Biến lông gà thành phân bón, đỡ phần rác thải
- Thứ năm - 18/01/2024 10:25
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong gian nhà xưởng nhỏ mới được dọn vào cụm công nghiệp Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên), Nguyễn Hà Thiên cùng nhóm lao động tỉ mẩn bên dây chuyền thô sơ đóng gói từng bao phân bón dạng viên nén mà nguyên liệu chủ yếu từ lông gà, vịt.
Đầu ra cho lông gà
Hết lớp 12, Thiên theo gia đình kinh doanh ăn uống. Khi biết có thương lái Trung Quốc tìm mua số lượng lớn lông gà, vịt, anh tìm đến các lò mổ để thu gom. Giá bán khi ấy khoảng 8 triệu đồng/tấn. Nhưng chỉ thời gian ngắn, nguồn xuất bị đứt gãy, chàng trai xứ Quảng có nguy cơ đổ nợ.
Phía thu mua hạ giá ngày càng rẻ mạt, càng bán lại càng lỗ. Trong khi lượng lông gà thu gom dồn về chưa biết xử lý sao. Dọ hỏi quanh, Thiên biết bà con vùng trồng quất Cẩm Hà (TP Hội An) hay lấy lông gà bón dưỡng cho cây sung mãn.
Anh tìm về Cẩm Hà với hy vọng gỡ gạc được đồng nào hay đồng nấy với số lượng lông gà quá lớn đã trót thu mua từ các lò mổ. Nhưng bà con cho biết họ bón rất ít, vì lông gà khó phân hủy, lại cồng kềnh, nên thường phải ủ qua vài năm, hoặc dùng phân hữu cơ khác bón cây.
Thiên quay về mày mò tự chế máy sấy, máy nghiền biến lông gà thành bột mịn, trộn thêm một số phế phẩm hữu cơ khác rồi đóng thành bao bán cho những người trồng quất. Tuy nhiên bà con gần như lắc đầu ngay với sản phẩm từ xưởng của Thiên. Một phần vì bột phân mịn quá, lại nồng nặc mùi hôi và khi tiếp xúc với nước bị vón cục.
Loại phân bón mới cho nhà nông
Ông Nguyễn Bình - một người trồng cây cảnh thôn Bến Trễ, xã Cẩm Hà - nói lâu nay nhà ông cũng dùng lông gà, vịt lót dưới gốc cây quất nhưng số lượng này rất ít.
Người ta đào đất sâu, cho lông gà dưới gốc cây quất nhỏ khi mục sẽ tạo mùn, cung cấp dinh dưỡng và rất xốp đất. Nhưng do chậm phân hủy nên có khi cả năm mới có tác dụng với rễ cây.
Từ khi có phân nén từ cơ sở của Nguyễn Hà Thiên, bà con chuyên trồng quất cảnh đã chuyển qua dùng vì tiện lợi, sạch sẽ. Phân bón xuống có tác dụng nhanh hơn khiến cây sung mãn.
Nhưng Thiên khá trầy trật để tìm ra dạng phân nén này bởi lúc đã nghiền lông gà thành bột nhưng không hiệu quả, khoản lỗ ngày một lớn, anh bắt đầu nản và muốn từ bỏ.
Những ngày lang thang các nhà vườn, Thiên nhận ra bà con làm vườn lâu năm ủ phân vi sinh với nguyên liệu từ phân trâu bò trộn với lá cây, trấu, cám gạo và men vi sinh. Khi chưa có men, bà con dùng giấm vì không chỉ giúp giảm mùi hôi mà còn kích thích vi sinh vật trong hỗn hợp hữu cơ phát triển, phân hủy tạp chất.
Thiên trở về, mày mò làm thử và tìm ra nguyên lý chế biến cho mớ lông gà của mình. Khi trộn cùng nguyên liệu khác và men vi sinh vào, mùi hôi giảm hẳn. Thay vì bán thô cho nhà vườn, Thiên tự nâng cấp loại phân của riêng mình bằng cách tạo ra phân viên nén, giảm mùi hôi đáng kể và được máy sấy trộn đạt độ nóng ẩm nhất định trước khi ép phân thành viên nén.
Phải đến cuối năm 2022, những bao phân của Thiên mới được dân trồng quất ở Cẩm Hà gật đầu chịu thử nghiệm. Bà con qua ngửi mùi đều khen có triển vọng và bón cho cây. Vài tháng sau, tin vui báo về của bà con nông dân khiến anh mừng khôn xiết.
Vậy là Thiên bước qua giai đoạn khốn đốn lo giải quyết mớ lông gà tồn kho. Anh đầu tư nhà xưởng, đặt xa khu dân cư để tránh ảnh hưởng đến bà con và bắt đầu sản xuất quy mô công nghiệp.
Hiện mỗi ngày, gần 2 tấn lông gà, vịt cùng các nguyên liệu ủ được gom từ các nơi đưa về nhà máy. Ở đây, nguyên liệu qua xử lý sẽ được ủ gần hai tháng mới đưa vào dây chuyền nghiền ép để tạo thành phân.
Mô hình sản xuất mới mẻ từ rác thải
Nhờ ý tưởng làm phân bón từ lông gà, vịt, nhà máy của Thiên đã tạo ra mô hình làm ăn mới mẻ, nhận 4 - 5 lao động làm việc thường xuyên. Lông gà từ các lò mổ ở Quảng Nam, Đà Nẵng thay vì đổ về bãi rác như trước đây nay được nhập vào nhà máy của Thiên để làm nguyên liệu sản xuất phân bón.
Bình quân mỗi ngày nhà máy cho ra thị trường trên dưới 1 tấn phân nén. Với giá bán từ 10.000 - 22.000 đồng/kg, Thiên cho biết đang có lợi nhuận khoảng 30 triệu đồng/tháng.