Trang tin điện tử Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Quảng Nam

https://tinhdoanqnam.vn


THỜI TRAI TRẺ TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC CỦA BÁC: Cánh chim bằng bay trên bão táp

THỜI TRAI TRẺ TÌM ĐƯỜNG CỨU NƯỚC CỦA BÁC: Cánh chim bằng bay trên bão táp
Người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước với 30 năm bôn ba qua 3 đại dương, 4 châu lục, qua gần 30 quốc gia, hàng trăm thành phố. Đó là quãng đời “thanh niên sôi nổi” vượt qua muôn vàn gian khổ, chông gai. Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, Báo Quân đội nhân dân Điện tử xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc loạt bài phần nào ghi chép lại câu chuyện về bản lĩnh, ý chí của một người trai chí lớn đã truyền cảm hứng cho thế hệ hôm nay và mai sau…
1 1

Bến cảng Nhà Rồng và ngày 5-6-1911 là cột mốc đánh dấu hành trình Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước. Nhưng chúng tôi muốn cùng bạn đọc lùi lại một mốc khác, đó là mùa Thu năm 1910, khi tròn 20 tuổi, Người đã dừng chân ven bờ biển Phan Thiết. Hành trình cứu nước đã bắt đầu từ những bước chân buổi ấy…

Người thầy bất đắc dĩ và khát vọng đi xa

Phan Thiết, một ngày mùa Thu tháng 9 năm 1910. Chàng trai trẻ Nguyễn Tất Thành dừng chân mà lòng ngổn ngang trăm mối. Cuốn Hồ Chí Minh-biên niên tiểu sử (do Viện Hồ Chí Minh thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh xuất bản năm 2006) ghi: Ngày 4-12-1908, Nguyễn Tất Thành khi đang là học sinh với lòng yêu nước thương dân đã tham gia cuộc biểu tình chống thuế của nông dân Thừa Thiên và bị thực dân Pháp theo dõi. Ông Nguyễn Sinh Huy (cha của Nguyễn Tất Thành), một vị quan thanh liêm đang làm việc ở Huế cũng bị chúng khiển trách.

Sang năm 1909, Nguyễn Tất Thành theo cha, lúc đó là Phó bảng vào huyện Bình Khê thuộc tỉnh Bình Định nhậm chức tri huyện. Sau đó Người được cha gửi vào Quy Nhơn học tiếng Pháp. Những tưởng việc học hành sẽ thuận lợi nhưng chẳng bao lâu, tháng 1 năm 1910, cha Người bị triều đình bãi chức và triệu hồi về Huế. Việc học tập của Nguyễn Tất Thành nguy cơ dang dở.

Tháng 9 năm ấy, Nguyễn Tất Thành quyết định từ Quy Nhơn vào Sài Gòn. Sau này, trả lời một nhà văn Mỹ, Người nói: “Nhân dân Việt Nam trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau ai sẽ là người giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp. Người này nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải đi ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi”.

Nhưng hành trình đâu dễ dàng. Đến Phan Thiết thì hết tiền, Người phải xin vào làm trợ giáo, dạy môn Thể dục tại Trường Dục Thanh, một ngôi trường tư thục nằm kề bên bờ sông Cà Ty, thành phố Phan Thiết (Bình Thuận).

Theo hồi ức của các học sinh: Thầy Thành dạy rất tận tâm, hết lòng thương yêu, chăm sóc trò. Thầy thường phổ biến cho học sinh những thơ ca yêu nước. Vừa phụ trách thể dục, thầy vừa chăm lo xây dựng tủ sách, hướng dẫn học sinh thăm phong cảnh trong vùng...

Ngoài giờ lên lớp với số tiền lương ít ỏi, theo tư liệu ghi chép chỉ vỏn vẹn 8 đồng, Nguyễn Tất Thành tìm những cuốn sách quý để đọc. Lần đầu tiên Người được tiếp cận với những tư tưởng tiến bộ của các nhà khai sáng Pháp như Rousseau, Voltair, Montesquieu, càng thôi thúc Người tìm đường ra nước ngoài.

