Tư tưởng Hồ Chí Minh về kinh tế tư bản tư nhân và việc tạo điều kiện phát triển cho khu vực kinh tế tư nhân hiện nay
- Thứ tư - 13/10/2021 04:18
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Bác Hồ với giới công thương năm 1946. Ảnh tư liệu
Từ lời dạy của Người…
Trong thư gửi giới công thương Việt Nam Người đã viết: “Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà, thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng. Chính phủ, nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới công thương trong công cuộc kiến thiết này”.
Năm 1953, trong tác phẩm “Thường thức chính trị”, Người đã phân tích các thành phần kinh tế ở Việt Nam có kinh tế quốc doanh, kinh tế hợp tác xã, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế cá nhân của nông dân, kinh tế tư bản của tư nhân. Kinh tế tư bản tư nhân: “Họ bóc lột công nhân nhưng đồng thời họ cũng góp phần vào xây dựng kinh tế… Tư là những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghệ. Đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà. Cho nên, Chính phủ cần giúp họ phát triển. Nhưng họ phải phục tùng sự lãnh đạo của kinh tế quốc gia, phải hợp với lợi ích của đại đa số nhân dân.
… đến những chính sách quan trọng
Những tư tưởng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này đã được hiện thực hóa, đặc biệt là từ Đại hội VI Đảng Cộng sản Việt Nam (12.1986). Qua 35 năm đổi mới, Đảng thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XI, Đảng ta xác định: “Doanh nghiệp là lực lượng chủ lực, xung kích trong sự nghiệp phát triển kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”. Nghị quyết của Hội nghị Trung ương lần thứ 9 cũng đã khẳng định doanh nhân là một trong bốn lực lượng chủ yếu trong thời kỳ mới của cách mạng: “Bổ sung và hoàn chỉnh chủ trương, biện pháp xây dựng giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức và doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”.
Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XII đã ban hành Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân, với mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đưa kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng, tỉ trọng GDP.
Vừa qua, Báo cáo chính trị Đại hội XIII nhấn mạnh: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam có nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, trong đó: Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác không ngừng được củng cố, phát triển; kinh tế tư nhân là động lực quan trọng; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng được khuyến khích phát triển phù hợp với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội”.
Qua đây, một lần nữa kinh tế tư nhân được khẳng định là một bộ phận quan trọng trong tiến trình kinh tế của đất nước. Đây là sự kế thừa giữa tư duy, nhận thức, tư tưởng Hồ Chí Minh về vài trò của giới công thương và quá trình đúc rút kinh nghiệm thực tế của Đảng và Nhà nước ta.
Và thành tựu đạt được trong công cuộc hội nhập
Có thể thấy rằng, hành trình 35 năm đổi mới vừa qua, chúng ta đã ghi nhận nhiều thay đổi cơ bản về chính sách hỗ trợ và diện mạo khu vực kinh tế tư nhân.
Cùng với những điều chỉnh nhận thức và cải thiện thể chế kinh tế thị trường, thừa nhận và bảo hộ quyền sở hữu tư nhân, quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng giữa các doan nghiệp, không phân biệt thành phần kinh tế, khu vực kinh tế tư nhân từ bị phủ định và kiểm soát chặt chẽ trong mô hình kinh tế tập trung bao cấp, đã và đang từng bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng gia tăng về lượng, mở rộng về quy mô, đa dạng về loại hình tổ chức và lan tỏa ngày càng sâu, rộng về phạm vi, lĩnh vực kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh và ngày càng trở thành động lực quan trọng, đóng góp vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, khẳng định tính tự chủ của nền kinh tế và phát triển bền vững đất nước.
Hiện nay, trước làn sóng cạnh tranh thương mại toàn cầu, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, Việt Nam đã và đang tham gia hội nhập sâu rộng vào các lĩnh vực quốc tế, trở thành bộ phận cấu thành của chỉnh thể thế giới. Chúng ta đã chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng, cùng có lợi". Trong những thành tựu đó, khu vực kinh tế tư nhân đã có những đóng góp đáng kể.
Tuy nhiên, hiện nay mặt trái của hội nhập quốc tế và những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đang trở thành rào cản lớn đối với khu vực kinh tế tư nhân. Để khắc phục, tạo điều kiện hoàn thiện và phát triển khu vực kinh tế này ngang tầm với vai trò cần phải có những quyết sách mạnh mẽ, chiến lược hơn nữa. Trong đó, đặc biệt là thúc đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với cơ cấu là các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân. Thực hiện đúng chính sách bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, khuyến khích và mở rộng các hình thức hợp tác, liên kết, tạo mối quan hệ hợp tác, cạnh tranh có lợi. Tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa hơn nữa luật đất đai, Luật doanh nghiệp, luất đầu tư, Luật môi trường, quy định rõ việc thành lập và hoạt động các tổ chức Đảng, đoàn thể trong doanh nghiệp, có cơ chế chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện kinh tế tư nhân tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế. Xây dựng hành lang pháp lý bảo vệ các doanh nghiệp phát triển thương hiệu. Đổi mới và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân theo hướng kiến tạo, tạo môi trường đầu tư và kinh doanh thuận lợi nhất để kinh tế tư nhân phát triển; xóa bỏ mọi rào cản, gây khó dễ, bất bình đẳng. Coi việc tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển là thước đo về hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước về kinh tế.
Bên cạnh đó, việc làm tốt công tác tư tưởng, thống nhất nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cần phải được chú trọng. Đồng thời, cần thống nhất nhận thức rằng, sự ghi nhận và khẳng định đóng góp của kinh tế tư nhân dù quan trọng thế nào đối với phát triển kinh tế, xã hội ở nước ta hiện nay, không phải là căn cứ để “lấy kinh tế tư nhân làm trung tâm”. Nêu cao tinh thần cảnh giác đấu tranh trước âm mưu, thủ đoạn lợi dụng chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân để cổ xuý cho tư nhân hóa nền kinh tế nước ta, hòng làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa trong sự phát triển của đất nước./.
Tùng Lâm
Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ chí Minh