Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

https://tinhdoanqnam.vn


Kỷ niệm 15 năm tái lập huyện Nam Trà My

(QNO) - Tối 1.8, trong khuôn khổ Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 2 - năm 2018, Nam Trà My tổ chức kỷ niệm 15 năm tái lập huyện (1.8.2003 - 1.8.2018).



Đến dự có ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ; ông Hà Viết Quân - Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Ủy ban Dân tộc Trung ương; lãnh đạo Bộ TT&TT và quận Hamyang, tỉnh Gyeongsangnam, Hàn Quốc. Về phía lãnh đạo tỉnh, các ông Phan Việt Cường - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Đinh Văn Thu - Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Trí Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Võ Xuân Ca - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đến dự. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi lẵng hoa chúc mừng.
Theo ông Lê Nam Hưng - Bí thư Huyện ủy Nam Trà My, năm 2003, huyện Trà My được chia tách thành 2 huyện Bắc Trà My và Nam Trà My. Trong đó, Nam Trà My có 10 đơn vị hành chính xã, diện tích đất tự nhiên hơn 82.000ha; dân số khi mới tái lập gần 20.000 người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 97%; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều hạn chế, bất cập.
Xuất phát điểm của nền kinh tế huyện rất thấp; trình độ dân trí không đồng đều, đời sống đại bộ phận nhân dân còn khó khăn, thiếu thốn. Qua 15 năm từ ngày tái lập tới nay, huyện đã có những bước phát triển đáng kể trên nhiều lĩnh vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân mỗi năm hơn 10%; cơ cấu giá trị sản xuất theo giá hiện hành tăng dần ở 2 lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và nông - lâm nghiệp.
Các tiềm năng, thế mạnh của địa phương được khơi dậy, phát huy, đặc biệt là cây sâm Ngọc Linh, quế Trà My và các loại dược liệu. Đến nay, toàn huyện có 25 trang trại lớn nhỏ với diện tích hơn 500ha và hơn 2.518ha vườn đồi, vườn rừng. Đã có 39 nhóm hộ với 779 hộ thuộc các xã Trà Linh, Trà Nam và Trà Cang trồng sâm dưới tán rừng với tổng diện tích hiện có 932,16ha.
Đặc biệt, tháng 6.2017, cây sâm Ngọc Linh được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục sản phẩm quốc gia, mở ra tiềm năng và hướng phát triển mạnh mẽ, đưa Nam Trà My thành thủ phủ cây sâm, cây dược liệu trong tương lai gần.
Hiện, thu nhập bình quân đầu người của Nam Trà My ước đạt 10,5 triệu đồng/năm, tăng hơn 3 lần so với năm 2003. Kết cấu hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ; đến nay 10/10 xã có đường ô tô về đến trung tâm xã. Nhiều trục giao thông lớn mở ra hướng kết nối huyện với các huyện, tỉnh khác như quốc lộ 40B, đường Đông Trường Sơn, Trà Vinh - Đăk Ru, Măng Lùng - Đăk Glei, Trà Leng - Phước Thành… Ngoài ra, 10/10 xã với 38/43 thôn có điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ sử dụng điện hơn 62%.
Khu trung tâm huyện được xây dựng cơ bản và từng bước mở rộng theo yêu cầu phát triển, dần mang dáng dấp của một trung tâm hành chính, kinh tế, xã hội và đang phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại V miền núi vào năm 2020. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong 15 năm qua của huyện đạt gần 1.411 tỷ đồng… Mạng lưới trường, lớp của huyện không ngừng phát triển. Hiện đã có 3 trường đạt chuẩn quốc gia cấp độ 1; duy trì phổ cập giáo dục 10/10 xã, tỷ lệ phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học đạt 99% và phổ cập THCS đạt 98,5%. Qua 15 năm tái lập, Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Trà My được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba và Huân chương Lao động hạng Nhì vào các năm 2008, 2013.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Nam Trà My đạt được. Song cũng nhìn nhận đời sống của đại bộ phận nhân dân còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Để tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chỉ đạo, Nam Trà My cần tập trung phát triển cây sâm và cây dược liệu, thực hiện tốt đề án bảo tồn và phát triển cây sâm và cây dược liệu, góp phần giảm nghèo hiệu quả.
Đồng chí Lê Trí Thanh chỉ đạo huyện thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm. Thứ nhất, đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về ý thức tham gia bảo tồn cây sâm bản địa, bài trừ cây sâm lạ; tăng cường kiểm tra, tố giác các hành vi gian dối trong kinh doanh, làm ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu sâm núi. Hai là, thực hiện tốt quy hoạch bảo tồn và phát triển cây sâm; phối hợp với ngành giao thông triển khai các tuyến đường giao thông đến vùng sâm; phối hợp với ngành nông nghiệp, ngành du lịch phát triển du lịch vùng sâm gắn với bảo vệ rừng, giữ gìn đa dạng sinh thái rừng vùng sâm; phát triển các mô hình trồng sâm gắn với bảo vệ rừng. Thứ ba, thực hiện tốt các chương trình giảm nghèo bền vững; phối hợp với Sở KH&CN, Sở NN&PTNT thực hiện có hiệu quả đề án sâm quốc gia, đưa sâm Ngọc Linh phát triển nhanh về số lượng, chất lượng, thực sự trở thành sản phẩm quốc gia, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo vùng cao.
Trước đó, BTC tiến hành viếng hương tại Nghĩa Trang liệt sỹ huyện 
BÍCH LIÊN - NGUYỄN DƯƠNG
 
 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây