Thanh niên khởi nghiệp với nước mắm cá cơm
- Thứ năm - 29/09/2022 15:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nối tiếp ước mơ làm mắm của cha
Anh Đức sinh ra trong một gia đình đông anh em ở một làng chài ven biển Duy Nghĩa. Năm anh lên 7 tuổi thì cha qua đời. Để có tiền nuôi các con ăn học tới nơi tới chốn, người mẹ phải muối mắm gánh lên thượng nguồn bán hết năm này sang năm nọ.
Thấu hiểu nổi vất vả của mẹ, anh Đức học cách tự lập từ khi còn nhỏ. Khi còn là học sinh đến sinh viên, anh ra biển Cửa Đại bắt ốc về luộc mang ra chợ bán, hoặc lấy hàng trái cây về kinh doanh ở các chợ đầu mối để có tiền lo việc học và phụ giúp mẹ lo trang trải gia đình.
Năm 2016, anh Đức tốt nghiệp lớp chất lượng cao đầu tiên của Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng, chuyên ngành tiếng Anh. Sau khi ra trường, anh được nhận vào giảng dạy ở một trường THPT trên địa bàn thành phố Tam Kỳ, nhưng anh không theo con đường giảng dạy để quay về quê hương khởi nghiệp với nước mắm cá cơm. Đây cũng là ước mơ của người cha quá cố.
Với số vốn tích lũy kinh doanh khi còn là sinh viên đại học và vay mượn thêm từ người thân trong gia đình, anh Đức đầu tư xây dựng cơ sở sản sản xuất nước mắm truyền thống theo quy trình khép kín với diện tích hơn 2.000m², đầu tư số vốn khá lớn - hơn 800 triệu đồng. Anh Đức lấy địa danh quê hương đặt tên cho tên cơ sở là “Mắm nhĩ Cửa Đại” để thị trường dễ nhận biết.
Tận dụng nguồn nguyên liệu ở địa phương, đầu tháng Giêng hằng năm, anh chọn mua hơn 60 tấn cá cơm than của ngư dân mang về ủ muối khoảng 8 - 12 tháng. Khi con cá bắt đầu chín rục, anh bắt đầu làm mắm nêm và lọc lấy mắm nhĩ.
“Cá cơm than đầu mùa to con, lượng đạm nhiều, tôi mua về muối liền để giữ được độ tươi của cá. Đến khi nào mắm chuyển sang màu cánh dán hoặc gỗ phách là mang ra lọc trên dàn rổ tre, có lót lớp vải mỏng tầm 3 - 4 lần là đạt tiêu chuẩn. Nước mắm lọc càng kỹ sẽ loại bỏ được cặn bã, xác cá và chất lượng nước mắm thơm ngon hơn” – anh Đức chia sẻ kinh nghiệm.
Mỗi năm, cơ sở sản xuất nước mắm của anh Đức cung cấp ra thị trường Quảng Nam, Đà Nẵng hàng triệu lít nước mắm nhĩ và mắm nêm. Mỗi chai lít nước mắm có giá bán dao động 100 ngàn đồng/lít, 25 - 30 ngàn đồng/kg mắm nêm. Doanh thu đem lại cho cơ sở sau khi trừ đi các khoản chi phí còn được 200 - 300 triệu đồng/năm.
Trong những năm qua, anh Đức còn mang sản phẩm tham dự nhiều hội chợ lớn nhỏ trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm nước mắm của anh được nhiều người tiêu dùng đánh giá cao. Ngoài ra, anh còn lập trang fange để chào bán sản phẩm qua mạng xã hội, cũng tạo hiệu ứng tốt.
Dù cơ sở sinh sau nở muộn, nhưng anh Đức khá thành công với nghề làm nước mắm cá cơm. Không chỉ làm giàu cho bản thân, mà anh còn tạo việc làm thường xuyên và thời vụ cho hàng chục người lao động ở địa phương với mức lương khoảng 6 -7 triệu đồng/tháng.
Hướng tới đưa sản phẩm vào OCOP
Anh Đức cho biết thêm, hiện sản phẩm nước mắm cơ bản đã đạt chuẩn, nhưng để đảm bảo hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm, hằng năm anh đều mang nước mắm đến cơ quan kiểm định có uy tín ở Đà Nẵng để kiểm định chất lượng.
“Cái khó hiện nay là sản phẩm nước mắm công nghiệp sản xuất tràn lan, giá thành thấp, nên nước mắm truyền thống của tôi khó cạnh tranh. Để đưa sản phẩm đến nhiều thị trường, tôi luôn đặt chất lượng nước mắm lên hàng đầu và từng bước hoàn thiện hồ sơ vào OCOP để khẳng định thương hiệu” – anh Đức chia sẻ.
Cạnh đó, nhằm thay đổi chiến lược kinh doanh, nâng cao chất lượng nước mắm, thời gian tới anh Đức dự định thay thế các bể muối mắm bằng xô nhựa sang các vò bằng gỗ, đóng chai nhỏ để khách hàng tiện sử dụng… Ngoài ra, anh cũng sẽ mở rộng cơ sở sản xuất để làm ra nhiều sản phẩm và tạo thêm việc làm cho nhiều người lao động ở địa phương hơn nữa.