Sáng nay 5.11, lũ lên nhanh, nhiều vùng bị ngập sâu
- Chủ nhật - 05/11/2017 03:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
* Nông Sơn: Đã di dời hơn 1.000 hộ dân đến nơi an toàn
Tính đến 15 giờ chiều ngày 5.11, lượng mưa trên địa bàn huyện Nông Sơn là 222,6mm, cộng với thủy điện Sông Tranh 2 xả lũ khiến mực nước trên sông Thu Bồn lên nhanh và ở mức cao, khiến các khu dân cư trên địa bàn huyện bị ngập sâu. Nước dâng nhanh, các tuyến giao thông liên thôn bị chia cắt khiến việc di dời tài sản, vật nuôi gặp rất nhiều khó khăn. Chính quyền huyện Nông Sơn đang khẩn trương triển khai các biện pháp để hỗ trợ người dân di chuyển tài sản, vật nuôi đến nơi an toàn, giảm thấp nhất thiệt hại cho người và tài sản của nhân dân.
Nông Sơn hai ngày qua đã di dời hơn 1.000 hộ dân đến nơi an toàn. |
Ngay từ sáng sớm ngày 5.11, gia đình bà Phan Thị Anh (thôn Trung Hạ, xã Quế Trung) đã khẩn trương vận chuyển đàn heo gần 30 con và đàn gà nhà mình đến chỗ cao để trú ngụ. Tuy nhiên, do nước tràn qua đường khiến việc đi lại hết sức khó khăn nên đến 11 giờ trưa gia đình vẫn chưa di chuyển hết đàn gia súc và vật dụng gia đình đến nơi an toàn. “Nước lớn quá nhanh nên mọi người trở tay không kịp. Riêng gia đình tôi bị trôi 8 con heo, nhìn đàn heo bị cuốn theo dòng nước mà không làm gì cứu được, tôi xót xa quá” – bà Anh cho biết.
Trước tình hình nước lớn nhanh, gia đình bà Nguyễn Thị Hai (thôn Trung Viên, xã Quế Trung) cũng như nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Nông Sơn gấp rút vận chuyển lương thực, áo quần, vật dụng gia đình đến nhà cao hơn để trú ngụ. Bà Hai cho biết: “Nước lớn nhanh quá, nhiều gia đình ở đây trở tay không kịp nhưng cũng may, nhờ có sự giúp đỡ của các hộ dân ở nơi cao hơn và các anh em xung kích của địa phương mà gia đình tôi đã di chuyển hết vật dụng gia đình, con vật nuôi đến chỗ an toàn”.
Nhiều nơi trên địa bàn Nông Sơn đã ngập sâu từ đêm 4.11. |
Theo thông tin từ Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Nông Sơn, mực nước trên sông Thu Bồn đang lên nhanh, dâng cao. Mực nước tại Trạm thủy văn Nông Sơn lúc 13 giờ chiều ngày 5.11 là 17,65m. Toàn huyện có gần 1.500 ngôi nhà bị ngập, đã tổ chức di dời hơn 1.000 hộ dân đến nơi an toàn. Nước cũng đã tiến sát nơi ở của các hộ dân tại các khu dân cư có địa hình cao trên địa bàn.
Ông Lê Văn Ni - Chủ tịch UBND xã Quế Ninh cho biết: “Ngay từ tối ngày 4.11, địa phương đã tổ chức di dời những hộ dân có nguy cơ bị ngập, sạt lở đến những nơi cao ráo. Tính đến khoảng 15 giờ ngày 5.11 đã có hơn 300 hộ dân được di dời đến nơi an toàn. Riêng tại trụ sở UBND xã, địa phương đã mở cửa cơ quan cho gần 30 hộ dân ven sông Thu Bồn (thôn Khánh Bình) trú ẩn. Tổ chức cho lực lượng xung kích địa phương di dời gia súc, gia cầm của nhân dân đến nơi cao ráo”.
Còn tại xã Quế Trung, hiện nay hầu hết các thôn đã bị ngập sâu trong nước. Ông Trà Tiến Tài - Bí thư Đảng ủy xã Quế Trung cho biết: “Từ đầu giờ chiều ngày 5.11, địa phương đã huy động tất cả các lực lượng dân quân tự vệ, quân dân chính các thôn, đội xung kích địa phương tổ chức giúp nhân dân tại các vùng rốn lũ di dời người và tài sản đến nơi an toàn”.
Ông Lê Ngọc Trung - Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện Nông Sơn cho biết cũng trong chiều ngày 5.11, Ban chỉ huy Quân sự huyện đã huy động 25 cán bộ chiến sĩ giúp dân vận chuyển tài sản ở các địa phương xa trung tâm như thôn Trung Phước 2, Trung Nam (xã Quế Trung). “Dự báo trong đêm nay (ngày 5.11) mực nước sẽ dâng cao, vì vậy Ban chỉ huy PCTT&TKCN huyện chỉ đạo quyết liệt cho các địa phương sơ tán các hộ dân ở vùng có nguy cơ bị ngập, sạt lở đến an nơi cao ráo, an toàn, không để xảy ra tình trạng bị động khi nước dâng cao trong đêm tối, đảm bảo đến mức thấp nhất thiệt hại về tài sản do thiên tai gây ra” - ông Trung cho biết thêm. (MINH THÔNG - TÂM LÊ)
Tuyến đường Vĩnh Điện đi Hội An bị nước lũ chia cắt khiến xe cộ phải quay đầu. Ảnh: QUỐC TUẤN |
Ghi nhận tại Điện Bàn sáng 5.11, nhiều khu vực trũng thấp đã bị ngập sâu 0,5m đến 1m. Nặng nhất là tại xã Điện Phương, đường giao thông ở hầu hết các thôn thuộc xã này đã bị chia cắt, chỉ có thể đi lại bằng ghe, thuyền. Hàng trăm ngôi nhà khác tại các địa phương như: Điện Phong, Điện Quang, Điện Nam Đông, Điện Minh hiện cũng đang ngập sâu trong nước.
