46 năm Ngày Giải phóng miền Nam: Bài học về sức mạnh đại đoàn kết
- Thứ sáu - 30/04/2021 08:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đoàn kết luôn là truyền thống quý báu, nguồn sức mạnh, động lực quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của dân tộc, đặc biệt là trong Chiến thắng lịch sử 30/4/1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngày nay, truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc vẫn luôn được phát huy, thể hiện rõ nét trong các đợt dịch COVID-19 bùng phát. Trong khó khăn, thử thách, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt càng tỏa sáng.
Từ đại đoàn kết toàn dân tộc trong đại thắng mùa Xuân năm 1975
Từ năm 1965, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh và chư hầu vào trực tiếp tham chiến ở miền Nam; đồng thời, thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân hòng khuất phục dân tộc Việt Nam bằng bạo lực phản cách mạng.
Đế quốc Mỹ và tay sai liên tiếp thực hàng loạt các chiến lược chiến tranh: “Chiến tranh một phía” (1954-1960), “Chiến tranh đặc biệt” (1961-1965), “Chiến tranh cục bộ” (1965-1968), “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969-1973), kể cả tập kích chiến lược mang tính hủy diệt bằng B52 đối với miền Bắc và Thủ đô Hà Nội năm 1972.
Sau khi thất bại trong các chiến lược chiến tranh và thua đau trên bầu trời Hà Nội, buộc phải ký Hiệp định Paris năm 1973 và rút khỏi miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ vẫn tiếp tục âm mưu dùng ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn làm công cụ để thực hiện chủ nghĩa thực dân mới ở miền Nam, hòng biến miền Nam thành một “quốc gia” thân Mỹ mà thực chất vẫn là thuộc địa kiểu mới của Mỹ.
Đối diện với cuộc chiến tranh xâm lược, phản động, phi nghĩa ấy, dân tộc Việt Nam - một dân tộc thiết tha yêu chuộng hòa bình, trọng lẽ phải - không còn lựa chọn nào khác, buộc phải cầm súng, buộc phải sử dụng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng của Mỹ-Ngụy, chống lại bè lũ cướp nước và bán nước để giành lại hòa bình, tự do, độc lập và thống nhất Tổ quốc. Cả dân tộc Việt Nam đã huy động cao nhất tất cả tinh thần và lực lượng của mình để quyết chiến, quyết thắng.
Triển khai thực hiện nhiệm chiến lược cách mạng ở hai miền theo mục tiêu chung của cách mạng cả nước, Đảng ta đã chủ trương tập hợp quần chúng rộng rãi bằng các hình thức mặt trận dân tộc thống nhất phù hợp với tình hình cụ thể.
[Vai trò hướng tiến công Đông Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử]
Ngày 10/9/1955, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ra đời; ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được thành lập; và sau đó, Liên minh các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam được thành lập vào ngày 20/4/1968.
Tuy mục tiêu, cương lĩnh, thành phần, cơ cấu tổ chức có nhiều điểm khác nhau nhưng hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, dân sinh là mẫu số chung để quy tụ, tập hợp, đoàn kết toàn dân thành một khối thống nhất theo tinh thần “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” như Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định.
Trên cơ sở các hình thức mặt trận dân tộc thống nhất, Đảng tổ chức xây dựng, thực hiện thế trận chiến tranh nhân dân trường kỳ, toàn diện bằng sự kết hợp chặt chẽ giữa lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang nhân dân; kết hợp giữa quân sự, chính trị và ngoại giao, vừa khởi nghĩa vũ trang vừa tiến công quân sự; vừa kháng chiến vừa kiến quốc.
Các lực lượng chính trị và vũ trang nhân dân đều được tổ chức, huấn luyện và lãnh đạo một cách bài bản, chặt chẽ, thống nhất bởi một Đảng cách mạng, chân chính, khoa học, tiêu biểu cho lợi ích, trí tuệ, bản lĩnh và ý chí sắt đá của toàn dân tộc.
Nhờ vậy, trong suốt trường kỳ kháng chiến, sức mạnh của lòng yêu nước, của đoàn kết thống nhất dân tộc và sức mạnh của chiến tranh nhân dân không ngừng được nhân lên. Quân và dân ta càng đánh càng mạnh, càng mạnh càng thắng, còn kẻ địch càng đánh càng bị phân hóa và cô lập.
Đến cuối năm 1974 đầu năm 1975, chớp thời cơ chiến lược, Đảng ta chủ trương tiến hành cuộc động viên tổng lực trong cả nước ở mức cao nhất cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu giang sơn về một mối. Thực hiện quyết tâm của Đảng, cả dân tộc dốc sức, dồn lực ra quân thực hiện tổng tiến công và nổi dậy trong mùa Xuân 1975 lịch sử.
Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc từ hơn 20 năm trường kỳ kháng chiến được dồn lại cho thời khắc lịch sử vinh quang. Dân tộc ta đã giành thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc và cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đó cũng là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh vô địch của khối đại đoàn kết dân tộc thời đại Hồ Chí Minh.
Đến đoàn kết, chung tay chống đại dịch COVID-19
Những tổn thất về con người, kinh tế, chính trị mà COVID-19 đang gây ra cho toàn thế giới đã cho thấy không phải lúc nào sức mạnh quân sự, sức mạnh kinh tế cũng giải quyết được mọi vấn đề của cuộc sống đang đặt ra. Những vũ khí tối tân nhất của nhân loại cũng không thể loại bỏ được một virus vô hình.
Việt Nam không phải là quốc gia mạnh nhất thế giới nhưng trong cuộc chiến chống COVID-19, Việt Nam có được niềm tin cao nhất của nhân dân. Bởi lẽ Việt Nam luôn đặt sức khỏe của người dân lên trên hết, sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Mỗi bước đi đều thận trọng nhưng cũng vô cùng quyết liệt.
Khi thế giới ở nơi này, nơi khác còn chưa có sự chuẩn bị, còn chần chừ, chọn lựa, Việt Nam đã sẵn sàng hành động. Ngay từ đầu, Việt Nam đã chọn thái độ ứng xử đúng với dịch bệnh là “chống dịch như chống giặc." Nhờ đó, ta có được tâm thế chủ động, đánh giá đúng tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh mà không chủ quan, lơ là, cả ở hai phía: chính quyền và người dân.
Nhìn lại lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, đoàn kết luôn là truyền thống quý báu, nguồn sức mạnh, động lực quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi.
Trong trận chiến chống dịch COVID-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc," Đảng, Chính phủ Việt Nam đã sớm kêu gọi nhân dân đoàn kết một lòng, tạo nên sức mạnh tập thể, cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.
Nhờ sự huy động kịp thời, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của nhân dân, việc thực hiện phòng, chống dịch bệnh đã diễn ra ở quy mô chưa có tiền lệ.
Đến nay, Việt Nam đã khống chế thành công cả 3 đợt dịch bùng phát trong cộng đồng, được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao, coi là tấm gương trong phòng chống dịch COVID-19.
Cùng với đó, với truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái của dân tộc, thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện vận động, ủng hộ; nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài đã tích cực tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19. Nhiều câu chuyện đẹp và cảm động đã được lan tỏa... Chúng ta càng thấy ý nghĩa sâu sắc và giá trị nhân văn lớn lao từ những quyết sách của Đảng và Chính phủ, từ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của các bộ, ngành chức năng và nhân dân… Trong khó khăn, thử thách, những phẩm chất tốt đẹp của người Việt càng tỏa sáng.
Hiện nay, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp trên khắp toàn cầu. Đáng lo ngại là số ca nhiễm, số người chết đang tăng cao tại một số quốc gia có chung đường biên giới với Việt Nam, nguy cơ bùng phát dịch tại Việt Nam là rất lớn.
Ngay lúc này đây, chúng ta cần phát huy hơn nữa tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, “mỗi người dân là một chiến sỹ” cùng chung sức, đồng lòng trong trận chiến chống lại dịch bệnh, trước hết là thực hiện nghiêm thông điệp 5K, rửa tay thường xuyên, tăng cường tập thể dục, hạn chế đến nơi đông người, đeo khẩu trang, khai báo y tế trung thực, cập nhật thường xuyên thông tin; đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở người thân, bạn bè cùng thực hiện.
Đoàn kết không phải là mỹ từ để hô khẩu hiệu, mà đoàn kết là thực tế hiển hiện sinh động và là yêu cầu gắt gao ở thời điểm hiện tại. Đó là ý thức công dân, là trách nhiệm xã hội, là kỷ luật, tự giác, là đồng lòng vì cái chung và cũng vì mối an nguy của riêng mỗi người. Có như thế sức mạnh dân tộc mới được nhân lên, đất nước mới sớm đẩy lùi được dịch bệnh./.