Gỡ khó sinh hoạt đoàn ở nông thôn
- Thứ năm - 20/04/2017 21:16
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đoàn xã Ba (Đông Giang) có hơn 250 đoàn viên thanh niên (ĐVTN) nhưng khi có hoạt động chỉ tập hợp được chưa đầy 70% ĐVTN. Hầu hết thanh niên đã rời quê kiếm sống, một số ở nhà lại ít tham gia sinh hoạt. Thậm chí, một số chi đoàn chỉ có 10 thanh niên nông thôn tham gia sinh hoạt. Đây cũng là thực trạng chung của không ít chi đoàn khác ở khu vực nông thôn. Thêm vào đó, đội ngũ bí thư, phó bí thư chi đoàn ở các thôn xóm không ổn định, vừa thiếu lại vừa yếu về kỹ năng nghiệp vụ cũng như khả năng tổ chức hoạt động và tập hợp ĐVTN. Anh Alăng Hoàng - Bí thư Đoàn xã Ba cho biết: “Do cán bộ đoàn thiếu nên hiện nay, chức danh bí thư, phó bí thư chi đoàn rất khó được củng cố kịp thời. Hơn nữa, người làm công tác đoàn ở các thôn xóm chủ yếu vì phong trào, giúp thôn xóm là chính, còn chế độ đãi ngộ rất hạn hẹp. Mỗi tháng chỉ có 345 nghìn đồng phụ cấp cho cả bí thư và phó bí thư chi đoàn. Chính vì vậy, để có cán bộ làm ở các chi đoàn thì phải thường xuyên đi vận động”.
ĐVTN xã Quế Lưu (Hiệp Đức) nạo vét kênh mương nội đồng, phục vụ nước tưới cho hơn 10ha ruộng tại thôn 4.Ảnh: N.C
Không có lực lượng nên nhiều chi đoàn ở nông thôn chỉ tập trung hoạt động vào dịp hè hoặc tết khi học sinh được nghỉ, lúc đó ĐVTN trở về quê đông. Hoạt động của chi đoàn cũng chủ yếu xoay quanh các phần việc bề nổi như: vệ sinh môi trường, nạo vét kênh mương, giao lưu văn hóa, văn nghệ… Bí thư Đoàn xã Phước Ninh (Nông Sơn), anh Đoàn Công Lâm chia sẻ: “Ở xã có 7 chi đoàn, số đoàn viên hiện nay sinh sống và sinh hoạt tại địa phương chủ yếu là đoàn viên sinh hoạt 2 chiều từ các trường học và cơ quan. Mặt khác, một số ĐVTN đã xây dựng gia đình rất ít khi tham gia sinh hoạt vì nhiều lý do, dẫn đến các hoạt động được tổ chức chưa mang tính chiều sâu”.
Khó tập hợp ĐVTN là vấn đề được đặt ra. Tuy nhiên, để tập hợp được đòi hỏi chất lượng sinh hoạt chi đoàn phải được nâng lên. Theo anh Đoàn Thanh Tâm - Ủy viên Ban Thường vụ Thị đoàn Điện Bàn, địa phương nào cũng có chi đoàn mạnh và chưa mạnh. Vấn đề là làm thế nào để phát huy những chi đoàn mạnh, giúp các chi đoàn yếu vươn lên. Anh Tâm cho rằng, nên hướng việc tổ chức các hoạt động phong trào về cơ sở. “Vì khi tổ chức hoạt động ở cấp tỉnh, huyện, chỉ có một số ĐVTN ưu tú được tham gia. Tuy nhiên, nếu tổ chức ở cấp xã, thì mỗi thôn, khối phố sẽ cử số lượng tham gia đông hơn. Còn riêng việc tổ chức ở cấp chi đoàn thôn, khối phố thì ở mỗi tổ sẽ huy động tất cả lực lượng tham gia. Như vậy, ĐVTN có được cơ hội để thể hiện bản thân và tích cực tham gia hoạt động. Có vậy mới phát hiện ra được những nhân tố tiêu biểu và quan trọng, tạo động lực để chi đoàn hoạt động” - anh Tâm nói.
Nâng cao chất lượng sinh hoạt
Dẫn chứng sự năng động của một số cơ sở đoàn tại địa phương, cũng theo anh Đoàn Thanh Tâm, tại xã Điện Hòa hàng năm, các chi đoàn thôn đều tổ chức hội trại kỹ năng, với kinh phí tự vận động 30 - 40 triệu đồng. Riêng xã Điện Thắng Nam, hầu hết chi đoàn đều chú trọng tổ chức hành trình giáo dục truyền thống, không chỉ tập hợp được thanh thiếu nhi mà cũng đã huy động được sự vào cuộc của chính quyền địa phương và người dân. Đoàn phường Điện Ngọc vào dịp cuối năm thường xuyên tổ chức gặp mặt thanh niên với tất cả thành phần, tổ chức các chương trình văn nghệ, thể thao để gây quỹ hoạt động, có chi đoàn đã gây quỹ hơn 50 triệu đồng… Ở xã Quế Lưu (Hiệp Đức), các bạn ĐVTN đã có cách làm hay là sinh hoạt đoàn cuốn chiếu, sinh hoạt gắn với công việc làm cụ thể như giúp thanh niên trồng vườn cây, đắp taluy đường, tuyên truyền phòng tránh dịch bệnh… Đều đặn tháng nào cũng sinh hoạt được, cuốn chiếu giữa các thôn với nhau. Do số lượng ĐVTN giảm nên việc đẩy mạnh sinh hoạt đoàn theo hình thức liên chi đoàn được coi là giải pháp hiệu quả. Chị Lê Thị Thúy Hằng - Bí thư Đoàn xã Quế Lưu nói: “Việc sinh hoạt chi đoàn theo hình thức cuốn chiếu không chỉ duy trì nền nếp sinh hoạt thường xuyên tại chi đoàn mà còn tăng cường công tác đoàn kết tập hợp thanh niên tại địa phương. Bên cạnh đó, qua những hoạt động thiết thực được triển khai tại địa phương, màu áo xanh của ĐVTN trở nên thân thiện và gần gũi với nhân dân hơn”.
Để tạo sự ổn định, liền mạch của đội ngũ cán bộ đoàn vùng nông thôn, một số đơn vị đã tham mưu triển khai việc lồng ghép chức danh bí thư, phó bí thư chi đoàn với công an viên hoặc thôn đội phó. Đây là giải pháp vừa giải quyết được thu nhập cho người làm công tác đoàn, giúp họ yên tâm công tác, vừa tăng thêm sức mạnh cho các hoạt động đoàn tại cơ sở. Đồng thời chỉ đạo cơ sở thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên đề, định hướng sinh hoạt chi đoàn, kịp thời tuyên dương và nhân rộng các mô hình mới, cách làm hay. Phó Bí thư Huyện đoàn Nam Giang - Bớt Xớp đề xuất thêm: “Nội dung sinh hoạt đoàn phải gắn liền với nhu cầu nghề nghiệp, việc làm, lập thân, lập nghiệp, chăm lo cho các mô hình kinh tế trong thanh niên. Làm tốt điều đó, cùng với việc đầu tư các phong trào bề nổi, sinh hoạt đoàn sẽ rất phong phú”.