Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

https://tinhdoanqnam.vn


Đường đến vùng thông minh, đô thị thông minh

Đường đến vùng thông minh, đô thị thông minh
Hợp phần xây dựng chiến lược tổng thể thành phố thông minh Quảng Nam và kế hoạch tổng thể phát triển thành phố thông minh Tam Kỳ thời gian qua đã có những chuyển động tích cực.
Dự kiến trong quý 3 năm nay Tam Kỳ sẽ lắp đặt dịch vụ thí điểm giám sát camera giao thông ở gần 50 địa điểm trong khuôn khổ dự án phát triển thành phố thông minh Tam Kỳ. TRONG ẢNH: Giới thiệu việc vận hành thử nghiệm camera giám sát giao thông ở Tam Kỳ. Ảnh: Q.T
Dự kiến trong quý 3 năm nay Tam Kỳ sẽ lắp đặt dịch vụ thí điểm giám sát camera giao thông ở gần 50 địa điểm trong khuôn khổ dự án phát triển thành phố thông minh Tam Kỳ. TRONG ẢNH: Giới thiệu việc vận hành thử nghiệm camera giám sát giao thông ở Tam Kỳ. Ảnh: Q.T

“Hạt nhân” Tam Kỳ

Với sự hỗ trợ tích cực của Cơ quan Hợp tác phát triển quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA Việt Nam) cùng các đối tác Hàn Quốc, dự thảo kế hoạch chiến lược vùng thông minh tỉnh Quảng Nam đã hình thành với định hướng thiết lập vùng thông minh ở 4 địa phương Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ, Núi Thành.

Dù vậy, trước mắt với vai trò đô thị tỉnh lỵ và được xây dựng kế hoạch tổng thể riêng để phát triển đô thị thông minh (ĐTTM), Tam Kỳ đang có dấu ấn nổi bật hơn cả trong hợp phần này.

Cuối tuần qua, UBND TP.Tam Kỳ phối hợp với KOICA Việt Nam tổ chức hội thảo tham vấn hợp phần chiến lược tổng thể thành phố thông minh Quảng Nam và kế hoạch tổng thể phát triển thành phố thông minh Tam Kỳ thuộc Dự án xây dựng thành phố thông minh tỉnh Quảng Nam.

Dự kiến lễ báo cáo giữa kỳ dự án sẽ diễn ra vào cuối tháng 8/2023, đến khoảng tháng 11/2023 sẽ tiến hành thủ tục phê duyệt kế hoạch chiến lược.

Trong tháng 10/2023, dự án sẽ tổ chức chuyến tập huấn lần thứ 2 cấp chuyên viên tại Hàn Quốc với sự tham gia của 20 chuyên viên đến từ Điện Bàn, Hội An, Tam Kỳ, Núi Thành.

Được biết, Dự án xây dựng thành phố thông minh tỉnh Quảng Nam có tổng mức đầu tư 10 triệu USD, trong đó KOICA viện trợ 9 triệu USD, ngân sách TP.Tam Kỳ đối ứng 1 triệu USD gồm 7 hợp phần, thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo UBND TP.Tam Kỳ, thành phố đã chuẩn bị nhiều điều kiện để xây dựng dịch vụ thí điểm và trung tâm điều hành thông minh. Dự kiến trong quý 3 năm nay Tam Kỳ sẽ bắt đầu tiếp nhận và lắp đặt dịch vụ thí điểm camera giao thông ở gần 50 địa điểm, lắp đặt camera giám sát tốc độ ở 6 địa điểm, lắp đặt dịch vụ thí điểm ngập lụt ở 3 địa điểm và 2 địa điểm thực hiện thí điểm camera công cộng ở quảng trường và khu vực tượng đài Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Cũng trong khuôn khổ dự án xây dựng ĐTTM Tam Kỳ, dự kiến cuối tháng 9/2023 thành phố sẽ đưa vào vận hành cổng thông tin du lịch và cổng thông tin y tế. Bên cạnh đó nhiều cơ sở dữ liệu phục vụ ĐTTM ở các lĩnh vực đã được Tam Kỳ thu thập, xây dựng và chuẩn hóa nhưng chưa tiến hành đăng tải.

Ông Nguyễn Minh Nam - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho hay, khoảng 2 năm từ lúc khởi động dự án đến nay, các nội dung khảo sát hiện trạng, nhu cầu của hợp phần kế hoạch chiến lược vùng thông minh tỉnh Quảng Nam và kế hoạch chiến lược đô thị thông minh Tam Kỳ đã hoàn thiện để xây dựng các bản dự thảo phù hợp với địa phương hơn, đảm bảo tính khả thi hơn, nhất là việc tích hợp, sử dụng phân kỳ đầu tư thích hợp với chương trình Chuyển đổi số phiên bản khung kiến trúc 2.0 của tỉnh đang thực hiện.

Áp dụng công nghệ phù hợp nền tảng đô thị

Theo Giáo sư Ahn Jong Wook - Trường Đại học Anyang (Hàn Quốc), một đơn vị hỗ trợ triển khai dự án, ĐTTM là đô thị hiện đại cung cấp nhiều dịch vụ đô thị đa dạng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin tối tân như internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), bigdata… Tuy nhiên cần tiếp cận phù hợp với trình độ công nghệ và đặc trưng không gian để có thể ứng dụng cho đô thị và cả nông thôn Quảng Nam các công nghệ có thể hiện thực hóa mục tiêu thiết lập vùng thông minh.

“Cụ thể ở đây là áp dụng các nền tảng dễ sử dụng, đem lại hiệu quả cho người dân, công nghệ có nền tảng phù hợp với cách giải quyết các vấn đề đô thị trong vùng thông minh tỉnh Quảng Nam” - Giáo sư Ahn Jong Wook nói.

Dự thảo định hướng và kế hoạch phát triển vùng thông minh tỉnh Quảng Nam xác định, ngoài các dịch vụ chung thì các đô thị trong vùng thông minh của tỉnh sẽ có các dịch vụ đặc thù. Với Điện Bàn là dịch vụ nông trại thông minh; ứng dụng năng lượng mới; ứng dụng hệ thống ủ phân và chất thải thực phẩm thân thiện với môi trường.

Dịch vụ đặc thù của Hội An sẽ là dịch vụ phòng chống tội phạm và ứng phó khẩn cấp tại điểm du lịch; dịch vụ hướng dẫn du lịch thông minh; dịch vụ wifi công cộng. Tam Kỳ sẽ có dịch vụ nền tảng hướng dẫn thông tin điểm du lịch; dịch vụ xe buýt kết nối các điểm du lịch phục vụ theo nhu cầu; dịch vụ ứng dụng công nghệ thông tin vào điều hành quản lý khu công nghiệp. Còn với Núi Thành sẽ có dịch vụ dự báo xuất hiện sương mù; dịch vụ nội dung mua sắm thông minh.

Theo đơn vị tư vấn cũng như các đối tác hỗ trợ, việc xây dựng và cung cấp dịch vụ ĐTTM thuộc dự án đã duy trì tính thống nhất với chính sách ĐTTM của Việt Nam, đồng thời phù hợp với các vấn đề đô thị chủ yếu được ghi nhận ở Quảng Nam hiện nay.

 QUỐC TUẤN
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây