TĂNG CƯỜNG SỨC ĐỀ KHÁNG CỦA THANH NIÊN TRƯỚC THÔNG TIN XẤU ĐỘC TRÊN MẠNG XÃ HỘI
- Thứ bảy - 10/04/2021 16:48
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong một xã hội “mở”, truyền thông xã hội gắn với hoạt động truyền thông không chính thức, gắn với việc đưa ra quan điểm riêng của cá nhân và một vấn đề nhóm người quan tâm. Truyền thông xã hội lan truyền nhanh chóng và có tính tương tác cao giữa những người tham gia. Sự phát triển truyền thông xã hội trên môi trường internet, tác động sâu rộng đến đời sống.
Trong bối cảnh như vậy, mạng xã hội đã trở thành kênh thông tin cạnh tranh với các hãng thông tấn báo chí, khiến cho việc định hướng dòng dư luận phức tạp hơn trước đây rất nhiều. Nếu như vài mươi năm trước, chưa có bùng nổ các mạng xã hội, cơ quan làm văn hóa tư tưởng có thể dễ dàng dùng báo chí dẫn dắt dư luận một cách chính thống, thuận chiều thì nay phải chịu hàng triệu tai mắt trên mạng xã hội giám sát, phản biện đa chiều, thậm chí châm chích, đả phá có chủ ý. Các lực lượng thù địch của nhà nước cũng dùng mạng xã hội, đưa thông tin xấu độc để lôi kéo, kích động, gây hiệu ứng đám đông, làm bất ổn đời sống chính trị và trật tự trị an. Mặt khác, với khoảng 40 triệu tài khoản facebook ở Việt Nam, chỉ cần 1% trong số đó xuất hiện với tư cách “người đưa tin” ở mọi lúc mọi nơi thì đã gấp hơn 2 lần lượng nhà báo có thẻ hiện nay. Do đó, khối thông tin đồ sộ trên các mạng xã hội khó có tờ báo nào, nhất là báo in, có thể sánh kịp về góc độ nhanh nhạy, chi tiết và chứa đựng góc nhìn đa chiều. Trong hàng triệu “nhà báo công dân” đó, nếu có nhóm bất mãn chế độ, tinh vi gây nhiễu thông tin bằng tin giả (Fake news) với dụng ý đầu độc dư luận sẽ gây tác hại khôn lường khi không ai kiểm chứng nổi, và cũng không kiểm soát được độ chia sẻ, lan truyền.
Tác động của mạng xã hội đến giới trẻ là điều dễ dàng, vì nhờ có các phương tiện thiết bị thông minh, và thói quen đọc tin tức đã thay đổi khi đối tượng người trẻ ít tiếp cận báo chí chính thống mà dành thời gian nhiều để lướt mạng. “Nghiên cứu về những tác động đến báo chí truyền thống năm 2019 cho thấy: 22% tác động bởi truyền thông xã hội; 20% đến từ nguồn nhân lực; 19% bị tác bởi tin giả; 8% từ áp dụng công nghệ… Điều đó cho thấy truyền thông xã hội đang có chi phối rất lớn đến báo chí truyền thống hiện nay. Khảo sát tại một số trường đại học cho thấy nhiều bạn trẻ tiếp cận thông tin chủ yếu qua mạng xã hội, thậm chí không nghe đài, không đọc báo in, không xem truyền hình”, ông Cao Hoàng Nam, Điều phối viên trưởng Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết.
Cần xây dựng “bộ lọc” tin tức
Muốn phòng ngừa và chống lại thông tin xấu độc thì không có cách nào khác cũng phải thông qua phương tiện truyền thông. Một mặt dùng ngay mạng xã hội để đáp trả các vấn đề trên mạng nêu ra. Các cơ quan quản lý văn hóa, Hội, Đoàn thanh niên, thậm chí ngay cơ quan báo chí chính thống cũng phải thiết lập kênh và các diễn đàn trên mạng xã hội (ví dụ Báo Quảng Nam cũng có trang chia sẻ trên facebook). Khi tin tức được phát tán qua mạng xã hội thu hút sự chú ý, thì cũng có ngay những tương tác bằng lời bình, hoặc bổ sung thông tin. Như vậy mới có khả năng tiếp cận đông đảo người dùng, đặc biệt là giới trẻ, qua đó đưa thông tin chính thống, hữu ích nhằm phản bác các thông tin xấu độc, tin giả, tin đồn không kiểm chứng được.
Xây dựng bộ lọc thông tin đòi hỏi phải đổi mới và sáng tạo về tổ chức thông tin, cách tiếp cận và xử lý thông tin. Các kênh báo chí chính thống phải là lực lượng có bản lĩnh trí tuệ, có tâm và tài, để đưa thông tin chính xác, trung thực, kịp thời, phân tích sắc bén với cái nhìn nhân văn về các vấn đề của cuộc sống. Bởi, việc đưa thông tin như thế nào để thể hiện được những giá trị nhân văn có tính phổ quát vẫn tiếp tục là nền tảng cho báo chí, truyền thông. Khát vọng phát triển gắn với việc bảo vệ, thực thi quyền con người, bồi đắp văn hóa người, luôn là thước đo giá trị cho mọi sản phẩm của truyền thông đại chúng. Như nhà nghiên cứu và là nhà báo kỳ cựu Mitchell Stephens định nghĩa: “Báo chí là hoạt động thu thập, trình bày, diễn giải hoặc bình luận về tin tức cho một bộ phận công chúng” ”(Hơn cả tin tức). Chính vì ai cũng có thể đưa tin tức và hình ảnh lên mạng nên cần những nhà báo chuyên nghiệp - với sự chính danh, được tiếp cận nguồn tin chính thống, kiểm chứng và dẫn dắt thông tin bằng bình luận có trí tuệ, soi sáng góc nhìn độc đáo, thông minh nhất.
Có được bộ lọc tốt từ báo chí chính thống, để đi vào giới trẻ cần phải chia sẻ qua kênh của cơ quan làm công tác thanh niên. Các cán bộ đoàn ngày nay nếu không dùng mạng xã hội sẽ khó tương tác với thanh niên để phổ biến, chia sẻ các giá trị tốt đẹp, đồng thời khéo léo phát động phong trào thanh niên hưởng ứng và thực thi các chủ trương đường lối, quyết sách của Đảng và Nhà nước. Do vậy cần xây dựng một cộng đồng, các group trên mạng cho thanh niên, dưới sự dẫn dắt của cán bộ đoàn, thủ lĩnh có uy tín, được tham gia bày tỏ ý kiến, nắm bắt được dòng tin tức chính thống, tạo hiệu ứng xã hội lan tỏa. Chỉ khi những câu chuyện hay, đẹp, thông điệp tích cực được truyền đi rộng rãi mới đủ sức đẩy lùi những cảm xúc tiêu cực, điều chỉnh những cái nhìn khiếm khuyết vì thiếu thông tin toàn diện, thông tin xấu độc không kiểm chứng.
Lan tỏa năng lượng tích cực, nhân văn
Không phải mạng xã hội hoàn toàn chỉ có tin tức xấu độc. Qua các đợt bão lũ, thiên tai, dịch bệnh khiến cách ly xã hội, càng cho thấy mạng xã hội là kênh hữu hiệu để đưa tin, phổ cập, cập nhật nhiều chuyện hay, thông tin bổ ích. Như việc giúp phản ánh truy vết các đối tượng lơ là phòng dịch; đưa tin về hiện trường thiên tai và kêu gọi sự giúp đỡ, hỗ trợ của cộng đồng…
Như vậy, nếu sử dụng mạng xã hội, hướng cho người đọc/xem tin tức nói chung, thanh niên nói riêng, tiếp cận những thông tin đầy tính nhân văn sẽ truyền cảm hứng, tạo nên sức mạnh tinh thần to lớn cho cộng đồng. Chúng ta thấy trên mạng có những kiểu dựng chuyện “vu oan giá họa” tạo ra bao nhiêu sóng gió cho thân phận con người, nhất là những người “thấp cổ bé họng” đâu có phương tiện, chỗ nào để nói lại. Nhưng chúng ta cũng thấy những lời kêu gọi cố kết nhân tâm, đừng chia rẽ lòng người bằng những phán xét vô bằng, những tin tức thất thiệt, những phát ngôn “vạ miệng”, những câu chuyện không đâu của “anh hùng bàn phím”. Trong đợt bão lũ vừa qua, đã có nhiều facebooker uy tín lên tiếng động viên mọi người cùng chính quyền địa phương tìm cách giúp đỡ đồng bào một cách thiết thực, trước mắt và cả lâu dài.
Để có tiếng nói nhân văn, cần khơi dậy mạch nguồn trong lành của giá trị văn hóa, đạo đức làm người. Tiếng nói nhân văn là xây đắp dòng chảy dân chủ hóa đồng hành với “thượng tôn pháp luật”, làm cầu nối vững chãi giữa Nhân dân với “nhà nước pháp quyền”. Tiếng nói nhân văn càng sâu sắc, càng lan rộng, càng củng cố chỗ đứng không thể thiếu của báo chí, truyền thông đại chúng và cả mạng xã hội trong đời sống hiện đại, văn minh.
Nhà báo Nguyễn Hữu Đổng
Phó Tổng biên tập Báo Quảng Nam
Phó Tổng biên tập Báo Quảng Nam
-------------------
Tham luận tại diễn đàn Tuổi trẻ Quảng Nam bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng do Tỉnh đoàn tổ chức
Tham luận tại diễn đàn Tuổi trẻ Quảng Nam bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các luận điệu xuyên tạc trên không gian mạng do Tỉnh đoàn tổ chức