Dù nước lũ đã tràn đường Vĩnh Điện - Hội An và có nơi ngập sâu hơn 0,5m nhưng lực lượng chức năng vẫn chưa tiến hành rào chắn, cảnh báo nguy hiểm. Ảnh: QUỐC TUẤN |
Đến 8 giờ sáng nay, tuyến đường giao thông huyết mạch từ Vĩnh Điện đi Hội An đã bị chia cắt, có đoạn ngập sâu hơn 0,5m. Tuy nhiên theo quan sát của phóng viên, lực lượng chức năng vẫn chưa tiến hành rào chắn, cắm biển báo cấm lưu thông dẫn đến một số người dân vẫn liều lĩnh cố gắng lưu thông qua khu vực này.
Hiện tại, mưa vẫn tiếp tục trút xuống không ngớt tại khu vực Điện Bàn nên dự kiến nước lũ sẽ tiếp tục dâng cao trong ngày hôm nay. (QUỐC TUẤN)
* Trưa nay 5.11, tuyến đường vào 3 xã Điện Phong, Điện Trung, Điện Quang (thị xã Điện Bàn) qua cầu Gò Nổi đã bị ngập sâu trong nước khiến giao thông bị chia cắt chỉ có thể lưu thông bằng ghe thuyền.
Cầu Gò Nổi trên biển nước. Ảnh: QUỐC TUẤN |
Như vậy, ngoài các phường Điện Dương, Điện Ngọc và Điện Nam Bắc, hầu hết tất cả các địa phương còn lại ở thị xã Điện Bàn đều đã và đang tiếp tục bị nước lũ uy hiếp.
Theo ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, mực nước tại các sông chảy qua địa bàn thị xã vẫn đang tiếp tục lên. Theo tin báo về từ các xã, phường thì hiện tại địa phương chưa ghi nhận thiệt hại về tính mạng, nhân dân ở các vùng trũng thấp cũng đã chủ động di dời người và tài sản từ sớm nên hiện chỉ có hàng trăm ngôi nhà đang bị ngập sâu.
Một đám rước dâu sáng nay ở vùng trũng của Điện Bàn. Ảnh: QUỐC TUẤN |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Quảng Nam online, trưa nay có khá nhiều đám cưới vẫn diễn ra bình thường tại các vùng ngập lụt tại thị xã Điện Bàn. Tuy vậy, người dân cần phải cảnh giác không nên di chuyển qua các tuyến đường bị ngập sâu khi không cần thiết để đảm bảo tính mạng và tài sản của chính mình.
* Theo thông tin từ Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam, hiện nay, mực nước lũ trên sông Vu Gia và Thu Bồn tiếp tục lên. Mực nước lúc 4 giờ sáng ngày 5.11 trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa (Đại Lộc) là 9,47m, trên báo động 3 là 0,47m; trên sông Thu Bồn tại Giao Thủy (Đại Lộc) là 8,29m, dưới báo động 3 là 0,31m, tại Câu Lâu (Duy Xuyên - Điện Bàn) là 3,28m, trên báo động 2 là 0,28m, tại Hội An là 1,72m, trên báo động 2 là 0,22m. Dự báo trưa và chiều nay, mực nước trên các sông Vu Gia và Thu Bồn tiếp tục lên và đạt đỉnh. Trên sông Vu Gia, tại Ái Nghĩa mực nước đạt đỉnh ở mức 9,7m, trên báo động 3 là 0,7m. Sông Thu Bồn, tại Giao Thủy đạt đỉnh mức 8,8m, trên báo động 3 là 0,2m, tại Câu Lâu ở mức 4,1m, trên mức báo động 3 là 0,1m, tại Hội An đạt đỉnh 2m, ở mức báo động 3.
Nước sông Vu Gia tràn vào sân nhà dân tại thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc. Ảnh: CÔNG TÚ |
Thông tin mới nhất, Chủ tịch UBND xã Đại Cường (Đại Lộc) - ông Trần Quốc Đạt cho biết, đến gần 7 giờ sáng nay, toàn bộ các thôn 8, thôn 9 và thôn 10 bị nước lụt bao vây, cô lập hoàn toàn với trung tâm xã; thôn Quảng Đại 1 bị ngập một phần. Tuyến đường chính ĐH3.ĐL bị nước chia cắt tại đường dẫn phía tây cầu Quảng Huế. Do không trúng vụ sản xuất chính, xã Đại Cường chưa có thiệt hại đáng kể nào về tài sản, hoa màu. Tại thị trấn Ái Nghĩa, lũ lụt gây chia cắt lưu thông trên tuyến ĐT609B, đoạn qua khu 4; ngập cầu Ngoại Thương thuộc tuyến ĐH1.ĐL tại khu 2 và khu 3. Ở xã Đại Hồng, vì nằm gần thượng nguồn sông Vu Gia nên 11 giờ đêm qua (4.11) nước đã ngập một số tuyến giao thông trên địa bàn. Tại thôn Ngọc Kinh Đông, ông Lương Đức Đại cho biết, nước đã tràn vào đến hiên nhà và hiện đang rút dần; điều đó có nghĩa phía hạ lưu nước đang lên. (CÔNG TÚ)
* Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 12 kết hợp với không khí lạnh từ phía Bắc tràn vào nên những ngày qua hầu khắp các địa phương trên địa bàn Quảng Nam có mưa to đến đặc biệt to. Cùng với đó, nhiều thủy điện ở thượng nguồn đồng loạt xả tràn khiến nước lũ dâng rất nhanh. Rạng sáng nay 5.11, nhiều vùng ở huyện Quế Sơn và Duy Xuyên đã bị cô lập…
Sáng nay 5.11, nhiều khu dân cư ở vùng đông huyện Quế Sơn đã bị lũ chia cắt. Ảnh: VĂN SỰ |
Bà Nguyễn Thị Lục ở xóm Gò (thôn Trà Đình 2, xã Quế Phú, huyện Quế Sơn) cho biết, nước từ thượng nguồn đổ về cuồn cuộn buộc chính quyền địa phương phải tháo dỡ chiếc cầu phao bắc qua hạ lưu sông Thu Bồn. Lũ dâng nhanh, từ chiều tối ngày 4.11 “ốc đảo” xóm Gò hoàn toàn bị cô lập với bên ngoài. Theo bà Lục, hiện giờ việc đi lại của người dân nơi đây chủ yếu bằng những chiếc ghe nhỏ. Tuy nhiên, do khu vực này nằm rất gần sông, nước chảy xiết nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bà Lục nói: “Lúc 7 giờ sáng nay 5.11, nước lũ đã lút sân nhà tôi. Nếu mưa to vẫn kéo dài và các thủy điện tiếp tục xả tràn thì chắc chắn trưa hoặc chiều nay nhà sẽ bị ngập”. Dứt lời, vợ chồng bà Lục cùng đứa con trai 14 tuổi hối hả khiêng cả chục bao lúa lên gác lửng và bắt heo gà, dọn dẹp các vật dụng trong gia đình để hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại.
Lũ cô lập khiến việc đi lại hết sức khó khăn. Ảnh: VĂN SỰ |
Không chỉ khu vực xóm Gò của xã Quế Phú, theo quan sát của phóng viên Báo Quảng Nam Online, sáng sớm nay 5.11 hàg loạt khu dân cư ở huyện Quế Sơn như Trung Vĩnh, Phù Sa, Thạnh Mỹ, Thạnh Hòa (xã Quế Xuân 1), Thượng Vĩnh, Phú Mỹ, Tân Mỹ, Phú Nguyên (xã Quế Xuân 2) cũng đã bị cô lập vì nhiều trục giao thông liên thôn, liên xóm bị ngập lũ từ 1-1,5m.
Nước ngập chuồng, người dân bắt heo chở đến những khu vực cao ráo. Ảnh: VĂN SỰ |
Tại huyện Duy Xuyên, 6 giờ sáng nay 5.11 một số đoạn trên trục đường ĐT 610 từ ngã 3 Nam Phước lên Mỹ Sơn đã bị ngập. Trong khi đó, do hệ thống giao thông nông thôn bị chia cắt khiến nhiều khu dân cư bị cô lập, việc đi lại của người dân hết sức khó khăn. Bà Nguyễn Thị Chín – một người dân ở xóm Hòa An (thôn Đông Yên, xã Duy Trinh) nói: “Nước lớn quá nhanh, hồi 23 giờ đêm 4.11 đám ruộng phía trước nhà tôi vẫn còn lòi hai phần ba thân cây lúa nách nhưng 5 giờ sáng nay thì nước lũ đã tràn vào căn nhà dưới, ngập lút đầu gối. Thấy vậy, vợ chồng tôi phải tất tả bắt heo, dắt bò lên đồi cao tránh lũ”. Đâu riêng gia đình bà Chín, hiện giờ hàng trăm hộ dân nằm ở các khu vực trũng thấp của các xã Duy Trinh, Duy Châu, Duy Phước, Duy Thành, Duy Vinh, thị trấn Nam Phước thuộc huyện Duy Xuyên cũng đang quýnh chân… chạy lũ. (NGUYỄN SỰ)
* Lúc 8 giờ sáng nay, ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết mực nước tại địa phương này đang là 2,05m, trên mức báo động 3 là 0,05m.
Mưa kéo dài cùng thủy điện xả lũ khiến cho nhiều nơi trong phố cổ bị ngập nước. Ảnh: XUÂN THỌ |
Từ chiều hôm qua, mưa lớn kéo dài cùng thủy điện Sông Tranh 2 bắt đầu xả lũ khiến cho tối qua, nhiều nơi ở TP.Hội An nước lũ dâng lên. Tại khu phố cổ, người dân đã chủ động di chuyển, kê đồ đạc lên nơi cao hơn. Được biết, theo thông báo, ngày hôm qua từ lúc 15 giờ 30 thủy điện Sông Tranh 2 đã cho xả lũ với lưu lượng từ 500 - 1.500m3/s; đến 18 giờ mở thêm cửa xả với lưu lượng 2.000 - 3.500m3/s.
Chợ bị ngập, nên người dân dời lên chỗ cao hơn để buôn bán. Ảnh: XUÂN THỌ |
Theo quan sát sáng nay của chúng tôi tại khu phố cổ, nhiều tuyến đường như Bạch Đằng, Huyền Trân Công Chúa, Nguyễn Phúc Chu, Phan Bội Châu bị ngập trong nước, khiến cho giao thông bị chia cắt.
Đến 7 giờ 30 sáng nay, nước đã ngập đến cổng Chùa Cầu. Ảnh: XUÂN THỌ |
Trong khi đó, ông Hùng cho biết sáng nay nhận được tin nhắn của Công ty Thủy điện Sông Tranh 2 về việc giảm lưu lượng xả lũ, tuy nhiên không rõ lưu lượng xả bao nhiêu. Mặc dù vậy, ông cũng lưu ý với các xã, phường, các đơn vị, ban ngành liên quan cần phải chủ động theo dõi kỹ vì lượng nước xả từ thủy điện vẫn đang về Hội An, trong khi đó có thủy triều khiến cho nước biển dâng lên nên có khả năng lũ sẽ bằng hoặc cao hơn năm ngoái.
Người dân phải dùng xuồng qua lại bên An Hội. Ảnh: XUÂN THỌ |
Ông Hùng cũng cho biết, thành phố cấm các hoạt động chèo thuyền chở du khách đi dạo trong khu phố cổ. “Nếu mực nước không giảm, thì có khả năng ngày mai sẽ cho học sinh nghỉ học nhằm đảm bảo an toàn” - ông Hùng cho hay.
Sóng biển tiếp tục đe dọa biển Cửa Đại. Ảnh: XUÂN THỌ |
Đến sáng nay 5.11, nhiều địa phương ở TP.Hội An đã ngập trong lũ như xã Cẩm Kim ngập toàn bộ; xã Cẩm Nam ngập khoảng 50%; còn các xã phường khác như Thanh Hà, Cẩm Phô, Minh An, Sơn Phong, Cẩm Thanh… thì ngập một phần.
Sóng biển đánh ngã dương liễu ở bãi biển Cửa Đại. Ảnh: XUÂN THỌ |
Trong khi mưa lũ gây ngập, thì bãi biển Hội An cũng bị đe dọa nghiêm trọng bởi sóng biển. Tại biển Cửa Đại, nhiều đoạn bị sóng biển đánh gây sạt lở, xâm thực sâu vào đất liền có nơi đến khoảng 20m. Ông Hùng cho biết, các lực lượng đang sẵn sàng các phương án để khắc phục, hạn chế việc sạt lở, xâm thực ở bờ biển Cửa Đại. “Tuy nhiên, hiện sóng vẫn còn khá to nên anh em chưa thể triển khai được” - ông Hùng cho hay. (XUÂN THỌ)
* Đêm 4.11, mưa lớn tiếp tục kéo dài khiến cho mực nước tại Tam Kỳ, Phú Ninh, Thăng Bình lên cao. Những khu dân cư ở vùng thấp trũng nước vào hơn nửa ngôi nhà.
Nước lũ ven TP.Tam Kỳ dâng cao. Ảnh: THANH THẮNG |
Tại Tam Kỳ: nước ở các vùng ven thành phố tiếp tục dâng lên. Tại khối phố Trường Đồng (phường Tân Thạnh) nước đang lên nhanh. Tại cột mốc báo lũ đặt tại khối phố Trường Đồng của Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Phú Ninh, mức lũ đạt 2,3m. Ông Võ Thành Tâm (khối phố Trường Đồng) cho biết, đêm qua (4.11) mưa lớn kéo dài đã khiến nước tràn vào nhiều ngôi nhà. Một số hộ dân phải di chuyển đồ đạc lên cao chống lũ. “Nếu ngày nay trời tiếp tục mưa lớn thì một số hộ dân ở đây phải tìm chỗ tránh lũ” - ông Tâm lo lắng.
Một số ngôi nhà tại xã Tam Đàn (Phú Ninh) bị cô lập. Ảnh: THANH THẮNG. |
Tại Phú Ninh: mưa lũ đã làm cho những khu trồng rau ở xã Tam An, Tam Phước, Tam Đàn bị ngập úng nghiêm trọng. Một số người dân đang cố gắng thu hoạch số rau màu còn lại. Nước lũ lên nhanh mấp mé quốc lộ 1, người dân các xã Tam An, Tam Đàn đổ xô ra quốc lộ 1 để bắt chuột về bán, trông rất nguy hiểm. Để ứng phó với nước lũ lên nhanh và bảo vệ tài sản, người dân Tam Đàn đã chủ động kê vật dụng lên cao; chủ động đưa trâu, bò… lên khu vực khô ráo tránh lũ.
