Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, xây dựng Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững
- Thứ sáu - 27/03/2020 21:28
- In ra
- Đóng cửa sổ này
LTS: Tròn 90 năm trước, ngày 28.3.1930, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam chính thức được thành lập, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong tiến trình lịch sử của xứ Quảng. Từ đây, dưới sự lãnh đạo duy nhất của Trung ương và Đảng bộ tỉnh, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Quảng Nam đã chung sức đồng lòng vượt qua muôn vàn khó khăn, thách thức để hoàn thành khát vọng giải phóng quê hương, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; từng bước xây dựng quê hương Quảng Nam ngày càng phát triển với những thành tựu rất đỗi tự hào.
Kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng bộ tỉnh (28.3.1930 - 28.3.2020), đồng chí Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Quảng Nam có bài viết ôn lại những mốc son và thành tựu lớn trong chặng đường 90 năm qua của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân toàn tỉnh. Báo Quảng Nam trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Sau gần hai tháng, kể từ ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 28.3.1930, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (*) được thành lập tại địa điểm Cây Thông Một, xã Cẩm Hà (nay là khối phố Tân Thanh, phường Tân An, TP.Hội An). Trải qua 90 năm xây dựng và trưởng thành, với sứ mệnh tranh đấu “bênh vực quyền lợi cộng sản cho thợ thuyền, dân cày và những người lao khổ”, Đảng bộ Quảng Nam đã lãnh đạo quân và dân tỉnh nhà lập nhiều chiến công hiển hách, để lại những dấu ấn, mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh cách mạng, là nền tảng, động lực thúc đẩy quê hương “trung dũng - kiên cường” làm nên những thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội rất đỗi tự hào.
Bài học về lòng dân với Đảng, với cách mạng
Những ngày đầu thành lập với hơn 80 đảng viên, tuy số lượng không nhiều, nhưng đội ngũ đảng viên ấy đã thể hiện bản lĩnh kiên cường, tinh thần bất khuất trước mọi âm mưu, thủ đoạn và sự đàn áp, khủng bố hết sức dã man của kẻ thù. Từ 1939 - 1943, bốn lần phong trào gần như bị tan rã, hàng ngàn lượt cán bộ, đảng viên, cơ sở cách mạng bị bắt, tra tấn, giam cầm, nhưng những người cộng sản ấy vẫn không chùn bước. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, mỗi lần bể vỡ là một lần tổn thất của phong trào cách mạng, song cũng thêm một lần thử thách, rèn luyện ý chí của người cộng sản. Biến nhà tù thực dân thành trường học cách mạng, sau khi ra tù, lớp đảng viên ấy càng thể hiện được sự chủ động, sáng tạo trong việc kết nối, xây dựng cơ sở cách mạng, xây dựng lực lượng chuẩn bị khi có thời cơ. Mặc dù là một Đảng bộ non trẻ, số lượng đảng viên ít, nhưng với sự nhạy bén, linh hoạt, kịp thời chớp thời cơ, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã lãnh đạo Nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền trong Mùa Thu Cách mạng (1945), đưa Quảng Nam - Đà Nẵng trở thành một trong những tỉnh thành khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.
Gần một nửa thế kỷ đấu tranh kiên cường bất khuất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng bộ, quân và Nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã đem hết tinh thần, nghị lực, máu xương, tài sản cùng với quân dân cả nước đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác; đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân, đế quốc đầu sỏ, hung bạo nhất thế giới… để cùng thực hiện khát vọng thiêng liêng nhất là giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng đã xứng đáng với sự tin cậy của Nhân dân và tự hào được làm một bộ phận trung kiên trong đội quân tiên phong của giai cấp công nhân và Nhân dân lao động Việt Nam.
Để có được thắng lợi vẻ vang đó, trong gần nửa thế kỷ đấu tranh gian lao mà anh dũng, những đảng viên cộng sản của Đảng bộ tỉnh luôn xác định nhiệm vụ giải phóng Nhân dân khỏi sự áp bức, thống trị của kẻ thù là nhiệm vụ trước hết và trên hết. Nhiều cán bộ, đảng viên kiên trung sống chết với Nhân dân, kiên quyết bảo vệ quê hương đến hơi thở cuối cùng cùng. Đến lượt mình, Nhân dân sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hiểm nguy bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng. Đánh giá lòng dân với Đảng với cách mạng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc miền núi, đã được Đảng bộ tỉnh nhà khẳng định trong 6 chữ: “Trăm ơn, nghìn nghĩa, vạn tình”. Thực tiễn lịch sử đã chứng minh rằng, chỉ khi nào trái tim ấm nóng của người đảng viên cộng sản hòa cùng nhịp đập với Nhân dân thì khi đó Nhân dân mới thật sự tin tưởng vào Đảng, hết lòng hết sức bảo vệ, chở che, đoàn kết một lòng theo Đảng, theo cách mang và làm cách mạng. Trong những năm kháng chiến trường kỳ, những người đảng viên cộng sản của Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng đã làm được điều thiêng liêng ấy.
Trí tuệ và khát vọng Quảng Nam
Sau ngày quê hương được giải phóng, Đảng bộ, quân và dân Quảng Nam bắt tay vào công cuộc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục sản xuất, từng bước ổn định đời sống Nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng. Trong điều kiện vô cùng khó khăn, phức tạp của những ngày đầu giải phóng, đặc biệt từ sau sự sụp đổ của Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, Đảng bộ tỉnh đã kế thừa truyền thống cách mạng của quê hương, luôn trăn trở, tìm tòi những hướng đi mới, phát huy bản lĩnh và trí tuệ của mình để đề ra những chủ trương, quyết sách táo bạo, mang tính chất “đi trước đón đầu”, “xé rào” thể hiện tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” trước Đảng, trước Nhân dân. Thật vậy, kỳ tích trước tiên là công trình đại thủy nông Phú Ninh minh chứng hào hùng cho ý chí, lòng quyết tâm mãnh liệt đó. Những chủ trương, quyết sách ấy đã thể hiện trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ trước nhu cầu bức thiết của Nhân dân, luôn lấy quyền lợi, cuộc sống ấm no hạnh phúc của Nhân dân làm mục tiêu cao nhất để phấn đấu, tiến lên. Dù bị ràng buộc bởi những cơ chế lỗi thời, xơ cứng… Nhưng nhờ sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, được Nhân dân đồng lòng hưởng ứng, công cuộc khôi phục và xây dựng quê hương đã giành được nhiều thành tựu to lớn.
Ở thời điểm mới vừa được tái lập tỉnh, Quảng Nam là một tỉnh thuần nông, nằm trong nhóm những tỉnh nghèo nhất nước. Nhưng với tinh thần quyết tâm đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy chủ động, sáng tạo, tập trung trí tuệ tháo gỡ khó khăn, phát huy lợi thế, huy động nội lực, thu hút đầu tư, tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, sự hỗ trợ của các tỉnh, thành phố trong cả nước, của bạn bè quốc tế, nhất là chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh, đến nay, sau hơn hai thập kỷ tái lập, Quảng Nam đã tạo nên nhiều kỳ tích rất đáng tự hào, tạo ra những chuyển biến lớn, quan trọng và đầy tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng.
Đặc biệt, năm 2019 - năm tăng tốc thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, Quảng Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP - giá so sánh 2010) đạt 70.734 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 44 triệu đồng (tăng hơn 5 triệu đồng/người so với năm 2018); thu ngân sách đạt 23.278 tỷ đồng; trong đó, thu nội địa đạt 18.990 tỷ đồng (từ năm 2016, đã tự cân đối ngân sách và có điều tiết về Trung ương). Năm 2019, lần đầu tiên Quảng Nam xuất khẩu ô tô con, xe buýt sang các nước Thái Lan, Myanmar, Philippines. Tổng lượt khách tham quan, lưu trú hơn 7,79 triệu lượt, tăng 22,79% so với cùng kỳ; trong đó khách quốc tế hơn 4,6 triệu lượt, tăng 20,55%. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ từ đồng bằng đến miền núi. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả nổi bật, đã có 98/204 xã đạt chuẩn nông thôn mới (48%), có thị xã Điện Bàn và huyện Phú Ninh là huyện nông thôn mới. Đặc biệt, Quảng Nam vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất trong phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011 - 2020”. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 4 năm gần đây đều nằm trong nhóm 10 tỉnh thành phố có chỉ số tốt.
Cùng với đó, tổ chức bộ máy các cấp được củng cố, kiện toàn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường. Vai trò giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng phát huy. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI, XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị (khóa XII), góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Từ một tổ chức đảng chỉ có hơn 80 đảng viên, đến nay Đảng bộ Quảng Nam đã không ngừng lớn mạnh, có 68.882 đảng viên đang sinh hoạt tại 3.202 chi bộ trực thuộc 1.152 tổ chức cơ sở đảng.
Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của phong trào cách mạng tỉnh Quảng Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh trong 90 năm qua đã thể hiện sức mạnh nội sinh, là kết tinh của bản lĩnh, trí tuệ, là thành quả của một quá trình nỗ lực, phấn đấu bền bỉ, khát vọng vươn lên, ý chí không cam chịu thân phận nô lệ, không cam chịu đói nghèo của quân và dân Quảng Nam anh hùng.
Năm 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước và của quê hương. Cùng với Đảng ta, Đảng bộ Quảng Nam trải qua 90 mùa xuân, đặc biệt là năm tổ chức Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII. Chặng đường phía trước, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, nhưng vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi Đảng bộ Quảng Nam phải không ngừng phát huy truyền thống quê hương “trung dũng kiên cường”, phát huy bản lĩnh, trí tuệ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tiếp tục kiên định sứ mệnh, khơi dậy khát vọng vươn lên, phấn đấu xây dựng Quảng Nam sớm trở thành tỉnh phát triển theo hướng nhanh và bền vững.
Chúng ta có đủ cơ sở vững chắc để thực hiện thắng lợi niềm tin ấy.
_________
(*) Có thời kỳ là Quảng Nam - Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Đà, Đặc khu Quảng Đà. Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên là đồng chí Phan Văn Định (1903-1984).
PHAN VIỆT CƯỜNG
(ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY, CHỦ TỊCH HĐND TỈNH, TRƯỞNG ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TỈNH QUẢNG NAM)