Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

https://tinhdoanqnam.vn


Đồng bộ chuyển đổi số trong hoạt động du lịch

Đồng bộ chuyển đổi số trong hoạt động du lịch
Chuyển đổi số trong hoạt động du lịch đã trở thành xu hướng tất yếu, đòi hỏi sự đồng hành không chỉ của ngành du lịch mà cả doanh nghiệp, điểm đến trong việc ứng dụng công nghệ vào phục vụ khách tham quan, hướng đến sự tiện ích và phát triển bền vững.
Quét QR Code thuyết minh tự động tại di tích Mỹ Sơn. Ảnh: V.L
Quét QR Code thuyết minh tự động tại di tích Mỹ Sơn. Ảnh: V.L

Xu hướng tất yếu

Bà Maddy (Úc) cẩn thận đưa chiếc điện thoại thông minh lên quét mã QR Code dán trên tấm sắt mỏng đặt trước nhóm tháp C khu di sản Mỹ Sơn (Duy Xuyên), bắt đầu truy cập vào phần thuyết minh để nghe những thông tin về quần thể đền tháp. “Bài thuyết minh rất rõ ràng, dễ hiểu” - bà Maddy tỏ rõ sự hài lòng sau khi nghe xong bản dịch tự động.

Thuyết minh đa ngôn ngữ (Audio Guide) đươc Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn đưa vào phục vụ khách từ tháng 7/2023. Đây là sản phẩm tiếp theo của Mỹ Sơn sau khi triển khai website thực tế ảo VR360 và thực hiện chương trình thuyết minh trực tuyến phát trên mạng xã hội facebook, youtube…

Từ vài năm nay, chuyển đổi số trong hoạt động du lịch được các điểm đến như Mỹ Sơn và một số doanh nghiệp Quảng Nam quan tâm. Việc áp dụng công nghệ số như thẻ điện tử, AI vào quản lý các hoạt động du lịch đã và đang được nhiều nơi tính tới nhằm mang lại sự tiện ích, đa dạng dịch vụ, sản phẩm du lịch, tăng giá trị trải nghiệm cho khách tham quan.

Đặc biệt, việc xây dựng bản đồ số du lịch, tích hợp các địa điểm tham quan, lưu trú, mua sắm, giải trí, ẩm thực… với các dịch vụ vận chuyển, trạm ATM, trung tâm thể thao, bệnh viện, các điểm thuê phương tiện giao thông, các trạm xe buýt, sân bay… đang được tính toán triển khai. Du khách có thể tra cứu bản đồ xem thông tin, chỉ đường, định vị, tìm kiếm, lọc vị trí rất thuận lợi.

Tham quan qua thực tế ảo. Ảnh: V.L
Tham quan qua thực tế ảo. Ảnh: V.L

Ông Nguyễn Trọng Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Hội An DMC nhìn nhận, chuyển đổi số là tất yếu nhằm không chỉ giúp du khách linh hoạt trong suốt quá trình tham quan mà còn là chất xúc tác tối ưu hóa bộ máy vận hành, nâng cao hiệu quả quản lý, cải thiện chất lượng dịch vụ của doanh nghiệp.

Đến nay, nhiều doanh nghiệp du lịch Hội An đã thực hiện các hoạt động điều hành, quản lý trên hệ thống phần mềm chuyên dụng. Du khách có thể kết nối đặt tour hoặc booking (đặt trước) phòng lưu trú dễ dàng chỉ bằng một cái nhấp chuột. Xu hướng này càng thông dụng khi nhu cầu liên kết giữa các bên cung ứng dịch vụ như lữ hành - lưu trú; lữ hành - vận chuyển; lữ hành - khách sạn, lữ hành - dịch vụ vui chơi giải trí… ngày càng chặt chẽ.

Thúc đẩy chuyển đổi số

Một hệ sinh thái chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp, điểm đến và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch dần hình thành. Tuy vậy, so với tốc độ phát triển công nghệ, việc chuyển đổi số tại các doanh nghiệp du lịch Quảng Nam diễn ra tương đối chậm do những rào cản về nhân sự, hạ tầng kỹ thuật…

Năm 2022, ông Nguyễn Sơn Thủy – Giám đốc Công ty du lịch Duy Nhất Đông Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam tiến hành một khảo sát nhỏ với 79 doanh nghiệp lữ hành, nhận thấy hầu hết doanh nghiệp đối mặt với nhiều rào cản khi chuyển đổi số như chi phí đầu tư ban đầu, ứng dụng công nghệ số, cơ sở hạ tầng, tập quán kinh doanh, thói quen từ người lao động…

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp du lịch cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Ảnh: V.L
Khó khăn của doanh nghiệp du lịch khi tham gia vào quá trình chuyển đổi số là hạn chế về hạ tầng công nghệ. Ảnh: V.L

Từ kết quả khảo sát và thực tế doanh nghiệp, ông Nguyễn Sơn Thủy cho rằng, để triển khai hiệu quả chuyển đổi số trong cộng đồng doanh nghiệp, trước mắt ngành du lịch và các cấp ngành liên quan cần xây dựng cơ sở hạ tầng số ổn định. Đồng thời, nhanh chóng thí điểm nền tảng 5G, 6G để đi trước đón đầu công nghệ mới.

Đặc biệt, có chiến lược đào tạo đội ngũ lao động có tay nghề cao, định hướng trang bị kỹ năng số, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số của doanh nghiệp. Khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn chuyển đổi, đầu tư công nghệ, xây dựng các mô hình kinh doanh mới, tạo ra giá trị gia tăng, tăng trưởng tốt trong tương lai.

“Chuyển đổi số vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp đột phá hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh. Vì vậy, cần sự hợp lực giữa ngành du lịch, địa phương và doanh nghiệp nhằm thúc đẩy du lịch Quảng Nam phát triển” - ông Thủy phân tích.

Thời gian qua, ngành du lịch hình thành nền tảng số thông qua cổng thông tin du lịch (địa chỉ https://quangnamtourism.com.vn). Du khách chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh có thể tìm kiếm thông tin hữu ích, chủ động trong suốt chuyến đi, từ việc tra cứu các thông tin cơ bản, các sự kiện đang và sắp diễn ra, lịch trình chuyến bay, tàu xe... tới hệ thống điểm đến, nhà hàng, khách sạn, siêu thị, cơ sở mua sắm...

Ngoài ra, ứng dụng cũng hỗ trợ cảnh báo về tình trạng tắc nghẽn giao thông quanh khu vực du khách đang đứng, vùng cảnh báo an ninh trật tự, vùng cảnh báo dịch bệnh… Quang Nam tourism được xem như một trợ lý du lịch ảo uy tín cho du khách.

Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, điểm đến du lịch cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Ảnh: V.L
Ngày càng có nhiều doanh nghiệp, điểm đến du lịch cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Ảnh: V.L

Du lịch Quảng Nam đã hình thành cấu trúc tổng thể của hệ sinh thái du lịch thông minh và tạo dựng những công cụ hỗ trợ giúp các nhóm chủ thể dễ dàng tham gia, khai thác. Dù vậy, hệ sinh thái du lịch thông minh chỉ có thể phát triển và hoàn thiện khi tất cả chủ thể sẵn sàng tham gia, chia sẻ, đóng góp, tích hợp tài nguyên vào hệ thống chung của ngành du lịch.

 
 VĨNH LỘC
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây