Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

https://tinhdoanqnam.vn


Bác Hồ trong tim người xứ Quảng

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình yêu thương, sự quan tâm đặc biệt đối với các bậc chí sĩ, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân cả nước nói chung, trong đó có nhân dân xứ Quảng. Đáp lại tình cảm của Người, lớp lớp cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng luôn một lòng theo Đảng, theo con đường cách mạng mà Người đã lựa chọn và lập nên nhiều chiến công vẻ vang.
Bác Hồ trong tim người xứ Quảng
Đồng chí Võ Chí Công đọc Lời điếu tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh do Khu ủy 5 tổ chức tháng 9 năm 1969. (Ảnh tư liệu)

Đồng chí Võ Chí Công đọc Lời điếu tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh do Khu ủy 5 tổ chức tháng 9 năm 1969. (Ảnh tư liệu)
Bác Hồ với xứ Quảng

Quảng Nam - Đà Nẵng là vùng đất mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng đặt chân đến, trước khi Người ra đi tìm đường cứu nước. Và cũng chính xứ Quảng là địa phương có nhiều người con ưu tú được gặp Bác Hồ, được làm việc bên Bác, được Bác ân cần chỉ bảo như Phan Thêm (Cao Hồng Lãnh), Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam), Lê Văn Hiến, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Thị Lý...
Cũng chính mảnh đất và con người xứ Quảng đã để lại trong Người nhiều ấn tượng sâu sắc. Mỗi khi tiếp xúc với cán bộ, chiến sĩ Quảng Nam - Đà Nẵng, Bác Hồ thường đề cập đến vùng đất, con người và truyền thống yêu nước của nhân dân xứ Quảng.
Bác nhắc đến tính “hay cãi” của người Quảng, đồng thời cũng ghi nhận “Quảng Nam đất cách mạng kiên cường”, Bác luôn quan tâm đến những nhân vật người Quảng Nam trong lịch sử - những người luôn làm rạng danh quê hương, Bác gọi Hoàng Diệu “cùng thành còn mất, làm gương để đời”, gọi Trần Quý Cáp là “nhà nho thanh cao”, gọi cụ Huỳnh Thúc Kháng “là người giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan”…
Đáp lại tình cảm và sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ khi có Đảng, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đất Quảng một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ thực hiện cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Quảng Nam là một trong 4 tỉnh tổng khởi nghĩa giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.
Bước sang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng luôn một niềm tin theo Đảng, theo Bác. Năm 1965, khi quân viễn chinh Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng, rồi Chu Lai và miền Nam, với quyết tâm sắt đá đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định một chân lý của thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Chân lý ấy đã trở thành mệnh lệnh, là lời động viên, hiệu triệu, thúc giục đồng bào, chiến sĩ và nhân dân cả nước xông lên “tuyến đầu đánh Mỹ”.
Trên chiến trường Quảng Đà, chiến tranh ngày càng ác liệt, một phong trào thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt” được phát động và nhanh chóng trở thành cao trào đánh Mỹ sôi nổi.
Đêm 31-10-1965, Tiểu đoàn 1 bộ binh Quảng Đà (R20) tập kích tiêu diệt gần hết một đại đội lính Mỹ tại cứ điểm Gò Hà (nay là xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang). Đặc biệt, chiến thắng Núi Thành (đêm 25 rạng sáng 26-5-1965) đã trả lời câu hỏi: ta có thể đánh Mỹ và thắng Mỹ. Chiến thắng Núi Thành, Gò Hà lịch sử và nhiều chiến công vang dội khác, sáng tạo “Vành đai diệt Mỹ”, với việc tìm tòi cách đánh Mỹ, đấu tranh chính trị, binh vận với quân Mỹ, sáng tạo phương châm “3 bám”, “2 chân, 3 mũi giáp công”. Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng đã được Trung ương Mặt trận Tổ quốc miền Nam Việt Nam tặng 8 chữ vàng “Trung dũng, kiên cường, đi đầu diệt Mỹ”.
Thề mãi là dân Cụ Hồ
Giữa lúc phong trào cách mạng đang trong giai đoạn ác liệt nhất, Đảng bộ, quân và dân Quảng Nam, Quảng Đà nhận được tin Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trần. Đây là nỗi đau thương, mất mát lớn nhất không gì bù đắp nổi của Đảng và nhân dân ta. Người con ưu tú của xứ Quảng, Bí thư Khu ủy 5 Võ Chí Công, vô cùng xúc động khi viết trong hồi ký của mình: “Riêng tôi, được Trung ương điện báo hằng ngày trước khi Bác mất, bệnh Bác yếu dần, tôi rất lo lắng.
Khi được báo Bác đã từ trần, nghe như sét đánh vào tai, đầu óc bối rối, buồn bã xúc động, vô cùng thương tiếc, tâm hồn xao xuyến mấy ngày đêm không ăn không ngủ”. Ngày 9-9-1969, Khu ủy 5 tổ chức lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh tại căn cứ Khu ủy ở Sông Tranh, Quảng Nam, đồng thời Khu ủy động viên toàn Đảng, toàn quân và toàn dân biến đau thương thành hành động, mở đợt sinh hoạt chính trị học tập và làm theo Di chúc của Bác, củng cố quyết tâm đánh thắng chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà - điều cao cả mà Bác Hồ kính yêu hằng mong ước.
Tại nhà lao Hội An, Đảng bộ nhà lao nhanh chóng thông báo cho các chi bộ, tổ Đảng và từng cán bộ, đảng viên và quần chúng trung kiên biết, đồng thời phát động các chi bộ Đảng trong nhà lao tìm mọi cách và bố trí thời điểm thích hợp để tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ. Đúng 5 giờ sáng, ngày 6-9-1969, lễ truy điệu và để tang Bác Hồ được bí mật tổ chức tại các phòng nam và nữ tù nhân.
Việc tổ chức truy điệu Bác trong nhà lao rất khó khăn và cực kỳ nguy hiểm. Nhưng với lòng kính yêu và tiếc thương vô hạn, những người tù cách mạng đã vượt qua nguy hiểm tham dự lễ truy điệu Bác. Tù nhân yêu nước với khăn tang, đứng xếp hàng, hát Quốc ca và dành ba phút mặc niệm để tỏ lòng tiếc thương vô vàn đối với Bác. Sau đó, địch phát hiện và bắt những người tham gia lễ truy điệu Bác đem phơi nắng dưới cột cờ ba ngày rồi mới cho về phòng giam.
Sau lễ truy điệu, trong niềm xúc động khôn nguôi, đồng chí Huỳnh Kim Vạn (nguyên Phó Chủ tịch xã Điện Phong, huyện Điện Bàn bị địch bắt giam tại nhà lao Hội An từ năm 1954) đã sáng tác điếu văn truy điệu Bác, trong đó có đoạn:
“Tin sét đánh ngang tai đau đớn quá,
Tin Bác về xúc động cả tim tôi,
Bác Hồ ơi! Hỡi Bác Hồ!
Công đức Bác như trời cao biển rộng
Bác mất đi trời đất đều chuyển động
Non sông nhà bao phủ một màu tang…
Bác mất đi cả thế giới bàng hoàng
Nhân dân miền Nam chúng con đều cúi đầu rơi lụy
Nhớ Bác xưa: Suốt đời Bác không một ngày an nghỉ
… Thương tiếc Bác chúng con nguyện vâng lời Bác dạy”
(thư đề: Lao xá Hội An ngày 10-9-1969).
Cũng tại nhà lao Hội An, trong năm 1969, 6 chị em tù chính trị đã thêu bài thơ Nhật ký trong tù của Bác Hồ và được bí mật chuyển ra ngoài. Đến năm 1971, chiếc khăn thêu này được mang ra tặng Đại hội Đảng bộ thị xã Thanh Hóa lần thứ 8.
Bên ngoài nhà lao, nhân dân cũng đã sáng tác thơ, sau đó được đưa vào nhà lao làm tài liệu giáo dục chính trị cho tù nhân yêu nước.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Khu ủy 5, biến đau thương thành hành động, dịp này, Tỉnh ủy Quảng Nam, Đặc khu ủy Quảng Đà mở đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc của Bác Hồ”, nhằm chỉnh đốn tổ chức, chuyển hướng nhiệm vụ, khôi phục lại phong trào.
Ban Tuyên huấn Quảng Nam phát động cuộc vận động “biến đau thương thành hành động cách mạng”, “Sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại” và được nhân dân hưởng ứng tích cực; đồng thời ra được tập sáng tác thơ văn “Đời đời ơn Bác”.
Đặc biệt, Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà tổ chức phát động phong trào đăng ký “Thề mãi mãi là dân cụ Hồ”. Đây được coi là một trong những sáng kiến hợp lòng dân. Sau khi Bác mất, nhiều gia đình trong vùng địch lập bàn thờ Bác một cách trang nghiêm, thắp hương tưởng nhớ Bác và đọc bản đăng ký “Thề mãi mãi là dân Cụ Hồ”, sau đó lần lượt mỗi người trong gia đình ký tên vào.
Có gia đình ký rồi không dám giữ vì sợ địch phát hiện đã khấn xin Bác cho đốt và nói rằng trong lòng họ lời thề vẫn còn mãi. Sau ngày giải phóng, có một số gia đình vẫn còn giữ bản đăng ký lịch sử ấy.
Thực hiện lời dặn của Người “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, với phương châm “2 chân, 3 mũi giáp công”, quân và dân Quảng Nam, Quảng Đà cùng với nhân dân miền Nam từng bước góp phần đánh bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam; tiếp đó, nhân dân Quảng Nam, Quảng Đà tiến công nổi dậy giải phóng quê hương trong những ngày tháng ba lịch sử.
Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người (1969-2019) là dịp để cán bộ, đảng viên và nhân dân ôn lại những tình cảm cao quý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho Đảng, quân và nhân dân cả nước nói chung; trong đó có tình yêu thương, sự quan tâm của Người đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng, cũng như tình cảm cao quý mà nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng dâng Người; để từ đó viết tiếp nên những trang sử mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay...
Lê Năng Đông
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây