Vốn dĩ Phải chọn giống dê từ cao nguyên là vì khí hậu ở đó tương đồng với miền tây huyện Núi Thành, nguồn thức ăn cũng dễ tìm kiếm. Tuy nhiên, vẫn có những thay đổi về điều kiện sinh trưởng nên đàn dê đầu tiên có hao hụt số lượng.
“Kinh nghiệm chăn nuôi giúp chúng tôi tìm được phương pháp khắc phục bằng kháng sinh và chế độ dinh dưỡng cho dê. Đáng mừng là đến nay đàn dê 25 con luôn sinh trưởng ổn định, mỗi con dê mẹ giúp chúng tôi phát triển thêm đàn khi hằng năm sinh sản từ 4 - 6 dê con", Lê Văn Phải nói.
Để tận dụng triệt để điều kiện sẵn có, Lê Văn Phải lấy đất đai để làm tiểu dự án nuôi trồng tuần hoàn. Với 8.000m2 đất, Phải trồng các loại rau củ để bán buôn và dùng các loại củ quả không đạt chất lượng làm thức ăn cho heo đen và dê, dùng phân dê, phân heo để làm nguồn phân bón hữu cơ cho cây trồng...
Đồng thời trồng thử nghiệm cây tràm lấy tinh dầu và sả để cung cấp cho các đối tác với diện tích trên 1.000m2. Riêng với cây tràm lấy tinh dầu, đầu năm 2023, HTX Đức Phú farm đã trồng thử nghiệm 500 cây với quy mô 250m2 và khi thu hoạch được vụ đầu tiên thì Cơ sở Tinh dầu tràm Út Anh (Núi Thành) đã bao tiêu. Đồng thời, một đối tác từ TP.Hồ Chí Minh đã khảo sát ban đầu về vùng trồng nguyên liệu của HTX để tiến tới ký kết bao tiêu số lượng lớn.
“HTX Đức Phú farm hướng đến phát triển quy mô trở thành đơn vị cung cấp con giống. Vì vậy, sẽ chú trọng vào bán con giống heo đen, dê chất lượng cao cho các hộ chăn nuôi ở khu vực, các dự án kinh tế… thay cho cung cấp thịt thương phẩm như hiện tại. Đồng thời, vùng nguyên liệu về dược liệu sẽ là hướng đi bền vững, lâu dài để đạt được mục tiêu khởi nghiệp theo hướng nông nghiệp xanh và tạo nhiều việc làm cho nông dân địa phương” - Lê Văn Phải chia sẻ.