Nước lớn, người dân ra đồng bắt chuột rất nguy hiểm. Ảnh: THANH THẮNG |
Tại Thăng Bình: khu vực xã Bình An bị ngập nghiêm trọng. Các xã ở vùng đông như Bình Dương, Bình Minh có gió lớn. Một số mái hiên nhà bị gió cuốn bay. Đại diện huyện Thăng Bình cho biết, hiện Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đang theo dõi tình hình ngập lụt và ứng cứu kịp thời. (THANH THẮNG)
Triển khai đội hình thanh niên xung kích chống lụt, bão Bí thư Tỉnh đoàn Phạm Thị Thanh đã có công văn yêu cầu Ban Thường vụ các huyện, thị, thành đoàn trên toàn tỉnh tham gia ứng phó khẩn cấp với thiên tai và phòng chống lụt bão. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đề nghị bí thư đoàn từ cấp huyện đến cơ sở chủ động nắm thông tin, trực ứng phó diễn biến tình hình thời tiết do ảnh hưởng của bão, lũ và thiệt hại do bão gây ra tại địa phương. Đồng thời, triển khai đội hình thanh niên xung kích phòng chống lụt, bão; phối hợp địa phương kiểm tra các khu vực đập tràn, đê biển và ra quân đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập, công trình đang thi công nhất là các tuyến đê cửa sông, các hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, các địa điểm bị sạt lở đất đá do mưa lớn gây ra; chủ động huy động các nguồn lực ứng cứu các gia đình bị cô lập trong nước, sập nhà cửa do sạt lở đất đá gây ra và tổ chức động viên, thăm hỏi các hộ gia đình khi bị thiệt hại. Tại các đập tràn nước chảy xiết, đội hình thanh niên xung kích cần ra quân hướng dẫn, hỗ trợ việc đi lại của người dân và học sinh nhằm đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và tài sản; hỗ trợ nông dân thu hoạch nông - thủy sản đã đến kỳ thu hoạch; tham gia dọn vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà cửa, khắc phục hậu quả sau mưa, lũ. Các đơn vị báo cáo nhanh tình hình thiệt hại do mưa, lũ tại địa phương về Ban Thường vụ Tỉnh đoàn vào cuối giờ làm việc hằng ngày qua địa chỉ email: vptdqnam@gmail.com hoặc qua số điện thoại 0986.809.951 (đồng chí Phạm Việt Bách - Chánh Văn phòng Tỉnh đoàn). (VINH ANH) |
* Khoảng 9 giờ 30 ngày 5.11, ông Nguyễn Đạo - Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Phú Ninh cho biết, do ảnh hưởng của bão số 12 kèm theo mưa lớn kéo dài nên nhiều khu vực trên địa bàn đã bị ngập cục bộ. Ngoài ra, tại điểm thường xuyên xảy ra ngập lụt là thôn Vạn Long (xã Tam Đàn), UBND huyện đã chỉ đạo cho chính quyền địa phương phát thông báo khẩn đến người dân để khẩn trương phòng chống. Cụ thể, UBND xã Tam Đàn phải thường xuyên theo dõi thông tin về tình hình cảnh báo lũ lụt để có phương án di dời gần 80 hộ dân tại thôn Vạn Long ra khỏi vùng ngập úng. Đồng thời, cắt cử lực lượng Xã đội và Công an xã giúp đỡ người dân di chuyển tài sản có giá trị.
“Thôn Vạn Long nằm trong địa hình trũng thấp, nếu xảy ra ngập lụt nơi này sẽ bị chia cắt, cô lập. Vì vậy để chủ động phòng chống, chúng tôi sẽ tổ chức di dời toàn bộ các hộ nếu nước tiếp tục dâng cao” - ông Đạo nói.
UBND huyện Phú Ninh nghiêm cấm người dân và phương tiện qua lại ở vùng bị ngập nước để đảm bảo an toàn. Ảnh: PHAN VINH |
Ngoài ra, tại hồ chứa nước Hố Lau (thôn Ngọc Giáp, xã Tam Dân) đã bị sự cố sụt lún trên mặt đập từ trước. Diện tích sụt lún khoảng 3,4m2, trong diễn biến thời tiết thất thường, tình trạng sụt lún ngày càng nghiêm trọng. UBND huyện Phú Ninh đã chỉ đạo xã Tam Dân theo dõi sát tình hình, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó nếu có tình huống xấu xảy ra, hạ thấp mực nước trong hồ. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng lượng quân đội và công an huyện trực 100% quân số.
Tại các địa phương khác như xã Tam An, Tam Thái, Tam Phước, Tam Thành, Tam Lộc đã xuất hiện tình trạng ngập cục bộ, một số cầu đã bị ngập gây chia cắt giao thông tuyến xã. Cụ thể, tại các khu vực dọc tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Nam, đoạn qua địa bàn huyện Phú Ninh, do lượng mưa lớn kéo dài nhiều ngày qua, các cống thoát nước của đường cao tốc không chảy kịp nên đã làm cho nhiều khu dân cư và diện tích rau màu bị ngập sâu trong nước.
Vào lúc 17 giờ, ngày 4.11, ông Nguyễn Chí Công (58 tuổi, ở thôn Phú Mỹ, xã Tam Phước) trong lúc đang sửa mái nhà thì bị trượt chân ngã xuống đất chấn thương. Hiện ông Công đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam.
Ông Nguyễn Phi Thạnh - Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh, Trưởng ban Chỉ huy PCTT-TKCN huyện cho biết: “Ngay từ hôm qua 4.11, UBND huyện Phú Ninh đã tổ chức họp khẩn cấp để đưa ra các phương án ứng phó phòng chống lũ lụt. Đặc biệt, để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân, tại đã vùng bị ngập, chúng tôi nghiêm cấm tất cả các phương tiện và người dân qua lại”. (PHAN VINH)
* Hơn 1.000 hộ dân ở Duy Xuyên bị cô lập hoàn toàn
Bắt đầu từ khuya ngày 4.11, lũ từ thượng nguồn đổ về với lưu lượng lớn đã gây ngập lụt trên diện rộng ở huyện Duy Xuyên.
