Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

https://tinhdoanqnam.vn


Sức sống ở làng thanh niên

Sức sống ở làng thanh niên
Quyết không đi theo “vết xe đổ” của một số mô hình Làng Thanh niên (TN) lập nghiệp trước đây, những cán bộ thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong (TNXP) Quảng Nam dồn cả tâm trí và lực xây dựng Làng TN lập nghiệp Thạnh Mỹ (Nam Giang).

 

 

 

Nhiều ngôi nhà ở Làng TN lập nghiệp Thạnh Mỹ đang được dựng lên. Ảnh: VINH ANH
Nhiều ngôi nhà ở Làng TN lập nghiệp Thạnh Mỹ đang được dựng lên. Ảnh: VINH ANH

Sau gần 5 năm khởi công xây dựng (tháng 6.2014), dự kiến trong tháng 4.2019, Làng TN lập nghiệp Thạnh Mỹ sẽ tuyển đủ 60 hộ TN. Một nửa trong số hộ này đang bắt đầu cuộc sống mới với nhiều tín hiệu lạc quan, phấn khởi...

Những người  tiên phong

Theo sự chỉ dẫn của người dân chỉ đường, từ trung tâm huyện Nam Giang, chỉ mất chưa đầy 10 phút chạy xe máy, chúng tôi tìm đến Làng TN lập nghiệp Thạnh Mỹ. Ngôi làng nằm dọc theo con đường độc đạo. Ở đây, ngoài nhà điều hành của Tổng đội TNXP, hàng chục ngôi nhà của hộ thanh niên cũng đã và đang được dựng lên. Theo Ban quản lý (BQL) Làng TN lập nghiệp Thạnh Mỹ, việc xây dựng nhà sôi động hẳn kể từ trước và sau Tết Kỷ Hợi. Ngoài 22 hộ đã xây dựng, nhiều hộ khác cũng đang tập kết vật liệu, thuê máy móc, nhân công để dựng nhà. Ở làng, những hạ tầng cơ bản như điện, đường, nước sinh hoạt,… đã cơ bản đáp ứng nhu cầu sử dụng và sản xuất của các hộ dân. Nhưng, với những người có tâm xây làng, thì hạ tầng, nhà cửa, mới chỉ là cái “vỏ”, muốn làng “sống bền vững” thì phải xây được phần “hồn”, là một cuộc sống ổn định, đảm bảo sinh kế lâu dài cho người dân. Điều này, những cán bộ TNXP không thể tự làm mà cần có những hộ dân tiên phong thực hiện…

Nhiều chính sách dành cho hộ thanh niên

Dự án Làng TN lập nghiệp Thạnh Mỹ có tổng diện tích theo quy hoạch 600ha. Tổng nguồn vốn thực hiện đến tháng 3.2019 khoảng 30,7 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 19,2 tỷ đồng; ngân sách tỉnh 11,5 tỷ đồng. Theo Tổng đội TNXP, các hộ TN được tuyển chọn vào làng phải qua nhiều vòng xét tuyển từ cấp huyện và BQL làng đến cấp tỉnh (Tỉnh đoàn). Khi được tuyển vào làng, các hộ được hưởng nhiều chính sách, ưu đãi để lập nghiệp. Ngoài tiêu chuẩn mỗi hộ được nhận 600m2 đất ở và đất vườn, 3ha đất rừng sản xuất, 3ha đất rừng bảo vệ, khoanh nuôi, phục hồi, thì mỗi hộ còn được hỗ trợ hơn 47 triệu đồng (tiền mặt và vật quy ra tiền), trong đó có 20 triệu đồng tiền xây dựng nhà và các khoản hỗ trợ khác về cây, con giống, làm chuồng trại, mua phân bón, trợ cấp lương thực,…

