Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

https://tinhdoanqnam.vn


Người trẻ kể chuyện núi rừng

Người trẻ kể chuyện núi rừng
Bằng những thước phim tự quay về sinh hoạt, công việc thường ngày, phong tục tập quán, nhiều bạn trẻ gửi đến cộng đồng giá trị tinh thần thông qua mạng xã hội. Với họ, đây là cách để trân trọng và gìn giữ bản sắc của đồng bào mình.

Đưa nét đẹp văn hóa lên mạng xã hội

Từng theo học tại Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, nhưng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên Alăng Brắc (26 tuổi, ở xã Kà Dăng, H.Đông Giang, Quảng Nam) phải nghỉ học dù chỉ còn vài tháng nữa là tốt nghiệp. Nhận thấy vai trò của YouTuber trên mạng xã hội, Brắc nảy ý định làm thử. “Khởi nghiệp” bằng nghề chạy xe ôm công nghệ tại TP.Đà Nẵng, sau khi tích góp đủ tiền để sắm một chiếc điện thoại di động cơ bản đáp ứng việc quay phim, Brắc rời phố về quê.

Những thước phim đầu tiên về đời sống vùng cao ra đời ngay sau đó. Với khả năng tự học rất tốt, mọi công đoạn từ quay, dựng, lồng tiếng, ghép kỹ xảo đều được Brắc làm một cách thuần thục qua chiếc điện thoại.

Người trẻ kể chuyện núi rừng - ảnh 1
Người trẻ kể chuyện núi rừng - ảnh 2

Alăng Thị Công giới thiệu về trang phục truyền thống của đồng bào Cơ Tu

“Rời giảng đường đại học, mình nghĩ về quê sẽ sống một cuộc sống bình lặng sáng lên rẫy, tối về nhà. Nhưng rồi với mong muốn đưa câu chuyện và hình ảnh về phong tục của đồng bào mình đi xa, mình mày mò học cách làm video. Điều đáng mừng là những video ghi lại các sinh hoạt, phong tục của đồng bào mình khi đăng tải lên mạng xã hội đều nhận được phản hồi tích cực và nhiều người theo dõi”, Brắc trải lòng.

Đời sống vùng cao Quảng Nam hiện lên chân thực, giản dị nhưng cũng đầy sức hút qua những video đăng tải trên Facebook, TikTok của Alăng Brắc. Đó là những cảnh quay vớt cá suối mỗi khi có lũ, lặn bắt tôm dưới khe đá, lên nương đào củ gừng, củ nghệ; là những sớm mai với bữa cơm gia đình; là hành trình của một người đàn ông chở vợ lên chợ huyện để bán nông sản…

Chất giọng trầm ấm, đôi khi pha chút hài hước khi dẫn chuyện trên video của Brắc đã tạo được hiệu ứng khá tốt với người xem. “Những lời khen của mọi người chính là động lực để mình tiếp tục cho ra đời nhiều video hơn nữa”, chàng trai trẻ tâm sự.

Alăng Thị Công (30 tuổi, ở thôn ALiêng Ravăh, xã A Ting, H.Đông Giang, Quảng Nam) cũng có hành trình tương tự Alăng Brắc. Tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm Đà Nẵng nhưng không tìm được việc làm phù hợp chuyên ngành, Công lăn lộn đủ nghề ở TP.Đà Nẵng, đến khi dịch Covid-19 bùng phát chị trở về quê. Đây cũng là thời điểm Công bắt tay vào thực hiện dự án quảng bá về văn hóa, ngôn ngữ, đời sống thường nhật, nông sản sạch trên YouTube qua những video mình tự quay, với tên gọi “Công 92”.

“Video mình hướng đến mục tiêu ghi lại cuộc sống thường nhật của người dân như đi phát rẫy, trồng keo. Ngoài ra, mình chọn thêm chủ đề về văn hóa như trang phục truyền thống, điêu khắc, học tiếng Cơ Tu hay các nội dung mang tính chuyên sâu hơn về dân tộc mình để giới thiệu tới mọi người”, Công nói.

Để có những video chuyên sâu về văn hóa, đời sống của đồng bào Cơ Tu, Alăng Thị Công nhờ bố chồng tư vấn thêm, cùng với những gì mà chị tiếp xúc, gắn bó từ nhỏ. Có điều gì chưa biết, Công tìm xem tài liệu, học hỏi thêm từ những già làng...

Người trẻ kể chuyện núi rừng - ảnh 3

Câu chuyện vùng cao được Alăng Brắc kể lại một cách chân thực

Nuôi ước mơ lớn

Nhờ tính chân thực, cùng những nội dung độc đáo về phong tục, truyền thống văn hóa của cộng đồng Cơ Tu, các video của 2 bạn trẻ bắt đầu tạo được sức hút nhất định. Nhiều video trên các kênh Facebook, YouTube của họ có hàng ngàn lượt theo dõi, phản hồi.

Không đơn thuần chỉ để giải trí, cả hai nuôi ước mơ lớn, nghĩ đến cái đích xa hơn. “Chia sẻ về cái hay, cái đẹp của đời sống vùng cao là đam mê, nhưng mục tiêu lớn hơn là phải tạo được giá trị từ những video mà mình sáng tạo. Mình phải làm giàu, khi đó mọi người mới tin những gì mình nói, mình theo đuổi”, Alăng Brắc tâm sự.

Hiện thu nhập chính của chàng trai Cơ Tu là bán nông sản địa phương như mật ong, nghệ, gừng, ớt xiêm. Nhờ mạng xã hội, anh tiếp cận được nhiều người hơn, giới thiệu sản phẩm hiệu quả hơn, khách hàng cũng đông hơn. Brắc có dự định lập một hợp tác xã nông nghiệp chế biến để nâng giá trị nông sản địa phương, kêu gọi bà con tham gia cùng phát triển giá trị sản vật quê hương.

Chị Alăng Thị Công thì có chút lo lắng vì video tự quay rồi đăng tải trên mạng xã hội không dễ thu hút nhiều người xem, và càng không dễ “đi đường dài” nếu câu chuyện về văn hóa, phong tục không được đầu tư, thiếu tính sáng tạo. Nhưng chị vẫn miệt mài theo đuổi đam mê. “Làm YouTuber như một đam mê, mình có thể làm ngày làm đêm, tự do về thời gian và lựa chọn. Nó cũng là một thứ tài sản mang lại nguồn thu nhập lớn dần theo năm tháng”, cô nói.

Hiện tại, Alăng Thị Công đã lên kế hoạch khoảng 26 chủ đề để làm video và đều đặn xuất bản một video vào thứ bảy hằng tuần. Chị cũng làm sản phẩm chuyên sâu về dạy tiếng Cơ Tu qua video hoạt hình và kể chuyện cổ Cơ Tu để văn hóa bản địa được đi xa hơn, nhiều người biết đến hơn...

Mạnh Cường

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây