Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

https://tinhdoanqnam.vn


Giải pháp hỗ trợ thanh niên lập nghiệp

Giải pháp hỗ trợ thanh niên lập nghiệp
Sáng qua 4.10, tại ngày làm việc thứ hai, Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh lần thứ XVIII đã tổ chức thảo luận chuyên đề về các nội dung liên quan công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Trong đó, vấn đề “Đoàn tham gia giảm nghèo bền vững, hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp” đã nhận được nhiều ý kiến quan tâm của đại biểu.
Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết đại hội. Ảnh: T.Đ
Đại biểu biểu quyết thông qua Nghị quyết đại hội. Ảnh: T.Đ

Tìm nguyên nhân nghèo

Theo khảo sát sơ bộ của Tỉnh đoàn, hiện nay toàn tỉnh có gần 9.000 thanh niên nghèo (hộ thanh niên nghèo và thanh niên trong hộ nghèo). Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nguyễn Xuân Đức cho rằng, nếu so với con số khoảng 96 nghìn đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên toàn tỉnh, tính ra gần 10 thanh niên thì có một thanh niên nghèo. Điều này đòi hỏi tổ chức đoàn phải có những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể để thực hiện hiệu quả chương trình “Đoàn thanh niên tham gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015 - 2020”.

Tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng trước khi đặt ra mục tiêu, giải pháp cụ thể cần phải xác định đúng và đủ những nguyên nhân nghèo. Anh Mai Anh Sơn - nguyên Bí thư Huyện đoàn Đại Lộc cho rằng nghèo xuất phát từ 3 vấn đề: bệnh tật, nguồn lực và nhận thức. Trong đó vấn đề nguồn lực và nhận thức là mấu chốt, vì nếu do bệnh tật mà nghèo là chuyện đương nhiên. Tư tưởng của nhiều thanh niên vẫn ỷ lại, không chịu vươn lên. Trong khi đó, đề cập vấn đề nguồn lực, anh Sơn cho rằng chủ trương, nghị quyết về thoát nghèo là có, nổi bật nhất là Nghị quyết 13 của Tỉnh ủy, nhưng công tác tuyên truyền vẫn chưa sâu sát. “Tôi nghĩ công tác tuyên truyền của đoàn mới chỉ đến ban chấp hành, bí thư chi đoàn mà chưa phổ biến rộng rãi đến từng ĐVTN. Trong khi nhu cầu, nguyện vọng được tiếp cận với chủ trương, chính sách của ĐVTN là rất cần thiết” - anh Sơn nói. Cũng liên quan đến nguồn lực, anh Sơn cho rằng, nguồn vốn cho thanh niên cũng là vấn đề cần bàn. Ngân hàng Chính sách xã hội có vốn cho thanh niên vay nhưng rất khó tiếp cận. Rồi vốn 120 của Trung ương Đoàn, riêng Đại Lộc trong 10 năm vẫn không giải ngân hơn 100 triệu đồng vì những quy định không hợp lý…

“Cầm tay chỉ việc”

Bầu 12 đồng chí dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI
Chiều qua 4.10, Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh đã bầu đoàn đại biểu dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI gồm 13 người, trong đó 12 đại biểu chính thức và 1 đại biểu dự khuyết. Đại hội cũng tiến hành báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo văn kiện Đại hội Đoàn toàn tỉnh nhiệm kỳ 2017 - 2022; Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI và góp ý bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đoàn; báo cáo kết quả bầu cử và ra mắt Ban Chấp hành khóa mới. Đại hội đã tiến hành thông qua dự thảo Nghị quyết nhiệm kỳ 2017-2022 và bế mạc đại hội. Tối cùng ngày, Tỉnh đoàn tổ chức tuyên dương chi đoàn mạnh tiêu biểu năm 2017.

Vấn đề làm sao để thay đổi nhận thức và hành động của thanh niên là chủ đề được nhiều đại biểu quan tâm. Không thay đổi được nhận thức và không có chuyển biến trong hành động thì các giải pháp giảm nghèo khó thành công. Dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Đoàn toàn tỉnh lần thứ XVIII, đặt ra chỉ tiêu hàng năm mỗi cơ sở đoàn giúp đỡ ít nhất một hộ ĐVTN thoát nghèo bền vững. Điều này liệu có khả thi khi tư tưởng của thanh niên, nhất là thanh niên miền núi chưa chịu thay đổi. Chia sẻ về câu chuyện giúp dân giảm nghèo của bộ đội ở huyện miền núi Nam Giang, anh Nguyễn Hữu Dũng - Trợ lý thanh niên Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh cho biết, phải mất gần 2 năm ròng rã bám sát địa bàn công tác giảm nghèo mới có kết quả. Từ chỗ khảo sát số hộ nghèo đến việc tìm nguyên nhân nghèo, sau đó cử cán bộ xuống các hộ, ban đầu trao sinh kế là heo, gà vịt, làm chuồng trại… cho người dân. Sau quá trình bám dân, giúp dân trong chăn nuôi, trồng trọt, bộ đội trực tiếp mua lại toàn bộ nông sản, con vật nuôi của người dân để về phục vụ đơn vị. Hàng năm, bộ đội tổ chức khen thưởng các hộ dân làm tốt bằng hiện vật như ti vi, nồi cơm điện… Qua những việc làm sâu sát như vậy, công tác giảm nghèo mới có sự chuyển biến. Anh Dũng nói: “Để làm tốt điều này phải khảo sát kỹ số hộ nghèo và nắm rõ những phong tục, tập quán của người dân, từ đó có những giải pháp, cách làm cụ thể. Việc này khó nhưng tôi nghĩ nếu đoàn có quyết tâm thì sẽ làm được”.

Cùng ý kiến, anh Nguyễn Hoàng Huy (đại biểu đơn vị Tiên Phước) cho rằng, vấn đề tham gia giảm nghèo bền vững của đoàn cần được nhìn nhận nghiêm túc. Những cách làm lâu nay nên có đánh giá lại tính hiệu quả, mô hình nào cần được triển khai tiếp và mô hình nào cần dừng. Bởi lâu nay, đoàn đến với thanh niên bằng việc trao tặng sinh kế, giúp sửa chữa, xây dựng nhà cửa… nhưng làm xong rồi để đó chứ ít khi theo dõi, xem hiệu quả đến đâu. Anh Huy nói: “Việc của đoàn không chỉ là tuyên truyền, vận động, tư vấn mà phải cầm tay chỉ việc, sâu sát, giúp đỡ ĐVTN một cách cụ thể, thiết thực”.

VINH ANH (http://baoquangnam.vn)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây