Quế Sơn hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế
- Thứ ba - 14/06/2022 13:45
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Anh Nguyễn Trọng Thuần (SN 1983, tổ dân phố Mỹ Đông, thị trấn Đông Phú, Quế Sơn) bị bại liệt từ nhỏ, đi đứng phải chống nạn. Năm 2004, anh học nghề chạm, điêu khắc gỗ và được nhận vào làm việc ở làng mộc Kim Bồng (TP.Hội An). Sau đó anh trở về quê mở xưởng chạm khắc gỗ, chủ yếu làm gia công các sản phẩm như bàn, ghế, tủ và tranh gỗ treo tường.
Để tiếp sức cho cơ sở Nguyễn Trọng Thuần, năm 2021 Huyện đoàn Quế Sơn lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ 90 triệu đồng từ nguồn khuyến công cho anh mua máy đục gỗ điều khiển bằng vi tính. Từ đó, công việc của anh thuận lợi hơn rất nhiều, thu nhập được cải thiện với mức bình quân 7 triệu đồng/tháng. Anh Thuần chia sẻ, với sự hỗ trợ của máy đục gỗ vi tính năng suất lao động tăng lên đáng kể, giải phóng được sức lao động.
Còn anh Hồ Ngọc Hiệp (SN 1991, thôn Sơn Lộc, xã Quế Minh, Quế Sơn) có một công việc ổn định ở TP.Hồ Chí Minh, nhưng năm 2019 anh quyết định về quê khởi nghiệp với mô hình chăn nuôi gà. Từ số vốn dành dụm ban đầu 200 triệu đồng, chàng trai 9X đã đầu tư xây dựng chuồng trại ngay tại vườn nhà và thả nuôi 1.000 con gà.
Sau hơn 4 tháng chăn nuôi, Hiệp xuất bán lứa gà đầu tiên và thu lời 30 triệu đồng. Thấy hiệu quả kinh tế bước đầu và được Đoàn Thanh niên xã Quế Minh hỗ trợ vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội, anh tiếp tục thuê đất mở rộng chuồng trại nuôi gia cầm. Hiện nay, anh đang thả nuôi 13 nghìn con gà và 5 nghìn con vịt theo hình thức nuôi nhốt kết hợp thả vườn đồi.
Theo anh Hồ Ngọc Hiệp, với quy mô chăn nuôi lớn, lượng đầu ra tại chỗ ở khu vực nông thôn không đảm bảo, do đó trang trại liên kết với thương lái ở TP.Đà Nẵng để ổn định thị trường tiêu thụ. Đồng thời xây dựng thương hiệu gà Lạc Sơn, thực hiện khâu giết mổ, đóng gói bán qua các kênh mạng xã hội và cung cấp cho hệ thống siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch.
“Sau khi trừ chi phí bao gồm thức ăn, đầu tư chuồng trại, con giống và nhân công..., mỗi tháng trang trại chăn nuôi gia cầm cho lợi nhuận khoảng 20 triệu đồng, giải quyết việc làm thường xuyên cho 3 lao động” – anh Hiệp nói.
Chị Đỗ Thị Linh Phương – Bí thư Huyện đoàn Quế Sơn cho biết, thời gian qua, các tổ chức đoàn từ huyện đến cơ sở đã đẩy mạnh tuyên truyền, tạo cảm hứng triển khai các hoạt động hỗ trợ thanh niên phát triển các mô hình khởi nghiệp sáng tạo.
Điển hình nổi lên các chương trình khá ấn tượng như tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh thiếu niên giai đoạn 2018 – 2022; phối hợp với Ngân hàng chính sách xã hội rà soát và hướng dẫn thanh niên tiếp cận nguồn vốn phát triển chăn nuôi, mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, Huyện đoàn Quế Sơn còn hướng dẫn thanh niên đăng ký tham gia ý tưởng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cấp tỉnh; hỗ trợ phương tiện sản xuất cho thanh niên yếu thế; giới thiệu các mô hình kinh tế hiệu quả để thanh niên tham quan, học tập; đẩy mạnh phong trào liên kết, giúp nhau phát triển, thành lập mới các tổ hợp tác kinh tế trong thanh niên...
"Hiện nay, Quế Sơn có trên 100 mô hình, dự án phát triển kinh tế trong thanh niên chủ yếu là chăn nuôi, trồng trọt, thương mại dịch vụ cho hiệu quả kinh tế cao” - chị Đỗ Thị Linh Phương chia sẻ.
Huyện đoàn Quế Sơn tích cực hỗ trợ thanh niên tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi. Đến nay, địa phương có 34 tổ tiết kiệm vay vốn do Đoàn Thanh niên các xã, thị trấn quản lý với tổng dư nợ đạt hơn 61 tỷ đồng, có trên 1.300 lượt hộ vay. Riêng nguồn vốn ưu đãi giải quyết việc làm mở rộng sản xuất kinh doanh hơn 7 tỷ đồng.