Cuối năm Canh Tuất (1910), Nguyễn Tất Thành rời Trường Dục Thanh về Sài Gòn tiếp tục con đường đã định… Năm 1960, tập sách Bác Hồ do nhiều tác giả viết in tại Hà Nội đã được Bác Hồ xem. Khi đọc, Bác nói với đồng chí thư ký:
- Bác không có ý định dừng lại Phan Thiết song đến đó thì tiền lộ phí đã cạn mới quyết định ở lại tìm việc làm để có tiền đi tiếp cuộc hành trình.

Đến Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành xin vào học một trường kỹ thuật do Pháp quản lý, dạy về hàng hải. Sau này, đồng chí Hà Huy Giáp kể lại, có lần Bác nói: "Bác đâu có ý định học thợ, nhưng trong lúc lang thang để tìm cách sang phương Tây, mà có nơi cho mình học, có cái ăn là mình vô thôi".

Ít lâu sau, Người đã tìm đến thăm cha lúc này cũng ở miền Nam. Người cha già dặn dò: "Tìm thăm cha là tốt, nhưng cái cần hơn vẫn là tìm đường cứu dân tộc". Lời dặn ấy như càng củng cố thêm khao khát tột cùng bấy lâu nay Nguyễn Tất Thành nung nấu.

Người con hiếu thảo gửi tiền cho cha khi nhận tháng lương đầu bếp ít ỏi

Ngày 2-6-1911, Nguyễn Tất Thành nộp đơn xin việc làm ở tàu Amiral Latouche Tréville, một tàu lớn vừa chở hàng, vừa chở khách, đang chuẩn bị rời cảng Sài Gòn đi Marseille, Pháp. Một ngày sau, anh bắt đầu làm phụ bếp ở tàu với tên mới: Văn Ba.

Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành từ Bến cảng Nhà Rồng, thành phố Sài Gòn sang Pháp. Người thanh niên 21 tuổi ấy ra đi với mục đích gì? Để kiếm kế sinh nhai, hay để thoả mãn một ước mơ xa lạ nào đó của tuổi trẻ. Hơn mười năm sau chính anh đã trả lời nhà báo, nhà thơ Xô viết Osip Mandelstam:
Khi là một cậu bé ở tuổi 13, tôi lần đầu tiên đã nghe đến những từ Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái và tình anh em - đối với chúng tôi tất cả người da trắng đều là người Pháp. Tôi muốn tìm hiểu nền văn minh của Pháp để biết xem cái gì ẩn đằng sau những từ ấy. Nhưng ở các trường Pháp dành cho người bản xứ, người Pháp dạy như dạy con vẹt. Người ta ngăn cấm chúng tôi tiếp xúc với sách báo, không chỉ là những nhà văn mới mà ngay cả Rousseau và Montesquieu. Tôi đã làm gì? Tôi quyết định đi ra nước ngoài. Người An Nam bị xem là nông nô. Chúng tôi không chỉ bị cấm du lịch, mà còn bị cấm đi lại trong nước. Đường sắt được xây dựng cho các mục đích chiến lược riêng: trong con mắt người Pháp, chúng tôi chưa đủ trình độ để sử dụng những tuyến đường này. Tôi đã ra đi bằng đường biển. Lúc đó tôi 19 tuổi. Ở Pháp, các cuộc bầu cử đang diễn ra. Giới tư sản đang lừa phỉnh nhau’.

Rõ ràng là sự lựa chọn đi ra nước ngoài bằng đường biển của Bác Hồ là có chủ đích tìm đường cứu nước. Trả lời phỏng vấn này trùng khớp với những thông tin sau này về tiểu sử của Người.

Con tàu xuyên đại dương ngay trong tháng 6 đã ghé cảng Singapore rồi Colombo, Sa’id (Ai Cập). Ngày 6-7-1911, sau một tháng vượt biển, tàu đến nước Pháp. Ở đây, Nguyễn Tất Thành tận mắt chứng kiến ở nước Pháp cũng có những người nghèo như ở Việt Nam. Anh trăn trở: “Tại sao người Pháp không “khai hoá” đồng bào của nước họ trước khi đi “khai hoá” chúng ta”.

Làm phụ bếp trên tàu nhưng khát vọng được học tập để mở mang vẫn cháy bỏng. Ngày 15-9-1911, Nguyễn Tất Thành viết đơn gửi Tổng thống Pháp trình bày nguyện vọng muốn vào học Trường Thuộc địa. Đơn có đoạn viết: “…Tôi rất ham học. Tôi muốn sẽ trở nên có ích cho nước Pháp đối với các đồng bào của tôi, đồng thời có thể giúp họ hưởng được những ân huệ của giáo dục...”.

Thế nhưng nước Pháp không văn minh và bác ái như khẩu hiệu, lá đơn được quay về thuộc địa và người ta vì dị ứng với việc Người tham gia biểu tình năm 1908 đã bác bỏ nguyện vọng đó.

Giữa tháng 10 năm ấy, theo hành trình, con tàu Amiral Latouche Tréville quay trở về Sài Gòn rồi lại ra đi. Sổ lĩnh lương tàu mà bản chụp hiện còn lưu tại Viện Hồ Chí Minh ghi rõ, Người nhận lương tại Sài Gòn, ngày 16-10-1911. Dù làm việc vất vả nặng nhọc, có thể mất mạng bất cứ lúc nào, nhưng mức lương lại rất bèo bọt. Sổ ghi, sau khi đóng tiền ăn, tiền nộp cho cai bếp, góp vào quỹ bảo hiểm cho thủy thủ người Pháp thì chỉ còn nhận được vỏn vẹn 10 franc.

Có một chi tiết thật xúc động, theo chính Hồ sơ của Chánh mật thám ghi lại: Nhận lương ít ngày thì ngày 31-10-1911, từ Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho Khâm sứ Trung Kỳ, nhờ chuyển số tiền 15 đồng cho cha là Nguyễn Sinh Huy. Số tiền trên đã được ông Nguyễn Sinh Huy ký nhận ngày 9-11-1911.

Giọt nước mắt bác ái rớt giữa đại dương

Bước sang năm 1912, con tàu tiếp tục hành trình đi vòng quanh châu Phi, đã có dịp dừng lại ở những bến cảng của một số nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Algeria, Tunisia, Democratic Republic of the Congo, Dahomey, Senegal, Réunion…

Đến đâu, Nguyễn Tất Thành cũng thấy cảnh khổ cực của người lao động dưới sự áp bức bóc lột dã man, vô nhân đạo của bọn thống trị. Đến Dacar, bể nổi sóng rất dữ. Tàu không thể vào bờ. Cũng không thể thả ca nô xuống vì sóng to. Để liên lạc với tàu, bọn Pháp trên bờ bắt những người da đen phải bơi ra. Một, hai, ba, bốn người da đen nhảy xuống nước. Người này đến người kia, họ bị sóng bể cuốn đi.

Cảnh tượng đó làm cho Nguyễn Tất Thành hết sức đau xót, anh khóc. Hỏi tại sao, anh buồn rầu trả lời: “Những người Pháp ở Pháp phần nhiều là tốt. Song những người Pháp thực dân rất hung ác và vô nhân đạo”.

Anh kể lại điều anh từng trông thấy trên bờ biển Phan Rang, Phan Thiết trước lúc ra đi: “Ở ta, tôi cũng thấy những chuyện như thế xảy ra ở Phan Rang. Bọn Pháp cười sặc sụa trong khi đồng bào ta chết đuối vì chúng nó. Đối với bọn thực dân, tính mạng của người thuộc địa, da vàng hay da đen cũng không đáng một xu”.

Bóng tối dưới chân tượng nữ thần tự do

Cuối năm 1912, Nguyễn Tất Thành theo con tàu đến Mỹ. Điện tín của Chánh mật thám Sài Gòn sau này ghi lại: Ngày 15-12-1912, từ New York, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho Khâm sứ Trung Kỳ nhờ cho biết tình hình và địa chỉ của cha. Thư cho biết, anh đã gửi cho cha mình ba ngân phiếu nhưng mới chỉ nhận được một lần trả lời.

Thời gian ở Mỹ, Người dành một phần thời gian để lao động kiếm sống, còn phần lớn thời gian dành cho học tập, nghiên cứu. Nữ tác giả Josephine Stenson, một nhà sử học người Mỹ đã tự bỏ tiền túi ra để đi khắp những nơi mà Bác Hồ đặt chân tìm hiểu, sau này đã phát biểu sâu sắc về Bác Hồ tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1990) ở Hà Nội.

Bà viết: “…Tôi nghĩ ngay đến Tượng thần Tự do ở quê hương tôi. Tôi là nhà sử học, tôi đã lật ra xem những trang ghi cảm tưởng của mọi chính khách khi họ đến tham quan và chiêm ngưỡng Tượng thần Tự do và ca ngợi thần Tự do, Nguyễn Tất Thành khi đến New York cũng đã đến chiêm ngưỡng Tượng thần Tự do và mọi chính khách, sau khi đã đến tham quan thần Tự do đều ghi cảm tưởng bằng những lời ca ngợi Ngôi sao tỏa sáng trên vòng Nguyệt quế là ánh sáng tự do... Duy chỉ có Nguyễn Tất Thành đến xem thần Tự Do nhưng nhìn xuống dưới chân tượng và ghi “Ánh sáng trên đầu thần Tự Do tỏa rộng khắp trời xanh, còn dưới chân Tượng thần Tự Do thì người da đen đang bị chà đạp. Bao giờ người da đen được bình đẳng với người da trắng? Bao giờ có sự bình đẳng giữa các dân tộc? Và bao giờ người phụ nữ được bình đẳng với nam giới?”. Duy nhất chỉ có Nguyễn Tất Thành nhìn xuống chân Tượng thần Tự do và ghi lại những ý kiến trên. Nguyễn Tất Thành nhìn số phận con người chứ không chiêm ngưỡng hào quang tỏa sáng từ bức Tượng thần Tự do".

Học tập khát vọng cháy bỏng

Lao động vất vả nhưng khát vọng học tập luôn cháy bỏng trong Nguyễn Tất Thành. Cùng với bức thư gửi cho cha, anh còn gửi một bức thư cho anh trai Nguyễn Sinh Khiêm (thời kỳ này đang giúp việc vặt ở Toà Khâm sứ Trung Kỳ), nhờ xin cho vào học Trường Thuộc địa tại Pari. Nhưng kết quả không khả quan hơn, vẫn với sự kỳ thị, toàn quyền trả lời: “…ông chủ sự giáo dục Trung Kỳ, được hỏi ý kiến đã cho biết người thanh niên này đã bắt đầu học Trường Quốc học Huế, nay qua làm bồi ở Pháp, có thể tiếp tục học ở một trường tại thuộc địa trước khi có tham vọng trở thành sinh viên ở Pháp”.

Đầu năm 1913, Nguyễn Tất Thành theo tàu rời Mỹ trở về Pháp, sau đó sang Anh.

Đến nước Anh, lên bờ, làm gì để sinh sống là một câu hỏi quá khó khăn giữa thủ đô London hoa lệ. Nguyễn Tất Thành nhận cào tuyết cho một trường học. Công việc quá vất vả mệt nhọc, anh đành phải bỏ việc. Anh tìm được một việc khác là đốt lò. Từ 5 giờ sáng, anh đã phải chui xuống hầm để nhóm lửa, suốt ngày đổ than, thay than trong lò, sống trong cảnh tranh tối tranh sáng, ngột ngạt đáng sợ.

Nhưng cũng ngay từ những ngày đầu tiên đến nước Anh, Nguyễn Tất Thành bắt tay ngay vào việc học ngoại ngữ. Hằng ngày, sáng sớm và buổi chiều, trước và sau giờ lao động để kiếm tiền sống, anh miệt mài tự học. Hằng tuần, vào ngày nghỉ, anh học tiếng Anh với một giáo sư người Ý.

Giữa năm ấy, từ nước Anh, Nguyễn Tất Thành gửi thư cho cụ Phan Châu Trinh ở Pháp. Bức thư cho thấy anh rất quyết tâm học ngoại ngữ: "Mấy bốn tháng rưỡi nay thì chỉ làm với Tây, nói tiếng Tây luôn luôn. Tuy ở Anh nhưng chẳng khác gì ở Pháp và tháng ngày luống những chỉ lo làm việc khỏi đói, chớ chẳng học được bao nhiêu. Và cháu ước ao rằng bốn, năm tháng nữa, lúc gặp bác thì sẽ nói và hiểu được tiếng Anh nhiều nhiều…”.

 Gác lại những niềm riêng

Cuối năm 1913, việc đốt lò vất vả khiến Nguyễn Tất Thành ốm nặng, bị cảm, phải xin nghỉ việc. Bình phục, Nguyễn Tất Thành đến làm thuê ở khách sạn Drayton Court rồi sang làm phụ bếp ở khách sạn Carlton, một khách sạn sang nổi tiếng ở London, dưới sự điều khiển của vua đầu bếp người Pháp Escophier.

Hằng ngày, anh để riêng những thức ăn còn sạch sẽ, có lúc là một phần tư con gà hoặc còn nguyên cả miếng bít tết để đưa lại cho nhà bếp. Vua đầu bếp hỏi tại sao không vứt đi như những người khác, anh trả lời: "Ông có thể cho người nghèo những thứ ấy". Ông ta tỏ ra cảm phục và nói: "Tạm thời anh hãy gác ý nghĩ cách mạng của anh lại một bên, và tôi sẽ dạy cho anh cách làm bếp, làm ngon và anh sẽ được nhiều tiền".

Từ đó, Nguyễn Tất Thành được ông vua bếp đưa vào chỗ làm bánh với số lương cao hơn. Mọi người cho biết lần đầu tiên ông vua bếp làm như thế!

Nhà văn, nhà sử học, Giám đốc Trung tâm lưu trữ, Thư viện Marx, Vương quốc Anh John Callow cho rằng, chính trong thời gian ở London, Hồ Chí Minh đã đọc các tác phẩm của Marx và Engels, được in rất rẻ tại Nhà in Thế kỷ Hai mươi thuộc Đảng Dân chủ Xã hội Anh. Bốn năm ở London đã góp phần rất nhiều trong việc hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh.

Cuối năm 1917, Nguyễn Tất Thành đã từ Anh trở lại Pháp để có điều kiện trực tiếp hoạt động trong phong trào Việt kiều và phong trào công nhân Pháp, tiếp tục hành trình tìm đường cứu nước của mình.

Hành trình 6 năm đầu tìm hình của nước ở tuổi 20, Người đã phải trải qua đủ mọi đắng cay, một mình dặm trường nơi đất khách quê người, phải gác lại những tình cảm riêng tư như nhà sử học người Mỹ ghi lại: “…một số sĩ quan Anh-Mỹ trong đội quân của đồng minh khi sang Đông Dương đóng ở Cao Bằng có dịp tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tác giả tập hồi ký “Tôi sống cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những ngày đầu khởi nghĩa”. Chúng tôi có hỏi - không phải tò mò mà trên danh nghĩa là đàn ông với nhau, tại sao Chủ tịch không lấy vợ, không lập gia đình? Hồ Chí Minh trả lời một cách chân tình và thân mật: Khi còn trẻ phải đi hoạt động cách mạng, khi giành được độc lập thì đã già, nên không dám tính chuyện đó. Trước khi tôi ra đi, tôi có yêu một người con gái, người con gái đó cũng rất yêu tôi. Nhưng phải dừng lại về chuyện yêu đương, sau nhiều năm mất liên lạc, tôi không biết người con gái đó đang ở đâu, còn hay mất”.
 

Nguồn tin: Báo Quân đội Nhân dân

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây