Tuổi trẻ Thăng Bình năng động làm kinh tế
- Thứ sáu - 21/01/2022 09:24
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Về quê khởi nghiệp
Trong câu chuyện, khi nhắc đến thành tích đạt được trên hành trình khởi nghiệp, anh Võ Ngọc Anh - Tổ trưởng Tổ hợp tác khởi nghiệp Trường Giang (thôn Phước Long, xã Bình Đào, Thăng Bình) chia sẻ: “Điều quan trọng là những việc làm sắp tới thành công đến đâu, hiệu quả mang lại được bao nhiêu với cộng đồng, những người nông dân chân lấm tay bùn đồng hành với mình”.
Tốt nghiệp đại học ngành công nghệ thông tin, sau thời gian làm việc ở TP.Đà Nẵng, Võ Ngọc Anh quyết định về quê làm... nông, với quyết tâm giúp người dân nâng cao giá trị kinh tế trong sản xuất. “Phải tạo việc làm mới phù hợp!”.
Nghĩ vậy, Võ Ngọc Anh thuê đất sản xuất bỏ hoang vì bị phèn, mặn lâu năm của các hộ dân ở thôn Vân Tiên (xã Bình Đào) rồi kêu gọi thanh niên bạn hữu cùng góp vốn thành lập Tổ hợp tác khởi nghiệp Trường Giang, tổ chức cho nông dân trồng sen trên diện tích 8,5ha và trồng 4ha lúa ST24.
Đến nay, thương hiệu gạo sạch ST24 của tổ hợp tác là sản phẩm OCOP 3 sao, sản phẩm hạt sen sạch đã có chỗ đứng khá vững ở thị trường Quảng Nam và Đà Nẵng. Năm 2021, dù chịu nhiều tác động của dịch bệnh Covid-19 nhưng tổ hợp tác vẫn đạt lợi nhuận 200 triệu đồng, tạo thu nhập ổn định cho các hộ dân liên kết sản xuất.
Nói về những nỗ lực và kỳ vọng, Võ Ngọc Anh cho rằng mỗi ngày luôn có sự khởi đầu mới mẻ, thành quả để lại phía sau để dồn sức cho chặng được phía trước.
Với tâm niệm đó, từ thành quả bước đầu, tháng 2.2022, Võ Ngọc Anh thuê 25ha đất bỏ hoang của người dân ở 2 thôn Trà Đóa 1, Trà Đóa 2 (Bình Đào), tổ chức cho nông dân địa phương trồng sen kết hợp với nuôi thủy sản; trồng lúa chất lượng cao; trồng dưa hấu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây mùng năm.
Võ Ngọc Anh còn có ý tưởng cải tạo, đầu tư cảnh quan, tạo khu du lịch đồng quê sinh thái để thu hút khách đến tham quan, trải nghiệm sản xuất nông nghiệp sạch, tận hưởng không khí trong lành của làng quê gắn với thưởng thức các món ẩm thực đặc trưng của quê hương Thăng Bình.
“Tôi và những người bạn đã cải tạo đất sình lầy bỏ hoang để cùng với nông dân địa phương trồng thêm 12ha sen, hướng đến chế biến các sản phẩm hạt sen khô sạch, trà hương sen để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Chúng tôi đã cải tạo đất để liên kết với Công ty CP Giống nông nghiệp Việt Nam sản xuất 10ha lúa giống; tiếp tục liên kết với nông dân địa phương để sản xuất gạo sạch, nâng cao chuỗi giá trị gạo sạch ST24, ST25 và nếp Hương lân đặc sản địa phương” - anh Võ Ngọc Anh chia sẻ.
Tiếp sức thanh niên
Trên địa bàn 22 xã, thị trấn của huyện Thăng Bình còn có rất nhiều tấm gương thanh niên năng động, sáng tạo, “dám nghĩ, dám làm”, vươn lên trong cuộc sống. Như anh Trương Văn Thành - Bí thư Chi đoàn thôn Linh Cang (xã Bình Phú) làm giàu nhờ nuôi dê.
Nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi biết Thành là kỹ sư công nghệ thông tin, sau 5 năm làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, dù công việc khá ổn định nhưng anh quyết về quê, tận dụng các điều kiện thuận lợi và phù hợp ở địa phương để nuôi dê. Anh Thành chủ yếu nuôi dê thảo mộc, cho ăn cỏ sạch, đinh lăng, sa nhân nên thịt thơm, ngon, bổ dưỡng, an toàn thực phẩm.
Mỗi con dê xuất bán đem lại lợi nhuận hơn 5 triệu đồng. Sau khi đã ổn định mô hình, anh Thành giúp đỡ nông dân trong và ngoài huyện bằng cách bán con giống, hỗ trợ kỹ thuật dựng chuồng trại, hướng dẫn quy trình nuôi dê thảo mộc rồi mua lại dê thương phẩm để cung ứng cho các mối làm ăn trong và ngoài tỉnh.
“Lứa dê đầu tiên thất bại giúp tôi tích lũy kinh nghiệm, đầu tư chu đáo hơn nên nuôi thành công đến nay. Niềm vui lớn nhất của tôi là đem lại lợi ích thiết thực cho cho bà con nông dân” - Thành nói.
Anh Châu Xuân Quang - Phó Bí thư phụ trách Huyện đoàn Thăng Bình cho biết, trên địa bàn có rất nhiều câu lạc bộ khởi nghiệp của thanh niên, hợp tác xã, tổ hợp tác của thanh niên làm kinh tế giỏi.
Huyện đoàn đồng hành với thanh niên bằng cách duy trì, nhân rộng, lan tỏa các mô hình kinh tế hiệu quả; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của tỉnh, huyện rà soát nhu cầu vay vốn, quan tâm nhiều đến thanh niên khởi nghiệp để hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn xây dựng các mô hình kinh tế mới dựa trên nền tảng ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế gắn với du lịch và thân thiện với môi trường.
“Năm 2022 này chúng tôi sẽ tổ chức cuộc thi “Dự án sáng tạo khởi nghiệp” trong thanh niên. Triển khai các hoạt động tư vấn, kết nối, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên, nhất là hỗ trợ họ khởi động các dự án làm kinh tế mới, khởi nghiệp mới” - anh Quang cho hay.