Nghị lực của Cường
- Thứ tư - 04/04/2018 10:49
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Mô hình nuôi trùn quế của anh Cường hỗ trợ rất nhiều cho việc chăn nuôi gà và trồng rau. Ảnh: PHAN VINH |
Khó không nản
Năm 2007, tốt nghiệp chuyên ngành điện tử Trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam, anh Cường về quê vay mượn tiền mở tiệm sửa thiết bị điện tử. Tuy nhiên, xã Quế Bình quê anh ở quá gần thị trấn Tân An, nơi có rất nhiều tiệm điện tử lâu năm và uy tín. Vì vậy, tiệm của anh Cường trở nên ế ẩm.
Cầm cự mãi đến năm 2008, anh quyết định sang tiệm và dồn hết vốn liếng vào đầu tư mô hình nuôi trùn quế. May mắn tiếp tục không đến với anh, xuống TP.Tam Kỳ bỏ ra 10 triệu đồng mua trùn nhưng bị người bán lừa khi tỷ lệ trùn rất ít mà toàn là phân. Số tiền bỏ ra coi như mất trắng.
“Lúc đó buồn dữ lắm! Mười triệu đồng là số tiền quá lớn đối với mình vào thời điểm đó. Mình mất khoảng thời gian ngắn ngẫm nghĩ rồi lấy lại tinh thần tiếp tục đứng lên. Coi như những gì mất đi là bài học cho dân tay ngang làm kinh tế” - anh Cường kể.
Sau nhiều năm chờ đợi, vườn cao su của anh Cường đã đến lúc thu hoạch mủ. Ảnh: PHAN VINH |
Làm dịch vụ không được, chăn nuôi cũng không thành nên anh Cường quyết định chuyển sang trồng trọt. Trên diện tích 3ha đất rừng do gia đình khai hoang từ trước, anh bắt đầu trồng cây cao su. Tuy nhiên, anh gặp phải khó khăn lớn là gia đình bây giờ không can thiệp vào chuyện làm ăn của anh nữa. Mặt khác, diện tích đất rừng vẫn còn rất hoang sơ, muốn trồng cao su phải dọn dẹp, cải tạo đất, bón phân, không có tiền mua giống...
Anh Cường trải lòng: “Nếu như người ta, họ sẽ thuê người làm rẫy; nhưng mình đến tiền mua giống còn không có lấy đâu ra thuê công. Bởi vậy, chỉ còn một cách duy nhất để mình thực hiện ý định là lấy ngắn nuôi dài. Ban ngày mình đi làm thuê lấy tiền mua giống; tối lại lên rừng làm rẫy và cải tạo đất. Họ trồng mất vài tuần thì mình làm mất vài tháng mới xong 3ha cao su như bây giờ”.
Đa dạng lĩnh vực
Trong thời gian chờ rừng cao su lớn, để trang trải cuộc sống, anh Cường còn làm thêm rất nhiều việc khác nhau. Anh phối hợp với Đoàn xã Quế Bình mở lớp dạy vỏ, thời gian còn lại đi làm keo, cắt cỏ thuê. Đến nỗi, công việc này khiến anh 2 lần bị đứt gân chân và phải nằm một chỗ nửa năm trời nhưng anh vẫn không từ bỏ vì phải kiếm tiền chăm sóc cho rừng cao su. Ngoài ra, để tiết kiệm tiền phân bón, anh mượn 6 con bò của ba mẹ thả trong rừng cao su. Những ngày mưa gió, không chịu được cảnh rảnh rỗi, anh Cường còn lên rừng hái rau mang ra tận TP.Đà Nẵng bán.
Hồi đầu năm 2017, có trong tay một số vốn dành dụm, anh Cường quay lại với mô hình nuôi trùn quế. Và tất nhiên, anh tính toán và tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi có quyết định này. Anh nhập trùn quế ở Bình Định về nuôi, song song, anh còn lấy phân trùn bón cho hơn 1 sào rau sạch và xây dựng trại nuôi gà ăn trùn. Tháng 7.2017, rừng cao su sau bao năm chờ đợi đã đến lúc thu hoạch mủ. Câu chuyện gian khó của anh Cường mới thực sự phai nhạt dần.
Anh Nguyễn Công Thành - Bí thư Huyện đoàn Hiệp Đức nhận xét: “Anh Phạm Văn Cường được Huyện đoàn khen tặng là thanh niên tiêu biểu làm kinh tế giỏi bởi bản tính siêng năng, chịu khó và đam mê. Chúng tôi đã nhiều lần tuyên dương anh trong các dịp nói chuyện, làm việc với đoàn viên thanh niên cơ sở nhằm khơi dậy tinh thần chịu khó, cần cù trong tuổi trẻ để chung tay xây dựng quê hương”. |
Hiện tại mỗi tháng, sau khi trừ tất cả chi phí, anh Cường thu lãi ròng ổn định từ nhiều lĩnh vực kinh doanh, sản xuất được gần 20 triệu đồng. Thời gian tới, anh sẽ mở rộng thêm trang trại nuôi gà, đáp ứng nhu cầu của địa phương. Đồng thời tiếp tục nghiên cứu thêm nhiều lĩnh vực kinh doanh sản xuất khác, để khi đa dạng các mô hình nếu có rủi ro sẽ không rơi vào thế bị động.
“Mình muốn phát triển kinh tế như nhiều người khác, nhưng đi lên từ con số âm thì chắc chắn phải cố gắng và chịu khó gấp 100 lần người ta. Cái quan trọng nhất của người trẻ không có điều kiện là phải chịu khó và biết giữ ước mơ. Mỗi khi có thanh niên đến học hỏi mô hình thì mình luôn nói những câu như vậy, bởi ý chí có thể quyết định nhiều thứ” - anh Cường đúc kết.
PHAN VINH