Người trẻ truyền cảm hứng chuyển đổi số
- Thứ tư - 28/09/2022 14:46
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Tuổi trẻ Điện Bàn vào cuộc
Là phường trung tâm của thị xã Điện Bàn, phường Vĩnh Điện đang triển khai mạnh mẽ công tác chuyển đổi số (CĐS). Đồng hành với địa phương, từ tháng 8.2022 Đoàn phường đã thực hiện mô hình “Công dân không viết”.
Đồng chí Trần Đăng Tuân - Phó Bí thư Đoàn phường Vĩnh Điện cho biết, vào thứ Tư và Năm hằng tuần, đoàn phường cắt cử lực lượng trực ở bộ phận một cửa của phường để hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện dịch vụ công (DVC) trực tuyến thay vì nộp hồ sơ giấy.
“Khi người dân đến bộ phận một cửa làm thủ tục hành chính, các bạn tham gia mô hình “Công dân không viết” sẽ tuyên truyền, hướng dẫn đăng ký tài khoản, đăng nhập cổng DVC, sau đó thực hiện các bước nộp hồ sơ trực tuyến” - đồng chí Tuân chia sẻ.
Dự kiến Đoàn phường Vĩnh Điện sẽ phối hợp thực hiện mô hình “Tuyến phố không dùng tiền mặt” nhằm tuyên truyền, đẩy mạnh thanh toán số, thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn phường.
Theo đồng chí Tuân, thanh niên phải là người đi đầu CĐS; bản thân thanh niên được tiếp cận, nắm bắt công nghệ thì trước hết cần giới thiệu, hướng dẫn cho mọi người trong gia đình, sau đó lan tỏa đến cộng đồng.
Đồng chí Đinh Quang Vĩnh - Bí thư Thị đoàn Điện Bàn cho biết, CĐS là nội dung được quan tâm hàng đầu trong công tác đoàn. Trong chương trình, nghị quyết năm, Thị đoàn Điện Bàn đều đưa nội dung CĐS để lãnh đạo, chỉ đạo; công tác tập huấn CĐS cho cán bộ đoàn chủ chốt cấp xã cũng triển khai đồng thời. Hiện nay, toàn thị xã có 44 tổ công nghệ cộng đồng, trong đó thanh niên là lực lượng nòng cốt trong tuyên truyền, hướng dẫn người dân CĐS.
Ngoài mô hình “Công dân không viết”, Tổ xung kích hỗ trợ DVC mức 3, 4…, Thị đoàn Điện Bàn phối hợp với đoàn cơ sở triển khai các bảng có gắn mã QRCode tại một số di tích để du khách dễ dàng truy cập, tìm hiểu thông tin liên quan; ứng dụng mạng xã hội để tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng cho đoàn như chương trình “Việt Nam Digital 4.0”, diễn đàn “Khởi nghiệp sáng tạo xây dựng quê hương”, hội thảo “Khởi nghiệp du lịch sáng tạo trên nền tảng giá trị bản địa”…
Đồng chí Nguyễn Phát - Bí thư Chi đoàn Sở KH-ĐT nhìn nhận, đoàn viên, thanh niên có lợi thế dễ thích nghi với môi trường số, là lực lượng quan trọng có tính quyết định sự thành công của công cuộc CĐS.
Với tỉnh Quảng Nam, nếu mỗi người trong số hơn 71 nghìn đoàn viên, thanh niên trở thành một hạt nhân để lan tỏa CĐS đến từng gia đình, từng cơ quan, đơn vị, tổ chức thì việc phổ cập kỹ năng số cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ trở thành nhiệm vụ khả thi hơn rất nhiều.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Đặng Thị Bảo Trinh chia sẻ, CĐS được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của tỉnh nhiệm kỳ 2022 - 2027. Để công cuộc CĐS thật sự hiệu quả và nhanh chóng đi vào cuộc sống, các cấp bộ đoàn cần chú trọng tham mưu, chỉ đạo đẩy mạnh CĐS trong công tác đoàn, tăng cường số hóa thông tin các hoạt động đoàn.
Mỗi tổ chức đoàn và đoàn viên, thanh niên, đặc biệt là trí thức trẻ đang công tác trong các cơ quan nhà nước, cần tranh thủ điều kiện thuận lợi của bản thân, tích cực nâng cao nhận thức, phát huy vai trò trong tham gia cải cách hành chính, tìm giải pháp đẩy mạnh phong trào sáng tạo trẻ và làm chủ khoa học công nghệ, tình nguyện, cống hiến vì sự phát triển chung của tỉnh.