Triển khai nhiều giải pháp cải thiện chỉ số Chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam
- Thứ tư - 08/11/2023 08:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thực hiện đạt mục tiêu đề ra, UBND tỉnh triển khai nhiệm vụ cụ thể cho 8 bộ chỉ số thành phần, trong đó, tiếp tục nâng cao trách nhiệm và hiệu quả chỉ đạo, điều hành của các ngành, địa phương đối với việc xác định chỉ số DTI cấp tỉnh, nhằm nâng cao điểm của chỉ số “Nhận thức số” (năm 2022 đạt giá trị 0,8 điểm, giảm 44 bậc so với năm 2021). Các ngành, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong toàn dân.
Về “Thể chế số” (năm 2022 đạt giá trị 0,8 điểm, giảm 14 bậc so với năm 2021), UBND tỉnh chủ trương bố trí ngân sách đảm bảo chi cho chuyển đổi số của tỉnh với tỷ lệ % tối thiểu trong tổng chi ngân sách hàng năm và giai đoạn 2023 - 2025; có chính sách thuê chuyên gia chuyển đổi số đối với những vị trí mà công chức, viên chức chưa đáp ứng.
Đối với “Hạ tầng số” (năm 2022 đạt giá trị 0,6764 điểm, tăng 24 bậc so với năm 2021), UBND tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông mở rộng vùng phủ sóng và nâng cao chất lượng mạng di động 3G, 4G; triển khai mạng 5G. Thúc đẩy sử dụng nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số ở ngành, địa phương, nhất là các nền tảng phục vụ chuyển đổi số.
“Nhân lực số” là một trong nhóm chỉ số tỉnh Quảng Nam triển khai năm 2022 ở mức rất thấp (đạt giá trị 0,4477 điểm). Để cải thiện, UBND tỉnh tập trung giải pháp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của cơ quan, đơn vị, địa phương; đảm bảo tỷ lệ cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng ở mức khá.
Nghiên cứu, triển khai các hình thức đào tạo phong phú nhằm thu hút, tăng số lượng sinh viên theo học và tốt nghiệp chuyên ngành Công nghệ thông tin, các nội dung về chuyển đổi số, tăng tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp cao đẳng, đại học, sau đại học về chuyển đổi số.
Trong khi đó, “An toàn thông tin mạng” của tỉnh Quảng Nam thuộc nhóm chỉ số triển khai ở mức khá (tăng 18 bậc so với năm 2021). Phát huy kết quả đạt được, UBND tỉnh đặt mục tiêu đảm bảo tối thiểu 50% hệ thống thông tin được xác định, phân loại và phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ.
Phấn đấu tối thiểu 50% số lượng máy chủ, máy vi tính trong các cơ quan nhà nước được cài đặt phần mềm phòng chống mã độc và kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) hoặc kết nối với Trung tâm Giám sát an toàn thông tin của bộ, ngành quản lý.
“Hoạt động Chính quyền số” năm 2022 của Quảng Nam cũng thuộc nhóm triển khai ở mức khá, đạt giá trị 0,727 điểm phần trăm, tăng 21 bậc so với năm 2021.
Giữ vững chỉ số này, UBND tỉnh hướng đến triển khai trợ lý ảo để phục vụ người dân, doanh nghiệp, công chức, viên chức trong hoạt động của chính quyền số. Tiếp tục tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình và một phần; tăng tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Năm 2022 “Hoạt động Kinh tế số” của Quảng Nam chỉ đạt 72,33/150 điểm (giá trị 0,4822), giảm 18 bậc so với năm 2021. Do đó, UBND tỉnh quyết nâng cao tỷ trọng kinh tế số trong GRDP đảm bảo đạt tối thiểu 10% GRDP của tỉnh.
Tăng tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử; triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy việc giao dịch trên sàn thương mại điện tử, phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn nhằm tăng tỷ lệ các giao dịch trên các sàn thương mại điện tử do mình quản lý. Tăng số lượng doanh nghiệp nộp thuế điện tử trên địa bàn tỉnh.
“Hoạt động Xã hội số” năm 2022 cũng giảm đến 11 bậc so với năm 2021, chỉ đạt 41,35/150 điểm (giá trị 0,275). Cải thiện chỉ số này, UBND tỉnh đề ra giải pháp thúc đẩy tuyên truyền, hướng dẫn người dân về kỹ năng số thông qua các Tổ Công nghệ số cộng đồng; tạo thuận lợi cho người dân tham gia giải quyết các vấn đề của địa phương trên nền tảng số, không gian mạng. Tăng số lượng dân số ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số và tăng số lượng người dân có danh tính số/tài khoản định danh điện tử...