Tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ
- Chủ nhật - 20/10/2019 03:27
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đại biểu phụ nữ các dân tộc tỉnh Hà Giang về thăm Hà Nội
vui mừng được gặp Bác Hồ, ngày 25/11/1965.
Hồ Chí Minh tố cáo tội ác của thực dân, phong kiến đối với phụ nữ Việt Nam
Dưới chế độ thực dân nửa phong kiến, nhân dân bị áp bức, bóc lột nặng nề thì phụ nữ càng bị áp bức, bóc lột nặng nề hơn. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra nguyên nhân kinh tế - xã hội đẩy người phụ nữ vào cảnh cơ cực. Trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, ở chương XI “Nỗi khổ nhục của người phụ nữ bản xứ", Người khẳng định: “Thật là một sự mỉa mai đau đớn khi thấy rằng nền văn minh - dưới nhiều hình thức khác nhau như tự do, công lý v.v., được tượng trưng bằng hình ảnh dịu hiền của một người phụ nữ và được một hạng người tự cho là phong nhã ra sức điểm tô - lại đối xử một cách hết sức bỉ ổi với người phụ nữ bằng xương, bằng thịt và xúc phạm tới phong hoá, trinh tiết và đời sống của họ một cách cực kỳ vô liêm sỉ”(1). Bị tước đoạt quyền sở hữu về tư liệu sản xuất, phụ nữ chỉ có cách bán sức lao động cho bọn chủ nhà máy, chủ đồn điền. Sức lao động rẻ mạt của phụ nữ và trẻ em đã mang lại những món lợi nhuận kếch xù cho bọn tư bản độc quyền Pháp. Hồ Chí Minh đã cho rằng, người nông dân mà chủ yếu là phụ nữ là lực lượng bị bóc lột nhiều nhất: “Dưới chế độ cũ, ngoài thuế thân và thuế ruộng nặng nề, nông dân ta còn phải chịu nhiều sự bóc lột khác. Lúc đó nông dân ta làm lụng đổ mồ hôi, sôi nước mắt để đóng thuế, để làm giàu cho bọn thực dân và phong kiến, mà tự mình và gia đình mình thì suốt đời đói rách lầm than.”(2)
Trong khi đó chủ nghĩa tư bản rêu rao chiêu bài tự do, bình đẳng, bác ái, đó chỉ là hình thức mị dân của chủ nghĩa tư bản để trang điểm cho cái huy chương mục nát của nó chứ thực ra là dân một nước thuộc địa thì chẳng bao giờ được hưởng điều đó cả. Về vấn đề này, trong bài viết “Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của Pháp", Người tố cáo: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó, đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó, đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ, lại càng bỉ ổi hơn nữa.”(3)
Chủ nghĩa thực dân đã gây ra bao cảnh tang tóc đau thương cho phụ nữ, thói dâm bạo thực dân là hiện tượng phổ biến và tàn ác không thể tưởng tượng được, giá trị của cái gọi là sứ mạng khai hóa là nỗi khổ của chị em ở thuộc địa. Chúng đã dùng mọi thủ đoạn dã man nhất để gọi là “Trừng phạt’’ mỗi khi phụ nữ “Phạm tội’’ như: phải mang nặng gông xiềng đi quét đường vì tội không nộp thuế, bị bắt giam vì tội “Vi phạm luật thương chính” (không mua rượu và thuốc phiện của bọn thực dân) có nơi bọn cai trị còn dùng những hình phạt đau đớn nhất đối với phụ nữ như bắt đội đá trên đầu đứng nắng cả ngày. Cái tinh vi của nền văn minh hiếu sát của chúng càng cho phép chúng tưởng tượng được đến đâu thì chúng càng lạnh lùng tàn ác đến đó. Chúng thiêu sống người già, giết chết trẻ em, hãm hiếp phụ nữ vô cùng man rợ. “Tới thôn nào, xã nào, địch cũng cướp phá của cải, hãm hiếp đàn bà, con trẻ, đánh giết cụ già.”(4)
Tư tưởng “trọng nam khinh nữ” được chủ nghĩa thực dân biện bạch là hợp lý, là không thay đổi được. Những phong tục tập quán lạc hậu, cổ hủ, đạo đức phong kiến “Tam tòng tứ đức” được khuyến khích duy trì để trói buộc đày đọa, chà đạp lên tình cảm của phụ nữ. Vì vậy, người phụ nữ không những bị hành hạ, thiếu thốn về vật chất mà còn cả tinh thần, tình duyên dang dở, chịu cảnh lẻ mọn làm thiếp, bị gia đình chồng ngược đãi, đánh đập. Giai cấp thống trị còn ra sức đặt thêm nhiều luật lệ duy trì những tập quán hủ bại để ngăn cấm chị em tham gia hoạt động chính trị, xã hội. Chúng cấm chị em không cho tham gia bộ máy chính quyền các cấp, hạn chế việc học tập, đào tạo nghề cho phụ nữ, kìm hãm sự phát triển trí tuệ, tài năng của họ. Chúng muốn biến phụ nữ thành lớp người u mê đần độn để dễ dàng sai bảo và tự do bóc lột sức lao động của họ.
Hồ Chí Minh sớm chỉ ra sự cần thiết phải giải phóng phụ nữ Việt Nam
Người đã từng nghiên cứu và rút ra kết luận: “Ông Các Mác nói rằng: “Ai đã biết lịch sử thì biết rằng muốn sửa sang xã hội mà không có phụ nữ giúp vào, thì chắc không làm nổi. Xem tư tưởng và việc làm của đàn bà con gái, thì biết xã hội tiến bộ ra thế nào?”. Ông Lênin nói: “Đảng cách mệnh phải làm sao dạy cho đàn bà nấu ăn cũng biết làm việc nước, như thế cách mệnh mới gọi là thành công”. Những lời ấy không phải câu nói lông bông. Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà con gái tham gia.” (5) Quán triệt và vận dụng quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về vai trò và tính tất yếu phải giải phóng phụ nữ, Hồ Chí Minh đã sớm nhận thấy khả năng cách mạng to lớn của phụ nữ, vì phụ nữ là một lực lượng cơ bản trong xã hội, sự tham gia của họ là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh cách mạng của cả dân tộc. Khi bàn tới vấn đề giải phóng phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng khẳng định giải phóng phụ nữ là một mục tiêu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng loài người, sự nghiệp đó được mở ra từ thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917: “Hôm nay, chúng tôi ở đây để làm lễ kỷ niệm cuộc Cách mạng vĩ đại nhất mà lịch sử đã chứng kiến: Cuộc Cách mạng Nga. Chính nhờ cuộc cách mạng này mà cơ sở của quyền tự do chân chính và quyền bình đẳng thực sự đã được đặt ra cho loài người. Chính nhờ cuộc cách mạng này mà sự giải phóng phụ nữ sẽ có giá trị và có những ý nghĩa đầy đủ, trọn vẹn.” (6)
Vấn đề này, ở Việt Nam được Người khẳng định trong tác phẩm Đường cách mệnh: “An Nam cách mệnh cũng phải có nữ giới tham gia mới thành công, mà nữ giới An Nam muốn cách mệnh thì phải theo Phụ nữ Quốc tế chỉ bảo” (tập 2, tr.315). Người chứng minh bằng thực tiễn cách mạng Việt Nam: “Đây Bác nói về các cháu gái. Trong chiến đấu, các cháu gan lắm... Bây giờ ở miền Nam có bà Phó Tổng tư lệnh Quân giải phóng là người đảng viên rất tốt. Riêng ở miền Bắc, các cô, các chú thấy lúc bắn máy bay, các cháu gái rất gan, các cháu 17, 18 tuổi gan lắm, lại mưu trí nữa. Đây là nói chiến đấu, còn sản xuất cũng có rất nhiều gương tốt. Có chỗ ông chủ nhiệm đi bộ đội, công việc do cháu gái làm, làm lại tốt hơn trước kia, nhưng óc trọng nam khinh nữ chưa phải đã hết. Tinh thần tự ti vẫn còn không phải ít” (7).Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa đánh giặc cứu dân. Cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.” (8)
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đánh giá cao vị trí, vai trò của người phụ nữ mà còn rất coi trọng sự nghiệp giải phóng phụ nữ trong toàn bộ sự nghiệp cách mạng. Theo Người, trình độ giải phóng phụ nữ được coi là thước đo của trình độ phát triển xã hội. Bởi, “Nói phụ nữ là nói phân nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội một nửa.” (9) Đồng thời, Người chỉ ra mối quan hệ biện chứng giữa yêu cầu phát triển xã hội với vấn đề giải phóng phụ nữ. Công cuộc giải phóng phụ nữ không chỉ đơn thuần là coi trọng nữ giới với tư cách là lực lượng cách mạng, mà còn thể hiện tinh thần nhân văn cao cả, tất cả vì con người, lấy con người làm điểm xuất phát, là mục tiêu của mọi tư tưởng, mọi hành động. Và Người coi đây là vấn đề quan trọng: “Một điểm quan trọng nữa là vấn đề giải phóng phụ nữ. Kinh tế của ta càng phát triển, nhà ăn công cộng càng thêm nhiều, thì phụ nữ sẽ rảnh rang để tham gia lao động. Như vậy, phụ nữ mới thật được giải phóng, nam nữ mới thật là bình quyền.” (10)
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đưa ra quan điểm về mục tiêu giải phóng phụ nữ là giải phóng một cách toàn diện. Người đi sâu vào chỉ rõ giải phóng con người, vì con người là mục tiêu cao cả của cuộc cách mạng vô sản, mà ở đó phụ nữ là điểm trung tâm. Có thể thấy, vị trí, vai trò của người phụ nữ là rất quan trọng, thể hiện ở cả vai trò duy trì nòi giống và cả trên lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Trong Thư gửi phụ nữ nhân kỷ niệm chiến thắng Hai Bà Trưng và ngày Quốc tế phụ nữ 08-3-1952, Hồ Chí Minh cũng khẳng định: “Non sông gấm vóc nước Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cũng như già ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ.”(11) Người khẳng định vai trò của phụ nữ; đồng thời Người muốn hướng tới mục tiêu đưa phụ nữ Việt Nam ta đến với việc giải phóng toàn diện trong mọi mặt của đời sống xã hội.
Giải phóng phụ nữ theo Hồ Chí Minh là phải giành cho được các quyền của phụ nữ, như quyền bình đẳng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... Người cho rằng: “Đàn bà cũng được tự do. Bất phân nam nữ cũng cho bình quyền” (12). Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959 do Người chỉ đạo soạn thảo đã khẳng định rõ: “Phụ nữ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”. Trong Bài nói với đồng bào và cán bộ tỉnh Thái Bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Phải đặc biệt chú ý đến sức lao động của phụ nữ. Phụ nữ là đội quân lao động rất đông. Phải giữ gìn sức khỏe cho phụ nữ để tham gia sản xuất được tốt”(13). Và phụ nữ có quyền bình đẳng trong hôn nhân và gia đình, điều này thể hiện cụ thể trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959. Trong bài Phải thật sự tôn trọng quyền lợi của phụ nữ, Người nhấn mạnh: “Phụ nữ chiếm một nửa tổng số nhân dân. Để xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải thật sự giải phóng phụ nữ và tôn trọng quyền lợi của phụ nữ. Hiến pháp và pháp luật của nước ta đã quy định rõ điều đó. Ví dụ: Hiến pháp điều 24 nói: Phụ nữ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình. Luật Hôn nhân và gia đình, điều 1 nói: Nhà nước đảm bảo... nam nữ bình đẳng, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ... Điều 12 nói: Trong gia đình, vợ chồng đều bình đẳng về mọi mặt. Điều 3 nói: Cấm... đánh đập hoặc ngược đãi vợ.”(14)
Bác Hồ với đại biểu dự Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3/1961.
Theo Hồ Chí Minh, giải phóng phụ nữ là công việc của toàn Đảng, toàn xã hội và của nhân dân, giải phóng đàn bà đồng thời phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông; phụ nữ còn phải được học văn hóa, được giáo dục - đào tạo thành những công dân chủ nghĩa xã hội. Giải phóng phụ nữ vừa là mục tiêu, vừa là động lực trong sự nghiệp giải phóng của cách mạng. Vì vậy, Người yêu cầu: “Luật lấy vợ lấy chồng sắp đưa ra Quốc hội là một cuộc cách mạng, là một bộ phận của cách mạng xã hội chủ nghĩa. Vì vậy phải đứng trên lập trường vô sản mà hiểu nó. Nếu đứng trên lập trường phong kiến hay là tư sản, tiểu tư sản mà hiểu luật ấy thì không đúng. Luật lấy vợ lấy chồng nhằm giải phóng phụ nữ, tức là giải phóng phân nửa xã hội. Giải phóng người đàn bà, đồng thời phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông. Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh.”(15)
Tuy nhiên, để giải phóng phụ nữ, thực hiện bình đẳng nam nữ trong gia đình, Hồ Chí Minh cho rằng đây là một việc không đơn giản, không phải đánh đổ được thực dân phong kiến, giành độc lập dân tộc là nam nữ bình đẳng, càng không phải là chia đều cho công việc giữa nam và nữ. Trong bài viết Nam nữ bình quyền, Người viết: “Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ: hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách mạng khá to và khó. Vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội. Vì không thể dùng vũ lực mà tranh đấu."(16)
Cuộc đấu tranh giành bình quyền, bình đẳng cho phụ nữ trước hết là cuộc đấu tranh về nhận thức, đấu tranh chống lại các thói quen lâu đời và cuộc đấu tranh này diễn ra ở mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng “vũ lực” của cuộc cách mạng này là sự tiến bộ về chính trị, văn hóa, kinh tế, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình đến toàn dân, có nghĩa là giải phóng phụ nữ phải đặt trong công cuộc phát triển toàn diện của xã hội, vì có tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hóa, pháp luật, mới tạo được tiền đề căn bản cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ trở thành hiện thực.
Để cho phụ nữ có quyền bình đẳng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cần đưa phụ nữ vào các hoạt động chính trị, xã hội, vì đó là hai môi trường thuận lợi để phụ nữ khẳng định, phát huy hết khả năng, phát huy khả năng vốn có của mình. Muốn làm được như vậy trước hết phải tôn trọng, quan tâm đến phụ nữ, chú ý đến tính đặc thù của phụ nữ. Đồng thời phải thực hiện sự phân công sắp xếp lại lao động xã hội, tổ chức lại đời sống để phụ nữ có thời gian học tập và tham gia công tác xã hội. Tất cả những biện pháp đó phải được thể chế hóa bằng pháp luật. Người cho rằng, sự nghiệp giải phóng phụ nữ không dừng lại ở lý luận, tư tưởng mà quan trọng hơn là phải bằng những giải pháp, chính sách cụ thể tạo điều kiện để phụ nữ tham gia vào mọi mặt của đời sống xã hội đem lại quyền lợi vật chất, tinh thần cho phụ nữ. Như vậy, nâng cao trình độ cho phụ nữ, đấu tranh chống lại những tư tưởng bảo thủ, coi thường phụ nữ, chăm lo xây dựng gia đình mới là phương thức tích cực giải phóng phụ nữ khỏi những công việc gia đình nặng nhọc, tạo những điều kiện cho chị em tích cực tham gia phong trào cách mạng, hoàn thành tốt chức năng của người công dân.
Nhận thức được vấn đề trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các cấp phải hết lòng giúp đỡ phụ nữ để chị em tiến bộ về mọi mặt. Việc phát triển phong trào phụ nữ gắn liền với việc cất nhắc cán bộ nữ vào các cơ quan cấp cao, nhất là ngành thích hợp với phụ nữ, Người căn dặn: “Có cất nhắc cán bộ phụ nữ nhưng chưa mạnh dạn, tức là còn phần nào chưa coi trọng trí tuệ, tài năng phụ nữ. Vậy phụ nữ phải làm sao cho người ta thấy phụ nữ giỏi, lúc đó cán bộ không cất nhắc, anh chị em công nhân sẽ cử mình lên”(17). Đồng thời, Người còn phê bình: “Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai. Hiện nay, có nhiều phụ nữ tham gia công tác lãnh đạo ở cơ sở. Nhiều người công tác rất giỏi. Có cháu gái làm chủ nhiệm hợp tác xã toàn thôn, không những hăng hái mà còn làm tốt. Các cháu gái ở các hợp tác xã thường có nhiều ưu điểm: ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách mệnh lệnh như một số cán bộ nam.”(18)
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ không chỉ thấm đượm bản chất nhân văn, nhân đạo sâu sắc mà còn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ Việt Nam những năm qua. Quán triệt và thực hiện tư tưởng Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ hiện nay, trước mắt và cả lâu dài, toàn Đảng, toàn dân ta và bản thân người phụ nữ phải tiếp tục “Nâng cao trình độ mọi mặt và đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ; thực hiện tốt bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển tài năng. Nghiên cứu, bổ sung và hoàn thiện luật pháp và chính sách đối với lao động nữ, tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ thực hiện tốt vai trò và trách nhiệm của mình trong gia đình và xã hội. Kiên quyết đấu tranh chống các tệ nạn xã hội và xử lý nghiêm minh theo pháp luật các hành vi bạo lực, buôn bán, xâm hại nhân phẩm phụ nữ” (tr.163).
Dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, phụ nữ Việt nam đã được giải phóng và bình quyền và ngày càng phát triển, đồng thời nhìn lại những chặng đường lịch sử đã qua của dân tộc để cảm thấy tự hào về những gì mà phụ nữ Việt Nam đã làm, cống hiến xả thân vì nền Độc lập tự do của Tổ quốc, vì Chủ nghĩa Xã hội... Trong những phong trào cách mạng đó, phụ nữ Việt nam đã có nhiều tấm gương anh hùng chiến đấu, lao động sản xuất, những chiến sỹ thi đua, những tấm huân chương, những giải thưởng khoa học là bằng chứng ghi nhận công lao đóng góp của chị em phụ nữ, dấu ấn ghi đậm truyền thống phụ nữ Việt Nam giỏi việc nước, đảm việc nhà. Để từ đó nhận thức và xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ kính yêu, phụ nữ Việt Nam ngày càng nhận rõ vinh dự, vai trò trách nhiệm của mình, không ngừng học tập, rèn luyện phấn đấu vươn lên để nâng cao trình độ chính trị, năng lực chuyên môn và mọi mặt đời sống, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Chứng minh rằng phụ nữ Việt Nam không chỉ là người mẹ hiền đảm đang giữ gìn hạnh phúc gia đình, mà còn là những nhà khoa học, những vị lãnh đạo tài năng có những cương vị cao trong các cơ quan Đảng và Nhà nước từ cơ sở đến Trung ương, xứng đáng với sự quan tâm và tin tưởng của Bác Hồ kính yêu./.
--------------------
(1). (5), (6) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2011, tr.118; tr.313; tr.7
(2). (4), (17) Sđd, tập 10, tr.516; tr.26; tr.537
(3). Sđd, tập 1, tr.115
(7). (8), (13), (18) Sđd, tập 15, tr.21; tr.72; tr.259; tr.275
(9). (14), (15) Sđd, tập 12, tr.300; tr.705; tr.301
(10). Sđd, tập 13, tr.152
(11). (16) Sđd, tập 7, tr.340; tr.342
(12). Sđd, tập 3, tr.243
(19). Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự Thật, Hà Nội, 2016, tr.163.
Nguyễn Bảo Minh