Hiệu quả mô hình truyền thanh thông minh ở Phú Ninh
- Thứ hai - 22/01/2024 07:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Suốt nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Lành - cán bộ truyền thanh xã Tam Lộc phải đến cơ quan lúc 4 giờ sáng để tiếp âm các chương trình phát thanh. Không quản ngại mưa gió hay ngày lễ tết, công việc của người làm truyền thanh cơ sở là mang “cánh sóng” truyền thanh đến mọi nhà, phục vụ nhu cầu thông tin cho nhân dân.
Nhưng nay chuyện vất vả này đã không còn, ông Nguyễn Văn Lành cùng 10 cán bộ truyền thanh cơ sở ở Phú Ninh không cần phải đi đến cơ quan mà chỉ cần mở phần mềm được cài sẵn trên điện thoại để thực hiện công việc của mình.
“Cán bộ đài truyền thanh xã rất vui khi được vận hành hệ thống truyền thanh mới, rất thông minh này. Nó thuận lợi từ khâu vận hành đến chất lượng âm thanh truyền phát. Người dân khen ngợi vì không còn chuyện loa phát thanh bị rè, lúc tắt lúc mở nên chúng tôi vui lắm” - ông Lành nói.
Tương tự, bà Phạm Thị Dục là nữ cán bộ đài truyền thanh xã duy nhất của huyện Phú Ninh gắn bó với việc trực phát sóng gần 5 năm nay. Bà Dục chia sẻ, bà luôn nhận được sự hỗ trợ của các kỹ thuật viên của Trung tâm Văn hóa – thông tin và truyền thanh – truyền hình huyện Phú Ninh những khi máy móc gặp sự cố hay hệ thống loa hư hỏng. Tuy nhiên, việc đi sớm về muộn, hay leo trèo các trụ loa phóng thanh để sửa chữa hệ thống loa rất bất tiện đối với phụ nữ.
Đồng thời, cán bộ đài truyền thanh cơ sở là việc kiêm nhiệm nhưng việc rất nhiều. Phải dự các cuộc họp của xã để nắm bắt thông tin rồi chuẩn bị nội dung các chương trình phát sóng trong ngày, đọc các bản tin, chỉnh sửa loa máy và trực tiếp phát sóng.
“Nhờ hệ thống truyền thanh công nghệ thông tin - viễn thông đưa vào hoạt động mà tôi chỉ cần thao tác trên điện thoại thông minh là có thể thực hiện tiếp, phát sóng các chương trình Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PT-TH tỉnh, huyện và chương trình phát thanh của xã” - bà Dục cho biết.
Việc đầu tư hệ thống truyền thanh công nghệ thông tin - viễn thông là giải pháp chuyển đổi số tối ưu cho các đài truyền thanh cơ sở, đảm bảo thông tin luôn được thông suốt, kịp thời và bắt kịp xu thế phát triển của thời đại 4.0. Vì vậy, Nghị quyết 28/NQ-HĐND ngày 29/4/2020 của HĐND tỉnh về hỗ trợ xây dựng hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông tỉnh Quảng Nam ra đời. Xác định tầm quan trọng của truyền thanh cơ sở trong công tác truyền thông chính sách, HĐND huyện Phú Ninh cũng ban hành Nghị quyết số 27 để cùng thực hiện nội dung này.
Đến nay, Phú Ninh đã đầu tư hơn 7,6 tỷ đồng, trong đó ngân sách tỉnh hơn 2 tỷ đồng để đầu tư hệ thống truyền thanh thông minh ở 11/11 xã, thị trấn. Hệ thống này bao gồm máy vi tính, cụm thu, loa... Đến nay, địa phương này có tổng cộng 247 cụm và 617 loa phát thanh hoạt động tốt, phủ sóng toàn huyện.
Bà Trịnh Thị Bích Uyên - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - thông tin và truyền thanh - truyền hình huyện Phú Ninh cho biết, trước đây, khi công nghệ số chưa phát triển, truyền thanh FM bộc lộ nhiều hạn chế như chất lượng âm thanh kém, không đồng đều trong toàn tuyến. Và hay bị nhiễu mạch, tín hiệu kém, đôi khi còn có sóng lạ chèn vào…
Khi hệ thống truyền thanh công nghệ thông tin - viễn thông được áp dụng, chất lượng âm thanh tại các cụm loa tốt, không lẫn tạp âm và đặc biệt không bị chèn sóng. Và không bị giới hạn khoảng cách truyền tín hiệu, có thể xử lý chuyển từ văn bản giấy qua giọng nói…
“Với ưu thế đó hệ thống truyền thanh công nghệ thông tin - viễn thông giải quyết triệt để những hạn chế của loa truyền thanh truyền thống, mang lại hiệu quả tốt hơn trong việc truyền tải tin tức, đưa thông tin về cơ sở, từ đó công tác truyền thông chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước sẽ hiệu quả hơn” - bà Uyên nói.