Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “học đi đôi với hành” và vận dụng trong đào tạo, bồi dưỡng lý luận cho cán bộ
- Thứ sáu - 03/01/2020 15:55
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Một là, đối với các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải thực sự quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm học đi đôi với hành mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn, coi đây là một trong những nguyên tắc chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Quan điểm học đi đôi với hành phải được thể hiện nhất quán và toàn diện trong các khâu của quá trình đào tạo, bồi dưỡng, từ mục tiêu, nội dung, chương trình đến tài liệu giảng dạy, học tập; phương pháp giảng dạy và học tập; kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; từ cán bộ quản lý nhà trường đến giảng viên. Đặc biệt, phải chú ý làm rõ: “Người đến chịu huấn luyện rồi, có áp dụng được ngay không? Có thực hành được ngay không?”(16).
Hai là, đối với học viên, khi tham dự các khóa đào tạo, bồi dưỡng phải ý thức được học tập là để vận dụng vào thực tiễn công tác, để làm cho công tác đạt hiệu quả cao hơn. Qua quá trình vận dụng nhuần nhuyễn những kiến thức đã học vào thực tiễn công tác, mỗi người mới thực sự nắm bắt những kiến thức đã học, biến những kiến thức trong kho tàng tri thức nhân loại thành tri thức của bản thân; đồng thời trên cơ sở vận dụng những kiến thức đó trong thực tiễn để bổ sung, phát triển những tri thức mới. Mỗi người học cũng cần có ý thức rõ rằng việc tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng không phải là học tập cho xong việc, không phải vì chạy theo bằng cấp, hoặc “vì tạo cho mình một cái vốn để sau này đưa ra mặc cả với Đảng”(17). Bởi lẽ, quá trình giáo dục chỉ thực sự đạt được kết quả khi người học nhận thức được và biến nó thành quá trình tự giáo dục. Mục tiêu, động cơ học tập đúng đắn là tiền đề giúp quá trình học tập đạt hiệu quả tối ưu.
Ba là, trong quá trình học tập, đặc biệt là việc học tập lý luận chính trị, cần tránh việc học thuộc lòng câu chữ và áp dụng một cách máy móc, rập khuôn những kiến thức đã học; phải có tư duy độc lập, tự chủ để hiểu rõ, hiểu đúng các quan điểm, nguyên lý và xem xét chúng có phù hợp với tình hình mới hay không. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Việc học tập lý luận của các đồng chí không phải nhằm biến các đồng chí thành những người lý luận suông, mà nhằm làm thế nào cho công tác của các đồng chí tốt hơn, nghĩa là các đồng chí phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”(18).
Bốn là, để thực hiện tốt phương châm học đi đôi với hành, mỗi học viên phải luôn nêu cao tinh thần khiêm tốn, không ngừng học hỏi, cầu tiến bộ, tránh chủ quan, kiêu ngạo tự phụ, tự mãn. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”(19)./.