Đại tá Trần Kim Anh và kỷ niệm đời binh nghiệp
- Thứ hai - 31/05/2021 16:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đây là lần đầu tiên và duy nhất ông được gặp Bác Hồ. Cách đây mấy năm khi sức khỏe chưa xuống hẳn, trò chuyện với ông tại nhà riêng (khối phố Mỹ Thạch Tây, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho một bài báo nhân kỷ niệm ngày quê hương giải phóng, tôi may mắn được biết điều này.
Nhớ lần gặp Bác
Tuổi cao và nhất là những vết thương qua 4 lần bị thương trên chiến trường và mảnh đạn nằm ngay trong ngực vẫn sống chung với ông mấy chục năm nay nhiều khi nổi chứng hành hạ làm sức khỏe ông giảm sút đi rất nhiều.
Đại tá Trần Kim Anh nói vui “chiến tranh hình như chưa thôi đeo bám tôi”. Thế nhưng mỗi năm đến ngày quê hương giải phóng ông cảm thấy mình như khỏe ra, bởi đó là ngày vui mà toàn dân phải trải qua biết bao năm tháng gian khổ hy sinh mới có được.
Cả một đời cầm súng, vào sinh ra tử, ông rất thấm thía điều này. Ngẫm ngợi một hồi ông bảo, niềm hạnh phúc đến giờ ông vẫn nhớ như in đó là lần được gặp Bác Hồ tại Đại hội anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ 2.
Vui sướng biết bao lần đầu tiên được ra thủ đô, được gặp Bác Hồ, nên ông chạy ào đến ôm chân Bác. Một đồng chí cảnh vệ đã ngăn lại, nhưng Bác xua tay bảo đừng, rồi nắm tay ông đứng dậy ân cần hỏi: “Chú ở đâu?”. Dồn nén bao cảm xúc, ông thưa một lèo theo cách rất Quảng Nam nào là về tình hình chiến trường, tinh thần quân dân, tâm nguyện không sợ gian khổ hy sinh ngày đêm chiến đấu chỉ mong nước nhà mau thống nhất để Bác vào thăm… Nói đến đó nghẹn lòng quá ông đã bật khóc. Chính tay Bác Hồ đã lấy khăn lau nước mắt cho ông.
Trong đại hội lần đó, Đại tá Trần Kim Anh vinh dự là người thứ nhất được tuyên dương thành tích. Sau này hình ảnh và những lời dặn dò của Bác còn mãi theo ông trong các trận đánh, nó trở thành sức mạnh, niềm tin, đặc biệt là những thời điểm cam go, thử thách, khi cuộc chiến tranh ở chiến trường Quảng Nam ngày một ác liệt, nhiều đồng bào đồng chí đã ngã xuống.
Nhưng “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trận đánh Núi Thành mà ông trong vai trò Tỉnh đội trưởng chỉ huy trận đánh đã nói lên quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân và dân Đất Quảng.
Tôi hỏi, nếu nói ngắn gọn về trận Núi Thành ông sẽ nói điều gì? Đại tá Trần Kim Anh vui ra mặt, chậm rãi kể: “Rõ là chiến thắng trận này, Đại đội 2, Tiểu đoàn 70 vinh dự thay mặt quân và dân Quảng Nam đã trả lời câu hỏi đặt ra trước lịch sử: “Liệu ta có đánh được Mỹ không”. Từ trận thắng Núi Thành, phong trào đánh Mỹ, diệt Mỹ phát triển mạnh khắp toàn miền Nam. Quân và dân Quảng Nam được Trung ương tặng tám chữ vàng “Trung dũng kiên cường đi đầu diệt Mỹ”.
Là người chỉ huy tôi nhận thức rất rõ đây là công lớn của quân và dân Quảng Nam trong đó trực tiếp là Đại đội 2, Tiểu đoàn 70. Song điều tâm đắc như lời dặn dò của Bác tại Đại hội anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc đó là, các anh hùng chiến sĩ thi đua cần nhận rõ rằng, thành tích là thành tích chung của tập thể, tách rời tập thể thì dù tài giỏi mấy, một cá nhân cũng không làm được gì. Cho nên càng có thành tích càng phải cố gắng, càng phải khiêm tốn”.
Kỷ niệm khó quên
Một kỷ niệm mà Đại tá Trần Kim Anh gọi là diễm phúc đời mình đó là chuyện tình cảm với bà Đoàn Thị Thanh Tuyết, một chiến sĩ quân y nhỏ hơn ông 16 tuổi, sau này là người bạn đời của ông. Đám cưới của ông và bà được Tỉnh ủy Quảng Nam đứng ra tổ chức ở cạnh nơi cơ quan Tỉnh ủy đóng tại vùng rừng núi nay thuộc xã Tiên Phong, huyện Tiên Phước.
Đại tá Trần Kim Anh nhớ, lúc đó ông vừa mới đi chuẩn bị chiến trường về, sau khi báo cáo phương án tác chiến trận đánh Núi Thành lịch sử, thì đồng chí Bốn Hương, tức Vũ Trọng Hoàng, lúc bấy giờ là Bí thư Tỉnh ủy gọi ông lại bàn bạc, rồi đề xuất tổ chức đám cưới cho ông và bà Tuyết ngay trước ngày diễn ra trận đánh. Gọi là lễ cưới nhưng đám cưới trên cứ nên rất đơn giản… thế mà cũng rất thành công như trận Núi Thành đã thành công. Ông bà đã có với nhau 3 người con.
Sinh ra trên mảnh đất Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tuổi trẻ Đại tá Trần Kim Anh đã tham gia cách mạng ở Đoàn thanh niên cứu quốc, rồi biên chế trong các đơn vị quân đội thuộc Đoàn cảm tử Nam tiến khi cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp nổ ra vào tháng 12.1946 cho mãi đến chiến thắng Điện Biên Phủ 1954.
Trong 21 năm chống Mỹ, ông lại có mặt khắp các chiến trường trong vai trò từ chiến sĩ đến chức vụ Đại đội trưởng rồi Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Nam. Ở đâu, vị trí công tác nào ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhiều lần được tuyên dương công trạng, được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng Hai, hạng Ba cùng nhiều huân, huy chương khác.
Một đời binh nghiệp với 94 tuổi đời, hơn 70 năm tuổi Đảng, Đại tá Trần Kim Anh đã là anh hùng trong tâm tưởng của cán bộ chiến sĩ vũ trang tỉnh và người dân đất Quảng. Tuy nhiên danh hiệu này ông vẫn chưa được Nhà nước phong tặng.
… Tôi nhớ lúc đó, trước khi chia tay, Đại tá Trần Kim Anh nhắc nhở, nếu có viết gì về ông chỉ nên viết những kỷ niệm thôi. Tôn trọng ý kiến ấy, xin xem bài viết này là nén nhang tôi tiễn biệt Đại tá Trần Kim Anh, ông đã từ trần vào ngày 29.5.2021.
TIN BUỒN
Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam; Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.Tam Kỳ; Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tân Thạnh và gia đình vô cùng thương tiếc báo tin:
Đồng chí Trần Kim Anh (tên khai sinh Trần Văn Mười, bí danh Minh Sơn); sinh ngày 15.10.1928; quê quán xã Duy Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam; thường trú tại khối phố Mỹ Thạch Tây, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam; Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam; Đại tá, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Tỉnh đội trưởng Tỉnh đội Quảng Nam; Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng; đã từ trần vào lúc 5 giờ 6 phút, ngày 29.5.2021 (nhằm ngày 18 tháng 4 năm Tân Sửu) tại nhà riêng.
Linh cữu đồng chí Trần Kim Anh quàn tại nhà riêng: số 107/16 đường Trần Hưng Đạo, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.
Lễ truy điệu lúc 11 giờ 30 phút, ngày 31.5.2021.
Di quan lúc 13 giờ, ngày 31.5.2021 (nhằm ngày 20 tháng 4 năm Tân Sửu); an táng lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang nhân dân TP.Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.