Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

https://tinhdoanqnam.vn


Lũ sông Vu Gia vượt đỉnh, Đại Lộc tiếp tục ngập sâu, chia cắt

Sông Vu Gia vượt đỉnh lũ ở mức 9,8m, nhiều vùng “rốn lũ” Đại Lộc thời điểm này vẫn bị ngập sâu, chia cắt, hàng chục nghìn nhà dân bị ngập, cô lập, giao thông bị tê liệt hoàn toàn.
Tuyến đường ĐT 609 trước trụ sở UBND huyện bị ngập sâu trong nước.
Tuyến đường ĐT 609 trước trụ sở UBND huyện bị ngập sâu trong nước. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Trong khi lũ trên các sông dâng cao, các hồ thủy điện Đắk Mi 4, Sông Bung 4 thời điểm này vẫn tiếp tục vận hành xả lũ. Thủy điện Đắk Mi 4 xả với lưu lượng hơn 3.000m3/s từ chiều tối 4.11; thủy điện Sông Bung 4 tăng lưu lượng xả từ 900m3/s tới 1.800m3/s từ 21 giờ 30 ngày 4.11 và vẫn tiếp tục tăng dung lượng xả.

Từ chiều 4.11, các hoạt động sinh hoạt đời sống, kinh tế của người dân vùng hạ du Đại Lộc vẫn diễn ra bình thường, ngay các vị trí xung yếu vẫn chưa xuất hiện nước. Song, do mưa lớn trên diện rộng kết hợp với các thủy điện xả lũ trong đêm, lũ dâng cao đột ngột khiến người dân hạ du trở tay không kịp. Ngay trong đêm, người dân đổ xô dọn dẹp nhà cửa, sơ tán đồ đạc tới vị trí cao ráo; hàng loạt hộ chăn nuôi lập tức di dời các đàn gia súc lên núi cao tránh lũ. Bà Nguyễn Thị Kim H., (xã Đại Nghĩa) cho biết: “Nước lớn nhanh khủng khiếp, không tưởng tượng nổi. Dù đã được thông báo thủy điện có xả nhưng nhìn ra đồng không thấy giọt nước nào, bỗng nhiên tới 21 giờ nước bao vây tứ phía, không kịp xoay xở”. Ông Nguyễn Phương N. (thôn Phiếm Ái 2, Đại Nghĩa) chia sẻ, do lũ về nhanh quá, cả đêm người dân ở khu dân cư này phải thức trắng để canh lũ, vì không lường được mức lũ. Bà Trần Thị Ly (thị trấn Ái Nghĩa) than: “Nước về nhanh quá, chúng tôi phải trắng đêm mượn người cấp tốc chuyển nhiều máy móc, đồ đạc lên cao rồi, nhưng  với sức nước thế này cũng rất lo”...

Nhiều khu dân cư tại Đại Nghĩa ngập trong nước.
Nhiều khu dân cư tại Đại Nghĩa ngập trong nước. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Đến trưa 5.11, theo ghi nhận của chúng tôi, các tuyến đường liên xã, tuyến đường tỉnh ĐT 609, ĐT 609B qua nhiều địa phương của huyện Đại Lộc bị ngập sâu trong nước từ 0,5m đến 1m, giao thông trên toàn huyện tê liệt hoàn toàn từ đêm 4.11. Đặc biệt, những vị trí xung yếu có mức độ ngập nặng hơn. Nhiều trường hợp khẩn cấp, người dân phải sử dụng thuyền máy, ghe để lưu thông tại một số vị trí trung tâm trong lũ. Tại thị trấn Ái Nghĩa, tuyến đường ĐT 609 qua địa phận và nhiều tuyến đường nội thị đã bị ngập sâu trong nước từ đêm 4.11. Tới thời điểm này, nhiều trụ sở cơ quan, trường học, doanh nghiệp và nhà dân tiếp tục bị ngập sâu tới cả mét nước do hai thủy điện xả lũ và tăng dung lượng xả.

Theo ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện, đến thời điểm này, trên địa bàn không xảy ra chết người trong mưa lũ, có một người bị điện giật trong quá trình dọn lụt (ông Đinh Văn Dưỡng, SN 1973, trú xã Đại Nghĩa) đang được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. Toàn huyện có khoảng 24.000 hộ bị ngập lụt, nhiều vùng bị ngập sâu, bị lũ cô lập. Mức độ ngập ở các thôn Tân Hà, Hoằng Phước Bắc của Đại Lãnh là 1,5m; các thôn Phú Phong, Trà Đức của xã Đại Tân là 1m; thôn Mỹ Hảo của xã Đại Phong là 1,5m. 

Ảnh: Ông Đoàn Ngọc Quang hỏi thăm thân nhân của nạn nhân Đinh Văn
Ông Đoàn Ngọc Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc hỏi thăm thân nhân của nạn nhân Đinh Văn Dưỡng. Ảnh: CÔNG TÚ

Trước diễn biến phức tạp của mưa lũ, Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Đại Lộc đã ban hành công điện khẩn và cử cán bộ lãnh đạo trực tiếp xuống cơ sở nắm tình hình, chỉ đạo công tác ứng phó. Ông Trần Văn Mai cho biết thêm, huyện đã yêu cầu các ngành, các địa phương tiếp tục tăng cường theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ trên các phương tiện thông tin đại chúng, thông báo và hướng dẫn nhân dân di dời tài sản đến nơi cao ráo, an toàn. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm cảnh báo cho dân cư sống ở vùng ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét biết để chủ động phòng tránh. Trường hợp cần thiết, địa phương chủ động sơ tán dân để tránh thiệt hại về người. Trên những tuyến đường ngập sâu, nước chảy xiết, ngầm, các xã, thị trấn cử người canh gác, chốt chặn kiên quyết không cho người qua lại. Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị tùy theo chức năng, nhiệm vụ phải chuẩn bị sẵn sàng phương tiện, lực lượng ứng trực để đảm bảo ứng phó kịp thời. Thực hiện theo sự chỉ đạo của lãnh đạo huyện, các địa phương, nhất là địa bàn dễ bị cô lập, chia cắt do mưa lũ đã tiến hành kiểm tra công tác dự trữ lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu.

Trưa 5.11, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - ông Đoàn Ngọc Quang đã đến thăm hỏi, động viên ông Đinh Văn Dưỡng và tặng số tiền 2,5 triệu đồng. Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc - ông Hồ Ngọc Mẫn đã lên các xã cánh tây của huyện để nắm tình hình, trực tiếp chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ.

HOÀNG LIÊN - CÔNG TÚ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây