Người trẻ tử tế
- Thứ sáu - 14/01/2022 15:33
- In ra
- Đóng cửa sổ này
CHÚNG TÔI KHÔNG QUÊN GƯƠNG MẶT NÀO!
Những câu chuyện rời rạc vẫn thường trở lại khi họ đã về với chuỗi ngày bình thường. Nhưng quãng thời gian “chiến đấu” với sinh - tử vẫn mãi trong lòng, khi hai tiếng Sài Gòn bất chợt rung lên, dù trong khoảnh khắc nào.
Đêm 19.11.2021. Lê Thị Bảo Ngọc (sinh năm 1989) là bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam đang ở Huế. Cô tắt điện, thắp nến, nhắm mắt trong thanh âm của từng hồi chuông tưởng niệm người mất vì Covid-19.
“Nhưng chỉ được đâu hơn 10 phút. Tôi úp mặt vào tay chạy ra khỏi gian phòng, cũng là vùng vẫy cùng những ký ức với bệnh nhân Covid-19” - Bảo Ngọc kể.
Đêm ấy, những bác sĩ trẻ đã từng làm việc cùng nhau tại Trung tâm Hồi sức tích cực ICU Covid-19 của TP.Hồ Chí Minh, từ khắp các tỉnh thành cùng nhau hồi tưởng.
“Không một ai mà chúng tôi quên được. Từng người cô, người chú, người phụ nữ mang thai khóc suốt chặng điều trị. Từng gương mặt, từng câu chuyện của họ...” - Bảo Ngọc chia sẻ.
Câu chuyện của chúng tôi lắng xuống, giữa một chiều cuối đông của đất Tam Kỳ. Ngọc vừa trở về sau hai tháng rưỡi tham gia điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thì khăn gói ra Huế để học. Vừa may, những ngày cuối năm cũ, Ngọc nói bây giờ mình đủ tĩnh lặng để sớt chia những cảm xúc mà có lẽ đời này có muốn quên cũng không được.
Những ngày tháng 8.2021, trên mạng xôn xao vì email một nữ bác sĩ gửi cho người phụ trách Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 của TP.Hồ Chí Minh. “Em chuyên ngành nội khoa, thời nội trú em cũng có đi hồi sức, đặt nội khí quản, cài đặt máy thở được. Liệu em có thể vào đó không? (...) Sáng nay em nói chuyện với mẹ. Em nói là thời khắc này, em không thể ăn ngon mặc đẹp, đi làm ngày 8 tiếng, về nhà bật điều hòa ngủ được. Em biết sự góp sức của em không là gì, chỉ rất bé, nhưng anh ơi, mỗi cái bé nhỏ mới thành cái lớn được phải không anh?”.
Người phụ trách khi ấy, bác sĩ Lê Minh Khôi nói, email Ngọc như một liều doping với các y bác sĩ lúc đó, để họ mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến với Covid-19.
Ngọc nói có những đêm trắng đến sáng, giao ban ca trực, thì có đến 10 trường hợp tử vong. Gần như những ngày ấy trôi qua rất nặng nề trong tầng điều trị cao nhất của Sài Gòn. Bây giờ, Ngọc bảo, nhiều đêm trong giấc ngủ mình, cô còn nghe cả tiếng máy thở, còn mơ hồ bàn tay níu lấy bác sĩ của những bệnh nhân Covid-19 trở nặng...
Khi Ngọc đặt chân vào Sài Gòn được một tuần, thì ở Quảng Nam, một đoàn y bác sĩ tình nguyện - là những người trẻ của các bệnh viện, trung tâm y tế trên toàn tỉnh cũng lên đường vào Nam.
Bác sĩ Nguyễn Khoa Vỹ (sinh năm 1993; công tác tại Bệnh viện Mắt Quảng Nam) được tin cậy chọn làm trưởng đoàn y tế chi viện cho TP.Hồ Chí Minh. Với 30 y bác sĩ, tuổi đời rất trẻ, họ lựa chọn sống tử tế bằng cách đi vào tâm dịch, tham gia cùng đồng nghiệp săn sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Giữa vùng đỏ, là tuổi xanh, thanh xuân của những người lựa chọn màu áo trắng làm sự nghiệp cuộc đời.
