VÕ NGUYÊN GIÁP – TỪ MỘT HỌC SINH YÊU NƯỚC CỦA TRƯỜNG QUỐC HỌC HUẾ ĐẾN ĐẠI TƯỚNG, TỔNG TƯ LỆNH QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
- Thứ hai - 23/08/2021 09:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đại tướng Võ Nguyên Giáp có tên khai sinh là Võ Giáp, bí danh là Văn, sinh ngày 25 tháng 8 năm 1911 tại làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình trong một nhà nho nghèo, giàu lòng yêu nước. Sinh ra từ một vùng quê giàu truyền thống yêu nước, trực tiếp chứng kiến cảnh đồng bào bị thực dân Pháp và bè lũ tay sai đàn áp, bóc lột, Võ Nguyên Giáp đã sớm tiếp thu tư tưởng của Nguyễn Ái Quốc và giác ngộ cách mạng, quyết tâm đấu tranh giành độc lập cho dân tộc.
Năm 14, 15 tuổi, Võ Nguyên Giáp đã tham gia phong trào đấu tranh, bãi khóa ở trường Quốc học Huế. Năm 1927, Võ Nguyễn Giáp tham gia Đảng Tân Việt cách mạng. Năm 1930, Võ Nguyên Giáp tham gia phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, bị thực dân Pháp bắt giữ và giam ở nhà lao Thừa Phủ, Huế. Nhờ sự can thiệp của Hội cứu tế đỏ của Pháp, cuối năm 1931, Võ Nguyên Giáp được thả tự do. Do mất liên lạc với tổ chức cho nên Võ Nguyên Giáp ra Hà Nội dạy học ở trường tư thục Thăng Long, viết báo tuyên truyền xây dựng cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh, đồng thời tiếp tục học Đại học Luật và Kinh tế. Ông nhận bằng cử nhân luật năm 1937 (Licence en Droit). Do bận rộn hoạt động cách mạng, vào năm 1938, ông bỏ dở học chương trình năm thứ tư về Kinh tế Chính trị và không lấy bằng Luật sư.
Tháng 6 năm 1940, Võ Nguyên Giáp được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được cử sang Trung Quốc gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc với bí danh là Dương Hoài Nam. Tháng 11 năm 1941, từ Trung Quốc trở về Cao Bằng, dưới sự lãnh đạo, dìu dắt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã tích cực tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, tích cực tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, lôi cuốn đồng bào các dân tộc tham gia hoạt động cách mạng. Đồng chí là người tổ chức và phụ trách phong trào Nam tiến, mở đường nối căn cứ địa cách mạng Cao Bằng với các tỉnh miền xuôi.
Đặc biệt, tháng 12 năm 1944, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã giao nhiệm vụ, hướng dẫn cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Ngày 22 tháng 12 năm 1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập tại chiến khu Trần Hưng Đạo với 34 người, được trang bị 2 súng thập (một loại súng ngắn), 17 súng trường, 14 súng kíp và 1 súng máy. Đây là Đội quân chủ lực đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Bằng tài thao lược của mình đồng chí đã chỉ huy Quân đội không ngừng lớn mạnh, đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Ghi nhận công lao to lớn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh số: 110/SL ngày 20 tháng 01 năm 1948 phong quân hàm Đại tướng cho đồng chí Võ Nguyên Giáp. Đồng chí là Đại tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam khi mới 37 tuổi.
Với 30 năm là Tổng Tư lệnh Quân đội, Bí thư Quân ủy Trung ương, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn tỏ rõ là nhà quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta; được cán bộ, chiến sĩ Quân đội yêu mến, kính trọng, suy tôn là “Người anh Cả” của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị tướng có công lao, đóng góp to lớn trong xây dựng Quân đội Nhân dân Việt Nam hùng mạnh, chính quy, tinh nhuệ, ngày càng hiện đại. Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là minh chứng sinh động về sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội ta dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự chỉ huy tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần đầu tiên trên thế giới, quân đội của một nước thuộc địa nhỏ ở châu Á đã đánh bại quân đội của một cường quốc châu Âu.
Khi đất nước bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp tục giữ cương vị là người đứng đầu Quân đội. Đại tướng cùng với Bộ Chính trị hoạch định những quyết sách chiến lược trong việc xây dựng Quân đội, chuẩn bị và tổ chức tổng tiến công giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử càng chứng minh thiên tài quân sự và công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, không chỉ là một thiên tài quân sự mà Đại tướng còn là tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, là nhà văn hóa lớn, có công lao to lớn trong phát triển học thuyết quân sự độc đáo của Việt Nam. Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là tấm gương sáng về đạo đức và tài năng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mãi mãi trân trọng, ghi nhớ, học tập và làm theo. Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ quân đội ta suy tôn đồng chí là anh Cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của Đại tướng luôn in đậm trong lòng Nhân dân, là vị tướng của Nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc. Trong sự nghiệp đổi mới ở nước ta hiện nay, khi mỗi cán bộ, đảng viên và người dân soi mình vào tấm gương đạo đức và tài năng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ góp phần đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, góp phần xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với Nhân dân, lãnh đạo đất nước hiện thực hóa mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
Ths. Trần Ngọc Nhiều
Giảng viên chính - Trường Chính trị tỉnh Quảng Nam