DI TÍCH LỊCH SỬ QUỐC GIA - ĐÌNH LÀNG PHIẾM ÁI
- Thứ năm - 23/02/2023 09:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Vài nét về vùng đất Phiếm Ái.
Từ thị xã Điện Bàn chạy dọc theo tuyến đường ĐT609 khoảng 17km, đến thị trấn Ái Nghĩa, chạy thêm một đoạn cỡ 2km nữa thì chúng ta đã đặt chân đến địa phận của Làng Phiếm Ái thuộc xã Đại Nghĩa. Ngôi làng tọa lạc bên dòng sông mẹ Vu Gia hiền hòa thơ mộng với những hàng tre già chống lũ thướt tha, xa xa với những bãi bồi cát trắng làm cho hồn người như trở lại với tuổi thơ.
Từng là vùng đất thuộc địa phận Champa và trở thành lãnh thổ của Đại Việt sau cuộc hôn nhân huyền thoại dưới thời Trần, theo bước chân Nam Tiến của Lê Thánh Tông tiên tổ vùng đất này từ vùng Thanh Hóa đã vào đây để khai làng lập ấp. Tấm hoành phi ở nhà thờ tộc Trương có câu “Hóa châu lai tích, Ái thổ triệu cơ” để nói lên được một phần nào đó gốc tích những bậc tiền nhân.
Khoát lên mình với cái danh xưng Phiếm Ái từ khá sớm đến nay vẫn chưa có lí giải sát đáng về danh xưng này. Chỉ có một số bô lão trong làng truyền miệng lại rằng chữ “Phiếm” có bộ thủy có nghĩa là chèo thuyền, chữ “Ái” thì viết theo nghĩa yêu thương đùm bọc, ghép lại dịch ra nôm na là ngôi làng nằm ven một vùng sông nước và nhân dân ở đó khá là đùm bọc lẫn nhau. Còn có một cách giải thích khác thì Phiếm Ái nghĩa là “lòng yêu rộng rãi, bao khắp mọi loài”, tất cả mọi lí giải trên đều là giả thuyết về tên gọi này, cho đến nay thì ai đã đặt tên cho ngôi làng vẫn là một điều bí ẩn?
Được nhắc đến lần đầu tiên trong “Ô Châu Cận Lục” của tiến sĩ Dương Văn An vào thời nhà Lê thuộc phủ Triệu Phong, huyện Điện Bàn trong đó có 66 làng và làng Phiếm Ái đúng ở vị thứ 20, điều này có thể giúp chúng ta khẳng định rằng ngôi làng đã có tên trên bản đồ Đại Việt. Đến thời các chúa Nguyễn vào Nam khai hoang vỡ hóa thì “Phủ Biên Tạp Lục” của Lê Qúy Đông cũng có nhắc đến danh xưng Phiếm Ái thuộc huyện An Nông, Phủ Điện Bàn. Đến thời điểm này thì Phiếm Ái đã là một xã chứ không còn là một làng nữa.
Trong địa bạ của Triều Nguyễn thời Gia long có nói rõ ràng hơn về “ Phiếm Ái” đó là “Xã Phiếm Ái thuộc tổng Đức Hòa thượng, huyện Hòa Vang, phủ Điện Bàn. Đông giáp xã Ái Nghĩa, tây giáp châu Bảo Sơn, nam giáp phường Đông Phúc, bắc giáp xã Ái Nghĩa”. Tìm đọc trong “Đồng khánh dư địa chí” thì ta thấy ghi rằng “ Tổng Mỹ Hòa Trung, huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, xứ Quảng Nam, có 28 thôn, châu, Phường.” Thì trong đó có Châu Phiếm Ái. Như vậy từ thời Gia Long đến Đồng Khánh thì ngôi làng Phiếm Ái đã bị thay đổi địa giới phân chia thành Châu Phiếm Ái và Xã Phiếm Ái. Một phần thuộc tổng Mỹ Hòa Trung huyện Diên Phước, một phần thuộc Tổng Đức Hòa Thượng Huyện Hòa vang. Theo các bô lão và các vị hưu trí trong làng thì xảy ra việc sạt lỡ trên là do sự chuyển dịch của dòng Vu Gia đã làm cho làng bị xé đôi và tách ra như vậy. Từ năm 1900 theo đạo Dụ của vua Thành Thái cắt đất của huyện Diên Phước và huyện Hòa Vang để thành lập huyện Đại Lộc thuộc phủ Điện Bàn thì làng đã nằm trong địa bàn huyện Đại lộc. Trong suốt quá trình kháng chiến chống Pháp và Mỹ, tên làng vẫn nằm trong đơn vị hành chính của quốc gia Việt Nam. Cho đến hiện nay làng Phiếm Ái bao gồm thôn Phiếm Ái 1 và Phiếm Ái 2 thuộc xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam.
Dấu ấn Đình làng Phiếm Aí
Với đạo lí uống nước nhớ nguồn đã có từ bao đời nay thì việc xây dựng một ngôi đình làng để thờ các bậc tiền hiền, tiên tổ của làng là quy luật tất yếu. Hầu hết tất các đình trên địa bàn xã Đại Nghĩa đều không xác định được niên đại chính xác, song căn cứ vào nguồn sử liệu một số gia phả và sắc phong còn lại thì chủ yếu là được xây dựng và thành lập dưới thời nhà Nguyễn.
Đình Phiếm Ái được xây dựng năm Gia Long, thứ 2 tại Bến Đình, do quá trình biến thiên của dòng Vu Gia Bến đình bị lở sạt nên nhân dân cho dời về miếu Lầu, nay là Âm Linh Tự của làng. Văn bia chứng tích trong làng có ghi lại “vào năm Tự Đức thứ 30, ngôi đình đã được di dời về phía Bắc của làng”, và cũng chính là vị trí ngôi đình ở hiện nay. Thông thường các đình quay mặt về hướng Nam, tuy nhiên đình Phiếm Ái quay mặt vè hướng chính Đông nhìn về làng Nghĩa Bắc, tương truyền là trước đây nhân dân làng Phiếm Ái với Nghĩa Bắc tranh giành đất và lấn chiếm qua lại lẫn nhau, nên các lí trưởng và hương chức trong làng quyết định di dời đặt ngôi đình ở phía đầu làng giáp ranh giữa Phiếm Ái và Nghĩa Bắc để khỏi xảy ra tranh chấp. Đến năm 1940, Bảo Đại thứ 15, ngôi đình xuống cấp nên được nhân dân trùng tu lại trên nền móng cũ bề thế và khang trang hơn.
Cũng tại nơi đây vào đầu thế kỉ XX, đã diễn ra một cuộc dân biến sau lan rộng ra khắp tỉnh Trung Kì. Trong thời kì kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đình là nơi giao liên, tổ chức các cuộc họp bí mật của bộ đội nằm vùng, là nơi ấp nấp của các chí sĩ cách Mạng, điểm tiếp tế lương thực thực của những bà mẹ nuôi quân, về sau chính quyễn Mỹ Diệm đã lấy làm nơi tố cộng.
Với hệ thống cấu trúc theo kiểu nhà truyền thồng ba gia, hai chái với mái ngoái âm dương hài hòa, rêu phong nhen nhốm màu thời gian. Trước mặt đình là cổng Tam quan sừng sửng với các hình tứ linh long , lân, quy, phụng. Sau cổng Tam quan là tấm bình phong đắp nổi với mặt trước là hình Long Mã tượng trưng cho uy quyền, mặt sau đắp hình rồng được chạm khắc chi tiết và tỉ mĩ. Tiền đình với hệ thống khung sườn gỗ, các kèo, trính đều chạm rồng đơn giản, đình được chia làm 3 gian thờ và có phần hậu tẩm. Gian giữa thờ các vị thành hoàng làng và các vị tiền hiền, hai gian còn lại là thờ hậu hiền và các bậc tiền bối hữu công.
Trên cùng là bức Hoành phi có ghi “Phiếm Ái Đình”, dưới có 2 câu đối chữ Hán với nội dung sau:
“Phiếm địa căn cơ tích đức tiền nhân sinh phú quý
Ái giang lạc nghiệp phước lưu hậu thế đắc quang vinh”
Nghĩa là:
“Đất Phiếm Ái nhờ đức tiền nhân sinh giàu có thịnh vượng
Sông Phiếm Ái nhờ phước mà thế hệ sau rạng rỡ thành công.”
Qua đó cho thấy thế hệ đi trước đã nhằm đoán được đây là vùng đất địa linh hội tụ những con người tài trí làm rạng rỡ quê hương.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Hội đồng Chư tộc Phái làng Phiếm Ái chia sẻ “ Hằng năm thì đình chỉ có 2 lễ cúng, một lễ cầu an vào ngày 16 tháng giêng nhằm để cầu mong một năm mới thịnh vượng, mưa thuận gió hòa. Còn một lễ tất niên cuối năm vào ngày 16 tháng chạp nhằm để tạ ơn thánh thần đã bảo hộ chở che cho dân làng một năm an bình. Thông thường lễ cúng đình sẽ đi đôi với lễ tế Âm Linh Tự vào buổi chiều cùng ngày. Qua văn tế cho thấy hệ thống thần linh được thờ tại đình Phiếm Ái rất đa dạng, “ Bổn xứ Thành Hoàng Đại Vương, Đương khiển Thổ Địa Phước Đức Chánh thần, Đại Càn Quốc Gia Nam Hải chi thần, tiền hiền, hậu hiền,…” đây cũng là hệ thống thần linh tồn tại trong văn hóa tâm linh làng của người Việt, nó đều có một sự tương đồng và ảnh hưởng qua lại lẫn nhau. Hiện tại thì đình chỉ còn 12 đạo sắc phong được cất giữ cẩn thân trong chiếc hòm ân đặt ở ngai thờ chính tẩm, chủ yếu là các đạo sắc phong thần thành hoàng cho làng như “Phiếm Ái Bảo An Thành Hoàng chi thần, Bảo An Chính Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng Thành Hoàng chi thần, …” Đây là nguồn tư liệu Hán nôm phong phú, là biểu trưng đặc sắc còn sót lại dưới thời phong kiến của làng, là tư liệu quý giá để thế hệ hậu sanh biết về nguồn cội của quê cha, đất tổ.
Ngày nay, khuôn viên đình đã được nâng cấp khang trang và rộng rãi hơn, vào tháng 11 năm 2018, ngôi đình được vinh dự đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử cấp Quốc Gia, với nguồn hỗ trợ tài lực của nhà nước và sự đóng góp của nhân dân địa phương đình Phiếm Ái đã hoàn thành các hạng mục như nhà bia chứng tích, tường rào cổng ngõ, để có nơi sinh hoạt và giáo dục truyền thống lịch sử địa phương cho con em huyện nhà.