Nguyễn Khoa Vỹ nói, anh cũng như tất cả đồng nghiệp xung phong vào tâm dịch khi ấy, đều mang trong mình tinh thần xung kích của thanh niên, lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, tấm lòng vì người bệnh của thầy thuốc.
Và cả tâm thế sẵn sàng cho thời gian công tác kéo dài... Những hành trang đó, giúp từng gương mặt trẻ của Quảng Nam đương đầu với khó khăn của những ngày Sài Gòn bất ổn.
Rất nhiều gương mặt chúng tôi gặp trong thời gian vừa qua. Những người bận áo blouse trắng đều tuổi đời rất trẻ. Họ có thể là Nhung từ Phú Thọ vào, là bác sĩ Huỳnh Hữu Đại từ Sài Gòn ra Quảng Nam chi viện, và rồi là Vỹ, là Ngọc, là Đặng Minh Hiệu...
Họ đều không muốn làm anh hùng, được xưng tụng là anh hùng. Chỉ đơn giản, những người trẻ trong sắc phục trắng của ngành y, đang hết lòng vì công việc của mình. Công việc ấy cho họ niềm hạnh phúc, cho họ nụ cười mỗi khi bệnh nhân ra viện, cho họ cái siết tay thật chặt của những đồng nghiệp dù có thể chưa từng thấy mặt nhau...
HẠNH PHÚC, Ở ĐÂU CŨNG SẼ CÓ
Trà Thị Thu vẫn đang tất bật chuẩn bị cho học trò của mình được “ăn tết”. Hình ảnh cô giáo nhỏ nhắn, gương mặt lúc nào cũng rạng ngời đã truyền đi những năng lượng tích cực...
Đã gần 8 năm, cô giáo Trà Thị Thu gắn bó với nhiều điểm trường của huyện vùng cao Nam Trà My. Từ giáo viên mầm non, đến tiểu học, từng thôn của xã Trà Tập đều in dấu chân cô giáo trẻ này.
Nhưng phải đến năm học 2019 - 2020, ở điểm trường Tắk Pổ, Trà Thị Thu được nhiều người khắp nơi biết tới vì những bức ảnh gây xúc động về buổi tựu trường của học trò vùng cao. Cơ duyên này đã giúp trẻ con nơi đây được học tập trong một ngôi trường mới với tường xây ngói đỏ, từ sự hỗ trợ của cộng đồng khắp nơi.
Quen với từng nóc, từng người dân, từng đứa trẻ của Trà Tập, Trà Thị Thu như quen luôn cả việc mình được bà con ở đây xem như người của làng. Và đó cũng là niềm hạnh phúc để Thu gắn bó thanh xuân của mình tại đây.
“Mình còn trẻ, nếu thấy ở đâu khó khăn, đủ sức và có ham muốn đi tới thì cứ đi. Đừng suy nghĩ quá nhiều bởi hạnh phúc ở đâu cũng sẽ có, mình tự tạo được niềm vui thôi. Giờ tôi thấy mọi thứ mình đang có, đang hằng ngày ở đây là quá đủ rồi” - Thu nói.
Có lẽ những ngày tháng đẹp nhất, vui nhất, hạnh phúc nhất trong nghề dạy học của cô giáo trẻ này là ở ngay đây, trên những ngôi trường của các nóc vùng cao.
Trà Thị Thu là nhân vật truyền cảm hứng trong cuộc thi Giải báo chí Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam năm 2020. Năm học 2020 - 2021, Trà Thị Thu là đại diện duy nhất của Quảng Nam được tuyên dương giáo viên tiêu biểu xuất sắc toàn quốc và cũng là người trẻ nhất trong số 50 điển hình được tuyên dương.
Giải thưởng này được trao cho giáo viên có nhiều sáng kiến, đổi mới phương pháp giảng dạy, giúp học sinh tiếp thu kiến thức hiệu quả trong thiên tai, lũ lụt, dịch bệnh ở vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề do Covid-19.
Vẫn không ngừng tìm kiếm những phương pháp giáo dục gần gũi và dễ tiếp cận với học sinh, Thu ngày đêm học hỏi và đưa ra những kiến giải phù hợp với học sinh vùng cao.
Người ta sẽ còn nhớ mãi một cô giáo Thu với chiếc xe máy chất hàng cao quá đầu, vượt những gập ghềnh tới từng nóc, không ngại hiểm nguy rình rập, mang nhu yếu phẩm cho học trò đang thực hiện cách ly, vào những ngày Nam Trà My bùng dịch hồi tháng 10.2021.
Thầy Võ Đăng Thuận - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Nam Trà My nói, nếu không tâm huyết, không yêu thương học trò, thì những giáo viên trẻ, sẽ chẳng thể nào trụ bám lại cùng học sinh miền núi.
Trà Thị Thu, vẫn một nụ cười thật tươi: “Hạnh phúc, ở đâu cũng sẽ có, chỉ cần tin yêu”!
TIÊN PHONG CÙNG CHUYỂN ĐỔI SỐ
Không ngừng sáng tạo trong công việc, anh Võ Ngọc Viên (SN 1991, công tác tại Kho bạc Nhà nước tỉnh) là công chức trẻ duy nhất của Quảng Nam được Trung ương Đoàn tặng Giải thưởng “Cán bộ, công chức, viên chức trẻ giỏi toàn quốc” lần thứ VIII - năm 2021.
Gần 4 năm đảm nhiệm vị trí chuyên viên tin học, thuộc Phòng Tài vụ - Quản trị, không chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ khắc phục, xử lý kịp thời sự cố về máy tính, đảm bảo an toàn thông tin mạng, Võ Ngọc Viên còn có nhiều sáng kiến nổi bật, góp phần rút ngắn thời gian, quy trình giải quyết công việc và thủ tục hành chính tại đơn vị.
Ngọc Viên kể, năm 2018 - năm đầu vào làm việc ở cơ quan, được lãnh đạo phòng giao nhiệm vụ hỗ trợ triển khai dịch vụ công (DVC) trực tuyến cho Văn phòng Kho bạc Nhà nước (KBNN) tỉnh và các đơn vị sử dụng ngân sách trên địa bàn Quảng Nam, anh nhận thấy mỗi loại chữ ký số tương thích với một phiên bản Java khác nhau nên việc hỗ trợ gặp nhiều khó khăn.
Nhận ra vấn đề, anh vừa nghiên cứu vừa thử nghiệm các phiên bản Java khác nhau để tìm ra phiên bản phù hợp nhất. Sau thời gian ngắn, anh đã tìm ra phiên bản Java version 8 update 181 tương thích nhất với chứng thư số dùng cho chương trình DVC.
Sáng kiến này được Cục Công nghệ thông tin - KBNN cho phép sử dụng tại Quảng Nam. Sau hơn 5 tháng áp dụng, sáng kiến đã giúp việc vận hành chương trình DVC trực tuyến KBNN trên địa bàn tỉnh được hiệu quả, thông suốt.
Trước xu hướng chuyển đổi số mạnh mẽ trong lĩnh vực KBNN, những cán bộ, công chức trẻ là hạt nhân tiên phong trong ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, góp phần quản lý quỹ ngân sách nhà nước minh bạch, hiệu quả, an toàn.
Bằng trí tò mò của “dân” công nghệ thông tin, anh Viên thường xuyên nghiên cứu, tìm hiểu, nắm chắc các ứng dụng, phần mềm dùng chung trong ngành. Đồng thời trực tiếp ghi nhận, nắm bắt ý kiến của người sử dụng để kịp thời hỗ trợ, khắc phục hoặc cải tiến để các phần mềm phát huy tối đa hiệu quả...
Gần đây nhất anh phối hợp cùng kỹ thuật viên Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ xây dựng ứng dụng “Lập báo cáo chi phòng chống dịch Covid-19”, giúp việc tổng hợp, báo cáo số liệu dễ dàng, nhanh chóng.
Từ những ngày đầu nhận công tác, Võ Ngọc Viên tham gia hướng dẫn các cơ quan, đơn vị về sử dụng DVC trực tuyến trong thực hiện thủ tục liên quan đến lĩnh vực KBNN.
Đến nay, tất cả đơn vị quan hệ ngân sách đã tham gia DVC trong giao dịch với KBNN (trừ khối an ninh, quốc phòng) và đều được thực hiện trực tuyến ở mức độ 4. Hàng năm, anh còn cùng cán bộ công nghệ thông tin ở đơn vị về KBNN các địa phương để kiểm tra, đảm bảo an toàn thông tin cho hệ thống máy tính...
“KBNN nói chung và KBNN Quảng Nam nói riêng đang tích cực đi đầu trong chuyển đổi số bằng triển khai DVC trực tuyến, giúp các đơn vị giao dịch hoàn toàn bằng phương thức điện tử, từ việc nhập chứng từ cho đến đối chiếu đều thực hiện trên hệ thống DVC của KBNN...
Là công chức hỗ trợ DVC KBNN cho các đơn vị quan hệ ngân sách trên địa bàn, tôi sẽ cố gắng hoàn thiện và trau dồi thêm kỹ năng nhằm đóng góp phần nhỏ công sức vào công cuộc chuyển đổi số của KBNN, hướng đến hình thành “kho bạc số”, giúp các dịch vụ quan hệ ngân sách nhận thấy được tiện ích của việc sử dụng DVC KBNN” - anh Viên chia sẻ.
KHÁT VỌNG THỂ HIỆN TỪ CÁCH SỐNG, CÁCH LÀM VIỆC
“Lợi thế của mình là sức trẻ, khả năng tiếp cận những điều mới mẻ lẫn nhiệt huyết làm việc và cống hiến. Đó sẽ là điều kiện quan trọng để bổ khuyết cho những mặt còn thiếu sót, giúp mình phấn đấu thực hiện tốt nhất những gì mình có thể làm. Khát vọng sẽ được thể hiện ở ngay chính vị trí công việc mà mình đang làm, ở cách tiếp nhận và thái độ sống, thái độ làm việc” - Nguyễn Thị Mỹ Linh, Phó Trưởng phòng Tổ chức hành chính Cục Quản lý thị trưởng tỉnh chia sẻ.
Vừa bước qua tuổi 31, Mỹ Linh đang là Bí thư Chi đoàn Cục Quản lý thị trường. Những năm tháng làm việc tại Đội số 10 thuộc Chi cục Quản lý thị trường (cũ, nay đã được nâng lên thành Cục Quản lý thị trường) giúp Linh hiểu thêm về đặc thù công việc, biết tính chất công việc ở cơ sở, từ đó làm tốt vai trò tham mưu trong công tác tổ chức, hành chính của đơn vị.
Linh chia sẻ, nơi cô công tác có gần nửa nhân sự là người trẻ, là điều kiện thuận lợi để phát huy được sự nhanh nhạy, đoàn kết, tác phong chuyên nghiệp trong công việc.
Chi đoàn Thanh niên Cục Quản lý thị trường ra đời chỉ hơn một năm, sau khi được tách ra từ Chi đoàn Sở Công Thương, song đã để lại khá nhiều dấu ấn bằng các công trình, phần việc. Không chỉ bó hẹp trong phạm vi đơn vị, các hoạt động tình nguyện, an sinh xã hội của Chi đoàn như phối hợp xây dựng nhà trẻ cho trẻ em xã Trà Leng (Nam Trà My), tham gia phòng chống dịch Covid-19, giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn… được phát động, tạo sức lan tỏa rộng.
Được lãnh đạo tin tưởng và đồng nghiệp hỗ trợ, những người trẻ tại Cục Quản lý thị trường như Mỹ Linh có cơ hội thể hiện tinh thần nhiệt huyết, cống hiến của mình. Đặc thù của công việc giúp người trẻ tiếp cận với nhiều người, nhiều địa bàn, nhưng ở vai trò, vị trí nào, cũng phải đặt tinh thần, ý thức về phẩm chất đạo đức của người công chức, người thực thi công vụ lên hàng đầu.
Với cô gái trẻ Nguyễn Thị Mỹ Linh, làm tốt nhất phần việc của mình, giữ được hình ảnh thân thiện, gần dân, vì dân là cách thiết thực nhất để thể hiện khát vọng của mình với quê hương.
“Người trẻ sẽ có cơ hội nhiều hơn trong việc tiếp cận những kiến thức, kỹ năng mới, từ đó nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, tìm kiếm những sáng kiến đóng góp vào hoạt động của đơn vị. Nhưng không thể tách rời việc học tập chuyên môn mà quên đi nhiệm vụ trau dồi, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức.
Biết lắng nghe, biết mạnh dạn bày tỏ ý kiến, biết ứng xử hài hòa với người dân và biết gắn mình với trách nhiệm cộng đồng trong các hoạt động an sinh là cách thiết thực nhất để thể hiện khát vọng tuổi trẻ, khát vọng thanh xuân của mình” - Mỹ Linh tâm sự.
MONG GÓP SỨC MÌNH NHIỀU HƠN...
Qua quá trình rèn luyện ở nhiều vị trí công tác, tháng 3.2021, Nguyễn Thị Xuân Trang (SN 1988) được tổ chức tin tưởng giao đảm nhiệm chức vụ Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tam Thạnh (Núi Thành); cử tri tiếp tục tín nhiệm bầu tham gia HĐND xã nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Gắn bó với công tác đảng tại Đảng ủy xã Tam Thạnh khi mới 21 tuổi, Nguyễn Thị Xuân Trang dần vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, thể hiện năng lực, nhiệt huyết trong nhiệm vụ được giao.
Như lời Xuân Trang chia sẻ, được cọ xát với thực tiễn xây dựng Đảng của địa phương, càng nhận thức được đây là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng, để bản thân phấn đấu nhiều hơn, góp sức cùng Đảng ủy xã làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, chung tay xây dựng quê hương Tam Thạnh phát triển.
“Là cán bộ nữ, trẻ, được sự quan tâm tạo điều kiện của lãnh đạo địa phương, cũng như sự tín nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tôi tự nhủ phải luôn cố gắng trong công tác, rèn luyện, học hỏi từ các đồng chí đi trước, từ nhân dân để trưởng thành, đóng góp có chất lượng vào công tác tham mưu trên lĩnh vực được phân công phụ trách” - Nguyễn Thị Xuân Trang tâm tình.
Đúc kết kinh nghiệm qua thực tiễn công tác, theo Xuân Trang, muốn xây dựng một địa phương vững mạnh về mọi mặt, trước hết hệ thống chính trị phải mạnh. Hệ thống chính trị vững mạnh đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải mạnh, gương mẫu, uy tín và sự đồng tình, ủng hộ cao của nhân dân.
Được phân công phụ trách công tác đảng, làm Trưởng khối Dân vận và đứng điểm chỉ đạo các đoàn thể chính trị - xã hội, Nguyễn Thị Xuân Trang dành nhiều thời gian tìm hiểu, nghiên cứu văn bản của Đảng, của các cấp, ngành; tham khảo những việc làm hay, mô hình điển hình, để từ đó tham mưu phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; nhất là tham mưu xây dựng hệ thống chính trị từ xã đến chi bộ và ban nhân dân thôn thật sự vững mạnh.
Trong hoạt động của đoàn thể chính trị - xã hội, Xuân Trang thường xuyên trao đổi, cùng định hướng một số nhiệm vụ lớn và tham mưu cấp ủy tạo điều kiện cho các hội triển khai thực hiện tốt phong trào, cuộc vận động ở địa phương...
Giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhân dân, nữ cán bộ trẻ Xuân Trang tham gia sinh hoạt, tiếp xúc cử tri để nắm bắt những vấn đề người dân quan tâm và giải thích thắc mắc liên quan đến đời sống dân sinh, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Vượt qua những khó khăn của một xã miền núi, đến cuối năm 2021 Tam Thạnh về đích nông thôn mới là minh chứng sinh động cho sự nhất trí, đồng thuận cao của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị tại cơ sở.
“Tôi luôn bố trí thời gian hợp lý để hoàn thành tốt công việc chung vừa vẹn toàn việc gia đình và bản thân cũng tự đặt ra nhiều mục tiêu gắn với kế hoạch từng bước thực hiện hoàn thành, với mong muốn góp sức mình nhiều hơn vào nhiệm vụ xây dựng quê hương phát triển” - Nguyễn Thị Xuân Trang chia sẻ.
NHƯ ĐỐM LỬA GƯƠL
Có lần tôi theo chân Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang - Đỗ Hữu Tùng dự ngày hội đại đoàn kết tại điểm thôn Tà Vạc (thị trấn P’rao). Giữa tiết trời se lạnh của núi, ngồi trong gươl, mọi thứ trở nên ấm áp. Chúng tôi quây quần bên bếp lửa gươl, say sưa theo câu lý của già làng, cùng thanh âm của nhịp chiêng trống.
1. Nếu tôi nhớ không nhầm, kể từ khi Đông Giang được tái lập, anh Tùng là lãnh đạo huyện trẻ nhất tại địa phương. Đó là vào cuối năm 2020, đang làm Bí thư Huyện đoàn, anh được đề bạt giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện, khi vừa 36 tuổi.
Anh Tùng từng để lại nhiều dấu ấn với người dân địa phương ở vai trò “thủ lĩnh” của đoàn, từ việc đồng hành với các mô hình kinh tế hiệu quả, hỗ trợ học sinh khó khăn, cho đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống…
Nhưng, tôi thực sự chú ý tới anh khi Huyện đoàn Đông Giang thực hiện chương trình thiện nguyện tại làng Bút Tưa (nay là tổ Bút Tưa, thôn Bh’lô Bền, xã Sông Kôn) từ 6 năm trước.
Hồi đó, anh Tùng là Phó Bí thư Huyện đoàn. Bút Tưa vừa trải qua câu chuyện ám ảnh về hủ tục khiến hơn nửa số dân trong làng lần lượt rời bỏ nhà cửa vì sợ... “con ma rừng”. Bởi vậy, hành trình thiện nguyện của tuổi trẻ Đông Giang lúc đó được ví như ngọn lửa ấm xoa dịu nỗi đau, mang lại niềm vui cho đồng bào Cơ Tu.
Làm công tác đoàn nên câu chuyện góp sức trở nên quen thuộc. Năm ngoái, sau cơn lũ quét bất ngờ, hàng chục hộ dân ở thị trấn P’rao bị hư hỏng nhà cửa, bùn đất vùi lấp hoa màu, nhiều ngôi nhà ngập sâu trong nước khiến cuộc sống người dân sống ven sông A Vương bị đảo lộn.
Nhà của Tùng cũng không ngoại lệ trước thiên tai, bão lũ. Vậy mà, phía sâu trong những ngôi làng ngập lũ ấy, người ta vẫn thấy bóng dáng của một “thủ lĩnh” áo xanh miệt mài cùng đoàn viên - thanh niên giúp dân vận chuyển đồ đạc, quét dọn bùn đất, thăm hỏi động viên gia đình bị thiệt hại. Nhiều chương trình phối hợp, chung tay khắc phục thiên tai được tổ chức, hỗ trợ giúp người dân sớm vượt qua khó khăn.
Hành động đẹp của tuổi trẻ Đông Giang cứ thế được tiếp nối, từ sự khởi xướng của anh Tùng, nhiều nhất là trong thời điểm làn sóng dịch bệnh Covid-19 liên tiếp bùng phát. Và khi đã là Phó Chủ tịch UBND huyện, xuyên suốt mùa dịch, người ta vẫn thấy anh luôn có mặt ở các điểm nóng, cùng tuyên truyền, vận động người dân ứng phó với đại dịch, đảm bảo an toàn cho cuộc sống cộng đồng.
2. Hôm nọ, tôi ghé huyện, gặp anh Tùng để trao đổi công việc. Nội dung xoay quanh công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Anh Tùng hào hứng, chia sẻ rất nhiều ý tưởng về câu chuyện giữ gìn bản sắc.
Với vai trò của mình, anh tham mưu và trở thành “cầu nối” quan trọng giúp lãnh đạo huyện có thêm định hướng trong công tác tuyên truyền, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống.
Bắt đầu từ việc sưu tầm, khôi phục di sản vật thể và phi vật thể, nhiều hiện vật tưởng chừng đã “chìm vào dĩ vãng” được tìm thấy trong cộng đồng giúp chính quyền địa phương mở ra định hướng mới, gắn công tác bảo tồn với phát triển du lịch cộng đồng.
Anh Tùng nói, những năm gần đây, từ gợi mở của chính quyền địa phương, Đông Giang đang ngày có thêm nhiều câu lạc bộ nói lý - hát lý, múa hát cồng chiêng, du lịch trải nghiệm… Nhiều câu lạc bộ nói lý - hát lý được truyền dạy trong các trường học giúp học sinh có khả năng nhận biết nội dung, câu chuyện hàm nghĩa trong nghệ thuật nói lý - hát lý…
“Phải giáo dục cho học sinh biết tự hào khi mặc trang phục truyền thống, cảm thấy xấu hổ khi không biết nói lý - hát lý, không biết đánh cồng chiêng. Khi nào làm được điều đó thì công tác bảo tồn mới thực sự thành công” - anh Tùng nói.
Dặm dài theo từng câu chuyện của Đỗ Hữu Tùng, tôi có cảm giác, nếu kế hoạch “bắt tay” với các già làng và nghệ nhân sớm được triển khai, không bao lâu nữa, Đông Giang sẽ là “huyện điểm” trong câu chuyện bảo tồn văn hóa của tộc người vùng cao. Mở rộng gắn với phát triển du lịch cộng đồng, anh Tùng kỳ vọng dịch bệnh sớm qua đi để địa phương hiện thực những ý tưởng mới mang tính đột phá...
SẴN SÀNG NHẬN NHIỆM VỤ
Năm 2016, khi đang giữ chức vụ Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Quế Sơn, chị Lê Thị Lập (SN 1985) được điều động làm Phó Chủ tịch UBND xã Quế Châu, phụ trách lĩnh vực kinh tế, nông thôn mới. Đến ngày 1.1.2019, chị Lập nhận nhiệm vụ mới, làm Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã miền núi Quế Phong.
Tại Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Quế Sơn lần thứ XXV (nhiệm kỳ 2020 - 2025), chị được bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ huyện; tiếp đó chị được tín nhiệm bầu vào HĐND huyện Quế Sơn nhiệm kỳ 2021 - 2026. Từ Quế Châu đến Quế Phong, vị trí và địa bàn có nhiều thay đổi nhưng điểm chung mang lại với người cán bộ luân chuyển như chị chính là sự trải nghiệm.
“Nhiều người nói vui: Cấp xã là cả xấp! Về rồi mới thấy cái gì mình cũng đụng tới. Nhờ thế rèn luyện cho mình nhiều thứ khi va chạm thực tế, trực tiếp xử lý tình huống và kỹ năng giao tiếp, nhất là thái độ ứng xử với dân. Mỗi khi làm được việc gì có ích cho địa phương, từ hòa giải tranh chấp, vận động giải phóng mặt bằng... đến kết nối các suất quà trao cho người dân, là tôi cảm thấy hạnh phúc, vui sướng lắm!” - chị Lập chia sẻ.
Ví von “cán bộ trẻ luân chuyển về cơ sở như con gái mới về làm dâu”, mọi cử chỉ hành động, lời ăn tiếng nói, thái độ làm việc đều bị... “dòm ngó”. Bởi vậy, bản thân phải không ngừng nỗ lực, cố gắng nhiều thì mới hòa nhập và hoàn thành tốt được nhiệm vụ. Chị nói ngại nhất cái “mác” luân chuyển, nên ngoài cố gắng, khi về công tác cần đặt mình vào vị trí là người cán bộ địa phương thực thụ, là người con ở đó để hòa mình với cán bộ và người dân.
Chị Lập chia sẻ, ban đầu có đôi chút bỡ ngỡ, lúng túng trong tiếp xúc với người dân, nhưng khi biết cách tiếp cận sẽ rất dễ. Với người dân, chị chọn cho mình cách tiếp cận nhẹ nhàng, quan trọng là thái độ chân thành, tôn trọng, chịu khó lắng nghe. Bởi thế, chị không chỉ được lòng cán bộ cơ sở mà bà con nhân dân cũng hết mực quý mến. Đó vừa cơ hội nhưng cũng là áp lực, buộc chị phải luôn cố gắng, trách nhiệm hơn.
Hạnh phúc nhất với chị Lập khi về công tác ở cơ sở là sự đổi thay, phát triển của địa phương. Như Quế Phong, trước đây là xã miền núi, đời sống người dân khó khăn, an ninh phức tạp, phong trào thi đua luôn ở nhóm cuối bảng.
Nay, với sự nỗ lực cố gắng, đồng thuận của cán bộ và nhân dân, bộ mặt địa phương có nhiều chuyển biến. Năm 2020, xã được UBND tỉnh tặng Bằng khen Tập thể lao động xuất sắc… Hay như trước đó ở Quế Châu, qua 2 năm chị Lập về phụ trách mảng xây dựng nông thôn mới thì sau đó xã cũng được công nhận đạt chuẩn...
Tâm lý thoải mái, vui vẻ, sẵn sàng nhận bất cứ nhiệm vụ tổ chức giao phó và nỗ lực hết mình để hoàn thành, đó là cách mà nữ cán bộ trẻ Lê Thị Lập lựa chọn trong thực thi nhiệm vụ, mỗi khi Đảng giao phó.