Cô gái Cơ Tu khát khao đem con chữ về vùng cao
- Thứ tư - 03/01/2024 08:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Khi được góp mặt vào đoàn đại biểu tỉnh nhà tham gia đại hội, A Vô Thị Loan không giấu khỏi niềm tự hào: “Đây là lần đầu tiên em đến Thủ đô Hà Nội, ra thăm lăng Bác và tham dự một đại hội gom tụ sự tâm huyết, khát vọng của sinh viên mọi miền Tổ quốc. Qua đại hội, em có cơ hội giao lưu với sinh viên tỉnh thành khác, học hỏi nhiều kinh nghiệm quý báu và sẵn sàng góp công sức phát triển Hội Sinh viên Việt Nam trong thời gian tới”.
Loan sinh ra tại một bản làng nghèo trên rẻo cao xã Mà Cooih. Cuộc sống nơi đây còn nhiều khó khăn, phần lớn con em đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu đều dang dở việc học giữa chừng. Bố mẹ Loan thì quần quật làm nông, bứt mây trong rừng để nuôi nấng 4 chị em đang tuổi ăn học.
Song cái nghèo không thể dập tắt đam mê thành cô giáo vùng cao của cô gái Cơ Tu ấy. Và rồi em mang quyết tâm thực hiện mơ ước, bước đầu thi đỗ đại học ngành sư phạm.
Không chỉ cố gắng học tập, liên tiếp đạt danh hiệu sinh viên giỏi, Loan còn hăng hái tham gia nhiều chương trình ngoại khóa, các câu lạc bộ tại trường. Đồng thời, em cũng tích cực trong các hoạt động ở địa phương như vận động bà con đăng ký VNeID, dọn vệ sinh khối phố...
Đặc biệt với giọng điệu thuyết trình hùng hồn, phong thái tự tin và cách truyền đạt cuốn hút, từ những năm hoc THCS, em đã góp mặt trong nhiều cuộc thi thuyết trình. Gần đây nhất, Loan xuất sắc giành giải nhì Cuộc thi sinh viên Talk do Trường Đại học Quảng Nam tổ chức.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Liên (Trưởng khoa Tiểu học - mầm non, Trường Đại học Quảng Nam), người dìu dắt Loan trong quá trình học tập, trầm trồ: “Loan là cô sinh viên ngoan hiền và có tính cầu thị. Em ấy tham gia năng nổ các hoạt động của khoa, trường và của Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên. Đặc biệt, khát vọng học tập mang con chữ về vùng cao của cô gái này rất đáng ngưỡng phục”.
Để giảm bớt gánh nặng lo chi phí học tập cho bố mẹ, cũng như rèn luyện kỹ năng đứng trên bục giảng, vào mỗi kỳ nghỉ hè, Loan đều ra TP.Đà Nẵng dạy học tại các trung tâm gia sư. Chặng đường đèo núi gần cả 100km từ Đông Giang xuôi xuống thành phố chẳng làm nản chí cô gái nhỏ.
“Nhiều lúc em tưởng như mình ngã gục trên hành trình chinh phục tri thức bởi chuyện cơm - áo - gạo - tiền. Nhưng được sự ủng hộ của gia đình, bản thân càng quyết tâm theo đuổi con đường học tập. Đặc biệt sau nhiều năm tháng trau dồi học tập, đọc nhiều sách báo, em nhận ra chỉ có tri thức mới giúp những người vùng cao chúng em chiến thắng được đói nghèo và lạc hậu” - Loan chia sẻ.