Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

https://tinhdoanqnam.vn


Đồng hành thanh niên khởi nghiệp

Đồng hành thanh niên khởi nghiệp
Từ những ý tưởng ban đầu của thanh niên, chính quyền các địa phương miền núi đã “tiếp lửa” đồng hành thông qua việc hỗ trợ nguồn vốn, xây dựng cơ chế phù hợp… nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn. Nhờ vậy, đã tạo động lực giúp thanh niên vượt qua trở ngại, quyết tâm mở hướng làm giàu bằng sản vật địa phương.

 

Từ nguồn vốn hỗ trợ của địa phương, nhiều thanh niên ở Nam Giang bắt đầu hình thành mô hình khởi nghiệp mới. Ảnh: Đ.N
Từ nguồn vốn hỗ trợ của địa phương, nhiều thanh niên ở Nam Giang bắt đầu hình thành mô hình khởi nghiệp mới. Ảnh: Đ.N

Hỗ trợ vốn làm ăn

Những nỗ lực của chính quyền các huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang… trong hỗ trợ nguồn vốn đã giúp hàng nghìn hộ thanh niên khó khăn có thêm điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đây được xem là “quả ngọt” từ sự đồng hành và định hướng khởi nghiệp phù hợp cho người trẻ của chính quyền các địa phương miền núi.

Anh Bùi Thế Anh - Bí thư Huyện đoàn Nam Giang cho biết, những năm gần đây, cùng với trực tiếp hỗ trợ sinh kế, đơn vị phối hợp thực hiện kế hoạch “nhận đỡ đầu” các hộ thanh niên khó khăn, giúp họ có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ giảm nghèo, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống. Sau thời gian triển khai, đến nay địa phương đã tổ chức đăng ký nhận đỡ đầu cho gần 20 hộ thanh niên nghèo xây dựng mục tiêu phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Từ mô hình này, chúng tôi đã trao 30 cặp heo đen giống và hơn 300 cây mít giống, bưởi da xanh… cho hàng chục thanh niên địa phương. Song song với hoạt động trên, Huyện đoàn Nam Giang cũng kêu gọi nguồn lực hỗ trợ hơn 2.000 cây keo lai, 8.500 cây gáo, 1.000 con gà giống và hướng dẫn các hộ thanh niên khó khăn cách chăn nuôi, làm chuồng nuôi đảm bảo kỹ thuật, hợp vệ sinh.

Ngoài ra, chúng tôi phối hợp với một số doanh nghiệp tổ chức tư vấn và giới thiệu việc làm cho hơn 700 đoàn viên thanh niên. Trong đó, có 6 thanh niên đi xuất khẩu lao động, cùng nhiều thanh niên khác được nhận vào làm việc tại các nhà máy trong và ngoài tỉnh, với mức thu nhập ổn định” - anh Bùi Thế Anh chia sẻ.

Vài năm trở lại đây, khi các chính sách ưu đãi nguồn vốn vay được đến tận tay thanh niên miền núi đã giúp không ít thanh niên có thêm điều kiện khởi nghiệp. Cũng theo Bí thư Huyện đoàn Nam Giang - Bùi Thế Anh, từ việc duy trì các tổ vay vốn, đến nay chỉ riêng kênh của Đoàn thanh niên, tổng dư nợ ước đạt hơn 30 tỷ đồng, tạo điều kiện cho khoảng 810 hộ gia đình và thanh niên được vay vốn, thực hiện các mô hình kinh tế hiệu quả.

Những cái tên như Zơrâm Đa, Bríu Chéo (xã Tà Bhing); Arất Dom (xã Chà Vàl); Zơrâm Huy, Brao Ngát (xã La Dêê)… đã quá quen thuộc, trở thành điển hình trong câu chuyện khởi nghiệp ở vùng cao Nam Giang. “Như Arất Dom, nhờ tận dụng hồ nước thủy điện nên mạnh dạn vay vốn, đầu tư mô hình nuôi cá lồng bè, mỗi năm thả hàng nghìn con giống. Đợt xuất bán lứa đầu tiên mới đây, sau khi trừ chi phí, Dom thu về hàng chục triệu đồng, tiếp tục xoay vòng đầu tư mở rộng” - anh Bùi Thế Anh cho biết thêm.

Khuyến khích thanh niên làm giàu

Ở miền núi, bây giờ, mô hình khởi nghiệp đang dần được nhân rộng bằng chính sản vật đặc trưng. Trong đó, nuôi heo cỏ và trồng cây dược liệu dưới tán rừng được xem là hướng đi phù hợp, đem lại hiệu quả thiết thực cho thanh niên.

Anh Clâu Hoài - Bí thư Huyện đoàn Tây Giang cho rằng, để câu chuyện khởi nghiệp ở thanh niên miền núi thực sự tạo nên dấu ấn, bên cạnh hỗ trợ các điều kiện về nguồn lực, việc đẩy mạnh cơ chế khuyến khích thanh niên làm giàu bằng sản vật đặc trưng cũng cần đặc biệt quan tâm. Bởi, đây chính là cơ hội thực sự và rõ ràng nhất để thanh niên tiếp cận chính sách ưu tiên, tạo luồng sinh khí mới giúp người trẻ vượt qua “rào cản” cũ, hướng đến tư duy mới “dám nghĩ, dám làm”.

Thực tế những năm qua, dù không có nhiều tấm gương điển hình trong khởi nghiệp, nhưng Tây Giang đã bắt đầu có những cái tên nổi lên trong cộng đồng về chuyện thoát nghèo. Nắm bắt nhu cầu thực tế, những thanh niên này đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư các công trình du lịch sinh thái kết hợp tham quan vườn dược liệu dưới tán rừng, phục vụ du khách. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh, các điểm du lịch sinh thái này rất ít khách.

“Ở thời điểm hiện nay, các mô hình khởi nghiệp từ phát triển cây dược liệu đảng sâm, ba kích đang đem lại hiệu quả rõ ràng nhất. Vì thế, trong định hướng của huyện, ngoài chăn nuôi tập trung, du lịch sinh thái gắn với phát triển cây lược liệu cũng được xem là bài toán giúp người dân, đặc biệt là thanh niên có cơ hội thoát nghèo” - anh Hoài nhấn mạnh.

Ông Đỗ Hữu Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho hay, địa phương rất quan tâm đến chuyện khởi nghiệp của thanh niên, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số. Thời gian qua, từ ngân sách của huyện, cùng các chương trình, dự án phù hợp của tỉnh và Chính phủ, địa phương lồng ghép hỗ trợ giúp thanh niên có cơ hội làm ăn, phát triển kinh tế. Từ nguồn vốn này, nhiều hộ dân và thanh niên ở Đông Giang đã tiếp cận vốn đầu tư, hình thành các trang trại chăn nuôi kết hợp trồng rừng, đem lại thu nhập đáng kể.

“Cùng với định hướng nghề nghiệp phù hợp, việc hỗ trợ khởi nghiệp cũng sẽ tiếp tục được quan tâm trong thời gian đến nhằm khuyến khích và tạo động lực để thanh niên thoát nghèo bền vững” - ông Tùng nói

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây