Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

https://tinhdoanqnam.vn


Gương sáng vùng biên

Gương sáng vùng biên
“Góp rất nhiều công sức cho phát triển cây đảng sâm ở xã biên giới này, không ai khác, ngoài Alăng Lơ. Anh Lơ vừa là Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Ch’Ơm, vừa là cán bộ thôn gương mẫu và đầy trách nhiệm nên rất được dân làng quý trọng, tin yêu”…
tnb 45976

Alăng Lơ - người đưa đảng sâm Tây Giang vực dậy và nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tại địa phương. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Đó là nhận xét của Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm (Tây Giang) - ông Bríu Hồ khi nói về Alăng Lơ - Trưởng thôn Achoong trong lần gặp mới đây. Ông Hồ nói, ở vùng biên này, Alăng Lơ không chỉ là gương sáng trong phát triển kinh tế - xã hội, mà còn đóng góp rất nhiều công sức cho sự đổi thay của cộng đồng. Và, 100% hộ dân ở Achoong đều trồng đảng sâm phát triển kinh tế là minh chứng rõ nét ghi dấu ấn sau những nỗ lực không mệt mỏi của chàng trai Cơ Tu giàu nghị lực.

Thoát nghèo nhờ sâm

Phải từ bỏ giảng đường đại học do hoàn cảnh gia đình, Alăng Lơ trở về quê và bắt đầu công việc trồng đảng sâm dưới tán rừng. Không chọn cách nhỏ lẻ như người làng, Lơ đầu tư mô hình theo phương pháp mới: trồng xen canh trên diện tích đất rẫy, với bắp và một số loại hoa màu khác. Phương pháp này, ngoài học hỏi kinh nghiệm từ sách báo, Lơ còn được sự hỗ trợ từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh - đơn vị kết nghĩa với xã Ch’Ơm.

Để mở rộng diện tích trồng sâm, Alăng Lơ mạnh dạn vay khoản tiền khá lớn từ ngân hàng chính sách. Sau thời gian cải tạo đất rẫy hơn 5ha, chỉ chưa đầy nửa tháng, Lơ đã ươm giống và trồng thành công mô hình xen canh cây dược liệu dưới tán rừng.

Lứa sâm đầu tiên, nhờ năng suất cao, Lơ thu về khoản tiền kha khá, rồi tiếp tục trồng mở rộng diện tích và vận động dân làng làm theo. “Nói hay không bằng nhìn thật”, Lơ làm được nên không lâu sau, cả làng Achoong đều học theo mô hình mới. Ai cũng mở rộng diện tích và nâng cao kiến thức từ kinh nghiệm thực tế mà Lơ đã áp dụng.

Hợp tác xã Nông nghiệp xã Ch’Ơm đang trồng hơn 25ha đảng sâm và mở rộng quy mô sang xã Ga Ry với hơn 2ha. Để duy trì, khuyến khích người dân tham gia, chính quyền địa phương huy động nguồn lực hỗ trợ giống miễn phí cho các hộ khó khăn, hộ mới làm ăn. Từ mô hình này, bình quân mỗi năm, hợp tác xã thu về hơn 200 triệu đồng, giúp nâng cao thu nhập trực tiếp cho các thành viên liên kết.

Chúng tôi theo chân Alăng Lơ đến cánh rẫy trên ngọn đồi Achoong. Nơi này chỉ cách làng chừng hơn 2km, nhưng cả vùng gần như một màu xanh phủ dày, ngút ngàn bởi một loại sâm dây.

“Bên này là vườn trồng hơn 2 năm, bên kia vừa mới trồng được mấy tháng. Là của mình hết. Hồi đầu năm vợ chồng mình thu hoạch được gần cả tạ bán cho thương lái theo diện đầu mối của hợp tác xã, giá cũng được lắm” - Alăng Lơ chia sẻ.

Phía cánh rẫy vừa trồng, nếu không chú ý, rất khó để nhận biết đảng sâm. Bởi loại dây bò sát có kích thước rất nhỏ, nhỏ hơn những chùm dây khoai lang núi. Chúng vươn mình mạnh mẽ, tạo nên một màu xanh ngắt giữa rừng.

Anh Lơ nói, kể từ khi đầu tư trồng sâm, cả vợ chồng anh và nhiều hộ dân khác ở làng đều có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Hiện mỗi ký sâm tươi có giá bán tại chỗ khoảng 150 - 200 nghìn đồng, trong đó sâm 2 - 4 tuổi có giá 250 - 300 nghìn đồng. Vài năm trở lại đây, ngoài phát triển đảng sâm, Alăng Lơ còn khoanh vùng bảo vệ hơn 3ha cây tiêu rừng đặc sản vùng cao, thu về mỗi năm gần 50 triệu đồng, góp phần tạo sinh kế bền vững cho gia đình và cộng đồng miền núi.

Thay đổi nhận thức cộng đồng

Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng sâm mới như một động lực để Alăng Lơ bắt tay thực hiện việc kết nối, hình thành các tổ liên kết, hợp tác trồng sâm trong cộng đồng.

“Mình vừa làm, vừa tuyên truyền người dân hiểu được giá trị của việc liên kết này, bởi đó không chỉ là bước đầu để tạo nên hợp tác xã nông nghiệp theo định hướng chung của cấp trên, mà còn giúp ích trong việc giữ rừng, mở rộng đất trồng sâm, tạo ra sản phẩm đặc trưng của miền núi, nâng cao thu nhập cho chính cộng đồng Cơ Tu” - Alăng Lơ tâm sự.

Hành trình mà Alăng Lơ giúp người dân thôn Achoong và các vùng lân cận thay đổi tập quán canh tác từ truyền thống sang phương thức mới, trong đó xây dựng tổ liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông sản trở thành hợp tác xã sau này cũng lắm gian truân. Khi những lứa sâm đầu tiên, do thời tiết bất thường đã bị hư hại, gánh nặng càng đè lên đôi vai của Lơ và các cộng sự. Không bỏ cuộc, họ quyết tâm làm lại từ đầu. Miệt mài với công việc, chẳng bao lâu, vườn sâm cho kết quả như ý muốn.

Theo ông Tơngôl Nhép - một hộ trồng sâm ở Achoong, cả 32 hộ dân trong làng đều trồng sâm, đời sống cũng khá dần. Hầu như nhà nào cũng có tivi, xe máy… phục vụ nhu cầu cuộc sống. Vì thế, sâm bây giờ đã trở thành mô hình kinh tế giúp người dân thoát nghèo.

Chủ tịch UBND xã Ch’Ơm - Bríu Hồ cho biết, Alăng Lơ có vai trò rất lớn đối với Hợp tác xã Nông nghiệp Ch’Ơm. Không chỉ là người tiên phong xây dựng mô hình trồng sâm kiểu mẫu, Alăng Lơ còn giúp địa phương trong việc kết nối, tập hợp các hộ trồng sâm thành tổ liên kết nông sản, yếu tố quan trọng để hình thành hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của xã.

“Hơn 2 năm đi vào hoạt động, mô hình kinh tế nông nghiệp Ch’Ơm bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân, nhất là các hộ tham gia trồng sâm theo phương thức mới. Qua đó, giúp người dân dần thay đổi nhận thức và tư duy trong phát triển cây dược liệu, góp phần phát triển kinh tế bằng sản vật địa phương, mở ra cơ hội giảm nghèo bền vững cho người dân miền núi” - ông Bríu Hồ nói.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây