Vì sao bệnh nhân không sốt, ho... vẫn nhiễm virus corona?
- Thứ bảy - 08/02/2020 11:17
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Hôm nay 8-2, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp trực tuyến với 700 điểm cầu. Điểm quan trọng trong cuộc họp này là tập huấn, hướng dẫn điều trị bệnh viêm phổi do virus corona tới bệnh viện tuyến huyện.
Các bác sĩ trong tổ chống dịch lưu động của Bộ Y tế thăm bệnh nhân nhiễm virus corona đang điều trị tại Bệnh viện huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc - Ảnh: THÚY ANH
Điểm đáng chú ý trong sàng lọc, phát hiện bệnh nhân mới nhất là trường hợp bệnh nhân thứ 13, vừa có xét nghiệm sáng định dương tính tối 7-2: bệnh nhân không sốt, không ho, không có biểu hiện bệnh nhưng vẫn nhiễm virus corona.
Vì vậy thời gian ủ bệnh có phải 14 ngày như các hướng dẫn trước đây hay không, hay thời gian ủ bệnh kéo dài hơn, biểu hiện bệnh bao gồm những gì... là vấn đề được các chuyên gia y tế bàn thảo và hướng dẫn.
Bộ Y tế đã có hướng dẫn thu dung bệnh nhân viêm phổi do virus corona mới vào điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, Bệnh viện trung ương Huế và Bệnh viện Chợ Rẫy, tuy nhiên hướng dẫn mới nhất là khi ghi nhận bệnh nhân mới sẽ tiến hành điều trị tại chỗ, ngay từ bệnh viện tuyến huyện.
Hiện có 4 bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện huyện Bình Xuyên (Vĩnh Phúc), thời gian qua có 1 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa và hôm 3-2 đã ra viện.
Hội nghị trực tuyến hướng dẫn điều trị và phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp do virus corana chủng mới tại điểm cầu TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI
Điều trị theo phương châm 4 tại chỗ
Thông tin tại cuộc họp, ông Lương Ngọc Khuê - cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho biết đã hướng dẫn các bệnh viện chuẩn bị nguồn lực tùy mức độ của dịch, hướng dẫn 700 bệnh viện các tuyến cách lấy mẫu, bảo quản mẫu...
“Đây là bệnh truyền nhiễm nhóm A nên bảo quản mẫu phải đảm bảo an toàn sinh học” - ông Khuê nói.
Phương châm điều trị, theo ông Khuê, là 4 tại chỗ, do dịch bệnh đến từ nhiều nước, nguồn lây từ khắp nơi, dịch không tập trung, trong khi dịch SARS trước đây chỉ khu trú tại Bệnh viện Việt Pháp và biện pháp lúc đó là đóng cửa bệnh viện.
“Giai đoạn bệnh nhẹ giữ tại huyện, như ở Bình Xuyên Vĩnh Phúc điều trị 4 bệnh nhân với sự hỗ trợ của tuyến trên, nặng hơn lên bệnh viện tỉnh, nặng hơn lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Các địa phương khác cũng thế, hạn chế di chuyển bệnh nhân để cắt đứt nguồn lây” - ông Khuê nói.
Ông Lương Ngọc Khuê trả lời báo chí bên lề cuộc họp - Ảnh: L.ANH
Vì sao không sốt, ho vẫn nhiễm virus corona?
Ông Khuê cho biết đây là một chủng virus mới, như ở Trung Quốc nhiều tử vong, nhưng Việt Nam chỉ có một ca nặng (bệnh nhân 66 tuổi người Trung Quốc), còn lại đa số biểu hiện nhẹ, vì thế bệnh cảnh rất đa dạng, có người bệnh nặng, có người nhẹ, ít biểu hiện, có khi chỉ hơi mỏi mệt.
Có bệnh nhân biểu hiện bệnh rầm rộ, có người lại nhẹ như bệnh nhân 28 tuổi Li Zichao, chỉ 2-3 ngày sau đã âm tính với virus.
"Những phát hiện này đều là rất mới với cả chúng tôi", ông Khuê nói.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ - trưởng Khoa Điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai - diễn biến tổn thương phổi do nhiễm virus corona rất tệ nên cần hồi sức tích cực và điều trị can thiệp từng giai đoạn.
Trong đó lọc máu hấp thụ cytokine hoặc tác động vào cơ chế bệnh sinh làm giảm tổn thương phổi bước đầu thành công bệnh nhân nhiễm cúm hoặc virus corona. Lưu ý cần thực hiện 2-4 ngày đầu nhiễm bệnh.
Ông Đào Xuân Cơ, trưởng Khoa Điều trị tích cực Bệnh viện Bạch Mai, hướng dẫn tại đầu cầu Hà Nội - Ảnh: L.ANH
Một người bệnh lây cho 2,2 người
Theo đại diện Tổ chức Y tế thế giới, phần lớn bệnh nhân có biểu hiện nhẹ, trung niên và cao tuổi nguy cơ hơn, ít ca bệnh báo cáo ở trẻ nhỏ.
Điều đáng lưu ý nhất là tỷ lệ tử vong, SARS 10%, MERS- CoV 34%, viêm phổi Vũ Hán nCoV 2%. Đại đa số ca tử vong ở Vũ Hán, chỉ có 2 ca tử vong ngoài Vũ Hán nhưng đều có tiền sử đi từ Vũ Hán.
Tương tự với cúm, một người nhiễm nCoV lây cho 2,2 người. Những bệnh hay gặp ở Việt Nam, như sởi tỷ lệ 12-18, cao hơn nCoV.
Không thể so sánh với Ebola nếu so về tốc độ lây nhiễm cũng như tỷ lệ tử vong. Tuy nhiên đây là bệnh do virus và chúng ta chưa có thuốc đặc trị và vắc xin, nhưng điều trị hỗ trợ vẫn đang cho hiệu quả cao.
Cán bộ y tế là nhóm nguy cơ cao và cần tuân thủ biện pháp phòng ngừa chuẩn.
Phải đảm bảo thông khí tại buồng bệnh cách ly
Trong phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn trong chăm sóc bệnh nhân nghi ngờ nhiễm virus corona, PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - trưởng Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Bạch Mai - cho rằng việc thông khí tại buồng bệnh cách ly rất quan trọng.
Mỗi buồng bệnh cần đảm bảo 2 cửa chính, nếu không đủ cần tăng cường các biện pháp thông khí cưỡng bức (sử dụng các thiết bị điều chỉnh không khí) nhằm đảm bảo môi trường không khí an toàn.
Khẩu trang y tế, khẩu trang vải đều dùng được
Theo PGS.TS Nguyễn Việt Hùng, 3 đường lây cơ bản của virus corona là đường tiếp xúc (tiếp xúc với bệnh nhân, với bề mặt có dịch tiết nhiễm virus), qua các giọt bắn và ít hơn là lây qua không khí.
“Qua đường lây này cho thấy cách phòng bệnh chủ yếu là ngăn ngừa nguồn lây thông qua việc vệ sinh bề mặt, thường xuyên rửa tay, ngăn giọt bắn bằng khẩu trang. Nhưng không phải hoảng loạn vì khẩu trang vải được giặt sạch, khẩu trang y tế đều có tác dụng ngăn ngừa giọt bắn.
Chỉ những người có tiếp xúc với bệnh nhân trực tiếp tại khu vực cách ly mới cần sử dụng khẩu trang N95” - ông Hùng nói.
Tính đến sáng 8-2, Bộ Y tế thông báo số người chết do virus corona đã tăng thêm 81 người, lên 724 người (vượt qua đại dịch SARS), số ca nhiễm mới tăng hơn 2.800 ca, lên gần 35.000 trường hợp.