Ông Tô Tiến Dũng ở thôn Lệ Bắc (xã Duy Châu) cho biết, đêm qua lũ lên rất nhanh. Chỉ trong khoảng 1 tiếng đồng hồ, nước đã ngập sâu tuyến đường độc đạo từ chợ La Tháp dẫn về thôn Lệ Bắc khiến hơn 260 hộ dân ở khu vực này bị cô lập hoàn toàn. Trước tình hình này, Ban Dân chính thôn Lệ Bắc dùng loa di động thông báo cho người dân về tình hình mưa lũ để chủ động các phương án phòng tránh. Ông Dũng nói: “Những năm trước, khi bị lũ chia cắt, chính quyền địa phương sử dụng thuyền máy đưa người và phương tiện qua lại trên sông. Tuy nhiên, hiện nay gió vẫn còn rất mạnh nên không có bất cứ phương tiện nào có thể hoạt động. Từ rạng sáng 5.11 đến giờ này, toàn bộ khu dân cư Lệ Bắc cũng đã bị mất điện hoàn toàn”.
Người dân ở huyện Duy Xuyên sử dụng những chiếc ghe nhỏ để đi lại. Ảnh: SỰ THÀNH |
Trong khi đó, ông Trần Văn Sành - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Vinh cho hay, 9 giờ sáng nay 5.11 hầu hết các tuyến đường trên địa bàn đã bị ngập lụt sâu từ 0,7-1m. Riêng thôn Đông Bình bị cô lập hoàn toàn. “Hiện tại, nước lũ chưa tràn qua cầu Hà Tân nhưng vì công trình này đã xuống cấp nghiêm trọng nên lãnh đạo địa phương kiên quyết cấm các phương tiện giao thông qua lại để đảm bảo an toàn tính mạng cho nhân dân” - ông Sành nói.
Theo ghi nhận của PV Báo Quảng Nam online, trên địa bàn Duy Xuyên hiện vẫn còn mưa khá to kèm theo gió giật mạnh và nước lũ tiếp tục dâng cao. Dự báo, đến chiều tối nay 5.11 lũ mới đạt đỉnh. Theo ông Nguyễn Văn Ngọc - Tổ trưởng Tổ thường trực thuộc Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Duy Xuyên, đến 9 giờ sáng 5.11 toàn huyện có hơn 1.000 hộ dân bị nước lũ chia cắt hoàn toàn, tập trung chủ yếu tại các xã thuộc vùng trũng thấp như Duy Vinh, Duy Phước, Duy Trinh, Duy Châu, Duy Thu… buộc người dân phải sử dụng ghe thuyền để đi lại. Cùng với đó, một số điểm trên con đường độc đạo ĐT 610 và nhiều tuyến đường giao thông liên xã, liên thôn, liên xóm cũng bị ngập sâu 0,5-1m gây khó khăn cho việc lưu thông.
Nhiều nhà dân ở hàng loạt địa phương của huyện Duy Xuyên bị ngập sâu. Ảnh: SỰ THÀNH |
Để chủ động đối phó với những diễn biến phức tạp của thời tiết, ông Nguyễn Công Dũng - Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên yêu cầu chính quyền các địa phương và những đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ tình hình mưa lũ. Tổ chức cắm biển tại các khu vực nguy hiểm để nhân dân biết và chủ động phòng tránh. Nghiêm cấm người và phương tiện đi lại trên những tuyến đường ngập sâu. Kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven biển, ven sông, vùng trũng thấp, sẵn sàng bố trí lực lượng di dời dân khi có tình huống xấu xảy ra. Nghiêm cấm tàu thuyền, đò ngang, đò dọc chuyên chở người, hàng hóa hoạt động trên sông, suối và nơi ngập sâu. Bên cạnh đó, liên tục kiểm tra các hồ đập, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện để sẵn sàng xử lý sự cố xảy ra… (VĂN SỰ - PHI THÀNH)
* Nông Sơn: Hơn 1.300 ngôi nhà chìm sâu trong nước
Mưa lớn cùng với việc xả lũ của thủy điện Sông Tranh 2 khiến mực nước trên sông Thu Bồn dâng nhanh, gây ngập nặng, nhiều khu dân cư trên địa bàn huyện Nông Sơn bị chia cắt hoàn toàn. Các trường học đồng loạt cho học sinh nghỉ học từ ngày 4.11.
Nhiều căn nhà ở huyện Nông Sơn đã bị ngập và cô lập với bên ngoài. Ảnh: T.P.TÂM |
Hiện nay, toàn huyện có 1.302 ngôi nhà bị ngập sâu trong nước, chính quyền địa phương đã sơ tán hơn 822 hộ dân đến nơi an toàn. Ông Nguyễn Chí Tùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, trước diễn biến phức tạp của mưa lũ trên địa bàn, ngay từ 7 giờ sáng 5.11 Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện đã yêu cầu Công an huyện chủ động phối hợp với các địa phương triển khai nghiêm cấm, chốt chặn không cho các loại phương tiện giao thông đường thủy hoạt động trên địa bàn; tổ chức kiểm tra nắm tình hình và chỉ đạo khắc phục ban đầu.
Trục đường chính đi trung tâm huyện Nông Sơn đã bị ngập sâu. Ảnh: T.P.T |
Được biết mực nước trên sông Thu Bồn đang lên nhanh, dâng cao, tại Trạm Thủy văn Nông Sơn là 16,81m. Vì vậy chính quyền huyện Nông Sơn đang huy động mọi nguồn lực và triển khai các phương án nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản. (MINH THÔNG - THU PHƯƠNG - TÂM LÊ)
* Tại huyện Tiên Phước, tuyến đường từ Tiên Phong đi Tiên Kỳ, qua xã Tiên Mỹ, gió làm quật ngã nhiều cây cối 2 bên đường trong đêm 4.11. Ngay sáng sớm hôm nay 5.11, UBND xã Tiên Mỹ đã huy động lực lượng dân quân, thanh niên đi phát dọn những cây đổ ngang đường làm cản trở giao thông. Các tuyến đường từ thị trấn Tiên Kỳ đi xã Tiên Lộc bị chia cắt bởi nước sông dâng cao đoạn qua cầu Cà Đong hơn 1m. Ngay trong đêm 4.11, UBND xã Tiên Lộc đã cắt cử lực lượng công an, dân quân xã chốt chặn ở hai đầu cầu.
Tuyến đường Mẹ Thứ dẫn xuống cầu chìm Sông Tiên ngập trong biển nước. Ảnh: D.L |
Tuyến đường từ Tiên Kỳ đi xã Tiên Châu, lên các xã Tiên Cẩm, Tiên Hà đã bị chia cắt bởi nước sông dâng cao ở các đoạn cầu Lò Rèn, cầu Giếng Bể, cầu Suối Trảy. Khu vực thôn Thanh Hà của xã Tiên Châu bị chia cắt cục bộ khi nước sông dâng cao làm ngập cây cầu dẫn qua thôn này. Tại xã Tiên Thọ, dốc Thắm (thôn 10) bị sạt lở nhiều đoạn, khiến giao thông bị chia cắt tạm thời. UBND xã Tiên Thọ đã huy động người dân thôn 10 dọn đống đất đá đổ xuống tạo lối đi tạm thời để người dân đi lại. Cây cầu dẫn vào thôn 10 đang được thi công đã bị nước cuốn phăng taluy âm phần dẫn xuống chân cầu, ăn sâu vào phần đường dẫn hơn 2m, làm hỏng đường dẫn rất nguy hiểm cho người và xe đi phía trên đường. UBND xã Tiên Thọ đã đi kiểm tra và cho người rào chắn, không cho dân lưu thông qua đoạn cầu này...
Người dân đang dọn đống đất đá sạt lở chắn ngang đường đi đoạn dốc Thắm (thôn 10, xã Tiên Thọ). Ảnh: D.L |
Rạng sáng 5.11, nhà ông Nguyễn Đức Hiến (thôn 8, Tiên Thọ) bị sập mái tôn phía sau do cây keo sau nhà bị gió quật ngã đập xuống. Ông Hiến cho biết trong đêm 4.11, vợ chồng ông đều có việc không ở nhà nên may mắn không thiệt hại về người. Ngay trong sáng 5.11, UBND huyện Tiên Phước đã cử người đến thăm hỏi gia đình ông Hiến, yêu cầu UBND xã Tiên Thọ báo cáo cụ thể để huyện hỗ trợ cho ông Hiến lợp lại mái tôn.
Ngay tại thị trấn Tiên Kỳ, nước sông Tiên dâng cao đã làm ngập tuyến đường Mẹ Thứ nối giữa Tiên Kỳ và thôn 7B (xã Tiên Cảnh) qua cầu chìm sông Tiên. Ở bên bờ sông Tiên phía bên thôn 7B của xã Tiên Cảnh, 3 căn nhà đã bị ngập trong dòng nước. Đến thời điểm này, nước sông Tiên đã mấp mé đường dẫn vào chợ Tiên Kỳ, gây ngập cầu Là Ngà. UBND huyện Tiên Phước đã cắt cử lực lượng túc trực ngay tại những điểm ngập, không cho người dân liều mình lưu thông.
