Đưa văn hóa dân gian vào trường học
- Thứ ba - 04/06/2019 05:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh (xã Tam Thành, Phú Ninh) trải nghiệm công đoạn nghề mộc với thợ mộc đến từ làng mộc Vân Hà. Ảnh: V.A |
Lôi cuốn, thú vị
Năm học 2017 - 2018, Phòng GD-ĐT huyện Phú Ninh phối hợp với Huyện đoàn tổ chức thí điểm mô hình “Ngày hội trò chơi dân gian” tại Trường THCS Trần Phú và “Đêm hội khúc ca đồng dao” tại Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (xã Tam Đàn). Hoạt động có sự tham của học sinh cùng toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường và ban đại diện cha mẹ học sinh. Tại Trường THCS Trần Phú, “Ngày hội trò chơi dân gian” được tổ chức trong khuôn viên trường với gần 20 trò chơi dân gian như: ô ăn quan, đánh đáo, nhảy lò cò, cờ gánh... Những trò chơi vốn quen thuộc với các thế hệ cha ông xưa, nay được tái hiện lại đã tạo cảm giác thích thú, sự tò mò và hứng khởi cho các em học sinh.
Năm học 2018 - 2019, Phòng GD-ĐT và Huyện đoàn tiếp tục phối hợp nhân rộng mô hình này trong toàn huyện. “Ngày hội trò chơi dân gian” tổ chức tại Trường THCS Chu Văn An (xã Tam Lãnh) đầu tháng 4 đã thu hút sự tham gia sôi nổi, tích cực của phụ huynh, học sinh và giáo viên. Ngày hội đã làm cho sân trường nhuốm màu cổ tích với không gian mang đậm chất dân gian, từ sân khấu, lều trại, các món ẩm thực, trang phục của thầy trò và đại biểu; từ đống rơm, chiếc gàu giai, gàu sòng, lu đựng nước, gáo dừa, cối giã gạo, cối xay bột, thúng mủng giần sàng... đến các món ăn truyền thống. Dịp này, nhà trường tổ chức nhiều hoạt động như chơi ném còn, nhảy bao bố, đẩy gậy, cờ gánh, viết thư pháp, dân vũ, ẩm thực dân gian... Đồng thời dành 2 khu để trưng bày sản phẩm dân gian và khu trưng bày đồ chơi dân gian của học sinh, đó là những chiếc đồng hồ, con châu chấu... làm bằng lá dừa hay những bức thư pháp do học trò viết. Tại ngày hội, giáo viên chủ nhiệm cùng học sinh các lớp tự tay chuẩn bị những món ăn dân dã ngày xưa như: bánh bèo, bánh đúc, khoai chà... giảng dạy thêm về các sản phẩm truyền thống để học sinh hiểu rõ hơn nếp sống, sinh hoạt của người xưa.
Được biết trước đó, nhân dịp kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3.1931 - 26.3.2019), Hội đồng Đội huyện Phú Ninh chỉ đạo các liên đội trong huyện đồng loạt tổ chức Ngày hội thiếu nhi vui khỏe tiến bước lên Đoàn. Trong ngày hội, 16/23 Liên đội các trường đã đưa mô hình ngày hội trò chơi dân gian vào sinh hoạt, qua đó mang lại nhiều kết quả thiết thực. Tại ngày hội, Trường THCS Lương Thế Vinh (xã Tam Thành) mời cả thợ mộc của làng mộc Văn Hà đến trình diễn, giới thiệu về nghề mộc, đồng thời cho đại diện học sinh các khối lớp trải nghiệm kỹ năng đục, đẽo…
Duy trì và nhân rộng
Từ kết quả của mô hình “Ngày hội trò chơi dân gian” và “Đêm hội khúc ca đồng dao” được triển khai, UBND huyện Phú Ninh có chủ trương đưa không gian văn hóa dân gian vào trường học. Thực hiện chủ trương này, đến nay 13/13 Liên đội khối tiểu học và 3/10 Liên đội khối THCS của huyện đã xây dựng được khu trò chơi dân gian trong nhà trường. Ở một số trường còn tái hiện các không gian sinh hoạt xưa như mái nhà tranh, giếng nước cùng các dụng cụ sinh hoạt mang đậm chất dân gian. Từ đó, các trường học lồng ghép để tổ chức buổi sinh hoạt ngoài giờ lên lớp, tạo hứng khởi, thích thú cho học sinh. Theo Phòng GD-ĐT huyện Phú Ninh, việc đưa trò chơi dân gian vào trường học là một trong những nội dung trong chương trình xây dựng trường học thân thiện, để học sinh rèn luyện kỹ năng sống, tạo tinh thần đoàn kết, nhất là đối với trò chơi mang tính tập thể, cho các em có thêm niềm vui trong học tập. Theo đó, một trong các chỉ tiêu của chương trình công tác đội và phong trào thanh thiếu nhi năm học 2018 - 2019 mà Huyện đoàn và Phòng GD-ĐT huyện Phú Ninh đặt ra là phải có ít nhất 50% số liên đội tổ chức chương trình “Ngày hội trò chơi dân gian” hoặc “Đêm hội khúc ca đồng dao” đạt hiệu quả.
Chị Bùi Thị Kim Hoàng - Bí thư Huyện đoàn Phú Ninh cho biết, việc tổ chức và nhân rộng mô hình “Ngày hội trò chơi dân gian” và “Đêm hội khúc ca đồng dao” trong trường học là sự cố gắng, nỗ lực của Huyện đoàn, Hội đồng Đội và Phòng GD-ĐT huyện trong việc đổi mới công tác giáo dục đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ theo tinh thần chỉ đạo của Huyện ủy Phú Ninh. Qua việc triển khai mô hình đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ phía nhà trường, phụ huynh học sinh; đồng thời được UBND huyện và các ngành cấp trên đánh giá cao. Bên cạnh các trò chơi dân gian, ngày hội còn là dịp để học sinh thể hiện năng khiếu, sự sáng tạo với các sản phẩm tự thiết kế hay các thí nghiệm vật lý, hóa học… Hội đồng Đội tỉnh cũng đánh giá cao việc đưa văn hóa dân gian vào môi trường học đường. Anh Lê Quang Quỳnh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh cho rằng, việc đưa văn hóa dân gian vào trường học hay hình thức tổ chức ngày hội trải nghiệm sáng tạo học đường… là những hoạt động cụ thể nhằm chăm lo, phát huy sự phát triển của thanh thiếu nhi. Từ những mô hình, hoạt động nhỏ bắt đầu từ mỗi liên đội, từ mỗi tế bào nhỏ nhất của tổ chức đội sẽ cùng góp sức với ngành giáo dục trong công tác dạy và học toàn diện cho học sinh.
VINH ANH