Ngôi nhà mới còn thơm mùi sơn của vợ chồng anh Lê Duy Vũ (35 tuổi, quê Thăng Bình) và chị Zơrâm Thị Bành (29 tuổi, quê xã Đắc Pre, huyện Nam Giang) ở Làng TN lập nghiệp Thạnh Mỹ vừa khánh thành trước Tết Kỷ Hợi. Gần 3 năm sau ngày cưới, với khoản tiền tích cóp, dành dụm và nguồn kinh phí hỗ trợ 20 triệu đồng dành cho các hộ dân vào làng, vợ chồng anh Vũ mới cất được ngôi nhà khang trang để yên tâm xây dựng cuộc sống. Tranh thủ thời gian rảnh ở công trường, anh Vũ lại về nhà để tăng gia sản xuất. Từ 40 con gà con và cây giống do Tổng đội TNXP hỗ trợ, đến nay anh đã nhân được đàn gà lên cả trăm con cùng vườn mít Thái Lan phát triển xanh tốt. Tận dụng nguồn nước suối, anh còn lắp đặt hệ thống vòi phun tự động để tưới cho vườn cây ăn quả. Tới đây anh còn dự định dành phần cả đất còn lại để thử nghiệm trồng tiêu. Cái cách anh Vũ trồng mít xanh tốt cả vườn, nuôi gà thành đàn, là minh chứng cụ thể để cán bộ Tổng đội TNXP hướng dẫn các hộ thanh niên học hỏi.

Nằm gần cuối làng là ngôi nhà gỗ lợp tôn của gia đình anh Arất Bước và chị Bloong Thị Vàng. Được biết, giữa năm 2018, vợ chồng anh Bước dọn về nhà mới tại Làng TN sau gần 10 năm sống chung với bố mẹ trong ngôi nhà chật hẹp. “Nhà tôi đông anh em, lấy vợ xong phải ở với bố mẹ vì không có tiền làm nhà riêng. Nay được tuyển vào làng, được hỗ trợ tiền làm nhà, vợ chồng tôi ráng vay mượn thêm ít mới cất được ngôi nhà mới này” - anh Bước nói. Về làng mới, nhờ lanh lợi, biết làm ăn nên anh được Tổng đội TNXP nhận làm thành viên BQL làng, hàng tháng được hỗ trợ thêm 3 triệu đồng. Ở nhà, anh mạnh dạn nhận heo, gà, cây ăn quả về tăng gia sản xuất. Được sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Tổng đội TNXP, anh nhanh chóng nắm bắt được kỹ thuật chăn nuôi. Đến nay, ngoài đàn bò 5 con, anh Bước đã phát triển đàn gà lên gần 100 con, đàn heo 6 con sắp xuất bán. “Lúc trước tôi chỉ biết đi làm keo và chăn bò trong rừng thôi. Nay về làng mới, có vườn rộng, lại được hỗ trợ cây, con giống và được hướng dẫn kỹ thuật nên mạnh dạn làm ăn. Ban đầu hơi khó nhưng dần rồi cũng quen. Bây giờ, ai hỏi cách nuôi gà, heo sao cho nhanh lớn thì tôi sẵn sàng chia sẻ” - anh Bước nói.

Bám dân, bám làng

Cuối tháng 3, anh Ating Hiệp - một hộ dân được tuyển vào Làng TN lập nghiệp thuê máy móc và nhân công xây dựng nhà ở. Tranh thủ phương tiện và nhân lực có sẵn, anh Hiệp đến BQL làng nhận một số cây ăn quả về trồng trong vườn nhà. Giữa mùa nắng nóng nên BQL chỉ cấp cho anh Hiệp một ít, số còn lại để dành nếu trồng thành công sẽ cấp tiếp. Phụ trách BQL làng, anh Nguyễn Ngọc Thu - chuyên viên Tổng đội TNXP tỉnh nhắc nhở và dặn dò anh Hiệp kỹ càng nhằm đảm bảo cây sống và phát triển tốt. Anh Thu cho biết, theo chính sách hỗ trợ, mỗi hộ được tuyển vào làng sau khi tiến hành xây dựng nhà ở sẽ được hỗ trợ số lượng cây, con giống theo quy định, tuy nhiên BQL làng không cấp đại trà, mà căn cứ vào điều kiện, khả năng chăm sóc của gia đình để cấp phát. “Tất nhiên là phải cấp đủ số lượng và đảm bảo tiêu chuẩn cho từng hộ nhưng để có kết quả thì có thể chia làm nhiều đợt cấp; hộ có điều kiện nuôi gà thì ưu tiên cấp gà giống bớt cấp heo, hoặc hộ giỏi nuôi heo thì cấp heo bớt gà” - anh Thu giải thích.

Gia đình anh Arất Bước là một trong những hộ tiên phong vào Làng TN lập nghiệp Thạnh Mỹ.Ảnh: VINH ANH
Gia đình anh Arất Bước là một trong những hộ tiên phong vào Làng TN lập nghiệp Thạnh Mỹ.Ảnh: VINH ANH

Tổng đội TNXP tỉnh là đơn vị được Tỉnh đoàn giao nhiệm vụ quản lý và phát triển Làng TN lập nghiệp Thạnh Mỹ. Ở một địa bàn vùng cao, phần lớn TN vào làng là người đồng bào thì nhiệm vụ này chẳng hề dễ dàng, nhất là khi một vài mô hình làng TN trước đó đã thất bại. Để tránh đi theo “vết xe đổ” của một vài mô hình Làng TN lập nghiệp trước đó, anh em cán bộ Tổng đội TXNP xác định rõ, việc xây dựng làng là nhiệm vụ lâu dài, muốn thành công phải bám làng để cùng ăn, cùng ở, cùng làm với hộ TN. Bên cạnh việc tuyển chọn chặt chẽ đầu vào với tiêu chí lựa những hộ TN có ý chí, có quyết tâm vào làng, thì trong triển khai, Tổng đội TNXP còn thực hiện phương châm “cầm tay chỉ việc”, “nói đi đôi với làm”. Bởi vậy, từ trồng chuối, trồng bưởi đến nuôi heo, nuôi gà,… việc nào BQL làng cũng bắt tay làm trước để các hộ TN làm theo. Chỉ ra vườn bưởi da xanh phía trước nhà điều hành của Tổng đội TNXP, anh Nguyễn Ngọc Thu nói: “200 cây bưởi đó chúng tôi trồng mới hơn 1 tháng trước, đến nay cây nào cũng phát triển tốt. Ấy vậy mà trước đó, nhiều người dân trong làng bảo số bưởi sống không quá 50%. Bởi vậy, muốn người dân tin thì mình phải làm và làm cho bằng được”.

Không chỉ nói đi đôi với làm, những cán bộ TNXP phải biết sống cho dân thương yêu. Hiên Chưu (34 tuổi, thành viên của BQL làng) chia sẻ: “Mình là dân làm nông nhưng trước đây chẳng biết áp dụng kỹ thuật. Thời gian vào làng, được làm việc chung với cán bộ Tổng đội TNXP đã giúp mình học được nhiều thứ. Đặc biệt, sự gần gũi, hòa nhã và thường xuyên giúp đỡ TN lập nghiệp của các cán bộ khiến mình nể phục”. Anh Bùi Thành Vinh - Tổng đội trưởng Tổng đội TNXP Quảng Nam cho biết, theo kế hoạch đến cuối năm 2019 kết thúc dự án xây dựng Làng TN lập nghiệp Thạnh Mỹ. Sau khi hoàn thành tuyển hộ TN đợt 3 vào tháng 4, dự kiến chậm nhất trong 6.2019 các hộ phải hoàn thành việc xây dựng nhà ở. Tuy nhiên, không phải đến lúc đó là anh em trong Tổng đội TNXP hết nhiệm vụ. “Muốn thành công, còn rất nhiều việc phải làm. Đưa hộ TN vào làng mới chỉ là giai đoạn đầu. Việc tiếp theo và quan trọng hơn là phải làm sao cho các bạn trẻ ổn định sinh kế từ các chính sách hỗ trợ cây, con giống và đất rừng; là việc đưa nếp sống văn hóa, ăn sạch, ở sạch, uống sạch vào đời sống sinh hoạt; là vấn đề giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho TN, nhất là chị em phụ nữ” - anh Vinh chia sẻ.

Phóng sự của VINH ANH

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây