Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

https://tinhdoanqnam.vn


Ê a trên đất lở

Ê a trên đất lở
Với hai cô giáo trẻ Hồ Thị Hạnh Vi và Hồ Thị Triều, để theo đuổi nghề giáo ở vùng cao huyện Nam Trà My, ngoài nhiệt huyết còn có cả tình thương, trở thành mẹ đỡ đầu nâng bước em đến trường...
Học trò lớn lên trong tình thương của cô giáo Hồ Thị Triều. Ảnh: THIỆN TRANG
Học trò lớn lên trong tình thương của cô giáo Hồ Thị Triều. Ảnh: THIỆN TRANG

Lan tỏa việc học

Đêm xuống, xóm nhỏ bên kia cầu treo dẫn vào làng Tắk Nầm (thôn 1, xã Trà Mai, Nam Trà My) văng vẳng thứ ngôn ngữ “lạ”: “How do you feel today?” - “I am good, teacher!”. Những hoạt náo trong trẻo kèm với ngôn ngữ ấy mỗi lúc một vang xa, át cả tiếng suối reo.

Tắk Nầm vốn là nơi định cư của mấy mươi hộ người đồng bào Ca Dong. Nhưng ở đây nổi tiếng bởi nhiều trẻ em “thạo” ba thứ ngôn ngữ: tiếng Ca Dong, tiếng Việt và tiếng Anh.

Người Ca Dong bảo con em họ “thạo” cũng đúng, vì vốn dĩ họ nói tiếng phổ thông còn lơ lớ, thì bọn nhỏ của làng í ới tiếng Anh xem như là một bước “nhảy vọt” rồi.

“Bọn nhỏ thích tiếng Anh”, người làng Tăk Nầm bảo vậy. “Cô Vi dạy bọn nhỏ”, “Con cái nhà nào cũng biết tiếng Anh” - người làng cho biết thêm. Những lời tán dương ấy đều muốn nhắc đến cô giáo Hồ Thị Hạnh Vi, giáo viên tiếng Anh, cũng là người con của làng Tăk Nầm.

Cô Vi sinh ra trong gia đình có truyền thống hiếu học. Bốn chị em cô đều đang theo đuổi ước mơ của riêng mình, nhưng ba trong số đó, đều đam mê tiếng Anh.

Hạnh Vi vừa đậu vào biên chế giáo viên môn Tiếng Anh tại Trà Dơn hơn một năm nay. Thời gian rảnh, cô giáo trẻ kèm cặp thêm cho học sinh trong làng.

Điều khiến chúng tôi bất ngờ, không phải vì cô Vi dạy kèm miễn phí cho học sinh nghèo, mà ở cách cô lan truyền cảm hứng học tiếng Anh cho trẻ em người đồng bào của mình.

z6026506880517_3bfb0054a9bd57ba25360a7dbd5dd48c.jpg
Cô Hạnh Vi cùng các bạn nhỏ trong Câu lạc bộ Tiếng Anh "I-Shine". Ảnh: THIỆN TRANG

Ngoài mở lớp dạy, Hạnh Vi còn thành lập Câu lạc bộ Tiếng Anh mang tên “I-Shine”, thu hút rất nhiều trẻ em trong và ngoài làng tham gia.

“Chị em mình vốn đam mê tiếng Anh từ nhỏ và có được nghề nghiệp ổn định như hôm nay, cũng xem như thành công. Vì vậy, mình muốn lan tỏa đam mê ấy cho các em đồng bào dân tộc thiểu số của mình. Thay vì chỉ truyền đạt kiến thức nằm trong sách vở, mình đã đưa tiếng Anh vào đời sống, bằng cách ấy, giúp các em có thể phản xạ tiếng Anh tốt hơn” - Hạnh Vi chia sẻ.

Đúng như những gì Hạnh Vi tâm sự, chúng tôi đến thăm câu lạc bộ vào hôm có chủ đề “Halloween”. Mỗi em đều tự hóa trang và thuyết trình trang phục của mình bằng tiếng Anh. Từ vựng được viết trên từng bộ phận trang phục; nếu ngữ pháp sai có cô Vi chỉnh.

“Các thành viên trong câu lạc bộ đa dạng về độ tuổi, dân tộc, học lực, hoàn cảnh cũng khác nhau. Mình đặt tên câu lạc bộ là “I-Shine”, mang ý nghĩa mọi đứa trẻ tham gia câu lạc bộ đều bình đẳng và tỏa sáng theo cách riêng của mình” - Hạnh Vi nói thêm.

Mẹ đỡ đầu

Mưa nhiều ngày, chút điện yếu ớt từ pin năng lượng mặt trời tại điểm trường ông Lượng (thôn 2, xã Trà Vinh) cũng tắt hẳn, cô giáo Hồ Thị Triều phải chạy đi gọi phụ huynh đến giúp. Trước đó mấy hôm, có nhóm thiện nguyện tặng điểm trường mẫu giáo bộ đèn năng lượng mặt trời mới, cô Triều sang xin đấu nhờ.

img_2711.jpeg
Cô Hồ Thị Triều và các học trò của mình. Ảnh: THIỆN TRANG

“Bộ này lắp mấy năm rồi, trời không nắng vài ngày là lại hết điện để thắp, cô trò tụi em phải dùng đèn pin để sinh hoạt. Ngó vậy thôi chứ còn đỡ hơn hồi lớp còn ở thôn 3, mùa mưa khiến dây điện thường xuyên bị đứt, mùa khô thì nước cạn không có điện để dùng” - cô Triều tâm sự.

Đậu biên chế hồi năm 2022, hơn một năm rưỡi đầu tiên, cô Hồ Thị Triều được phân công vào dạy ở điểm trường thôn 3, vùng chồng lấn địa giới hành chính “5 không” (không đường - điện - trường - nước sạch và không thông tin liên lạc). Năm học này, cô chuyển đến thôn 2, tuy có đường bê tông, nhưng dân cư phân bố rải rác hơn, khó theo kiểu khác.

“Lớp của mình có 13 học sinh lớp 1, nhưng chỉ có 2 em gần nhà, còn lại ở các làng ông Mai, ông Ba, xa trường thăm thẳm. Mùa mưa phụ huynh dắt bộ trẻ đến lớp, mẹ con đều ướt sũng, nhìn thương lắm. Phần lo sạt lở, mất an toàn, nên mình mới đề xuất cho các em học bán trú” - cô Triều cho hay.

img_2713.jpeg
Bữa ăn sáng được cô Triều "xã hội hóa" cho các em. Ảnh: THIỆN TRANG

Từ khi được ban giám hiệu cho phép, cô Triều trở thành “mẹ đỡ đầu” của 11 đứa trẻ. Hằng ngày, ngoài dạy học trên lớp, cô cùng với “cô nuôi” lo thêm việc ăn uống, vệ sinh, giặt giũ của học trò. Kinh phí bữa trưa do “Dự án nuôi em” tài trợ, cô Triều vận động phụ huynh đóng góp tiền lo bữa sáng và tối.

Cô Triều tâm sự: “Lúc đầu cũng khó thật, vì mình phải tập các con thói quen sinh hoạt chung, buổi tối còn dạy kèm thêm cho tụi nhỏ. Từ ngày các con được học bán trú, phụ huynh ai nấy cũng hài lòng. Giờ mình như mẹ mấy đứa nhỏ rồi, nhiều khi Chủ nhật lên thấy vắng vẻ, chỉ mong gặp học trò”.

Điện vừa sáng trở lại, chúng tôi tạm biệt mấy cô trò. Bọn trẻ hồn nhiên nép vào người của cô để tiễn khách. Hết năm học này, các em lên lớp 2, ra trường chính để học bán trú. Nhờ được bán trú sớm, có lẽ 11 bạn nhỏ sẽ dễ thích nghi với môi trường mới hơn. Mong rằng tình thương của cô, sẽ theo các em mãi sau này...

THIỆN TÙNG - MINH TRANG

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây