Áp lực cài đặt mã định danh điện tử công dân
- Chủ nhật - 16/04/2023 16:15
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Ngay sau khi UBND tỉnh có công văn yêu cầu đẩy mạnh cài đặt, kích hoạt và sử dụng tài khoản định danh điện tử VNeID, phường Trường Xuân (TP. Tam Kỳ) bắt đầu vào cuộc quyết liệt. Lực lượng công an, cán bộ phường và các hội, đoàn thể phân thành nhiều tổ thành viên, trực tiếp rà soát, đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ người dân tại 5 khối phố trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Bảo Vân - cán bộ đô thị phường Trường Xuân, phụ trách tổ công tác tại khối phố Xuân Đông cho biết, tổ đã gửi giấy mời người dân trong khối phố và về tận nơi hỗ trợ. Đối với các trường hợp là học sinh, người làm ăn xa thì điện thoại tuyên truyền và đưa vào các nhóm zalo khối phố để hướng dẫn cách đăng ký, kích hoạt. Liên tục trong nhiều ngày qua, hệ thống truyền thanh cơ sở của phường được huy động để phát đi thông báo kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Các kênh thông tin qua mạng xã hội cũng được sử dụng triệt để tạo điều kiện cho người dân nắm bắt... Nhưng, công dân chưa thực sự hưởng ứng.
Trong tuần đầu của tháng 4 này, phường Trường Xuân chỉ có 79 người kích hoạt thành công mức 2 định danh điện tử. So với chỉ tiêu TP.Tam Kỳ giao là 618 người, tỷ lệ kích hoạt thành công của phường được xếp thấp nhất so với các xã, phường trên địa bàn. UBND phường Trường Xuân lý giải, 618 chỉ tiêu này là những công dân làm căn cước công dân (CCCD) từ ngày 1/4/2022 về sau, có thể đăng ký, kích hoạt mức 2 trên điện thoại cá nhân có cài app VNeID.
Tỷ lệ đăng ký, kích hoạt thấp là do phần lớn người dân chưa hiểu hết những tiện ích khi có định danh điện tử. Như trường hợp ông Trương Văn Đông ở phường Trường Xuân, TP.Tam Kỳ, khi nhận giấy mời của Công an phường lên trụ sở hỗ trợ kích hoạt định danh điện tử mức 2 (do CCCD làm sau 1/4/2022), ông mang theo CCCD và điện thoại di động theo yêu cầu, hoàn toàn không hiểu mục đích việc định danh điện tử.
Hiện nay, do công an cấp xã, phường không đảm bảo phương tiện, máy móc, thiết bị cần thiết nên công dân được cấp CCCD trước ngày 1/4/2022 phải đến trụ sở công an huyện, thị, thành phố để thực hiện đăng ký định danh điện tử mức 2.
Thống kê của Bộ Công an, Quảng Nam là một trong những địa phương thuộc tốp đầu về độ chậm trễ đối với định danh điện tử của người dân. Thượng tá Phan Thanh Hồng - Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính (QLHC) về trật tự xã hội cho rằng, tỷ lệ thấp không phải ở việc lượng người cài đặt, đăng ký thấp mà do số kích hoạt thấp.
Theo ông Hồng, trong toàn tỉnh, định danh mức 1 khoảng 50.000, mức 2 khoảng 150.000. Mức 1 thì do người dân tự cài đặt phần mềm trên điện thoại thông minh, sau đó nhận mã OTP từ trung tâm dữ liệu quốc gia để tự kích hoạt. Mức 2 thì người dân khi được cấp CCCD phải đến cơ quan công an cấp huyện để chụp hình, lấy dấu vân tay, tích hợp giấy tờ,…
Thượng tá Hồ Song Ân - Phó Giám đốc Công an tỉnh cho hay, triển khai đăng ký tài khoản định danh điện tử và các nội dung khác trong Đề án 06 của chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia là việc mới. Do đó, trong quá trình triển khai đã nảy sinh nhiều khó khăn.
“Chiến dịch” hỗ trợ việc định danh điện tử được Công an tỉnh Quảng Nam phát động, với trách nhiệm và tinh thần phục vụ không kém đợt cao điểm cấp căn cước công dân triển khai trước đó.
Nâng cao tỷ lệ kích hoạt
Cư dân sống thưa thớt, địa bàn cách trở, người dân chưa thành thạo sử dụng công nghệ thông tin... là những trở ngại mang tính đặc thù của địa bàn miền núi. Do đó, công việc của Thượng úy Nguyễn Hồng Trung - công an viên xã Trà Kót, Bắc Trà My những ngày này thêm bộn bề khi bước vào đợt “cao điểm” triển khai kích hoạt tài khoản định danh điện tử cho người dân. Không có ngày nghỉ, Công an xã dành tối đa thời gian để thông báo, hỗ trợ người dân khi có nhu cầu.
Tại TP.Tam Kỳ, việc tuyên truyền và triển khai hỗ trợ người dân về định danh điện tử là nhiệm vụ quan trọng, được Công an thành phố cụ thể hóa bằng nhiều giải pháp. Đơn vị lồng ghép nhiệm vụ này vào hoạt động hội chợ, ngày hội chuyển đổi số, các sự kiện tuyên truyền cấp thành phố ở cơ sở. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trên địa bàn thành phố được vận động đi đầu, làm gương đăng ký kích hoạt định danh điện tử mức 1, 2.
Theo thống kê của Công an TP.Tam Kỳ, đơn vị này đã thu nhận 14.000 hồ sơ thông tin và gửi về Cục Cảnh sát QLHC về trật tự xã hội. Sau đó, phía Cục đã gửi mã kích hoạt về điện thoại đăng ký của người dân, tuy nhiên chỉ có khoảng 1.200 người kích hoạt mã định danh.
Trung tá Trương Hoàng Anh - Đội trưởng Đội cảnh sát QLHC về trật tự xã hội Công an TP.Tam Kỳ cho biết, một phần nguyên nhân do người dân còn thờ ơ, chưa thật sự quan tâm và chưa thấy được tính chất quan trọng của định danh điện tử. Mặt khác, các cơ quan nhà nước hiện nay vẫn chưa áp dụng nhiều định danh mức 1, 2 này. Do đó, tỷ lệ đăng ký lẫn kích hoạt vẫn còn thấp.
Nỗ lực hoàn thành mục tiêu đề ra
Theo Thượng tá Phan Thanh Hồng - Trưởng phòng QLHC về trật tự xã hội, Công an tỉnh, sau khi nhận chỉ đạo của Bộ Công an, lực lượng công an và các ban, ngành, địa phương, đoàn thể toàn tỉnh đang phối hợp, đẩy mạnh cả 2 mức định danh điện tử. Trong đó, mức 1 tập trung vận động toàn dân thực hiện. Mức 2 sẽ tập trung cho nhóm cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, học sinh sinh viên, nhất là đối tượng trực tiếp làm dịch vụ công.
Ở cấp xã, phường, lực lượng công an đến từng thôn, khối phố với phương châm “Đi từng ngõ, gõ từng nhà, mời từng người”. Đồng thời phát huy vai trò Tổ công nghệ cộng đồng trong tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân cài đặt định danh điện tử. Quy mô tuyên truyền triển khai linh hoạt phù hợp từng khu vực như tuyên truyền chung, tuyên truyền nhóm, rồi tư vấn, hướng dẫn cho từng cá nhân cài đặt, kích hoạt.
Bộ Công an giao chỉ tiêu cho Công an Quảng Nam từ nay đến 30/6 đạt 730.000 định danh mức 1 và 2.Lãnh đạo Phòng Cảnh sát QLHC về trật tự xã hội cho biết thêm, nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được tập trung mạnh mẽ từ năm 2019 đến nay. Đây là dữ liệu gốc để quản lý con người, từ đó phục vụ kết nối, chia sẻ. Muốn dữ liệu dân cư đúng - đủ - sạch - sống, đảm bảo cho quá trình định danh điện tử, lực lượng công an phải thường xuyên theo dõi, cập nhật, chỉnh sửa.
Đồng thời phối hợp với các ngành, nhất là tư pháp, y tế, nội vụ, hội đoàn thể,… cùng triển khai. Qua đó giúp dữ liệu chuyên ngành được kết nối vào dữ liệu dân cư, đồng bộ và tạo thuận lợi nhất. Thời điểm này, ngành công an cần sự hỗ trợ của người dân và sự vào cuộc của các cấp, các ngành. Đặc biệt, người dân khi thay đổi thông tin cá nhân cần báo ngay với công an cơ sở để điều chỉnh, hạn chế thấp nhất việc sai sót, ảnh hưởng đến các giao dịch cá nhân sau này.
Được chọn thí điểm nhập dữ liệu từ sổ hộ tịch trên nền cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, UBND phường Tân Thạnh (TP.Tam Kỳ) đã chỉ đạo công chức tư pháp - hộ tịch phối hợp, bàn giao sổ hộ tịch cho công an phường và nhập dữ liệu hồ sơ khai sinh lưu trữ tại địa phương năm 2009. Tuy nhiên, mô hình thí điểm này bước đầu gặp nhiều vướng mắc.
Ông Phan Văn Ngọc - Phó Chủ tịch UBND phường Tân Thạnh nói, nhập dữ liệu đăng ký khai sinh không có ngày/ tháng/ năm sinh của cha mẹ, quê quán của con gây ra khó khăn trong khai thác dữ liệu sau này. Thao tác nhập dữ liệu phức tạp, trong khi công chức tư pháp - hộ tịch còn phải tiếp công dân và xử lý hồ sơ chuyên môn, nên việc phối hợp nhập liệu chưa thể thực hiện thường xuyên. Chưa kể, hệ thống trang thiết bị còn thiếu, phục vụ nhiều nhiệm vụ, không đảm bảo thời gian nhập dữ liệu hồ sơ theo quy định.
Ông Dương Ngọc Vinh - Phó Giám đốc Sở Y tế:
“Chuyển đổi số, tích hợp dữ phải có lộ trình, thời điểm để các ngành cùng ứng dụng triển khai, do con người và hạ tầng công nghệ hiện nay còn nhiều điểm yếu. Người của ngành lẫn người dân sử dụng các tiện ích liên quan đều còn yếu, không đồng bộ, hai phía không đảm bảo sẽ khó phát huy được mục tiêu đề ra. Chưa kể việc mua sắm trang thiết bị để phục vụ sử dụng căn cước công dân, tài khoản định danh điện tử trong khám chữa bệnh là điều khá phức tạp.”
Bà Lê Thị Kim Chung, Trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ Bưu điện tỉnh:
“Hiện nay, đơn vị đã tiếp nhận hơn 12.000 hồ sơ qua Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, hơn 7.800 hồ sơ ở bộ phận một cửa cấp huyện. Tỷ lệ tiếp nhận trực tuyến ở cấp tỉnh hơn 67%, cấp huyện hơn 38%. Hiện nay, vướng mắc nảy sinh ở việc thanh toán phí, lệ phí trực tuyến trên cổng dịch vụ công, một số thủ tục tiền vào tài khoản của bưu điện nhưng trên cổng dịch vụ không có phát sinh và ngược lại, cần có giải pháp để khắc phục, đảm bảo sự thuận tiện cho người dân.”
Ông Nguyễn Văn Bình - Giám đốc Công nghệ thông tin của VNPT Quảng Nam: "Những vướng mắc liên quan một số trường thông tin chưa được tích hợp khi giao dịch thủ tục hành chính trực tuyến, scan khổ A5, A3 sẽ được khắc phục khi chương trình mới được đưa vào áp dụng. Chương trình này cũng sẽ tích hợp kho dữ liệu hồ sơ cá nhân, lưu trữ cho công dân khi giải quyết thủ tục hành chính trên cổng dịch vụ công."
Theo ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở TT-TT, cơ sở dữ liệu dân cư sẽ được dùng chung cho nhiều ngành, tính ứng dụng rất cao. Tuy nhiên, việc triển khai dịch vụ công đã được xây dựng từ năm 2018, trong khi cơ sở dữ liệu dân cư mới thực sự được xây dựng từ năm 2020 và đẩy mạnh từ năm 2022, do đó để “khớp nối”, cần phải có lộ trình, thời gian.