Đoạn đường dẫn xuống cầu qua sông ở thôn 10 (Tiên Thọ) bị sạt taluy âm sâu vào trong hơn 2m, gây nguy hiểm cho người và xe lưu thông phía trên. Ảnh: D.L |
Theo UBND xã Tiên Lập, mưa lớn trong hai ngày qua đã khiến đất đá sạt lở nhiều nơi, trong đó nặng nhất là khu vực phía sau điểm Trường Mẫu giáo xã Tiên Lập. Đất đá sụt xuống đã khiến một mảng tường lớn dài khoảng 4m của một phòng học bị thủng sập. Lãnh đạo xã Tiên Lập cho biết, nếu mưa tiếp tục kéo dài, đất đá tiếp tục sạt lở sẽ gây nguy hiểm rất lớn, có nguy cơ khiến một số phòng học của Trường Mẫu giáo Tiên Lập bị sập. (DIỄM LỆ)
11 hồ chứa thủy lợi đã tích đầy nước Do mưa lớn suốt mấy ngày qua khiến mực nước của các hồ thủy lợi trên địa bàn huyện Duy Xuyên dâng cao. Lúc 3 giờ sáng nay 5.11, hồ chứa Vĩnh Trinh tiến hành xả lũ với lưu lượng 64m3/s. Ngoài ra, nước của 2 hồ chứa lớn còn lại là Phú Lộc và Thạch Bàn cũng tự chảy qua tràn. Được biết, tổng dung tích của 3 hồ chứa vừa nêu hiện đạt hơn 34 triệu mét khối nước, trong đó nhiều nhất là hồ Vĩnh Trinh với 21 triệu mét khối nước Theo ông Nguyễn Phước Năm - Giám đốc Chi nhánh thủy lợi Duy Xuyên, để chủ động đối phó mưa lũ, ngoài việc tập trung công tác quan trắc, kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của các hồ chứa và bố trí lực lượng túc trực 24/24h thì đơn vị còn tập kết dự phòng đá hộc, bao tải, rọ sắt, trạc sắt, cuốc, xẻng, xà beng, máy phát điện cùng nhiều phương tiện khác để sẵn sàng ứng phó khi tình huống xấu xảy ra. Đồng thời, lên phương án di dời dân ở vùng nguy hiểm đến các trường học, trụ sở UBND xã và những ngôi nhà kiên cố. Trong khi đó, trao đổi với PV Báo Quảng Nam online lúc 11 giờ 15 phút trưa nay 5.11, ông Nguyễn Đình Hải - Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thủy lợi Quảng Nam cho biết, trong tổng số 17 hồ chứa thủy lợi vừa và lớn do đơn vị quản lý thì tính đến thời điểm này đã có 11 hồ tích đầy nước. Trong đó, có 9 hồ nước tự chảy qua tràn, 2 hồ phải mở tràn xả đáy là Vĩnh Trinh và Việt An. Ông Hải nói thêm: “Riêng hồ chứa lớn Phú Ninh, hiện giờ mực nước vẫn thấp hơn 3m so với cao trình”. (HOÀI NHI) |
* Đường thủy nội địa bị thiệt hại do mưa lũ
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Lê Văn Sinh thông tin, mưa lũ đã gây thiệt hại nặng cho đường thủy nội địa (ĐTNĐ).
Cụ thể: nước cuốn trôi mất 4 phao báo hiệu tại khu vực bến đò Tam Hòa (huyện Núi Thành), bố trí từ km63+000 đến km64+000 trên sông Trường Giang. Vẫn trên tuyến sông Trường Giang, có 6 cột biển bị ngã đổ xuống tại khu vực cầu Tam Tiến, ngã ba sông Tam Kỳ - Trường Giang và khu vực bến đò Tam Hòa. Tuyến sông Tam Kỳ có 5 cột biển bị ngã đổ xuống sông. Tuyến Cù Lao Chàm có 4 phao báo hiệu được bố trí tại khu vực cửa biển Cửa Đại để hướng dẫn các phương tiện ra vào cửa không được thu hồi, cho nên bị sóng biển đánh đứt xích và trôi ra biển 3 phao. Nước cũng đã cuốn trôi 3 phao trên tuyến sông Vĩnh Điện, 5 phao trên tuyến sông Thu Bồn, 3 phao trên tuyến sông Hội An. Ngoài ra, đường vào nhà trạm Thu Bồn bị nước lũ chảy mạnh gây xói lở nghiêm trọng. Hiện tại, nước đã tràn vào nhà trạm Vu Gia và Thu Bồn. Trong khi đó, sáng nay, một sà lan trên sông Thu Bồn bị đứt dây neo, trôi tự do đã tông vào trụ cầu Cẩm Kim và bị chìm.
Ông Lê Văn Sinh cho biết thêm, tình hình sạt lở đất miền núi, ngập lụt vùng đồng bằng diễn biến phức tạp, Sở Giao thông vận tải Quảng Nam đã chỉ đạo đơn vị quản lý bảo trì quốc lộ, tỉnh lộ, đường thủy nội địa tiếp tục theo dõi, tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện hốt đất sụt các vị trí gây tắc đường, rào chắn khu vực sạt lở taluy âm, dọn dẹp cây cối ngã đỗ, phối hợp với các lực lượng chức năng để cảnh báo phân luồng giao thông, đảm bảo thông xe trong thời gian sớm nhất. (CÔNG TÚ)
* Lũ lên trên báo động 3, hạ du tiếp tục ngập sâu
Đến 12 giờ trưa nay 5.11, mực nước lũ trên sông Vu Gia, sông Thu Bồn đều đã vượt báo động (BĐ) 3 và được dự báo sẽ tiếp tục lên trong vài giờ tới.
Cụ thể, mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đạt 9,55m, trên BĐ3 0,55m; sông Thu Bồn tại Câu Lâu đạt 4m, ở mức BĐ3, tại Hội An 2,26m, trên BĐ3 0,26m. Dự kiến trong 12 giờ tới, lũ tiếp tục lên. Dự báo mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa lên mức 9,8m, trên BĐ3 0,8m; sông Thu Bồn tại Câu Lâu lên mức 4,7m, trên BĐ3 0,7m, tại Hội An 2,7m, trên BĐ3 0,7m.
Mưa lũ cũng khiến một người dân bị điện giật, được đưa đi bệnh viện cấp cứu. Nạn nhân là ông Đinh Văn Dưỡng (SN 1973, trú tại thôn Đại Phú, xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc) - bị điện giật trong lúc dọn lụt, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam. (THÀNH CÔNG)
Báo Quảng Nam online tiếp tục cập nhật...